Quang Minh: "Headless là để thỏa mãn trí tưởng tượng của tôi!"

“Minh không sợ bị cạnh tranh, chỉ sợ một lúc nào đó mình không còn đủ sáng tạo mà thôi.”- Nguyễn Phạm Quang Minh, chủ thương hiệu streetwear Việt Headless chia sẻ.

Minh Ng
Quang Minh: "Headless là để thỏa mãn trí tưởng tượng của tôi!"

Những năm gần đây, làn sóng streetwear (phong cách đường phố) đang dần trỗi dậy mạnh mẽ trên toàn thế giới. Không còn là phong cách của riêng giới underground (tạm dịch là thế giới ngầm), ngày nay, streetwear đã thống trị sàn diễn thời trang của cả những tên tuổi lừng lẫy nhất. Với tốc độ cập nhật xu hướng vô cùng nhanh chóng của giới trẻ Việt Nam, có thể thấy, cộng đồng streetwear Việt đang thành hình và phát triển lên từng ngày.

Quay ngược về những ngày đầu năm 2015, khi streetwear còn là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam, chúng tôi đã tìm ra Headless, một trong những cái tên hiếm hoi của làng thời trang Việt theo đuổi phong cách streetwear ở thời điểm đó. Sau 3 năm thành lập, Headless vẫn giữ được cho mình sự dị biệt trong phong cách thiết kế, là nét chấm phá độc đáo trong cộng đồng streetwear Việt Nam.

Vào một ngày đầu năm 2018, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Phạm Quang Minh, chủ thương hiệu Headless, về quá trình thành lập và phát triển của thương hiệu streetwear Việt này.

Chào anh Minh, anh có thể cho độc giả biết về quá trình thành lập và phát triển của Headless được không ạ?

Chào độc giả của Vietcetera,

Thật ra thì việc thành lập Headless xảy đến một cách rất ngẫu nhiên. Xuất thân là một người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, cụ thể là quảng cáo và truyền thông đã gần 10 năm, có lúc, Minh cảm thấy như không được là chính mình và mất dần đi sự sáng tạo của bản thân. Minh nghĩ không chỉ riêng mình mà rất nhiều người làm ngành sáng tạo ở Việt Nam cũng gặp phải khó khăn đó.

Cùng thời điểm ấy, Minh cảm thấy rất khó để tìm được một nhãn hàng thời trang thỏa mãn 100% gu thẩm mỹ của mình. Để được mặc những trang phục mình muốn, Minh phải tự thiết kế và gửi gia công ở xưởng may của vợ (chị Lâm Thuý Nhàn, chủ thương hiệu thời trang Ren). Sau một thời gian, nhận thấy Ren đã phát triển và có tiềm năng, Nhàn cũng ủng hộ Minh thành lập một thương hiệu thời trang riêng với các thiết kế theo phong cách của chính Minh. Thế là Headless ra đời.

Những ngày đầu, Headless chỉ đơn giản là một góc nhỏ trưng bày các thiết kế trong cửa hàng của Ren và người mua đa số là bạn bè thân thiết của hai vợ chồng. Vừa bán, vừa thăm dò thị trường. Hơn một năm sau đó, khi mà Headless đã có được một lượng khách hàng nhất định rồi, Nhàn quyết định “đuổi” Headless ra khỏi Ren. Thế là Headless chính thức có nhà mới ở 153/58 Trần Hưng Đạo, quận 1. Mới đó mà cũng đã được ba năm tròn trĩnh rồi.

Đối tượng khách hàng của Headless là những ai ạ?

Theo Minh nhận thấy, vì Headless là thương hiệu thời trang phi giới tính (unisex), vì thế đối tượng khách hàng của Headless rất đa dạng, gồm cả nam lẫn nữ. Nhưng nếu phải quy về một mẫu số chung, thì chắc chắn khách hàng của Headless là những người tìm kiếm sự khác biệt. Điều này cũng dễ hiểu bởi mọi người đều nhận xét trang phục của Headless tuy nhìn hay, lạ nhưng lại rất khó mặc. Đối với Minh, những bạn khách hàng trung thành của Headless phải gọi là dũng cảm, bởi họ dám thử những phong cách mới và lạ.

