Ở nhà mùa dịch: Gợi ý 7 hoạt động vui - khoẻ - có ích
Tự cách ly xã hội bạn làm gì? Ngủ? Ăn? Chơi? Chơi chán rồi thì làm gì vừa vui vừa có ích cho đời? Cẩm nang ở nhà mùa dịch có ngay tại đây.
“Em còn thiếu ngủ, trong những lần phải chạy deadline?
Em quên ăn quên uống, quên cả việc chải lại tóc tai.”
Nào ngờ, một ngày nọ, cả thế giới rơi vào kỳ nghỉ chưa biết ngày kết thúc vì virus corona. Trường học, tiệm cà phê, quán bar, salon làm đẹp,… đồng loạt đóng cửa. Các công ty hên thì làm tại nhà (work from home), xui thì cắt giảm nhân sự.
Vậy lúc này bạn làm gì ở nhà? Ngủ? Ăn? Chơi? Chơi chán rồi thì làm gì vừa vui vừa có ích cho đời? Cẩm nang ở nhà mùa dịch có ngay tại đây.
1. Dọn dẹp nhà cửa
Từ Tết đến giờ đã chừng 2 tháng, ngôi nhà, căn phòng của bạn còn “tinh tươm” như hôm mùng 1 không? Nếu không, vậy còn ngại gì mà không nhân cơ hội này dọn dẹp lại nhà cửa một chút?
Dọn nhà không chỉ giúp bạn đánh bay một đống bụi bẩn tích tụ lâu ngày, mà còn giúp bạn hoạt động tay chân, hay phát hiện ra những điều thú vị: nhà mình mua cái này từ khi nào vậy? Mình có cả cái này à?… Bạn vừa có thể “tái cơ cấu” lại chỗ ở, hiểu hơn về căn nhà của mình, vừa có những phát hiện mới, hoặc tìm lại những kỷ niệm thú vị đã bị bỏ quên.
2. Học nấu ăn
Ngoài dọn dẹp nhà cửa, một khóa học nấu ăn tại gia cũng là một cách chăm sóc gia đình. Bạn có thể bắt đầu bằng những món ngon mà bản thân và gia đình yêu thích, với ‘người thầy’ luôn sẵn lòng, tận tâm và đầy kinh nghiệm là mẹ hoặc chị gái. Hoặc bạn có thể tìm công thức trên mạng, thử những món đang được giới trẻ ưa chuộng như Dalgona Coffee dạo gần đây chẳng hạn.
Nếu không tự tin lắm với khả năng tự tay “hô biến” một bàn cơm ngon lành, thì bắt đầu từ khâu phụ bếp cũng là một cách hay. Chẳng ai nỡ từ chối một người có chí tiến thủ cả, nhất là người đang muốn học cách chăm sóc bản thân và gia đình.
3. Chăm sóc, trông nom trẻ con
Trông nom và chơi cùng trẻ em là một thử thách thú vị, đòi hỏi trí tuệ, kiên nhẫn và sức bền, mang lại niềm vui cũng như giúp tiêu hao calo không thua gì dọn dẹp nhà cửa. Còn phần thưởng được trả lại không chỉ là tình cảm gia đình thêm khắng khít, mà còn là bao nhiêu bài học tinh tế khó nhận ra trong thế giới của người lớn.
Sự thơ ngây và đơn giản của các bé khiến tâm hồn bạn thoải mái hơn. Những thắc mắc ngây ngô về thế giới đòi hỏi bạn phải tìm hiểu thêm kiến thức để trả lời sao cho chính xác mà vẫn dễ hiểu. Một khi đã quen dỗ trẻ em, bạn sẽ ngạc nhiên về khả năng suy nghĩ nhanh nhạy và kỹ năng xoay chuyển của mình đấy.
4. Board-game kết nối các thành viên trong gia đình
Trong thời điểm này, người dân đang hạn chế giao tiếp xã hội (social distancing) và cố gắng ở trong nhà nhiều nhất có thể. Đây là cơ hội tốt để các thành viên trong gia đình gần gũi và kết nối với nhau, đồng thời giúp ta giảm bớt lo âu và hoang mang giữa tình hình dịch bệnh phức tạp.
Thay vì các trò chơi điện tử, bạn có thể chuẩn bị một số boardgame lành mạnh và có thể cùng chơi với nhiều người. Các lựa chọn cũng rất phong phú, từ đơn giản như Uno, Exploding Kittens, đến những game cần ‘chiến lược’ như Monopoly (được biết với cái tên Cờ Tỷ phú tại Việt Nam), Unstable Unicorns (một game chiến thuật xây dựng đội quân kỳ lân).
5. Nâng cao kỹ năng
Điểm lại những bản kế hoạch ngày trước xem, có điều gì bạn muốn tìm hiểu, muốn cải thiện nhưng chưa sắp xếp được thời gian không? Nếu chưa nghĩ đến thì đây là một số gợi ý đơn giản cho bạn:
- Tự ôn luyện môn học mình chưa tốt bằng cách đọc thêm sách, tải bài tập mẫu trên mạng.
- Học một ngôn ngữ mới cùng hàng loạt apps, chương trình online sẵn có. Ví dụ như ELSA Speak, Duolingo. Học IELTS miễn phí từ British Council.
- Tận dụng thư viện online của trường bạn. Đọc sách giáo khoa hoặc tham giá khoá học miễn phí từ các trường đại học danh tiếng: Cambridge, Harvard.
- Một số trang sách điện tử đang cho phép tải miễn phí: sách nói Audible, Internet Archive.
- Đăng ký một lớp nâng cao kỹ năng được giảng dạy bởi các chuyên gia trong ngành với MASTERCLASS.
Ngoài ra còn những sở thích như làm bánh, đan len, trang điểm, chụp ảnh, vẽ tranh, pha chế, viết lách,… với cả một “vũ trụ công thức” đã được chia sẻ sẵn trên mạng. Biết đâu sau kỳ nghỉ dịch, bạn sẽ “mở khoá” thêm một tài lẻ nào khác không chừng.
6. Thay đổi cách sống, tạo thói quen lành mạnh
Sau khi đã tách khỏi nhịp sống hối hả thường ngày, không còn cảnh “vắt chân chạy” vì sợ trễ học, hú vía vì sát giờ chấm công, đây là lúc bạn học cách phân phối lại thời gian và tạo thói quen lành mạnh. Nếu cuộc sống thường ngày bị bủa vây bởi những điều tiêu cực, đây càng là lúc thích hợp để bạn thanh lọc tâm hồn.
Hãy bắt đầu với những thói quen có lợi cho sức khỏe mà bạn vẫn chưa thể thực hiện đàng hoàng suốt bao năm qua, như là ngủ đủ giấc, ăn đúng bữa, tập thể dục mỗi ngày. Đọc sách cũng là một hoạt động bổ ích giúp bạn tiếp thu tri thức và phát triển bản thân. (Gợi ý: 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 20 do báo Le Monde bình chọn).
Ngoài ra, bạn có thể thử thiền và các bài tập chánh niệm hỗ trợ sức khỏe tinh thần.
7. Suy ngẫm và nhìn lại bản thân
Bạn có cảm thấy chán nản không, khi dịch bệnh kéo đến, cuộc sống bị đảo lộn? Công việc đình trệ, việc học dở dang, các kế hoạch tương lai bỗng vượt tầm kiểm soát.
Nhưng nhìn theo một hướng tích cực hơn, đây lại là thời gian để bạn sống chậm lại, suy nghĩ kỹ về cuộc đời mình. Nếu biết tận dụng thời gian này, nó sẽ trở thành một bước đệm để bạn chuẩn bị cho tương lai kỹ càng hơn.
Nếu bạn đang đi học và đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, bạn có thể xem đây là “gap months” chính đáng để sàng lọc và định hướng kỹ càng cho bản thân mình.
Còn nếu bạn sắp hoặc vừa ra trường, trong những ngày này, hãy thử tự hỏi bản thân mình:
- Bạn có đang hạnh phúc với ngành nghề hoặc công việc hiện tại?
- Bạn muốn tương lai mình sẽ như thế nào?
- Liệu hướng đi đó có giúp bạn giải quyết những vấn đề trong cuộc sống tốt hơn? Có khiến bạn hạnh phúc hơn không?
Nếu bạn có ý định chuyển việc, đây là thời điểm thích hợp để trau chuốt CV, tìm hiểu về công việc và sẵn sàng tâm lý để “bật xa” hơn trong môi trường mới. Còn nếu bạn đang hài lòng với môi trường hiện tại, bạn vẫn có thể tận dụng thời gian này để lên kế hoạch trau dồi thêm kỹ năng, hoặc sắp xếp lại công việc hiện tại.
Kết
Tình hình dịch bệnh hiện tại, ngày tháng “cách ly xã hội” vẫn trong tình trạng “vô thời hạn”. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm những điều có ích, thiết thực cho bản thân và gia đình mình. Mong rằng danh sách trên sẽ giúp thời gian nghỉ dịch của bạn lành mạnh và thú vị hơn.
Bài viết này được thực hiện bởi Vân Trần.
Xem thêm:
[Bài viết] Bí quyết ổn định tâm lý giữa đại dịch
[Bài viết] Thực hiện cách ly xã hội (social distancing): Nên và không nên làm gì?