5 Quyết định táo bạo (đầy sáng tạo) trong điện ảnh
Tìm hiểu cách các nhà làm phim khai phá lằn ranh của óc sáng tạo qua những quyết định táo bạo sau.
Có người đã từng nhận định rằng: các nhà làm phim là những nghệ sĩ quyết liệt nhất trong các bộ môn nghệ thuật. Họ có thể đi tới cùng để hiện thực hóa tầm nhìn của mình, dù việc đó có đem đến thương vong, phá luật, hay khiến họ bị rượt bởi 250 con chó trên đường.
Các đạo diễn đã “tra tấn” bản thân và đội ngũ của mình để đem đến sản phẩm giải trí cho khán giả, luôn khám phá và thách thức ranh giới giữa óc sáng tạo và hiện thực. Sau đây là những quyết định bất thường và đầy mạo hiểm trong 5 tác phẩm điện ảnh hiện đại.
“Thả rông” 250 con chó (thật) trên đường phố (White God - 2014)
Viễn cảnh bị một đàn chó 250 con rượt theo dường như chỉ có thể xuất hiện trong giấc mơ của người sợ chó. Thế nhưng đạo diễn Kornél Mundruczó đã biến việc này thành sự thật trong bộ phim White God. Những cảnh phim với đàn chó có thể dễ dàng được thực hiện bằng kỹ xảo, nhưng vị đạo diễn này đã không chọn con đường dễ dàng đó.
Để khắc họa trọn vẹn năng lượng của một đàn chó hoang bị áp bức, anh đã huy động và dẫn dắt 250 diễn viên 4 chân để truyền tải chân thật thông điệp của bộ phim.
Hãy thử tưởng tượng bị đuổi bởi một đàn chó khổng lồ như thế này. | Nguồn: InterCom Zrt
Với phong cách quay gần giống như một cuốn phim tài liệu, camera thường xuyên được đưa gần mặt đất trong những chuyển động máy khi thì nhanh đến nghẹt thở, khi lại từ tốn, chậm rãi như xoáy sâu vào biểu cảm của những chú chó.
Bộ phim mang quan điểm đả kích sự ngạo mạn của con người khi ngộ nhận rằng mình là loài động vật thượng đẳng, và có quyền sở hữu với những sinh vật khác của thiên nhiên.
Phim không cắt dựng, chỉ cần một đúp quay duy nhất (Victoria - 2015)
Cuộc sống là một chuỗi liên tiếp những sự kiện không ngừng, và chúng ta không thể quay lại để sửa chữa những lỗi lầm của mình. Đây có vẻ như là thông điệp mà đạo diễn Sebastian Schipper muốn truyền tải khi quay bộ phim Victoria trong một trường đoạn duy nhất.
Bộ phim thuật lại 138 phút nhớ đời của cô gái Victoria trong thành phố Berlin. Bước ra từ một đêm quẩy trong club, cô gái trẻ đã bước từ sai lầm này đến sai lầm khác. Một trải nghiệm vừa kinh hoàng, vừa sâu sắc được cảm nhận trong một luồng hình ảnh không ngắt quãng đã đem tới một màu sắc rất lạ cho bộ phim.
Victoria dấn thân vào một bước đi sai lầm. | Nguồn: Senator Film
Đây là một phương thức quay phim vô cùng táo bạo, vì chỉ cần một lỗi xảy ra lúc quay, cả thước phim sẽ bị bỏ hết và quay lại từ đầu.
Tình trạng nhiều sức ép này đã bắt diễn viên chính Laia Costa đã phơi bày những cảm xúc thật nhất khi nhân vật Victoria phản ứng với các tình tiết đầy sức ép trong thời gian thực. Và những gì đạo diễn Sebastian Schipper đạt được trong Victoria có thể được coi là một thành tựu kỹ thuật của làng điện ảnh.
Phim quay hoàn toàn bằng góc cận (Son Of Saul - 2015)
Thông thường, cùng với góc cận, các góc quay rộng và trung là yếu tố không thể thiếu của điện ảnh. Chúng được dùng để cung cấp cho khán giả thông tin về bối cảnh chung, môi trường hoặc độ tương phản giữa chủ thể và những yếu tố khác trong khung hình. Thiếu đi những góc quay này, khán giả dễ mất đi những thông tin cần thiết cho việc nắm bắt kịch bản phim.
Thế nhưng, đối với Son of Saul, tất cả những gì đạo diễn cần để truyền tải thông điệp của mình là góc máy cận. Với nội dung về sự kiện diệt chủng người Do Thái gây ra bởi Phát xít Đức vào Thế Chiến II, bộ phim đã đem tới một cảm giác khác hoàn toàn với các tác phẩm về chủ đề tương tự như The Pianist and Schindler’s List.
Góc cận đem đến một cảm giác đặc biệt cho 'Son Of Saul'. | Nguồn: Mozinet
Với cách quay phim đặc biệt này, Son of Saul đã mô tả hoàn hảo cơn ác mộng của những người Do Thái. Trong không gian chật hẹp của trại tập trung Auschwitz, họ bị hành hạ và chèn ép về cả tinh thần lẫn thể xác.
Góc quay cận theo chân người Do Thái Saul Auslander, lột tả được trải nghiệm rất cá nhân của nhân vật này. Không gian như bị bó chặt, tô đậm không khí ngột ngạt mà những người Do Thái đáng thương phải trải qua trong chuỗi ngày vừa đau đớn, vừa ngắn ngủi của họ.
Phim được quay hoàn toàn bằng ánh sáng tự nhiên (The Revenant - 2015)
Đèn bối cảnh là đạo cụ cần thiết cho hầu hết mọi ekip sản xuất, từ những video ngắn chỉ vài phút, cho tới những tác phẩm điện ảnh vài tiếng đồng hồ. Đèn có tác dụng giả lập ánh sáng môi trường cho cảnh quay trong điều kiện thiếu sáng. Điều chỉnh góc chiếu của ánh đèn cũng là kỹ thuật để truyền tải những cảm xúc nhất định.
Những tưởng một bộ phim đạt 3 hạng mục giải Oscar như Revenant, với quy mô sản xuất vô cùng lớn và đắt đỏ phải có được những bộ đèn tốt nhất, nhưng không. Đây là bộ phim hoàn toàn sử dụng ánh sáng từ mặt trời, mặt trăng và lửa, một việc cực khó để làm trong điện ảnh.
Một trong nhiều hình ảnh bi tráng của 'The Revenant'. | Nguồn: 20th Century Fox
Đạo diễn hình ảnh Emmanuel Lubezki chia sẻ với Variety về quyết định này: “Chúng tôi muốn khán giả thực sự đắm chìm trong không gian thực của bộ phim, và cảm giác rằng việc này đang thực sự xảy ra.”
Phim với 99% góc nghiêng (Ròm - 2019)
Tác phẩm Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy cũng là một bộ phim phá cách và liều lĩnh trong kỹ thuật quay. Góc nghiêng chiếm đa số của bộ phim được các nhà chuyên môn cho là sai kỹ thuật và đã khiến tác phẩm Việt này bị từ chối ở một số liên hoan phim quốc tế. Nhưng không phải ở liên hoan phim Busan nơi phim đã thắng giải thưởng danh giá nhất cho hạng mục phim mới.
Ròm và Phúc cheo leo trên chuyến xe trong thành phố. | Nguồn: HKFilm
Mặc dù bản thương mại tại Việt Nam đã không còn nguyên vẹn như bản đem dự thi, khán giả xem Ròm vẫn có thể trải nghiệm cảm giác chông chênh mà góc nghiêng mang lại.
Dụng ý của đạo diễn hình ảnh Nguyễn Vinh Phúc cho quyết định táo bạo này là để người xem hiểu hơn về cuộc đời bấp bênh của các nhân vật trong phim. Máy quay được “bẻ thẳng” tại một cảnh duy nhất, khi cậu bé Ròm gục ngã ở nơi duy nhất chất chứa kỷ niệm của cậu về một gia đình đã không còn ở đó nữa.