Cuộc sống đôi khi không hề công bằng với các tín đồ làm đẹp. Dẫu tuân thủ các bước và dùng sản phẩm có uy tín, làn da vẫn mãi không đẹp lên được. Vậy đâu là nguyên nhân của việc bạn chăm sóc da mà kết quả vẫn không như ý?
Bác sĩ chuyên khoa da liễu Phạm Hồ Thanh Thanh sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời ở những bước dưỡng da cơ bản nhất. Làm đẹp không đơn giản là làm theo bước rập khuôn mà đòi hỏi hiểu rõ bản chất của sản phẩm và cách thức chăm sóc da.
Rửa mặt - Sạch quá lại hại da
Rửa mặt càng nhiều càng tốt?
Nhiều người cho rằng buổi sáng không nên rửa mặt vì buổi tối da tiết ra lượng dầu giúp bảo vệ da. Quan điểm khác cho rằng ban đêm da tiết bã nhờn, bám bụi bẩn dễ gây nên tình trạng bít tắt khiến lỗ chân lông to.
Theo bác sĩ Thanh, làn da nên được rửa vào buổi sáng. Nếu bạn sợ khô da thì nên chọn dòng sữa rửa mặt phù hợp với nền da, sạch sâu nhưng không gây khô bề mặt. Mỗi một nền da và tình trạng bệnh lý sẽ có một loại làm sạch riêng.
Tốt nhất khi da đang “bất ổn,” bạn nên gặp bác sĩ để chọn loại sữa rửa mặt phù hợp. Ví dụ da đang sử dụng phác đồ có Acid mạnh thì nên dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa Acid nhiều.
Có nên chọn sản phẩm “siêu” làm sạch?
Nhiều người thích sử dụng loại sữa rửa mặt có thành phần tẩy mạnh như surfactant. Sử dụng thành phần này trong thời gian dài sẽ làm lớp acid mantle (là một lớp màng mỏng trên bề mặt da được tạo thành bởi các axit béo) của da bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hệ quả sẽ dẫn đến sự xâm nhập sâu hơn của các hoạt chất tẩy rửa, ảnh hưởng luôn tới lớp bên dưới là lớp sừng.
Tẩy tế bào chết: con dao hai lưỡi khiến da lên mụn
Tẩy tế bào chết là bước chăm sóc da quen thuộc sau làm sạch. Hiện tại, có hai cách để tẩy tế bào chết là phương pháp vật lý và hóa học (như Aha - Bha - Retinoids).
Tuy nhiên bất kì điều gì liên quan đến từ “tẩy” đều phải thận trọng.
Với tẩy tế bào chết vật lý sẽ có nhiều dòng chứa hạt. Cảm giác xoa trên da tạo cảm giác thích thú khiến nhiều người quen tay chà mạnh hơn. Tuy nhiên, do chứa hạt nên độ ma sát rất cao có thể gây trầy hoặc xước da. Nếu bạn đang trị liệu da thì nên lưu ý để tránh hiện tượng bong tróc quá mức.
Trong khi đó, người dùng tẩy tế bào chết hóa học như AHA, BHA thường bị lên mụn bộc phát do sử dụng sai nồng độ. Nhiều bạn xem review trên Tiktok và dùng vô tội vạ với nồng độ cao khiến da bong sừng mạnh. Kèm theo đó là phác đồ chăm sóc, điều trị da không chuẩn dẫn đến việc da lên mụn dữ dội.
Serum – Tinh chất “this,” tinh chất “that”
Nhiều người tìm đến serum để giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó của da. Tuy nhiên, khi dùng serum bạn có thể rơi vào tình trạng điều trị vấn đề này nhưng có thể tạo ra vấn đề khác. Đơn cử như việc sử dụng Niacinamide cũng không đơn giản như bạn nghĩ.
Một làn da đang bị viêm da tiết bã mà dùng Niacinamide mỗi sáng tối thì bị dư lượng ẩm trên da. Điều này khiến tình trạng viêm da ngày càng nặng hơn. Nhiều người dùng chỉ đọc theo công dụng trên vỏ sản phẩm mà không biết đó chỉ là hướng dẫn cơ bản dành cho số đông. Mỗi làn da lại có tình trạng riêng, nếu sử dụng vô tội vạ sẽ khiến da thêm không ổn.
Hiểu công năng của 2 nhóm serum
Một lưu ý quan trọng khi sử dụng serum là cần phân biệt nó thuộc nhóm nào. Hiện nay trên thị trường có hai nhóm serum là thuần mỹ phẩm và dược mỹ phẩm.
Đối với thuần mỹ phẩm thì các dòng serum này không mang chức năng điều trị. Bạn có thể dùng chúng sáng tối mỗi ngày và không ảnh hưởng đến làn da. Bởi chúng chỉ giúp chăm da một cách nhẹ nhàng, mất nhiều thời gian để thấy hiệu quả. Kết quả cũng không thấy rõ rệt, cần thời gian cải thiện từ từ.
Nếu bạn muốn kết quả nhanh, mạnh thì cần đến các dòng serum dược mỹ phẩm, thường sẽ để các thành phần hóa học chủ chốt trên bao bì. Dòng serum này cần được sử dụng theo phác đồ vì chúng làm thay đổi cấu trúc da, không được dùng mỗi ngày mà theo liều lượng nhất định. Mỗi hãng lại có cách bào chế sản phẩm khác nhau nên nếu “đụng” đến serum dược mỹ phẩm thì cần căn cứ vào mỗi hãng cụ thể mới có thể đưa ra phác đồ sử dụng hợp lý.
Để có thể phân biệt và chọn đúng dòng serum, bạn có thể tham khảo trên mạng, ra trực tiếp cửa hàng hoặc tham vấn với bác sĩ điều trị.
Vén màn tự “mix” sản phẩm làm đẹp
Tự trộn sản phẩm, kết quả “hên xui”
Chúng ta nên chia thành hai trường hợp. Nếu cùng một hãng, bạn có thể mix các sản phẩm nổi trội của hãng đó lại cùng với nhau. Tuy nhiên nên xem lại tần suất sử dụng sản phẩm đó để tránh phản ứng tiêu cực trên da. Còn nếu muốn trộn hai hãng khác nhau thì nên tham khảo từ các chuyên gia.
Chúng ta không có một công thức nào khi trộn thành phần để chúng không “đánh nhau.” Lý do vì cùng một thành phần thì nồng độ trong sản phẩm đã khác nhau. Đơn cử như Vitamin C sẽ có Vitamin C thuần, C nồng độ cao, C nồng độ nhẹ. Và tùy mỗi hãng lại có cách sáng tạo sản phẩm khác nhau.
Tùy loại da mà có thể phối hợp để đạt kết quả như ý. Chẳng hạn như Vitamin C nồng độ cao 15% có thể phối hợp với Retinol nếu da khỏe. Nếu da có bệnh lý thì ít khi nào được kê chung.
“Cuộc chiến” của các lớp mỹ phẩm
Quy trình dưỡng da hiếm khi nào chỉ có một lớp sản phẩm. Điều bạn nên quan tâm là khả năng thấm vào da của các loại sản phẩm này. Nếu bạn bôi lớp này đến lớp khác mà có thể thấm hết vào da sau 10-15 phút nghĩa là phù hợp. Nhưng nếu bôi mà 30 – 60 phút da vẫn nhờn dính, mẫn cảm thì cần thay đổi cách bôi và sản phẩm.
Kem chống nắng – SPF cao chưa chắc tốt
Có nên chọn kem chống nắng (KCN) có SPF cao?
Khi chọn kem chống nắng thì quan trọng nhất là ở thành phần có hợp da không và cách dùng có đúng chuẩn hay chưa. Làn da của bạn phải “hòa thuận” với kem chống nắng thì việc chống các tia có hại mới có ý nghĩa. Nếu thoa kem mà da trở nên nhờn bí, lên mụn thì việc chống nắng cũng không có ích.
Chỉ số SPF (sun protection factor) là định mức đo lường khả năng chống lại tia UV được dùng trong kem chống nắng. Hiện tại, trên thị trường kem chống nắng SPF 50 bảo vệ da khỏi tác động các tia UV có hại tốt gần gấp đôi SPF 30.
Khi dùng KCN có SPF cao hơn thì da được bảo vệ nhiều hơn. Tuy nhiên, SPF quá cao thì cũng có mặt trái. Ví dụ, nếu SPF đến 90 thì khả năng kích ứng da cũng rất cao.
Hãy bôi đúng trước đã!
Nếu một người dùng KCN có SPF cao nhưng chỉ bôi lượng không đủ, không bôi lại trong ngày thì vẫn không bằng một người bôi KCN có SPF thấp mà đủ lượng và bôi lại trong ngày. Do đó đặc biệt lưu ý về cách bôi để đạt hiệu quả tối ưu.
Và nên nhớ rằng không có KCN nào chống nắng được 100% ánh nắng mặt trời do đó ngoài việc sử dụng KCN thì cũng phải bảo vệ da vật lý bằng việc che chắn kĩ càng.