Nhật Việt của Subtle Le Nguyen: Thời trang nằm trong tinh tế, kinh tế và quốc tế
Đơn giản và phức tạp là điều tôi thấy rõ nhất khi xem những sản phẩm của Subtle Le Nguyen. Đơn giản vì tất cả quần áo đều chỉ xoay quanh những gam màu trung tính như màu be - nâu, đôi khi lại có một ít xanh của jean. Nhưng nói nó phức tạp chính ở những đường cắt xẻ táo bạo, những nếp gấp công phu trên nền vải cotton, hay những mẫu quần có kích thước bằng một bao bố.
Có lẽ sự đối xứng lạ kỳ đó đã tạo nên sức hấp dẫn của Subtle Le Nguyen, và là lý do để cái tên này trở thành nhà tiên phong trong địa hạt thời trang đương đại tại Việt Nam. Đầu năm 2022, Subtle đã có show diễn cho riêng mình tại Elle Fashion Show.
Thiết kế của thương hiệu từng được diện bởi Kylie Jenner, được phân phối trên SSense - kênh bán lẻ tại Mỹ chuyên phân phối các thương hiệu với phân khúc giá trung bình đến cao như Saint Laurent hay Rick Owens.
Hiếm hoi lắm thì Nhật Việt - nhà thiết kế, nhà đồng sáng lập thương hiệu mới có chuyến công tác dài ngày tại TP. HCM, nên tôi đã tranh thủ “bắt cóc" anh ngay khi anh vừa đáp xuống sân bay. Và Nhật Việt cũng có sự đối xứng y hệt như đứa con của mình.
Anh xuất hiện tinh gọn trong bộ vest của Subtle, thân thiện và dễ gần, khác xa với tưởng tượng của tôi về hình tượng một nhà thiết kế thời trang đương đại. Nhưng tư duy của anh về thời trang hay bất cứ vấn đề nào xoay quanh nó lại cầu kỳ và lớp lang như quy trình dài 3 tuần chỉ để tạm hoàn thiện một mẫu áo vest.
“Đưa khách hàng lên con thuyền của sự duy mỹ"
Với cương vị nhà thiết kế - đồng sáng lập thương hiệu, kiêm luôn cả kinh doanh và vận hành, nhưng thứ Nhật Việt trăn trở không phải doanh thu hay độ phủ sóng của mặt hàng, mà làm sao để phát triển và hoàn thiện sản phẩm.
Anh tìm mọi cách để tối ưu quy trình thiết kế, từ khâu phác thảo ý tưởng, gấp vải trên manocanh, đôi khi còn là rong ruổi khắp các làng nghề trên đất nước để tìm một thước vải lụa đạt chuẩn, hay một kỹ thuật may thêu độc lạ.
Ngược về gần một thập kỷ trước, khi mới thành lập Subtle, anh luôn bị loay hoay tìm cách để làm sao để thiết kế của mình thật tầm cỡ, phá cách và độc lạ, bằng cách ứng dụng những kỹ thuật phức tạp, cầu kỳ.
Nhưng kể từ khi Subtle tạm biệt Giang Le - người đồng sáng lập, cũng là người đồng hành cùng Nhật Việt trong 10 năm liền, thì hiện tại, Nhật Việt cũng thay đổi tư duy thiết kế, khi anh ưu tiên những thiết kế mang tính kết nối.
Tính kết nối ở đây được thể hiện trong mối quan hệ giữa nhà thiết kế và những tác phẩm. Ý tưởng của Nhật Việt có thể đến từ bất cứ đâu, nhưng nó phải có mối liên quan nào đó với anh. Đó có thể là bộ phim anh yêu thích, cho đến một ly matcha ngon, một list nhạc hay vào đầu ngày.
Đôi khi cảm hứng còn đến từ những điều thân quen đã gắn liền với anh từ lâu. Chẳng hạn như thời còn cắp sách đến trường, anh phải tự mình là quần áo nhưng ủi qua loa nên đồ lúc nào cũng nhăn nhúm, nên anh áp dụng kỹ thuật làm nhăn đồ cho BST mới nhất.
Sự kết nối đôi khi cũng đến từ những lần... bí ý tưởng, nên anh lấy những mẫu trong BST cũ, chỉnh sửa một số chi tiết, thử một loại vải mới để biến nó thành một tác phẩm khác.
Tính kết nối còn thể hiện trong mối quan hệ giữa quần áo với khách hàng. Điều anh quan tâm hàng đầu là khi khách hàng khoác lên mình trang phục của Subtle, họ có cảm thấy mình đẹp không, họ cảm nhận gì về chất vải, họ có muốn lưu giữ chúng trong tủ đồ không.
“Thời trang là con người”
Không phải Nhật Việt bị ám ảnh bởi thời trang đương đại nên mới nói như thế vì với anh, thời trang không chỉ đơn giản là “trang phục hợp thời", mà nó còn đại diện cho sở thích, sở ghét, công việc hay tính cách, sâu xa hơn là kiến thức của người mặc.
Nhưng không vì vậy mà anh đánh giá người khác chỉ qua trang phục của họ. Bởi anh cho rằng đã là con người thì nên tôn trọng lẫn nhau, không áp đặt định kiến hay đánh đồng bất cứ ai. Quần áo đẹp đều dành cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, màu da hay kích cỡ.
Và có lẽ hạnh phúc của một nhà thiết kế thời trang đương đại đó là được tự do dùng tác phẩm của mình để nói lên những vấn đề nhức nhối của xã hội, thông qua màu sắc, kiểu dáng hay thông điệp được in trên trang phục.
“Thị trường thời trang nội địa đang tốt lên, nhưng chưa phải là thời kỳ hoàng kim”
Trước tình hình kinh tế đang tụt dốc, nhiều thương hiệu nội địa đóng cửa, doanh nghiệp địa phương phải cạnh tranh với các ông lớn như Zara, H&M…, Nhật Việt vẫn nghĩ đây chưa phải là thời kỳ hoàng kim của thời trang Việt.
Dù thị trường đang tốt lên từng ngày, nhưng anh cho rằng chỉ khi nền kinh tế phát triển hơn, khi người tiêu dùng có ý thức đồng đều về việc tiêu thụ thời trang. Không chỉ mặc thế nào cho thẩm mỹ, thời thượng, mà còn phải chú ý đến thời trang bền vững, thì thời trang nội địa mới đạt đỉnh.
Để thời trang Việt có thể vươn tầm quốc tế chỉ vì chúng được diện bởi nhiều người nổi tiếng thôi là chưa đủ. Điều quan trọng là nhãn hàng phải có được sự ủng hộ của khách trong nước, rồi mới tính đến việc mở rộng ra các lãnh thổ khác. Vì chỉ khi tự tin rằng mình bán được cho người Việt, thì ta mới có đủ bệ phóng để đi tiếp chặng đường dài hơi hơn.
“Vậy làm sao để cân bằng giữa tính thẩm mỹ và thương mại của sản phẩm?" - Là câu hỏi tôi luôn đặt ra cho những nhà sáng lập, và anh cũng không ngoại lệ. Theo anh, điều này phụ thuộc vào chủ đích của người sáng lập. Họ quan trọng điều gì hơn, doanh thu hay thẩm mỹ.
Chẳng hạn đặc trưng của Zara hay H&M là thời trang nhanh mỗi năm ra mắt hàng chục BST. Nhưng dù họ có theo trend gì, bán được bao nhiêu, thì tính thời vụ của họ vẫn luôn ở đấy không thay đổi. Còn bản thân anh lựa chọn việc phát triển sản phẩm và duy trì tính thẩm mỹ của nó, nên: “Doanh thu thì anh chỉ cần đủ để… trả lương nhân viên thôi"
Đến cuối buổi trò chuyện, anh Việt cũng tiết lộ cho tôi rằng đây có lẽ sẽ là buổi phỏng vấn cuối cùng với vai trò nhà thiết kế, nhà sáng lập của Subtle Le Nguyen, theo anh giải thích là vì: “Anh không còn gì để chia sẻ nữa rồi”. Nhưng hành trình rong ruổi cùng Subtle của anh vẫn không dừng lại, bởi cả hai sẽ cùng di cư vào TP. HCM để bắt đầu một chuyến phiêu lưu mới, một thập kỷ mới của thời trang đương đại.