Nhận biết chiêu thao túng tâm lý của mỹ phẩm gắn mác “thiên nhiên”
Khi bạn chọn sử dụng các sản phẩm chăm sóc da mang yếu tố thiên nhiên, bạn cảm thấy tự tin vì cho rằng chúng an toàn cho da. Nhưng khi trải nghiệm, nhiều người nhận ra có sự khác biệt giữa các phản ứng trên da và cũng có thiên nhiên “this” và thiên nhiên “that”. Mùa mua sắm cuối năm đã đến và mỹ phẩm chắc hẳn là thứ bạn sẽ để tâm. Vì vậy, trước khi hoa mắt bởi những cụm từ hoa mỹ, hãy khám phá "hậu trường" của mỹ phẩm thiên nhiên để tiêu tiền đúng nhu cầu bạn nhé.
Ai công nhận khái niệm “thiên nhiên” trong mỹ phẩm?
Bạn luôn thấy bảng thành phần của các mỹ phẩm “thiên nhiên” đầy những loại hợp chất. Trong khi đó, thành phần thiên nhiên thì lẩn khuất đâu đó dưới nhiều từ ngữ chuyên môn khó hiểu. Khác với thực phẩm vốn có thể xem cụ thể như 90% dịch óc chó, hay 100% sữa bò tươi… hầu như trên nhãn mỹ phẩm thiên nhiên, bạn sẽ hiếm khi biết chúng “thiên nhiên” đến độ nào. Điều này bắt nguồn từ việc chính các cơ quan quản lý cũng chưa quyết liệt xác định các định lượng này ra sao. FDA (Hoa Kỳ) và EFSA (Châu Âu) có rất ít quy định về các thành phần tự nhiên trong mỹ phẩm.
Hiện tại, một số thương hiệu mỹ phẩm cao cấp đã công khai các thành phần tự nhiên có trong sản phẩm (dù các hãng này không tự gọi mình là mỹ phẩm thiên nhiên). Đơn cử như Chanel tuyên bố dòng Chanel No.1 có công thức chứa đến 97% thành phần có nguồn gốc tự nhiên và 76% thành phần được tách chiết từ hoa trà. Sulwhasoo công bố số liệu cần 600kg quả nhân sâm để chiết suất 1 gram hợp chất chống lão hóa trong các sản phẩm The Ultimate S, Guerlain với công thức chứa 96% nguồn gốc từ thiên nhiên…
Sở dĩ có số liệu này vì các thương hiệu kể trên có phòng nghiên cứu riêng với các chuyên gia đầu ngành. Và các hãng này còn công bố cả kết quả của sản phẩm trên da để chứng minh những thành phần này có hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy không phải mỹ phẩm có yếu tố thiên nhiên nào cũng đưa ra những thông tin rõ ràng như thế cho người tiêu dùng.
Bác sĩ da liễu Ebru Karpuzoglu cho biết bởi vì không có quy định về thuật ngữ “thiên nhiên”, bất kỳ ai cũng có thể sử dụng một hoặc hai thành phần tự nhiên trong sản phẩm và gọi đó là thiên nhiên. Nếu bạn thấy các thành phần thiên nhiên chỉ xuất hiện ở cuối danh sách thành phần, điều đó có nghĩa là nó gần như không tự nhiên.
Theo Mariska Nicholson, một chuyên gia về chăm sóc da, chúng ta nên nhìn các sản phẩm “thiên nhiên” bằng cách xem xét những thứ… không có trong chúng và quy trình sản xuất. Điều này sẽ giúp bạn ít khi rơi vào trò thao túng tâm lý khi dùng vài thành phần thiên nhiên ra để câu dẫn. Thay vào đó, hãy xem mỹ phẩm đó có (nhưng không nhất thiết đồng thời) một vài phẩm chất như “thuần chay” (vegan – không chứa thành phần từ động vật), không thử nghiệm động vật, không chứa các thành phần được chứng minh là gây hại cho da…
Thành phần độc hại có thật sự độc?
Tuy nhiên, khi đề cập đến thành phần gây hại cho da thì lại nảy sinh một nghịch lý. Những thành phần trong “blacklist” có thật sự hại như lời đồn? Nhìn chung, những thành phần như sulfates, parabens, formaldehyde releasers, hương liệu, butylated hydroxytoluene, phthalates và propylene glycol thường bị điểm mặt gọi tên là thành phần có hại bởi những người hay công ty khởi xướng trào lưu chăm sóc da tự nhiên.
Thế nhưng hiện đang có sự không thống nhất giữa kiến thức mà chuyên gia da liễu biết về da và những thông tin được truyền đạt đến người tiêu dùng. Cơ sở dữ liệu thành phần an toàn cho da của EWG (Tổ chức phi chính phủ vì môi trường) đánh giá hàng ngàn sản phẩm dựa trên ước tính độc tố bên trong. Nhưng những tuyên bố này không phải lúc nào cũng được các chuyên gia đồng thuận và có thể gây ra sự hoang mang cho người tiêu dùng.
Ví dụ, EWG đã gán cho thành phần thông thường PEG-2 soyamine vào dạng nguy cơ vừa dù không đưa ra các dữ liệu chứng minh. Theo bác sĩ Mojgan Moddaresio, chuyên gia đánh giá an toàn mỹ phẩm thì cách đánh giá của EWG đang thiếu khách quan. EWG thường nêu tên một thành phần rồi tô đậm các nguy cơ nhưng lại không đề cập đến việc liều lượng bao nhiêu thì mới đến mức ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi thực tế, mọi thành phần dù lành tính nhất (như nước) khi nạp quá nhiều vào cơ thể cũng phản tác dụng.
Mặt khác, Cosmetic Ingredient Review (CIR) là một nguồn tài liệu thay thế, gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực bao gồm da liễu và độc học. Những tuyên bố của CIR được hỗ trợ bằng bằng chứng khoa học mà độc giả có thể đọc. Sau khi xem xét kỹ lưỡng bằng chứng, các nhà khoa học hợp tác cùng CIR kết luận rằng propylene glycol, parabens, sulfates và nhiều thành phần khác bị lên án là không độc hại và không gây ung thư khi sử dụng với liều lượng cho phép.
Điều này còn được cũng cố thêm bởi những cơ quan khác. Cơ quan nghiên cứu ung thư Anh cho biết paraben được sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm như một chất bảo quản. Điều này có nghĩa là chúng cho phép sản phẩm tồn tại lâu hơn trên kệ. Chỉ một số nghiên cứu nhỏ trên chuột cho thấy paraben có thể hoạt động giống như hormone estrogen, có liên quan đến ung thư vú.
Trong khi đó Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) và EPA chưa phân loại propylene glycol về khả năng gây ung thư. Các nghiên cứu trên động vật cũng không cho thấy hóa chất này là chất gây ung thư. Sự lên án parabens và các chất bảo quản an toàn khác đã gây ra những hậu quả không mong muốn. Chẳng hạn như việc sử dụng các chất bảo quản gây dị ứng hơn như methylisothiazolinone.
Nhìn nhận khách quan về mỹ phẩm “thiên nhiên”
Ngay cả việc sử dụng 100% nguyên liệu thiên nhiên cũng không đảm bảo là da bạn không phản ứng. Đơn cử như các thành phần (dù là organic) thì phản ứng trên da cũng rất khó đoán. Dùng nước cốt chanh làm trắng da, tẩy tế bào chết bằng các loại bột đậu, dưỡng ẩm bằng nha đam… nghe có vẻ rất lành tính nhưng nguy cơ dị ứng lại đến từ nhiều cách khác nhau. Da bạn có thể đã yếu ớt, thì dùng nước chanh tươi với tính axit mạnh sẽ lập tức phản ứng. Hay da bạn vốn quen tẩy tế bào chết hóa học, nay lại dùng bột đậu (kích thước to), khi chà xát sẽ đỏ da. Đó chỉ là những nhìn nhận khách quan để thấy rằng không phải thứ gì thuần thiên nhiên cũng phù hợp để sử dụng.
Còn nếu các thành phần từ tự nhiên được tổng hợp, chế biến lại trong phòng Lab thì lại gặp vấn đề như đầu bài đề cập: thiên nhiên đến mức nào? Thay vì rơi vào vòng xoáy không hồi kết này, bạn hãy nghĩ đến nhu cầu của làn da và biết điểm mạnh và điểm yếu của các loại mỹ phẩm. Bạn có thể tham khảo bài viết "Nghe bác sĩ giải thích lý do vì sao càng chăm thì da càng xấu" để biết thêm chi tiết. Khi có cái nhìn bao quát, bạn có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với bản thân hơn là rơi vào chiêu tâm lý của các nhãn hàng.
Cuối cùng, người tiêu dùng nên hiểu rằng “thiên nhiên” vẫn là từ khóa của marketing với mục đích bán hàng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là vô ích khi chuyển sang sử dụng các sản phẩm chăm sóc da thiên nhiên. Nhưng trước khi đắm chìm vào thế giới các sản phẩm này, hãy học cách đọc nhãn sản phẩm một cách cẩn thận và tập trung nhiều hơn vào các thành phần thực sự cần cho da thay vì ngây người trước những thuật ngữ tiếp thị mơ hồ.