Theo anh, điều gì tạo nên sự khác biệt của Headless so với những thương hiệu thời trang streetwear khác tại Việt Nam?

Các bạn khách hàng thường gọi Headless là dark-wear (thời trang với màu sắc chủ đạo là màu đen), techwear (thời trang thường ngày nhưng có chất liệu và tính chất đặc biệt) hoặc streetwear đều được. Tuy nhiên, Minh chỉ định hướng Headless theo phong cách cá nhân của Minh, gồm quần skinny jeans, quần thụng và áo thun. Vốn là một người sống khá underground, Minh thích truyện tranh Nhật Bản, nghe và chơi nhạc Hardcore Rock và phong cách của Minh được định hình từ đó. Khi thiết kế cho Headless, Minh thường liên tưởng tới những nhân vật, chủ đề mà mình bắt gặp trong truyện hoặc sử dụng những bản vẽ mình phác thảo vẽ từ trước. Ví dụ như chiếc quần shorts này chẳng hạn, nó được thiết kế dựa trên bộ giáp của Samurai đấy!

Mất bao lâu để Headless hoàn thiện và ra mắt một bộ sưu tập mới? Ngoài những gam màu như trắng, đen, anh có muốn thử sức với các màu sắc khác không?

Hiện tại, Minh là người duy nhất chịu trách nhiệm thiết kế và phát triển bộ sưu tập cho Headless. Dựa trên độ “chín” của một chủ đề mà Minh sẽ cho ra mắt một bộ sưu tập mới, có nghĩa là các thiết kế trong một bộ sưu tập phải đủ để kể một câu chuyện. Quá trình từ khi lên ý tưởng, tìm vải, phát triển mẫu đến sản xuất mất gần 3 tháng, nên trung bình một năm Headless sẽ cho ra mắt 4 bộ sưu tập mới. Mỗi bộ sưu tập gồm khoảng 20 thiết kế gồm cả quần, áo thun và áo khoác.

Minh thường sản xuất một bộ sưu tập với số lượng lớn thay vì sản xuất theo từng đợt nhỏ. Headless đơn giản là nơi Minh chia sẻ trí tưởng tượng của mình, Minh có niềm tin với các thiết kế và không muốn phải đặt nó lên bàn cân. Minh quan niệm sản phẩm chưa được ưa chuộng là do chưa tìm được nhiều người đồng cảm với thiết kế đó. Và Minh vẫn mong chờ những người như vậy.

Còn nói về màu đen, đó là màu sắc Minh yêu thích từ nhỏ và không thể nào thoát ra được. Nhưng nếu phải chọn một màu khác, Minh sẽ chọn màu hồng. Thật sự thì hồi tháng 3 năm 2016, nhân dịp tháng của chị em phụ nữ, Minh có đổi hết tất cả các sản phẩm chủ đạo sang màu hồng. Vì Minh thấy nam giới mang màu hồng đẹp thật sự.

Anh có gặp khó khăn gì khi phát triển bộ sưu tập mới không?

Quá trình phát triển bộ sưu tập mới khá là khó khăn đấy. Minh muốn Headless là một thương hiệu thuần Việt, được sáng tạo bởi người Việt và chất liệu, sản xuất cũng phải từ Việt Nam. Bởi thế, Minh phải tự mình tìm kiếm vải, khó tìm nhất là chất liệu da và các phụ liệu đặc biệt. Nhiều khi kiếm được mặt vải ưng ý thì cũng chỉ sản xuất được một mùa vì hết nguồn cung cấp. Minh không muốn sản xuất với chất liệu thay thế hoặc kém chất lượng. Cũng có khi mua vải về may rồi mới phát hiện nó không phù hợp, lại phải dừng sản xuất và tìm tiếp.

Ngoài ra, không thể không nói đến quá trình phát triển bản rập và mẫu thử. Như mọi người có thể thấy, với các thiết kế chi tiết phức tạp mà Headless có, việc cắt rập là cực kỳ công phu và mất thời gian. Là một người tay ngang, Minh may mắn nhận được sự hỗ trợ từ một chú thợ may có hơn chục năm kinh nghiệm. Chỉ cần trình bày thiết kế và trao đổi ý tưởng, chú sẽ cắt may và sản xuất cho Minh. Có đôi lần thiết kế phức tạp quá phải làm đi làm lại rập không biết bao nhiêu lần.

Quần áo của Headless hầu hết là freesize (một size duy nhất), làm sao để đảm bảo sự vừa vặn cho người mặc, gồm cả nam và nữ?

Kích thước sản phẩm quả là một vấn đề của Headless. Trước khi phát triển mẫu, Minh thường phải hình dung thử xem những tạng người khác nhau nếu cùng mặc sản phẩm này sẽ như thế nào. Tuỳ theo bạn cao hay thấp, mập hay ốm mà trang phục nhìn sẽ có chút khác biệt. Cũng có những sản phẩm phải làm 2 size riêng: size S cho người cao tầm 1m7 trở xuống và size L cho người cao 1m75 trở lên.

Ngoài ra, Headless cũng nhận may đo riêng cho các bạn có tạng người đặc biệt hơn. Dựa trên số đo của các bạn, xưởng sẽ hoàn thiện bộ rập và sản phẩm trong vòng dưới một tuần. Ở Headless cũng có quần áo cho trẻ em, bắt nguồn từ việc Minh may đồ cho con (bé Hehe) và nhận được đề nghị sản xuất từ nhiều người.

Anh có thể nói sơ qua về cộng đồng streetwear Việt Nam được không?

Streetwear là một phong cách mà Minh rất thích và âm thầm theo dõi đã lâu. Qua các diễn đàn mà Minh tham gia, cá nhân Minh nhận thấy cộng đồng streetwear Việt Nam đang lớn dần lên với các xu hướng thay đổi từng ngày.

Streetwear vốn bắt nguồn từ văn hoá skateboard (trượt ván), punk rock và hip hop của Mỹ. Các bạn trẻ thường ăn mặc sao cho thoải mái nhất vì họ di chuyển cả ngày. Sau đó, nhiều nhân vật nổi tiếng cũng bắt đầu mặc như vậy và dần dần streetwear trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, Minh không dám nói chính xác nhưng có lẽ streetwear bắt đầu nhen nhóm từ khoảng năm 2015, phần lớn là nhờ sự phát triển của mạng xã hội nên các bạn trẻ dễ dàng cập nhật xu hướng thế giới hơn. Thời điểm đó, theo Minh nhớ, Sài Gòn chỉ có khoảng 10 thương hiệu bán đồ streetwear cho nam. Còn bây giờ thì các tên tuổi mới xuất hiện ngày càng nhiều.

Nói vậy, thị trường streetwear Việt Nam ngày càng trở nên cạnh tranh, liệu anh có sợ bị cạnh tranh không?

Headless may mắn vì có lượng khách hàng trung thành khá lớn. Nhiều người nói với Minh rằng họ thích phong cách cá nhân của Minh và tiếp tục quay lại vì cái tinh thần thiết kế mà Headless cố gắng duy trì trong nhiều năm qua. Có thể nói, sự nhất quán trong phong cách là một điểm mạnh của Headless.

Minh không nuôi hy vọng sẽ làm giàu từ Headless mà chỉ xây dựng nó đơn giản là để thoả mãn trí tưởng tượng của bản thân. Tới bây giờ, Headless vẫn chưa bao giờ là bài toán khiến Minh nhức đầu suy nghĩ, vẫn có đủ lợi nhuận để tiếp tục phát triển các bộ sưu tập mới. Quan điểm của Minh rất đơn giản, nếu Minh có nhiều tiền Minh sẽ đầu tư cho Headless nhiều, còn bộ sưu tập thì cứ chờ nó “đủ chín” mới ra mắt. Vì vậy có thể nói Minh không sợ bị cạnh tranh, chỉ sợ một lúc nào đó mình không còn đủ sáng tạo mà thôi (cười).

Anh có nghĩ rằng các thương hiệu streetwear Việt Nam có cơ hội để cạnh tranh với các thương hiệu streetwear tên tuổi như Supreme, Champion, Fear of God không? Và để có thể cạnh tranh với các thương hiệu đó, thương hiệu nước nhà cần phải hoàn thiện những thiếu sót nào?

Minh không dám đánh giá thị trường đâu (cười)! Nhưng với Minh, thật sự là không có sự khác biệt lớn nào giữa sản phẩm của các tên tuổi lớn và local brand (thương hiệu nội địa). Thậm chí Minh còn nhận thấy làn sóng ủng hộ local brand đang phát triển rất mạnh mẽ trong lòng các bạn trẻ Việt Nam nữa. Các bạn có thể thấy trong một số diễn đàn và nhóm chuyên về streetwear, có rất nhiều bạn chỉ ưu tiên sử dụng đồ từ local brand mà thôi. Không bàn về chênh lệch giá cả, chỉ riêng việc các bạn có tinh thần và định hình phong cách như vậy cũng đã là niềm khích lệ lớn rồi.

Qua những chuyến du lịch đến Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, và Malaysia, Minh nhận thấy chất lượng sản phẩm của chúng ta thật sự không hề thua kém các nước trong khu vực. Có chăng là người dân và chính phủ nước bạn “thiên vị” các thương hiệu nội địa hơn thôi. Ví dụ như ở Thái Lan, khi thương hiệu nội địa thuê mặt bằng trong trung tâm mua sắm, họ sẽ nhận được chiết khấu cho giá thuê, chưa kể chính phủ còn có những dự án thiết thực để hỗ trợ quảng bá cho người làm thời trang trong nước nữa.

Vậy theo anh, streetwear Việt Nam đang phát triển theo hướng như thế nào?

Theo Minh quan sát, cộng đồng streetwear Việt Nam đang có hướng đi rất phù hợp với xu hướng của cộng đồng streetwear thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản. Tốc độ cập nhật xu hướng của các bạn rất nhanh, chỉ khoảng một, hai tháng là các xu hướng mới nhất đã phổ biến ở Việt Nam rồi. Street style Việt còn có mặt tại các tuần lễ thời trang lớn trên thế giới nữa. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, sẽ thật tuyệt nếu các bạn vừa học hỏi vừa biết cách tiết chế để làm nổi bật phong cách cá nhân của mình. Vận dụng cái tôi để phát triển phong cách sẽ tạo ra rất nhiều nét riêng biệt thú vị, đó là điều mà cộng đồng streetwear Việt mình còn thiếu.

Sắp tới, anh Minh có dự định gì cho Headless không?

Vốn là một người yêu sneakers (giày thể thao), Minh cũng ước mơ được làm giày lắm, nhưng đó sẽ là một cuộc chơi lớn. Tuy khó khăn nhưng rồi Minh sẽ tìm được cách thôi, vì Headless được sinh ra là để thoả mãn sở thích của Minh mà (cười). Ngoài ra, Minh cũng muốn cộng tác với các thương hiệu nội địa (local brand) khác trong thời gian tới. Trước đây cũng có nhiều lời mời hợp tác nhưng vì chưa có thời gian nên Minh không dám nhận lời.

Anh có thể cho độc giả biết một số điều thú vị về anh được không?

