Ở tuổi 80, nghệ sĩ Mộng Tuyền vẫn đi muôn nơi lưu diễn

Có gì phía sau một nghệ sĩ lớn? Đối với “kỳ nữ” Mộng Tuyền, đó là bài học biết ơn và sống thật đẹp trong cuộc đời này.
minh
Nguồn: Trăm Năm Sân Khấu Podcast.

Nguồn: Trăm Năm Sân Khấu Podcast.

Là một trong số ít người thành công ở mảng sân khấu cũng như điện ảnh, nghệ sĩ Mộng Tuyền tính cho đến nay vẫn luôn để lại dấu ấn trong người hâm mộ. Không chỉ vì một nhan sắc vô cùng đặc biệt, mà đó còn là thái độ làm nghề luôn luôn chân thành.

Trong podcast Trăm năm sân khấu, bà đã đi lại từ những ngày đầu mà mình có được cơ hội chạm ngõ sân khấu cải lương, rồi xuôi theo dòng lịch sử với những ngã rẽ không thể lường trước. Nhưng dù ở đâu, thì hồn thiêng dân tộc vẫn đưa bà về, để “trả ơn” cho những người hâm mộ đã dành cho bà.

Từ hát ru em ngủ đến nghệ sĩ tài danh

Mộng Tuyền có sự chạm ngõ đối với sân khấu ngay từ rất sớm. Sinh trưởng trong một gia đình gia giáo nhưng không giàu có, ngay từ lúc nhỏ, bà đã phải lo cho tám người em, thế chỗ cho người chị cả đã 17 tuổi và đi lấy chồng.

Vào một ngày nọ, khi đang hát ru em, bà đã được ông Ba Cứ phát hiện và xin bà về để dạy nghề cho. Và cũng chính từ bước ngoặt đó mà các thành công nối tiếp thành công, khi 13 tuổi bà đã trở thành đào chánh, 16 tuổi đoạt giải Thanh Tâm, cũng như là nhiều giải thưởng trong mảng điện ảnh khi bà trưởng thành thời sau Giải phóng.

Mộng Tuyền chính là đại diện cho một thế hệ nghệ sĩ khổ luyện, có thể làm tốt ở mọi loại hình, từ sân khấu, ca nhạc, cho đến kịch nghệ. Huy chương vàng dành cho Nữ diễn viên triển vọng vào năm 1963 của giải Thanh Tâm với vai vũ nữ Thu Lan trong vở Phu tử tòng tử đã đưa bà lên danh vọng, và cũng là lời hồi đáp cho những cố gắng mà bà bỏ ra.

Bà chia sẻ rằng trong giai đoạn đó, Thanh Tâm là một giải thưởng vô cùng cao quý. Nó đòi hỏi ở người diễn viên không chỉ tài năng, sắc vóc mà còn phải có đạo đức. Do cả hội đồng giám khảo cũng như khán giả bình chọn, nên nghệ sĩ ở thế hệ bà phải luôn tự mình trau dồi, không chỉ là đi quan sát thực địa, mà còn phải diễn ở bất cứ đâu để nhập vào vai sao cho trùng khớp, dù cho trong nhà của mình hay là diễn tập trên sân khấu chính…

Như khi nhập vai vũ nữ Thu Lan, bà đã cùng bố đi đến quán bar và những quán rượu… để xem đời sống của các nhân vật bà sắp thể hiện. Còn tuổi thiếu nữ, giờ phải hút thuốc, nói chuyện một cách sỗ sàng cũng như mạnh bạo… khiến bà không những ngại ngùng mà còn e thẹn. Thế nhưng chính nhờ điều đó mà bà có cái nhìn thật về những cử chỉ, thái độ, từ đó có màn hóa thân thật sự thuyết phục.

Cũng chính trong năm đoạt giải Thanh Tâm, bà đã được bà bầu Thơ chú ý và mời vào đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Như bà chia sẻ, mình luôn biết ơn “đại ban” nức tiếng Sài Thành ngày đó, vì đã dạy dỗ và uốn nắn mình, cho mình rất nhiều trải nghiệm để có thể dùng trong lúc làm nghề.

Thời gian này cũng chính là lúc mà bà đi diễn liên tục ở rạp Quốc Thanh cùng với Hưng Đạo trong nhiều tác phẩm và nhiều thể loại, từ kịch màu sắc đến kịch xã hội rất gần với cinema (điện ảnh)… Nên đó cũng chính là sự tập luyện cho quá trình tham gia điện ảnh sau này.

Thập niên 1960 – 1970, Mộng Tuyền cũng là tên tuổi vô cùng rực rỡ trong mảng điện ảnh, với các tác phẩm thành công vang dội, như phim hành động 11 giờ 30, phim điện ảnh Chân trời tím, Trang giấy trắng… hay tác phẩm Ôi, quê hương tôi có sự hợp tác cùng với điện ảnh Hàn Quốc, Đài Loan…

Bà cũng là một trong “tứ đại mỹ nhân” đương thời, sánh vai với các minh tinh Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga và Kiều Chinh. Không chỉ có một sắc vóc cuốn hút ánh nhìn, bà cũng là một diễn viên vô cùng tài năng, khi được trao cho rất nhiều giải thưởng, như giải Kim Khánh cho vai diễn chính trong phim Gánh hàng hoa, hay Huy chương vàng giải Bông sen vàng toàn quốc, cho phim Tình yêu của em…

Có được những thành công ấy là nhờ tinh thần không ngừng khổ luyện của nữ nghệ sĩ, cũng như đam mê rất lớn với nghề mà bà có được. Bà luôn trăn trở rằng làm nghệ thuật là nghề rất đẹp, dù cho có thể không giàu.

Quan sát, học hỏi, tìm cá tính riêng

Bởi lẽ khi được hóa thân vào nhân vật nào, thì ta cũng học được điều gì đó từ các nhân vật, dẫu cho họ đại diện cho phe ác hay thiện, bởi các tác phẩm được viết bởi những soạn giả vĩ đại thì luôn mang theo tính chất giáo dục xã hội.

Ngoài diễn xuất, bà cũng là một giọng ca vô cùng cuốn hút trong mảng tân nhạc, với những bài vọng cổ đã luôn bền bỉ suốt theo thời gian, như Thầm kín, Mùa sao sáng… và nhiều những tác phẩm khác.

Giờ đây khi ngồi nhìn lại quá trình mình đã đi qua, nghệ sĩ Mộng Tuyền vẫn luôn biết ơn cũng như trân trọng những người đã giúp đỡ mình. Đó là người thầy đầu tiên, những soạn giả, các diễn viên… mà từ chính họ, bà được quan sát cũng như học hỏi, và rồi tìm ra chính cá tính riêng cho bản thân mình.

Đối với sân khấu cải lương, bà nói rằng chính trường phái “Thật và Đẹp” của NSND Năm Châu cũng như cung cách thực tế và đầy văn minh tại đoàn Thanh Minh – Thanh Nga đã góp phần lớn tạo nên nhân cách và một Mộng Tuyền vẫn còn rất được yêu thích cho đến ngày nay.

Bà cũng nói rằng trong cuộc đời này, điều quan trọng nhất vẫn là sống thật và sống đẹp. Bà cũng mong ước nếu có kiếp sau, thì bà vẫn mong được làm nghệ sĩ, vì đó là nghề rất đẹp và nhiều tình cảm.

Điều đó cũng rất dễ hiểu khi vào năm 1988, vì muốn gần các con nhỏ, mà bà sang Pháp và định cư lại. Thế nhưng chỉ sau 3 năm bà đã trở về Việt Nam, vì bà biết rằng tâm tính dân tộc luôn chảy trong mình.

Những ngày xa xứ có thể đầy đủ về mặt vật chất, nhưng về tâm hồn như bị “cầm tù”, và bà đã quyết định rằng sẽ về hẳn luôn, để mình lại được vùng vẫy trong tình yêu thương của các khán giả.

Giờ đây ở tuổi 80, bà vẫn chăm chỉ đi diễn ở bất cứ đâu, từ chốn thành thị cho đến thôn quê hẻo lánh. Những suất hát miễn phí diễn ra hàng tuần mà bà thực hiện cũng chính là sự đền đáp, là sự trả lại ân tình mà các khán giả đã dành cho bà, cho đời nghệ sĩ thật đẹp và nhiều ý nghĩa.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục