Rắn Cạp Đuôi: "Thể nghiệm" chỉ là những lớp áo khác nhau
30 tháng 7 vừa qua, album chính thức do một label phát hành của Rắn Cạp Đuôi Collective, Ngủ Ngày Ngay Ngày Tận Thế, đã được cây bút phê bình âm nhạc Joshua Minsoon Kim của Pitchfork cho 7,8 điểm. Đây là lần đầu một nghệ sĩ Việt được vinh dự điểm mặt gọi tên trên Pitchfork. Điều này đã tạo ra một cột mốc quan trọng mở đường cho các nghệ sĩ Việt tiến bước vào thị trường quốc tế.
Đúng như tinh thần của tên gọi Rắn Cạp Đuôi Collective. họ không đơn thuần là một ban nhạc, mà họ còn là một tập thể. Rắn Cạp Đuôi Collective “chuyên trị” các thể nghiệm âm thanh gần với trào lưu post-rock. Đỗ Tấn Sĩ là founder của tập thể này, được thành lập tại TP.HCM từ 2012. Tới nay, sau 9 năm, đội hình hiện tại Rắn Cạp Đuôi bao gồm ba thành viên người Việt - Đỗ Tấn Sĩ, Spencer Nguyễn, Phạm Thế Vũ - và cetera: Zach Sch, người Mỹ gốc Do Thái, đồng đảm đương nhiều nhạc cụ và thiết bị sáng tác.
Từ trước khi có bài đánh giá trên Pitchfork, Rắp Cạp Đuôi đã và không ngừng "lột da" và để lại trên nhiều sân khấu tại Việt Nam nói chung. Trong đó có show diễn tại Cà Phê Thứ Bảy Trẻ trong dự án giới thiệu nghệ sĩ mới do nhạc sỹ Dương Thụ khởi xướng, hay những lần xuất hiện tại Cù Rú Bar, Galerie Quỳnh, Salon Saigon, 4 2 1 5, Heritage Space, Hanoi Rock City,...). Bằng sự sáng tạo và chơi đùa với những âm thanh lạ tai và không ngại sự thách thức, Rắn Cạp Đuôi đã thu hút được một "cult following" nhất định trong giới âm nhạc tại TP.HCM những năm gần đây.
Chúc mừng các bạn đã trở thành nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam lên tờ báo âm nhạc Pitchfork! Tâm trạng của mọi người hiện tại như thế nào?
Rắn Cạp Đuôi cảm thấy vui nhưng không quá sức, vì phải qua một bài đánh giá trên Pitchfork thì khán giả Việt Nam mới để ý đến nhóm - một thứ tiêu chuẩn “con nhà người ta” khi bản thân chúng ta đôi khi lại e dè, nhẫn nại quá mức trước những gì hơi chút mới mẻ ngay xung quanh.
Thực tế, chúng tôi cũng được review tại những trang khác trước đó mà theo cá nhân chúng tôi cảm thấy rất vui, chẳng hạn Brainwashed và trang báo online về âm nhạc và văn hóa nghệ thuật khuynh tả The Quietus. Điều vui hơn có lẽ là sự tiếp nhận, trải nếm của những khán giả chưa từng biết về sự tồn tại của chúng tôi, mang những cá tính và phông nền riêng của họ vào bình luận.
Concept chính của Ngủ Ngày Ngay Ngày Tận Thế là gì? Sĩ cũng như nhóm sẽ có hướng đi như thế nào trong tương lai gần?
Khác với những album trước của Rắn Cạp Đuôi, album này tập trung vào kỹ thuật điện tử, cắt ghép (collage), ảnh hưởng từ hyperpop và nhiều yếu tố khác nhau hòa trộn để phản ánh gần nhất có thể thứ âm thanh và cảm xúc chúng tạo ra trước hết trong đầu chúng tôi. Không chủ đích mang khoác chút gì cụ thể, dễ dò, NNNNTT nên xem như một quá trình sáng tạo không nghỉ, và sẽ còn tiếp nối vào dòng chảy sáng tác của Rắn Cạp Đuôi.
Liệu "hướng đi trong nghệ thuật" có đơn thuần chỉ là một mỹ từ vay mượn từ hệ thống sản xuất và phát hành chính thống để bóng bẩy hóa quyết định duy trì hay từ bỏ một công thức sáng tác khi nó trở nên quá ăn khách? Hay khái niệm mô tả về âm nhạc, như ”thể nghiệm”, chỉ là những lớp áo khác nhau mà chúng ta trồng vào hỗn độn ý thức?
Cái tên Rắn Cạp Đuôi có ý nghĩa thế nào? Tại sao album của nhóm lại mang tên Ngủ ngày ngay ngày tận thế?
Thường thì việc "thể nghiệm" tự diễn ra và ít khi phải đòi hỏi miêu tả quá nhiều về nó: chỉ tuôn ra vô lối, tự nhiên, không toan tính. Thay vì một tuyến tính dọc ngang, zig zag siêu hình học nào đó, cái tên “Rắn Cạp Đuôi” có thể nói thay: chúng tôi “cạp” lấy cái đuôi sáng tác để lại trước đó, hay... cạp đuôi nhau, là lúc các thành viên hối thúc hay phản biện chỗ đứng thỏa đáng cho đóng góp của mình.
Ngủ ngày ngay ngày tận thế do Sĩ đặt về cuối cùng, khi mọi thành phần trong tác phẩm đã hoàn thành còn nhóm vẫn loay hoay chưa nghĩ ra một cái tên cho tổng hợp âm nhạc này. Chưa kể, nhóm sáng tác thường xuyên vào ban đêm và các thành viên ngủ vào ban ngày.
Hơn nữa, thử nghĩ về khái niệm Tận thế: tận thế phải chăng là những cái chúng ta quan sát, và trải qua, sau một cột mốc, chẳng hạn Tận thế tàn phá hết tất cả, không chừa lại gì, chúng ta làm sao còn ở đó mà thuật lại? Giữa lúc tình hình COVID-19 đang cam go, khốc liệt tại Sài Gòn, theo dõi tin tức và nghịch cảnh xảy ra, đó là một trải nghiệm phiên phiến “tận thế”. Cuối cùng, tên được chọn cũng theo cách nào đó không bị “biên giới hóa”, có thể phù hợp và dễ liên hệ cho khán giả khắp nơi: chúng ta đang tồn tại bên trong chính nó, theo cách nói hoa mỹ.
Theo Rắn Cạp Đuôi, dòng nhạc thể nghiệm tại Việt Nam liệu sẽ có những bước tiến phát triển trong thập kỷ tới?
Chúng tôi biết rõ về mình nhất, và những nghệ sĩ chúng tôi có cơ duyên hoặc ý đồ tham gia sáng tác, chứ chẳng thể đứng ra đại diện thay lời ai cả. “Thể nghiệm” giản dị là “how” còn những gì từng xảy ra trong lịch sử là “what” ghi chép những gì sinh ra từ những “how” đó. Lịch sử âm nhạc, ít nhất là hiện đại và hậu hiện đại, là tường thuật, chép ghi lại những how như là what, gộp cả hai lại với nhau, rồi mổ xẻ bàn đi tán lại đến nhọc óc ở khắp nơi rồi.
Với chúng tôi, cái “how” của chúng tôi là âm nhạc, nghĩ quá nhiều chỉ tổ gông thêm xiềng xích chứ chẳng tích sự gì. Có lẽ chúng ta nên nhìn về tương lai với một sự khách quan như khi nhìn lại quá khứ. Để họ có thể hiểu được nét đặc thù của thời chúng tôi - thời hiện tại: những bạn trẻ, cực trẻ dám tiếp nhận, hấp thụ, thẩm thấu tất cả. Chúng tôi chẳng biết về tương lai.
Giữa một thực tại cực kỳ bất định như hiện nay, một thập kỷ lại còn xa vời hơn bao giờ hết - ném năm mười hòn đá vào sương mù phía trước để chờ nghe tiếng thụp vọng lại để từ đó định vị sẽ tiến thêm bao nhiêu bước, có lẽ cũng mơ hồ chẳng kém.
Những nghệ sĩ underground nào (liên quan hoặc không liên quan tới âm thanh của Rắn Cạp Đuôi) theo các bạn cảm thấy là có tiềm năng sẽ tiến được tới thị trường nước ngoài?
Không nên nghĩ nhiều đến “thị trường”. Nghệ sĩ càng trẻ, thành phẩm hấp thụ của họ càng thu hẹp hơn khoảng cách thẩm mỹ với cộng đồng quốc tế, nên việc hòa nhập có lẽ không nên cho là “đích đến” mà là một “hành trình”. Đương nhiên, song song với thẩm mỹ luôn biến đổi của khán giả. Đơn cử như Mona Evie (một nhóm các bạn rất trẻ ở Hà Nội) và Lý Trang (một thành viên khác trong Rắn Cạp Đuôi) đã góp âm thanh trong các tuyển tập nhạc điện tử thử nghiệm của hãng đĩa Chinabot, Nhung Nguyễn (Sound Awakener) hợp tác với nhiều nghệ sĩ và dự án quốc tế hoạt động liên ngành: âm thanh, phim, nghệ thuật thị giác.
Gãy Collective mới có một bài giới thiệu về scene nhạc clubbing Việt Nam ở Bandcamp còn Cút Lộn cũng đã gây tiếng vang trong cộng đồng punk khu vực.
Nghệ thuật chỉ nên được công nhận bởi giá trị của chính tác phẩm. Chúng ta cần "bóc" bớt những nhãn mác như underground, hay "Made in Việt Nam”. Và những loại hình nghệ thuật sâu sắc nhất, theo chúng tôi, dường như nhằm về một thứ universal truth mà người ta có thể tìm thấy mình trong đó. Không hiểu truth của bản thân, chúng tôi không thể ướm ghép nó với một truth nào khác, và không chiều chuộng bản thân thì làm sao chiều chuộng được ai thêm?
Ngủ ngày thời lượng chỉ 27 phút (so với album kinh điển Reign in Blood của Slayer có thời lượng 28:55 phút) được điểm cao từ Pitchfork là do chất hay do lượng? Chúng tôi thích những gì mình tạo ra.