Những nhà sáng lập nữ, họ đang ở đâu trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm?

Mọi khía cạnh về quyền phụ nữ và bình đẳng giới luôn song hành cùng nhau, và Việt Nam không là ngoại lệ. Dù vậy, câu chuyện trên bàn đầu tư chỉ mới bắt đầu.
Yui
Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera.

Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Vietcetera Podcast | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Podcast Vietcetera | Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Nhiều thập kỷ trôi qua, những cuộc vận động nữ quyền đã mang lại sự thay đổi tích cực cho xã hội. Chênh lệch về thu nhập, quyền phụ nữ và khả năng tiếp cận với các sản phẩm cho phái nữ đã được cải thiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Mọi khía cạnh về quyền phụ nữ và bình đẳng giới dường như song hành cùng nhau, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Dù vậy, câu chuyện trên bàn đầu tư vẫn chỉ đang ở chương mở đầu.

Lý Khánh Hậu hiện là đối tác tại Ascend Vietnam Venture (AVV), từng là Quản lý Đầu tư tại 500 Startup Việt Nam, và là Giám đốc tại Shine, vườn ươm doanh nghiệp dành cho các nhà sáng lập nữ. Hãy cùng lăng nghe chia sẻ của Hậu, xem phụ nữ đã và đang đối diện với những thách thức gì.

Cái nôi của những startup chinh phục thị trường quốc tế

Trong 5 năm làm việc trong lĩnh vực đầu tư, Hậu đã chạm vào nhiều khía cạnh khác nhau trong hoạt động của quỹ. Từ quản lý danh mục đầu tư, gọi vốn, vận hành quỹ đến truyền thông và tạo dựng thương hiệu.

AVV, tiền thân là 500 Startup Việt Nam, là một quỹ đầu tư mạo hiểm trong giai đoạn gieo mầm, tập trung vào các khởi nghiệp công nghệ Việt Nam có ảnh hưởng quốc tế. AVV là nhà đầu tư của Elsa, TrustingSocial và Axie Infinity. Shine là một chương trình thuộc AVV, để thu hẹp khoảnh cách về giới trong lĩnh vực đầu tư. Cả AVV và Shine đều có một tầm nhìn là tiếp sức các mô hình khởi nghiệp tại Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.

Trước đó, Hậu từng làm việc ở các NPO quốc tế tại Việt Nam. Bước chuyển của Hậu sang mảng đầu tư xảy ra vào thời điểm cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam còn cần nhiều hỗ trợ từ các quỹ. Và Hậu nhận ra giá trị cộng đồng bản thân luôn muốn cống hiến, dù ở NPO hay quỹ đầu tư.

Những yếu tố vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam đã quá quen thuộc với các nhà đầu tư. Tuy vậy, có ba lợi thế mà họ thường bỏ qua khi nhắc đến thành công của các khởi nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế:

  • Những hành vi tiêu dùng của người Việt Nam có sự tương đồng với các thị trường mới nổi khác trên thế giới
  • Nhiều nhà đầu tư người Việt đã có kinh nghiệm sống và làm việc ở nước ngoài
  • Nguồn nhân lực chuyên môn công nghệ cao dồi dào và có trình độ cao hơn bình quân khu vực Đông Nam Á. Ước tính mỗi năm có 100.000 lao động mới trong mảng kỹ thuật cao.

AVV tin rằng ba lợi thế đó là điều kiện đủ để Việt Nam trở thành “cái nôi” của những startup thành công khi vươn ra thế giới.

Phụ nữ trong bức tranh lớn của lĩnh vực đầu tư mạo hiểm

Hiện nay, ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế giai đoạn từ hạt giống đến series B quan tâm đến Việt Nam. Bởi ngoài lợi nhuận ra, sự phát triển thành công của startup là phần thưởng quý giá của những quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tuy vậy, đầu tư sớm lại có rủi ro cao hơn, bởi startup chưa có dữ liệu để đánh giá tương quan với thị trường. Hậu chia sẻ tỉ lệ thất bại của startup ở giai đoạn hạt giống là 90%. Nhưng Hậu chấp nhận thực tế rủi ro và lợi nhuận luôn song hành với nhau.

Một startup thành công, theo Hậu, là một startup nhận thấy và khắc phục nhanh chóng những khuyết điểm của mình. Có 2 nguyên nhân chính cho sự tan rã của một startup:

  • Thiểu khả năng quản trị, không chú trọng tương tác với những người trong hệ sinh thái doanh nghiệp như đội ngũ, khách hàng, nhà đầu tư,...
  • Sự thiếu tập trung, nhất là ở các startup trẻ. Họ không tìm thấy 20% công việc mình cần làm và ảnh hưởng 80% công việc của người khác.

Theo thống kê của Crunchbase năm 2019, chỉ có 2.8% số vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm toàn thế thế giới rót vào các công ty do nữ lãnh đạo. Và con số này chỉ còn 2.3% vào năm 2020.

Giải thích cho con số đó, Hậu đưa ra hai nguyên nhân. Nữ giới trên thế giới không được tiếp cận với các thay đổi về công nghệ dễ dàng như nam giới. Đa phần họ khởi nghiệp ở mảng du lịch, ăn uống, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid, bản thân quỹ đầu tư cũng đã mất cân bằng khi 73% quỹ đầu tư ở Đông Nam Á không có đối tác là nữ. Và thường chỉ có những nhà đầu tư nữ đầu tư vào các doanh nghiệp lãnh đạo là nữ.

Vậy đâu là những hành động mang lại cân bằng cho cán cân về giới của lĩnh vực đầu tư?

Thay đổi bắt nguồn từ những cá nhân

Deal Street Asia thống kê 93% vốn của các quỹ tại Đông Nam Á đầu tư vào các startup có lãnh đạo là nam giới (không tính thương vụ Grab). Theo Hậu, Việt Nam cũng không là ngoại lệ của xu thế này.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến mất cân bằng giới trong lĩnh vực đầu tư là vì các quỹ đầu tư chưa có nhiều nữ quản lý. Khi một nhà sáng lập nữ mang đến một giải pháp cho nhu cầu của phụ nữ, khả năng gọi vốn thành công là rất thấp nếu người phía quỹ đầu tư chỉ có nam giới. Hậu chia sẻ hai điều các quỹ đầu tư cần làm để cân bằng cán cân về giới trong lĩnh vực đầu tư:

  • Trao quyền cho phụ nữ đang làm việc trong các quỹ đầu tư mạo hiểm
  • Dũng cảm nhìn nhận tính thiên vị trong lĩnh vực đầu tư, cũng như trong cá nhân.

Là người tiên phong của việc mang lại sự cân bằng giới trong ngành đầu tư, Hậu đã khởi động chương trình Shine. Để tiếng nói của những nhà sáng lập nữ được lắng nghe, sự động viên và trợ lực từ những phụ nữ ở phía quỹ đầu tư là hoàn toàn cần thiết. Dù vậy, sự thay đổi mạnh mẽ nhất luôn đến từ bản thân của những nhà sáng lập. Và Hậu chia sẻ 3 hành động thiết thực nhất cho những nhà sáng lập nữ ở giai đoạn “dương thịnh âm suy” của thị trường đầu tư:

  • Mơ lớn!: Các nhà đầu tư muốn có các doanh nghiệp thâm nhập thị trường quốc tế. Trong khi đó, phần lớn các nữ sáng lập lại chủ yếu tập trung vào địa phương với khả năng tăng trưởng chưa hấp dẫn.
  • Các nữ sáng lập dễ rơi vào tình trạng suy nghĩ nhiều và nghĩ mình không đủ sức trở thành một lãnh đạo. Các bạn cần biết sự hỗ trợ phù hợp nhất chỉ đến khi các bạn tin vào khả năng của bản thân.
  • Hãy tìm đến những chương trình và cộng đồng dành cho các nhà sáng lập nữ để trò chuyện và chia sẻ. Biết đâu các bạn sẽ tìm thấy một ý tưởng tuyệt vời trong một buổi trà chiều?

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục