Phim Tết có từ bao giờ?
Có bao giờ bạn tự hỏi, ông bà, cha mẹ hoặc các thế hệ trước xem phim Tết như thế nào không? Phim Tết ngày xưa khác gì phim Tết hôm nay? Phim Tết Việt và phim Tết Hồng Kông, Trung Quốc có gì giống và khác nhau?
Hãy cùng Vietcetera quay ngược dòng quá khứ để lần theo hương vị của phim Tết từ 7 thập niên trước cho đến ngày hôm nay.
Phim Tết xưa: Ông bà, cha mẹ chúng ta xem phim Tết như thế nào?
Mặc dù được người Pháp đưa điện ảnh vào Việt Nam từ thập niên 30 của thế kỷ trước trong giai đoạn thực dân, nhưng phải đến đầu thập niên 50, chúng ta mới bắt đầu có một vài bộ phim điện ảnh hoàn chỉnh.
Và một trong hiếm bộ phim hoàn chỉnh đầu tiên ấy là Kiếp hoa, được sản xuất vào năm 1951 và khởi chiếu vào dịp Tết năm 1953. Đây là bộ phim lãng mạn kể về một câu chuyện tình ngang trái trong thời tạm chiếm ở Hà Nội trước 1954 do hãng Kim Chung – vốn là một đoàn cải lương thịnh hành thời đó ở miền Bắc sản xuất. Phim do ông bầu Trần Lang bỏ vốn sản xuất kiêm đạo diễn cùng với một đạo diễn đến từ Hồng Kông. Hai nữ diễn viên chính là Kim Chung (vợ của ông bầu Trần Lang) và Kim Xuân (mẹ của NSND Như Quỳnh) cùng một nam tài tử nghiệp dư nhưng có phong thái sang trọng lịch lãm của một chàng trai tư sản ở Hà Nội thời tiền chiến.
Kiếp hoa dài tới 106 phút, thậm chí còn dài hơn nhiều bộ phim điện ảnh Việt Nam chiếu rạp bây giờ (thường giới hạn trên dưới 90 phút để dễ bán vé). Bộ phim dù còn nhiều hơi hướng của lối diễn xuất ước lệ sân khấu và kỹ thuật chưa hoàn thiện nhưng lại có bố cục, cấu tứ của một bộ phim truyện chặt chẽ; kịch bản có nhiều thắt mở nút, tạo cao trào, kịch tính; mở và kết bộ phim theo một vòng tròn khép kín.
Theo thông tin trên báo chí thời đó, để quảng bá bộ phim này, ông bầu Trần Lang “chơi trội” đã thuê máy bay trực thăng bay một vòng quanh trung tâm thành phố Hà Nội, đặc biệt là khu vực hồ Gươm để rải những áp phích quảng bá phim.
Không chỉ ăn khách tại Hà Nội, bộ phim cũng tạo được hiện tượng tại miền Nam sau năm 1954 khi ông bầu Trần Lang và vợ là diễn viên cải lương Kim Chung, di cư vào Nam và mang bộ phim vào chiếu tại Sài Gòn. Kiếp hoa cũng có thể coi là bộ phim của điện ảnh tư nhân đầu tiên thành công ở hai miền Nam Bắc của Việt Nam.
Trong ký ức của ông bà ta thuở ấy, đặc biệt là những ai có xuất xứ từ Hà Nội, hẳn sẽ khó quên được ký ức về bộ phim Tết này.
Sau Hiệp định Genève (1954), Việt Nam chia cắt thành hai miền Nam, Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời.
Nếu như ở miền Bắc, sau Hiệp định Genève mãi tới năm 1959 mới xuất hiện bộ phim truyện đầu tiên (Chung một dòng sông) thì ở miền Nam, điện ảnh đạt tới thời kỳ đỉnh cao ngay từ năm 1957 với nhiều bộ phim được sản xuất, trong đó có phim màu đầu tiên của Việt Nam là phim Lục Vân Tiên. Theo tờ tuần báo Điện ảnh của ông chủ bút Nguyễn Ngọc Linh thì trong năm 1957, điện ảnh miền Nam sản xuất được tới 37 bộ phim, một con số có thể nói là kỷ lục trong 20 năm tồn tại và phát triển của điện ảnh miền Nam.
Trong những năm đầu, các hãng tư nhân sản xuất phim mạnh mẽ, kéo theo đó là sự xuất hiện của một thế hệ diễn viên điện ảnh mới, đa số đã nổi tiếng từ sân khấu chuyển sang như Kim Cương với phim Lòng nhân đạo, Ngọc bồ đề, Thoại Khanh Châu Tuấn và một loạt phim chuyển thể từ các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết sau đó (bà được xác nhận là nữ diễn viên đóng nhiều vai chính nhất trong giai đoạn này).
Đặc biệt, hai nữ tài tử nổi bật nhất của điện ảnh miền Nam sau đó là Kiều Chinh và Thẩm Thúy Hằng cũng sớm xuất hiện trong thời kỳ đầu. Bộ phim đầu tay của Kiều Chinh là Hồi chuông Thiên Mụ của hãng phim Tân Việt và Thẩm Thúy Hằng là Người đẹp Bình Dương của hãng phim Mỹ Vân đầu tư. Cả hai phim đều được sản xuất trong năm 1957 và chiếu vào dịp Tết.
Sự mới lạ và hấp dẫn của điện ảnh cộng với kiến thức phim ảnh có được từ thời du học ở Pháp khiến nhạc sĩ Phạm Duy cũng có thời đầu quân cho Trung tâm Điện ảnh ở Sài Gòn với mong muốn trở thành đạo diễn.
Sau một bộ phim tài liệu khá thành công, vào năm 1958, Phạm Duy bắt tay viết truyện phim và đạo diễn bộ phim dài đầu tay Hai Người Mẹ do hãng phim Đông Phương của ông Đỗ Bá Thế đầu tư sản xuất. Theo bài “Sổ tay Kịch ảnh” trên tờ Điện ảnh ra cuối năm 1958 thì “Hai Người Mẹ đã kiểm duyệt xong cốt truyện và phân cảnh, chỉ còn đợi ngày lành tháng tốt là bắt đầu thực hiện. Nữ tài tử chính trong phim là Trang Thiên Kim và Quỳnh Giao (con gái nhà sản xuất), còn nam tài tử là diễn viên mới toanh nhưng đảm bảo về mặt diễn xuất. Theo lời Phạm Duy thì đây là một bộ phim tình cảm thực hiện khoảng 80% nội cảnh và 20% ngoại cảnh, với hi vọng mang ra chiếu Tết năm 1959”.
Giai đoạn đó Phạm Duy đang rất say mê với điện ảnh, dù ông thừa nhận “nền điện ảnh trong xứ không nuôi nổi đạo diễn, tài tử”. Trong cuốn hồi ký xuất bản sau này, Phạm Duy cũng đề cập khá nhiều về điện ảnh miền Nam, nhưng tuyệt nhiên không thấy ông nhắc đến những cuốn phim do ông đạo diễn, trong đó có bộ phim Hai Người Mẹ. Bản thân người viết cũng tra cứu nhiều tài liệu, nhưng vẫn không thấy ở đâu nhắc đến bộ phim này, dù khen hay chê. Có thể bộ phim gặp một vài sự cố nào đó và không được phát hành chăng?
Vào những năm 1968, 1969, đời sống giải trí, điển hình là điện ảnh cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Đây là giai đoạn mà điện ảnh miền Nam bùng nổ thực sự về số lượng và chất lượng với nhiều hãng phim tư nhân, thậm chí nhiều ngôi sao tài danh cũng có hãng phim riêng như Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kiều Chinh...
Trong giai đoạn cuối trước khi chính thức lụi tàn, điện ảnh Sài Gòn chuyển hướng sang phim hài giễu để “mua vui cũng được một vài trống canh”. Những bộ phim hài trào lộng như Tứ quái Sài Gòn, Năm vua hề về làng, Sợ vợ mới anh hùng… lần lượt ra mắt, đa số đều được chiếu vào dịp Tết và đều là những phim ăn khách, thu hút khán giả tới rạp.
Tứ quái Sài Gòn, quay năm 1973 và trình chiếu vào dịp Tết 1974 với phụ đề tiếng Trung, Anh Pháp, chiếu tại miền Nam và một số nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia. Phim do hãng Lido films sản xuất với kịch bản của Vũ Đức Duy, quay phim Trần Đình Mưu và đạo diễn La Thoại Tân – một nam diễn viên rất ăn khách trước 75 lần đầu tiên thử sức với vai trò đạo diễn. Dàn diễn viên bao gồm những danh hài như La Thoại Tân, Khả Năng, Thanh Việt, Tùng Lâm bên cạnh hai mỹ nhân là Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng.
Tứ quái Sài Gòn theo chân 4 anh chàng nhà quê lên Sài Gòn hy vọng đổi đời trở thành phim ăn khách nhất trong dịp Tết năm 1974 khiến hãng phim Mỹ Vân và nhiều hãng tư nhân khác vào cuộc để sản xuất phim chiếu Tết. Mùa Tết năm 1975 màn ảnh miền Nam bùng nổ với nhiều phim như Hải vụ 709, Từ quê ra tỉnh, Nữ quái sợ ma và ăn khách nhất là Năm vua hề về làng. Đây là mùa phim Tết cuối cùng của nền điện ảnh miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa.
Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 đã đánh dấu kết thúc cho nền điện ảnh của miền Nam Việt Nam trong gần 20 năm thăng trầm với khoảng gần 300 bộ phim được sản xuất và trình chiếu.
Trong khi đó ở miền Bắc, điện ảnh do Nhà nước sản xuất và đi theo hướng tuyên truyền để phục vụ cho mục đích cách mạng nên phim Tết không thực sự nổi trội. Thật khó để tìm ra những bộ phim giải trí vui nhộn để chiếu trong dịp Tết khi đời sống kinh tế còn khó khăn và “tất cả đều phục vụ cho tiền tuyến”.
Như vậy, từ những năm 50 cho đến 1975, ông bà cha mẹ hoặc các thế hệ trước của chúng ta chủ yếu chỉ biết đến những bộ phim hài Tết ở miền Nam.
Và đây cũng là thị trường chính của điện ảnh giải trí, đặc biệt là phim Tết trong hơn 3 thập niên qua.
Phim Tết nay: Từ phim Tết thời "mì ăn liền" đến canh bạc "may rủi" trong năm?
Vào đầu những năm 90, điện ảnh phía Nam bắt đầu chuyển hướng sang giải trí để tiếp cận một lượng công chúng rất đông đảo là giới trẻ. Thay vì những bộ phim ca ngợi cách mạng hay hình tượng người lính, những bộ phim hậu chiến bi thương, điện ảnh phía Nam khai thác những câu chuyện lãng mạn học đường, những bộ phim võ thuật hành động hay giang hồ mà những tác phẩm như Vị đắng tình yêu, Nước mắt học trò, Người không mang họ, Tây Sơn hiệp khách, Tướng cướp Bạch Hải Đường… nhanh chóng trở thành những bộ phim ăn khách hàng đầu. Một loạt ngôi sao điện ảnh cũng xuất phát từ giai đoạn phim “mì ăn liền” này như Lý Hùng, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Mộng Vân, Y Phụng…
Không chỉ là những ngôi sao ăn khách nhất, họ còn là những “ông hoàng, bà chúa” của ảnh lịch tường treo Tết mà hầu như gia đình nào thời đó cũng mua một vài bộ để chưng trong dịp Tết.
Những bộ phim chiếu Tết ở phía Nam giai đoạn này phần lớn ảnh hưởng từ điện ảnh Hồng Kông. Đây là giai đoạn điện ảnh Hương cảng phát triển rực rỡ. Nhiều khán giả trẻ của thế hệ này (U50, 40 bây giờ) thuộc nằm lòng những bộ phim Hồng Kông chiếu Tết rất hài hước và vui nhộn như Gia hữu hỷ sự, Bát tinh báo hỷ, Phúc quý bức nhân, Hành vận siêu nhân… với dàn sao tên tuổi hàng đầu của điện ảnh Hồng Kông thời ấy như Châu Nhuận Phát, Châu Tinh Trì, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Trương Quốc Vinh và Dương Thiên Hoa đóng chính.
Sự giàu có và vận may hoặc chuyện nhân duyên – là những chủ đề luôn xuất hiện trong các bộ phim chiếu Tết và được điện ảnh Hồng Kông khai thác tối đa để câu khách. Điển hình cho xu hướng này là bộ phim Gia hữu hỷ sự (All’s Well, End’s Well) ra mắt năm 1992 trở thành phim Tết kinh điển của Hồng Kông và sau đó được phát triển thành chuỗi phim Tết thương hiệu với 7 phần nữa. Phần mới nhất ra mắt năm 2020 nhưng không còn đạt được sự thành công như trong quá khứ.
Phim Tết Việt Nam, chủ yếu ở phía Nam cũng cố gắng đi theo hướng này nhưng có vẻ không thành công như mong đợi. Một trong những lý do chủ yếu là dòng phim “mì ăn liền” bắt đầu thoái trào vào nửa cuối thập niên 90.
Sau cơn sốt phim Gái nhảy vào năm 2003, điện ảnh giải trí bắt đầu “sống” trở lại. Một loạt phim chiếu Tết trong những năm sau đó như Tết này ai đến xông nhà, Gái nhảy 2: Lọ lem hè phố (2004), Khi đàn ông có bầu (2005), Đẻ mướn, Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt (2006), Trai nhảy: Chuông reo là bắn, Võ lâm truyền kỳ (2007), Phát tài, Nụ hôn thần chết 2: Giải cứu thần chết (2008)… khiến cuộc cạnh tranh phim Tết ngày càng trở nên khốc liệt.
Tuy nhiên, điểm chung của hầu hết những bộ phim chiếu Tết trong giai đoạn điện ảnh nội địa khởi sắc trở lại này là chất lượng tệ hại, khai thác những tiếng cười dễ dãi để “mua vui cũng được một vài trống canh”.
Phim Tết của điện ảnh Việt Nam chỉ thực sự khởi sắc trong hai năm gần đây với những kỷ lục mới được thiết lập. Mùa Tết năm 2018, phim hài Siêu sao siêu ngố của đạo diễn Đức Thịnh với danh hài Trường Giang đóng vai hai anh em sinh đôi đạt doanh thu tới 108 tỷ đồng, phim hành động hài 798Mười của Dustin Nguyễn với dàn diễn viên như Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Dustin Nguyễn cùng thu về hơn 70 tỷ đồng. Về quê ăn Tết của Ngô Thanh Vân sản xuất và đóng vai chính chấp nhận hòa vốn ở vị trí thứ 3 trong khi Đích tôn độc đắc dù có Hoài Linh đóng chính thua cuộc. Từ một “ông vua phim Tết”, Hoài Linh chính thức “ngã ngựa” và nhường sân phim Tết cho những danh hài kiểu mới như Trường Giang hay Trấn Thành.
Trong mùa phim Tết năm 2019, một mình Trấn Thành đóng chính trong hai bộ phim Tết là Trạng Quỳnh (đạo diễn Đức Thịnh) và Cua lại vợ bầu (đạo diễn Nhất Trung), tạo thành một cuộc đua song mã thú vị trong dịp Tết. Cho dù chất lượng khá tệ và những tiếng cười kém duyên, Trạng Quỳnh vẫn thu về hơn 100 tỷ đồng, trong khi Cua lại vợ bầu, dù là một phim hài pha trộn thể loại tâm lý lãng mạn gia đình lại ăn khách kỷ lục, thu về hơn 190 tỷ đồng, chính thức trở thành bộ phim Việt Nam ăn khách nhất trong lịch sử phim Việt.
Mùa phim Tết trở thành thời điểm vàng doanh thu trong năm, khá tương đồng với sự mùa phim Tết của điện ảnh Trung Quốc trong nhiều năm qua. Nhưng đây đồng thời cũng là một canh bạc may rủi khó lường trước bởi nhiều lý do chủ quan (chất lượng phim) và khách quan (thị hiếu của khán giả hay dịch bệnh chẳng hạn). Năm ngoái, cả 7 bộ phim chiếu Tết của Trung Quốc đều đồng loạt bị hủy chiếu khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán.
Và vận rủi không ngờ đến xuất hiện vào đúng mùa phim Tết của Việt Nam năm nay khi dịch Covid-19 tái bùng phát khiến mùa phim Tết được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay, với 4 bộ phim thuộc 4 thể loại và được đầu tư kinh phí lớn là Trạng Tí, Gái già lắm chiêu V, Bố già và Lật mặt: 48H đều chính thức bị hủy chiếu vào phút chót.