Sưu tầm nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam

Sưu tầm các tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam thông qua góc nhìn của phòng trưng bày và triển lãm Couleurs by Réhahn.

Vietcetera
Sưu tầm nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam

Sưu tầm nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam

Trong dòng lịch sử nghệ thuật, bộ môn nhiếp ảnh còn khá là mới so với các phương thức sáng tác khác như hội họa, điêu khắc… cũng như vẫn đang trải qua nhiều biến chuyển giữa vô vàn phát triển của công nghệ. Ví như những nghệ sĩ nhiếp ảnh danh tiếng như Cindy Sherman, Andreas Gursky, Thomas Struth… đều tạo dựng tên tuổi vào thập niên 1970, cũng như là lứa tài năng đầu tiên giúp nâng nhiếp ảnh lên tầm nghệ thuật.

Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng nhiếp ảnh nghệ thuật đã tạo nên sức hút không hề nhỏ trong mắt các nhà sưu tầm trên thế giới. Cụ thể, tác phẩm “Phantom” của nhiếp ảnh gia phong cảnh người Úc Peter Lik đã được bán với giá 6.5 triệu USD vào năm 2014, hay “Rhien II” của Andreas Gursky đã thu về 4.3 triệu USD trong phiên đấu giá của nhà Christie’s vào năm 2011.

Sưu tầm nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam

Hai đối tượng mua tác phẩm: Nhà sưu tầm nghệ thuật và người yêu nghệ thuật

Nhằm tìm hiểu thêm về sưu tầm nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Ngọc Nguyễn, hiện là quản lý khu vực phía Nam của chuỗi phòng trưng bày và triển lãm Couleurs by Réhahn Fine Art Photography. Tọa lạc tại khu chung cư 151 Đồng Khởi của Sài Gòn, không gian này thu hút không chỉ khách du lịch và người dân trong nước, mà còn là các nhà sưu tầm nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới.

“Dù họ là những nhà sưu tầm chuyên nghiệp hay đơn giản là những tâm hồn yêu nghệ thuật, bất kỳ ai đến đây đều có niềm hứng thú với góc nhìn về Việt Nam trong các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Réhahn,” chị chia sẻ. Ngoài địa điểm trên, bạn còn có thể khám phá thế giới của Réhahn tại hai địa điểm khác trong lòng Phố cổ Hội An.

Nhiếp ảnh có thể được xem là tiền đề đơn giản nhất cho những ai mới bắt đầu “nhúng tay” vào con đường sưu tầm nghệ thuật. Một phần vì đề tài và cách khắc họa chủ thể thường mang tính trực diện, không quá trừu tượng, ví như tác phẩm “Best Friends” hay “Madam Xong” gắn liền với tên tuổi của Réhahn. Bên cạnh đó, các tác phẩm nhiếp ảnh có thể được in hay rửa theo số lượng, nên giá thành của chúng thường thấp hơn những tác phẩm thuộc các hình thức nghệ thuật khác, vốn thường chỉ hiện diện 1 “bản” duy nhất.

Đặc biệt, với những nhà sưu tầm xem các tác phẩm nghệ thuật như là khoản đầu tư về lâu về dài, xu hướng đi lên trong định giá nhiếp ảnh, cùng với đó là cơ hội dự đoán những nghệ sĩ có tiềm năng “bùng nổ” trong tương lai gần, càng góp phần tạo nên sức hút lớn cho “cuộc chơi”.

Quyết định đầu tư: Am hiểu về nghệ sĩ, tác phẩm, và bối cảnh văn hóa

Những kỷ lục “khuynh đảo” làng sưu tầm thế giới không còn là câu chuyện quá xa lạ trên mặt báo. Vào tháng 11/2015, bức tranh sơn dầu “Nu couché” của danh họa Amedeo Modigliani đã được bán với giá 170,4 triệu USD tại phiên đấu giá của nhà Christie’s tại New York. Hay mới chỉ năm ngoái, “Salvator Mundi” của Leonardo da Vinci đã trở thành tác phẩm hội họa đắt nhất thế giới với 450,3 triệu USD thu về tại nhà đấu giá Christie’s.

Nhưng đó chỉ là bề nổi. Đằng sau các phiên đấu giá quy tụ những “siêu sao” của thế kỷ 20, thị trường buôn bán và sưu tầm nghệ thuật vẫn còn nhiều chuyển biến khó dự đoán. “Mua thì dễ, nhưng bán thì khó,” Ngọc chia sẻ. “Điều đó không chỉ đúng với nhiếp ảnh, mà còn với hội họa. Tất cả đều phụ thuộc vào việc bạn đang chuẩn bị mua tác phẩm của nghệ sĩ nào.”

Câu hỏi thường đặt ra từ những ai mới tham gia sưu tầm nhiếp ảnh nghệ thuật là bản in tác phẩm có “nguyên gốc” hay không.”Bất kỳ bản in nào do nghệ sĩ trực tiếp thực hiện đều được xem là nguyên bản,” Ngọc giải thích. “Nhưng các tác phẩm/bản in thường chỉ có số lượng giới hạn, tức ấn bản trong một bộ sưu tập.”

Theo lẽ tất nhiên, số lượng ấn bản càng ít thì giá thành của từng ẩn bản sẽ càng cao, và phòng tranh chỉ chịu trách nhiệm in số lượng giới hạn. Trong làng nhiếp ảnh nghệ thuật, hơn 25 ấn bản thì sẽ bị xem là quá nhiều, còn 3-5 ấn bản thì lại quá ít. Vì thế, Réhahn thường in khoảng 3 đến 15 ấn bản cho một tác phẩm.

Theo Ngọc, bạn cần nên nắm rõ hai yếu tố chính: độ hiếm của tác phẩm, và thị trường nơi tác phẩm được bày bán. “Ví dụ như trong 4 năm qua, Réhahn từng xuất hiện trong hơn 400 bài báo trong nước và quốc tế trên các báo đài lớn như BBC, Los Angeles Times, hay National Geographic. Một trong số đó còn xếp ông trong danh sách 10 nhiếp ảnh gia chân dung xuất sắc nhất thế giới,” Ngọc chia sẻ về danh tiếng giúp nâng tầm giá trị các tác phẩm của Réhahn.

Bên cạnh đó, vị nhiếp ảnh gia người Pháp còn từng chụp ảnh 49/54 dân tộc tại Việt Nam, nơi ông xem là quê nhà thứ hai của mình. Mỗi tác phẩm ra đời là sự đúc kết từ mối quan hệ mà Réhahn gây dựng với cộng đồng – những chủ thể trong các bức ảnh của ông. Cộng hưởng điều đó với số lượng bộ sưu tập đã được bán hết, như chuỗi tác phẩm “Best Friends” do Réhahn thực hiện, càng giúp tạo nên nhu cầu lớn bao quanh người nghệ sĩ.

“Tại Couleurs by Réhahn, chúng tôi thường in 15 ấn bản với kích cỡ 90×60 cm, và 15 ấn bản với kích cỡ 150×100 cm,” Ngọc tiếp lời. “Tuy nhiên quy tắc này không hẳn là đúng với mọi tác phẩm. Nếu bức ảnh thật sự đặc biệt và mang giá trị nghệ thuật lớn, chúng tôi sẽ chỉ in 3 ấn bản, như trong trường hợp của ‘Best Friends.’”

Và tất nhiên, mỗi ấn bản nhiếp ảnh đều được đánh số và đi kèm giấy chứng nhận chính thức. Bên cạnh đó, đội ngũ tại phòng tranh của Réhahn còn lưu giữ tấm bản đồ đánh dấu những địa điểm mà các tác phẩm được sưu tầm trên thế giới. “Nhờ vậy, nên nếu có ai muốn tìm mua một tác phẩm đã bán sạch hết, chúng tôi sẽ liên hệ với tất cả những người trong danh sách sưu tầm, và hỏi liệu họ có nhã ý muốn bán lại tác phẩm hay không,” Ngọc chia sẻ. “Tất nhiên mức giá sẽ phụ thuộc vào quyết định của người bán, nhưng những người yêu thuật trên thường không bao giờ nghĩ đến chuyện bán lại.”

Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý đến các yếu tố như kích cỡ, phương thức và chất liệu in ấn, cũng như thời gian hoàn thiện ấn bản. “Với các tác phẩm của Réhahn, ông thường sử dụng chất liệu giấy Metallic cao cấp của Fuji để in ảnh,” Ngọc giải thích. “Dù ấn bản mang kích cỡ 60×90 cm hay 150×100 cm, chúng đều được in ở Đức và sau đó vận chuyển về Việt Nam.

Lời kết

Sưu tầm nghệ thuật thực ra còn lệ thuộc rất nhiều vào cảm tính của người mua. Nhưng tại phòng trưng bày Couleurs by Réhahn, các nhà sưu tầm thường lưu tới để nắm rõ tác phẩm nào đã được bán, và còn bao nhiêu ấn bản còn lại. “Quyết định còn nằm ở kinh phí mà họ sẵn sàng chi,” Ngọc chia sẻ. “Tại không gian này, chúng tôi đang bày bán ấn bản cuối cùng của ‘Madam Xong’. 2 ấn bản trước đó đã có người mua, được đánh số 1 và 2.”

Với những ai chưa biết nhiều về tác phẩm này, “Madam Xong” khắc họa cụ Bùi Thị Xong – người chèo đò chở du khách trên sông Hoài ở Hội An – lấy tay che mặt khi được nhiếp ảnh gia Réhahn chụp hình. Cho đến nay, danh tiếng của bức ảnh đã vươn xa khỏi ranh giới Việt Nam, trở thành một trong những tác phẩm làm nên dấu ấn khó phai trong sự nghiệp của Réhahn, cũng như nhận được sự công nhận của đông đảo người yêu nhiếp ảnh và văn hóa trên thế giới.

“Tuy tôi mong rằng đội ngũ có thể lưu giữ ấn bản cuối cùng này cho phòng trưng bày, nhưng vì mọi lợi nhuận thu được từ tác phẩm sẽ được đóng góp cho một viện bảo tàng hiện đang được đồng bào Cơ Tu xây dựng, nên chúng tôi sẽ sẵn sàng để nó rời tay mình,” Ngọc mỉm cười. “Lời khuyên cuối cùng dành cho những ai muốn tham gia vào mảng sưu tầm nghệ thuật đơn giản là, hãy tìm mua những tác phẩm mà bạn yêu thích.”

Xem thêm:

[Bài viết] Nhiếp ảnh gia Tuấn Fr: Mỗi bức hình như một cuộc vong thân

[Bài viết] Cùng Bùi Công Khánh nhìn lại chặng đường của nghệ thuật đương đại Việt Nam


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục