Những kinh nghiệm giao tiếp tôi học được khi tập cho con ngủ đúng giờ
Làm sao giao tiếp rõ ràng, đồng cảm và tôn trọng với con trong những việc hàng ngày?
Tôi có một cậu con trai 3 tuổi khá hoạt ngôn tên là Bảo Khôi. Con có thể nói chuyện líu lo cả ngày về bất kì chủ đề nào mình nghĩ ra. Tôi luôn cảm thấy vui vẻ khi nói chuyện với con, trừ những lúc tôi cần Khôi làm một điều gì đó mà thằng bé không muốn. Khôi có thể bắt đầu mè nheo, thuyết phục, xin xỏ, hoặc thậm chí lờ tôi đi. Người ta thường dùng thuật ngữ 'khủng hoảng tuổi lên ba' cho các bé ở độ tuổi này.
Tôi luôn muốn cho con đi ngủ đúng giờ, vì những lợi ích mà các nghiên cứu chỉ ra khi cho trẻ em sinh hoạt và nghỉ ngơi theo lịch trình nhất quán. Nhưng với cậu bé nhỏ năng động của tôi, việc đó không dễ dàng chút nào.
Tần suất Khôi tìm cách thoả thuận, tranh luận, hoặc lờ đi lời nói của tôi ngày càng thường xuyên hơn. Cách tôi phản ứng lại với thằng bé cũng khác. Có lúc tôi đồng ý theo yêu cầu của con, có lúc tôi bắt thằng bé phải nghe lời mình. Khi thằng bé vẫn không nghe, tôi sẽ bắt phạt. Những lần phạt cũng không suôn sẻ hơn là bao. Tôi thường phải quát rất to, và thằng bé thì liên tục khóc.
Khi nhìn lại tất cả những việc đó, tôi nghĩ mình phải thay đổi cách giao tiếp với con.
1. Quản lý kỳ vọng: Thống nhất, rõ ràng, và thường xuyên nhắc lại
Có một điều tôi nhận ra là Khôi có thể không hiểu rõ những gì tôi mong đợi ở con. Và cũng có thể ngược lại, tôi đã không nhìn nhận đúng những cảm xúc và suy nghĩ của thằng bé.
Do đó, tôi bắt đầu nói trước với con rằng thằng bé cần đi ngủ sau khoảng thời gian X giờ hoặc X phút trước khi bắt đầu các hoạt động buổi tối. Con có thể xin được chơi lâu hơn. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi thống nhất với nhau trước khi bắt đầu.
“Ba cho con xem hoạt hình 10 phút. 9 giờ mình đi ngủ nha.”
“15 phút đi ba.”
“OK, 15 phút. Nhưng chắc chắn là không lâu hơn nha?”
“Dạ.”
Với những hoạt động dài hơn, tôi sẽ cần nhắc lại nhiều lần với con. Càng gần hết thời gian tôi càng nhắc thường xuyên hơn. Ví dụ, nếu tôi cho con ra công viên chơi 1 tiếng, tôi sẽ nhắc sau 30 phút, 45 phút, 55 phút, và 59 phút, để đảm bảo thằng bé không quên và hiểu rằng tôi vẫn nhớ thoả thuận ban đầu. Khôi không chắc sẽ ngừng chơi đúng giờ, nhưng thằng bé biết và chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc đó.
2. Giải thích những thứ trừu tượng bằng cách trực quan
Tôi thường nói 5 phút, 10 phút, hoặc 8 giờ tối, 9 giờ tối, nhưng thực ra Khôi không hiểu hết ý nghĩa của chúng. Cũng có thể thằng bé có cảm nhận mơ hồ theo bản năng, nhưng mọi thứ vẫn chưa đủ rõ ràng để con tuân thủ đúng những điều chúng tôi đã thoả thuận.
Vấn đề đặt ra là, làm sao để giải thích về thời gian cho một đứa trẻ ba tuổi?
Tôi mua một chiếc đồng hồ treo thường to và treo nó ở giữa nhà, nơi dễ nhìn thấy nhất. Tôi chỉ cho con các kim đồng hồ, những con số và cách đọc giờ. Nếu kim phút chạy từ một số đến số tiếp theo, đó là 5 phút. Nếu kim giờ chỉ vào số 9 vào buổi tối, đó là 9 giờ tối.
Sau đó tôi nhờ Khôi nhắc tôi sau mỗi 5 phút. Thằng bé chăm chút nhìn vào đồng hồ và chạy đi tìm tôi rối rít mỗi khi kim phút chỉ đến con số tiếp theo. Khi chán trò chơi này thì thằng bé cũng đã hiểu rõ về thời gian, ít nhất là những khoảng thời gian chúng tôi thường thoả thuận.
3. Nhận diện cảm xúc
Nhận thức về cảm xúc, hay còn gọi là khả năng nhận diện và đặt tên cho cảm xúc, là một phần của EQ (Emotional Quotient, chỉ số thông minh cảm xúc). Nhận biết về cảm xúc có thể giúp chúng ta kiểm soát hành động của mình tốt hơn.
Ví dụ, nếu biết rằng mình đang tức giận, tôi có thể không trả lời con ngay, hoặc tự nhắc mình không không lớn tiếng. Đối với trẻ em, chúng có thể giải thích cảm xúc của mình, hiểu được vì sao mình lại có hành vi không tốt với người khác sau khi đã bình tĩnh lại.
Tôi bắt đầu bày tỏ cảm xúc của mình khi nói chuyện với Khôi:
“Hôm nay con đánh răng giỏi đó, ba vui ghê.”
“Ba sợ nếu không đi ngay bây giờ thì sẽ trễ mất.”
“Ba rất giận vì con làm hư cái này. Ba đã nhắc nhở con trước đó rồi mà!”
Từ từ, Khôi cũng bắt đầu thêm cảm xúc của mình vào lời nói:
“Ba ơi, con rất buồn vì không thể chơi thêm được nữa.”
“Con sợ chỗ đó, mình đi đường khác được không ba?”
“Khôi ơi, sao con không trả lời ba?”
“Con giận rồi. Con không thích ba giấu đồ chơi của con.”
Tôi nhận ra rằng cảm xúc ảnh hưởng nhiều đến hành vi của Khôi, đôi khi chúng đến từ những thứ tôi hoàn toàn không ngờ. Khi nhận ra và nhìn lại dưới quan điểm của con, những cảm xúc đó hoàn toàn hợp lí. Và chúng chính là nguyên nhân dẫn đến những hành vi “không tốt”. Nếu chỉ tập trung vào hành động của con mà không có sự đồng cảm, không những tôi không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho nó tệ hơn.
4. Bình đẳng trong giao tiếp
Một trong những sai lầm trước đây của tôi là sự bất bình đẳng trong giao tiếp với con. Là cha, tôi tự xem mình là 'người lớn' và Khôi phải vâng lời tôi. Kể từ khi tập bày tỏ cảm xúc trong lời nói, tôi nhận ra rằng thằng bé có những suy nghĩ và cảm xúc độc lập. Do đó, tôi bắt đầu tìm cách nói chuyện một cách bình đẳng.
Thay vì yêu cầu Khôi làm gì đó, tôi thường chia nội dung ra thành bốn bước:
- Quan sát: Những sự việc tôi nhận thấy.
- Cảm nhận: Cảm xúc hoặc suy nghĩ của tôi trước vấn đề đó
- Cần: Việc mà tôi nghĩ chúng tôi cần phải làm, thường là mục đích chính của cuộc nói chuyện.
- Yêu cầu: Về hành động gì đó từ đối phương. Người nghe có thể phản hồi và bàn bạc lại về những yêu cầu này.
Ví dụ, khi tôi yêu cầu Khôi dọn dẹp đồ chơi để đi ngủ và thằng bé không chịu.
Nếu là trước đây, tôi sẽ nói:“Nè, con phải giữ lời nha. Bây giờ dọn đồ chơi đi ngủ, không là ba phạt con đó.” Khôi vẫn phớt lờ những lời tôi nói và tiếp tục chơi. Tình huống kết thúc khi tôi trừng phạt con đứng ở góc tường 5-10 phút. Mặc dù khóc la rất nhiều nhưng thằng bé vẫn từ chối nghe theo mệnh lệnh của tôi.
Còn sau này, tôi đến trước mặt thằng bé và đảm bảo là con biết tôi đang nói chuyện nghiêm túc:
“Khôi, 10 phút trước con xin chơi thêm 5 phút. Ba đã cho con chơi thêm tới 10 phút rồi, nhiều gấp đôi 5 phút rồi đó.” (Quan sát)
“Ba đang suy nghĩ sao hôm nay Khôi không giữ lời vậy. Ba cũng buồn khi con lơ đi không trả lời ba nữa.” (Cảm nhận)
“Ba nghĩ bây giờ mình phải đi ngủ, trễ quá rồi. Mai mình có thể chơi tiếp.” (Cần)
“Bây giờ mình cần dọn dẹp đồ chơi rồi đi ngủ. Con có cần ba phụ con một tay không?” (Yêu cầu)
Khoảng 60% là Khôi sẽ lắng nghe và dọn dẹp. Nhiều lúc thằng bé sẽ tiếp tục thương lượng và xin xỏ nhưng con mở lòng ra hơn để lắng nghe. Nhờ đó tôi có được dễ tiếp tục nói chuyện với con hơn, ví dụ như thuyết phục rằng tôi sẽ kể chuyện cổ tích cho con ngủ.
5. Chuẩn bị giai đoạn chuyển tiếp
Ngay cả khi Khôi đồng ý ngủ, thằng bé vẫn phải mất khá lâu mới ngủ được, đặc biệt là khi vừa chơi các trò vận động. Khi nằm trên giường, thằng bé sẽ tiếp tục nói chuyện, lăn tròn, quay vòng, hoặc mở mắt nhìn trần nhà. Trí óc và cơ thể của con chưa sẵn sàng để ngủ.
Vì vậy tôi quyết định xây dựng một giai đoạn chuyển tiếp cố định cho con: đánh răng, vệ sinh, thay đồ ngủ, uống nước, lên giường nằm và nghe ba kể chuyện cổ tích. Toàn bộ quá trình này thường sẽ mất khoảng 20 phút nhưng chúng giúp Khôi dễ vào giấc ngủ hơn. Khi đã hình thành thói quen, thằng bé không cần suy nghĩ nhiều cho mỗi việc. Do đó, nhịp độ suy nghĩ của thằng bé cũng chậm dần để chuẩn bị vào giấc ngủ.
Điều mấu chốt là quy trình này phải được thực hiện thường xuyên và trở thành thói quen. Khi Khôi chuẩn bị ngủ, tôi sẽ đảm bảo không có gì khác cắt ngang hoặc có ai đó rủ rê con làm một việc gì đó khác. Nếu còn gì khác cần làm, con sẽ thực hiện trước khi chuẩn bị ngủ hoặc để lại cho ngày mai.
Kết
Hầu hết những kinh nghiệm trên đây có thể áp dụng rộng rãi trong cuộc sống. Mặc dù con trai tôi mới 3 tuổi, con đã có những suy nghĩ, cảm xúc, và kỳ vọng riêng của mình. Sự khác biệt chính giữa Khôi và người lớn là con không thể lý giải hoặc kiềm chế bản thân trước những cảm xúc hoặc suy nghĩ tiêu cực. Là bậc cha mẹ, bài học quan trọng tôi học được là truyền sự đồng cảm, tôn trọng, và rõ ràng trong giao tiếp với con trong những việc hàng ngày.