Sizeism - Bạn có bị kỳ thị vì kích thước "lệch chuẩn"?
Nhắc đến Tết ngoài những ngày nghỉ dài, cúng kiếng, ăn cỗ, thì chúng ta cũng còn một “đặc sản” mà không phải ai cũng thích - đó chính là những câu hỏi tréo ngoe của họ hàng.
Và trong những câu hỏi khó trả lời này, thể nào cũng bao gồm ngoại hình bởi đó thường là phần dễ thấy nhất. Chuyện sẽ chẳng có vấn đề gì nếu ai cũng sở hữu ngoại hình theo “chuẩn mực xã hội”.
Nhưng không, phần lớn chúng ta là người bình thường với nhiều điểm chưa được hoàn hảo. Nhiều người cũng có mặc cảm nhất định về cơ thể và chẳng muốn nó bị đào xới lên ở chỗ đông người. Tuy nhiên ước mơ thì chỉ là mơ ước còn thực tế thì “hên xui”.
Nếu may mắn có những người họ hàng hiểu ý, họ sẽ tự động thoái lui nếu thấy bạn có vẻ lảng tránh đề tài này. Còn không thì đây sẽ là chủ đề chính của bàn tiệc và tệ hơn là bạn bị đem ra so sánh với những người anh chị em họ khác có hình thể lý tưởng hơn.
Và cũng giống như những loại kỳ thị khác, ví dụ như racism (phân biệt chủng tộc), người ta cũng có một cái tên tiếng Anh cho hiện tượng này, đó chính là sizeism (tạm dịch: phân biệt kích thước).
Sizeism là gì?
Sizeism là sự phân biệt đối xử hoặc định kiến chống lại một người dựa trên kích thước của họ, mà phổ biến là cân nặng và chiều cao (Từ điển Merriam Webster).
Sizeism xuất hiện trong cuộc sống với nhiều hình thái khác nhau. Dễ thấy nhất chính là những lời dè bỉu về số đo hình thể (body shaming), còn khắc nghiệt hơn là từ chối tuyển dụng một người bởi vì cân nặng và chiều cao, mặc dù đây không phải là yêu cầu chính của công việc.
Tính khuôn mẫu của kích thước và lầm tưởng về “ý tốt”
Sizeism bắt nguồn từ những khuôn mẫu về hình dạng và kích thước cơ thể được xã hội coi là “lý tưởng” hoặc “bình thường”. Bên cạnh đó là những định kiến tiêu cực về những người nằm ngoài khuôn khổ. Ví dụ có những quan niệm rằng “thừa cân là do lười biếng” hoặc “con gái mà cao quá khó lấy chồng.”
Mà khi đã là tiêu chuẩn xã hội thì lại còn phụ thuộc vào nền văn hóa, thẩm mỹ địa phương, môi trường làm việc.
Chẳng hạn, các thần tượng K-pop thường hứng chịu những bình luận gay gắt nếu họ trông “lệch chuẩn” so với các thành viên khác của nhóm (người ta gọi họ là “lỗ hổng visual”). Tuy nhiên nếu đem họ ra khỏi bối cảnh mà “ngoại hình là miếng cơm manh áo” thì mọi chuyện đã không đến mức đó.
Theo nghiên cứu, kỳ thị về ngoại hình có thể gây ra những thay đổi về tâm sinh lý và hành vi. Nó làm cho người bị kỳ thị gặp khó khăn trong việc điều chỉnh hành vi, cảm xúc và suy nghĩ, khiến hormone căng thẳng cortisol tăng cao.
Cortisol tăng kích thích cơ thể giải phóng insulin khiến bạn cảm thấy thèm ăn hơn, đặc biệt là đồ ngọt. Điều này có thể trở thành một vòng tròn lẩn quẩn giữa việc bị chê bai về ngoại hình và tăng cân.
Vì vậy mà niềm tin rằng bình phẩm về cân nặng để giúp người khác có động lực giảm cân không tốt cho người nghe như nhiều người vẫn tưởng.
Làm thế nào nếu bạn bị phân biệt vì ngoại hình?
Khi nhắc về phân biệt ngoại hình, chúng ta thường nghĩ về những yếu tố ngoại lai (bị người khác phân biệt đối xử). Nhưng thực chất, những gì xảy ra bên ngoài và bên trong chúng ta đều có ảnh hưởng qua lại với nhau. Bạn có khả năng tự kỳ thị chính mình nếu phải sống dưới áp lực của sự phân biệt đối xử quá lâu.
Hãy để họ biết là bạn không thoải mái
Việc kỳ thị ngoại hình không nên được bình thường hóa dù một số người khi chê bai ngoại hình của người khác bảo rằng họ “có ý tốt”.
Không nhất thiết phải công kích lại họ cho “đã cái nư”. Bạn hãy ít nhất cho họ một tín hiệu rằng mình không muốn nghe, theo cấp độ tăng dần: im lặng, tảng lờ - bẻ lái chủ đề - nhắc nhở rằng đó không phải là việc của họ - cho họ biết là họ đang kém duyên.
Còn cụ thể “cú pháp” như thế nào thì bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây:
Tự nhiên bị hỏi cân, chê béo, chê gầy, chê xấu thì phản ứng thế nào?
Có cho mình những người đồng minh
Đây là những người không đánh giá bạn dựa trên kích thước mà thay vào đó cổ vũ bạn có một lối sống lành mạnh hơn.
Đôi khi thật khó để những người “kém duyên” nhận ra những lời họ nói có “độ sát thương” nặng nề đến thế nào. Nếu không thể tránh mặt những người này hoàn toàn thì hãy tìm cho mình một cộng đồng vẫn ổn dù ngoại hình của bạn có ra sao. Suy cho cùng, con người là sinh vật xã hội và chúng ta đều chịu ảnh hưởng nhất định bởi những người xung quanh.
Theo dõi những người có hình thể đa dạng trên mạng xã hội
Theo tiến sĩ tâm lý học Monica Johnson, thay vì chỉ follow những người gầy hay những trang tập trung vào chế độ ăn kiêng và tập thể dục với mục tiêu duy nhất là gầy, hãy mở rộng đến những đối tượng có hình thể đa dạng hơn.
Bạn sẽ nhận ra rằng số lượng người có thân hình không đạt “chuẩn” nhiều hơn bạn nghĩ, nhưng họ vẫn ổn và hướng đến lối sống lành mạnh dù “ai nói ngả nói nghiêng”.
Nhìn nhận cơ thể như những gì nó vốn là
Dù những lời bình phẩm ngoài kia có hay không thì cơ thể của bạn vẫn luôn ở đó. Nó giúp bạn đối mặt với nguy hiểm, ốm đau, ôm lấy người mình thương, đến những nơi bạn muốn đến.
Thay vì quá bận tâm xem nó nên trông như thế nào, hãy giữ một thái độ trung lập với nó (body neutrality) và tập trung vào những gì cơ thể đã, đang và sẽ làm cho bạn.