Minh học tiếng Pháp từ khi mới 6 tuổi và rồi quyết định học ngành dịch thuật tiếng Pháp theo nguyện vọng của mẹ. Sau đó mới rẽ hướng sang lĩnh vực sáng tạo cho thỏa đam mê của mình. Ngoài vai trò COO (giám đốc điều hành) tại công ty Zeroz thuộc tập đoàn Yeah1, quản lý Headless và làm bố Hehe ra, Minh còn là vocal (hát chính) của một ban nhạc Hardcore Rock tên Razo Leaf. Nhóm gồm 5 thành viên, chuyên diễn tại các sự kiện nhạc rock của giới underground cũng như hỗ trợ các buổi diễn của các bạn nhạc nước ngoài về Việt Nam trình diễn.

Tới tận bây giờ, Minh vẫn thích truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản. Ngoài ra, Minh không dám nhận mình là một sneakerhead (dân chơi giày), nhưng Minh là một người yêu giày từ khi mới 16-17 tuổi. Minh có khoảng gần 80 đôi giày, trong đó có những đôi phải giấu ở kho của Headless để Nhàn không biết (cười). Minh sẽ giữ bộ sưu tập này để chờ Hehe lớn và truyền lại cho Hehe.

Nói về thiết kế, Minh thích thương hiệu Mastermind của Nhật và ngôn ngữ thiết kế của Y-3 (thương hiệu đồng sáng lập bởi Adidas và nhà thiết kế Yohji Yamamoto). Minh được truyền cảm hứng từ triết lý sáng tạo của các nhà thiết kế nổi tiếng như Rick Owens, Yohjo YamamotoVirgil Abloh, người sáng lập thương hiệu Off-White. Nhưng Minh chỉ thích mang đồ của Headless thôi (cười).

View this post on Instagram
#headlessteam
A post shared by HEADLESS (@headless.team) on Dec 2, 2017 at 10:26pm PST

 

Vậy còn điều thú vị về các thành viên trong gia đình nhỏ của anh thì sao ạ?

Phong cách cá nhân của Minh và Nhàn khá khác nhau. Minh yêu thích gam màu đơn sắc, còn Nhàn lại thích những màu sắc tươi trẻ hơn. Nhưng tụi mình rất tôn trọng và ít khi đánh giá phong cách của nhau, trừ khi Minh mang đồ quá xấu thôi (cười). Còn trong mắt Minh, phong cách của Nhàn lúc nào cũng đẹp. Trước đây, Minh thích cho Hehe mang đồ giống mình, nhưng giờ Hehe được mẹ phối đồ cho nên phong cách quá rồi.

Bé Hehe nhà Minh bây giờ còn có nhiều người theo dõi trên Instagram hơn cả bố mẹ nữa (cười). Thật ra mới ban đầu Minh và Nhàn lập tài khoản riêng cho Hehe chỉ để lưu giữ lại mọi khoảnh khắc của con, bởi nếu chỉ lưu trong điện thoại thì sẽ có khả năng bị mất. Ở thời điểm 2014-2015, Instagram thật sự không phổ biến, nhưng dần dà lượng người theo dõi tăng chóng mặt. Cũng có lúc vợ chồng Minh sợ sẽ nguy hiểm cho con nên đóng tài khoản lại. Lúc đó, có nhiều bạn nhắn tin cho Minh bảo nhìn hình Hehe là niềm vui mỗi ngày của họ và đề nghị mở lại. Nên thôi, mình cứ mở cho các bạn được ngắm Hehe vậy.

Anh Minh có thể gợi ý cho Vietcetera về nhân vật trò chuyện tiếp theo được không ạ?

Các bạn hãy trò chuyện với Nam Phạm và Huỳnh, chủ cửa hàng G-LAB, một trong số những người đặt viên gạch đầu tiên cho cộng đồng sneakers Việt Nam đồng thời cũng là quản lý của trang Thần Kinh Giày. Ngoài ra, còn có một bạn đến từ Hà Nội mà Minh đánh giá cao cả về phong cách lẫn lối tư duy đấy là Nhật Minh đến từ thương hiệu Zéro21st Urban.

Vietcetera chân thành cảm ơn anh Minh đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc anh Minh và Headless luôn thành công với những dự định sắp tới!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục