Tái hiện Cleopatra da màu và da trắng: Bản "gốc" nào mới chính xác?

Nữ hoàng Cleopatra của Netflix được đổi màu da khiến giới chuyên gia Ai Cập phẫn nộ. Nhưng phiên bản da trắng của bà cũng chưa chắc chính xác.
Long Vũ
Nguồn: Lợi Phan cho Vietcetera

Nguồn: Lợi Phan cho Vietcetera

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Tập phim tài liệu Queen Cleopatra trong docuseries mang tên African Queens do Netflix sản xuất và phát hành hiện đang đối diện với "sóng gió dư luận" do nữ hoàng Cleopatra được tái hiện là một người da đen.

Cụ thể, đạo diễn Tina Gharavi của Queen Cleopatra nói, "Với tác phẩm mới này, liệu tôi có thể tìm ra câu trả lời về di sản của Cleopatra và giải thoát bà khỏi sự kìm hãm mà Hollywood đã đặt lên hình ảnh của bà không?" Cô cho rằng hình ảnh Cleopatra do Elizabeth Taylor thủ vai có thể không hề giống so với Cleopatra thực tế, song lại có ảnh hưởng lớn tới văn hoá đại chúng.

"Tại sao một số người cần Cleopatra có màu trắng? Sự gần gũi với làn da trắng của cô ấy dường như mang lại giá trị cho cô ấy, và đối với một số người Ai Cập, điều đó dường như thực sự quan trọng" - Tina nói.

Phản ứng với nước đi của Netflix, nhiều khán giả bất bình, thậm chí tẩy chay bộ phim. Nhà Ai Cập học Zahi Hawass tỏ ra không hài lòng với chân dung "giả tạo" về vị nữ hoàng nổi tiếng trong Queen Cleopatra. Luật sư Mahmoud al-Semary thì vô cùng tức giận trước cách khắc họa của Netflix đến mức anh ta tuyên bố sẽ kiện đoàn phim để chấm dứt tình trạng tránh xuyên tạc và "chùi tẩy bản sắc Ai Cập."

Theo Greek City Times, một kiến nghị dừng series phim trên đã xuất hiện trên change.org, sau đó đã bị nền tảng này gỡ xuống khi kiến nghị đã có tới gần 63000 chữ ký.

2. Có thể xác định chủng tộc của nữ hoàng Cleopatra?

Các lập luận về màu da và chủng tộc của Cleopatra đều gây nhiều tranh cãi. Những người cho rằng Cleopatra có màu da trắng vin vào việc bà có xuất thân từ Hi Lạp. Những người nói nữ hoàng này là người da đen cho rằng nền văn minh Ai Cập cổ đại được thành lập và duy trì bởi người châu Phi.

Cleopatra là thành viên của triều đại Ptolemaic có nguồn gốc Macedonia, Hi Lạp, cai trị Ai Cập từ năm 305 đến năm 30 trước công nguyên. Gia tộc này ngụ chủ yếu tại thành phố cảng Alexandria, vốn dân số chủ yếu là người Hi Lạp nhưng lại giao thoa giữa nhiều nền văn hoá khác nhau đến từ châu Âu, châu Phi và Tây Á. Vì vậy hai giả thuyết da trắng-da đen phía trên đều có giới hạn của nó. Rất có thể bà có nước da nâu và tóc xoăn.

Hơn vậy, trong thời đại của Cleopatra, màu da và chủng tộc không phải những yếu tố được sử dụng để phân loại con người. Chủng tộc là một khung phân chia được tạo ra rất gần đây, vì vậy câu chuyện màu da không có nhiều ý nghĩa đối với cộng đồng người sống ở Ai Cập hơn 2000 năm về trước.

Ngày nay, trong thời đại Hollywood chìm trong chính trị căn tính, màu da của nhân vật lịch sử bị đẩy về hai cực "trắng" hoặc "đen," không phải vì họ thực sự trông như vậy, mà vì màu da của họ có lợi cho những tư tưởng chính trị phổ biến của thời đại chúng ta.

3. Liệu tái hiện của AI có chính xác?

Khi những dữ kiện lịch sử, khảo cổ học, và nghệ thuật đều có giới hạn trong việc xác định màu da của Cleopatra, nhiều người đặt niềm tin vào khả năng tái tạo ngoại hình của trí tuệ nhân tạo. AI dựa trên phù điêu và nhiều tác phẩm nghệ thuật ghi dấu lại bề ngoài của nữ hoàng Ai Cập. Nhưng bất kể khách quan đến mấy, AI cũng cho ra những kết quả nhiều sự khác biệt về ngoại hình của Cleopatra.

Sở dĩ có sự khác biệt này là vì những dữ liệu đầu vào mà kỹ sư cung cấp cho AI là không hề giống nhau. Hình ảnh do AI tạo ra, dù trông có vẻ "khoa học" đến đâu thì cũng không thể tạo ra hình hài khách quan của con người đã qua đời hàng nghìn năm về trước.

4. Đâu là những chân dung nhân vật kinh điển gây tranh cãi khác?

Thực tế, câu chuyện tranh cãi về tái hiện nhân vật kinh điển luôn diễn ra trong ngành công nghiệp điện ảnh. "Whitewashing" (tẩy trắng) và "blackwashing" (tẩy đen) là các hiện tượng được thấy vô cùng phổ biến trong các bộ phim gần đây, do nhà làm phim vừa muốn thể hiện cam kết trong việc đưa các nhóm thiểu số lên màn ảnh, vừa muốn thu lợi nhuận bằng cách phục vụ thị hiếu của nhóm khán giả trung thành của họ.

Điều này có thể vô tình khước từ góc nhìn của người bản địa về những nhân vật lịch sử quan trọng trong cộng đồng của họ. Ví dụ như nhiều người Ai Cập vẫn cho rằng Cleopatra đại diện cho nhóm người Hi Lạp ngoại lai chiếm đóng Ai Cập lúc bấy giờ. Vì vậy nếu đồng nhất Cleopatra với nhóm sắc tộc địa phương dường như là không hề phù hợp.

Một điều khác cũng có thể thấy là, tái hiện nhân vật luôn thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào gu thẩm mỹ và những giá trị xã hội của từng thời kỳ. "Bản gốc" nhân vật trông như thế nào dường như khó có thể tìm lại đối với những ai đã sống ở thời đại quá xa xôi so với chúng ta. Hãy cùng xem những chân dung lịch sử đã được "tẩy" một cách có lý do sau đây:

5. Các nhà thơ kinh điển Việt được AI phục dựng, khán giả nói gì?

Dù kết quả phục dựng ngoại hình người xưa do AI thực hiện còn gây tranh cãi, song về khoản phục chế ảnh cũ thì sản phẩm của AI được đón nhận. Ở Việt Nam những ngày vừa qua, hình ảnh phục chế bằng AI của các nhà thơ Việt Nam nổi tiếng thế kỷ 20 đã tạo nên sự hứng thú đối với độc giả trong nước. Cơn sốt này có thể xuất phát từ việc sản phẩm của AI tạo cảm giác "thực tế" hơn những bức hình cũ kỹ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục