Thế hệ Z ở Việt Nam và công việc ‘mơ ước’
Tính đến năm 2025, Thế hệ Z dự kiến sẽ chiếm tới 25% tổng lực lượng lao động tại Việt Nam. Vì thế, việc tìm hiểu nhóm nhân viên trẻ sinh ra trong giai đoạn 1997 - 2012 và thiết kế một môi trường làm việc tạo cảm hứng cho họ có thể giúp các công ty thành công hơn trong việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực đầy sáng tạo và tò mò về thế giới này.
Vậy thì đâu là những điều mà thế hệ Z mong muốn? Động lực của họ là gì? Họ khác biệt thế nào so với thế hệ Millennials (hay thế hệ Y, sinh từ 1981 - 1996) đi trước? Decision Lab, nhóm chuyên gia về kiến tạo hành vi (behavioral design), đã cùng không gian làm việc chung (coworking space) Dreamplex, nơi tạo dựng môi trường công sở ưu tiên trải nghiệm của nhân viên, thực hiện một nghiên cứu mở rộng để tìm kiếm câu trả lời.
Trong một loạt bài viết, chúng tôi sẽ đào sâu vào kết quả họ tìm được, tập trung vào các mục Công việc, Cách làm việc, Môi trường công sở, và nhu cầu đề cao Tính riêng tư và Quyền lựa chọn.
Công việc – thiết lập các vị trí hấp dẫn và giữ chân thế hệ Z
Ở Việt Nam, nơi mà hầu hết mọi công ty đều đau đầu với việc thu hút và duy trì tài năng trong một thị trường cạnh tranh cao, mang lại một trải nghiệm công việc hấp dẫn mà vẫn đầy thử thách đã trở thành vấn đề sống còn. Những người làm sếp cần hiểu rõ các nhân viên tương lai của mình cũng như những điều mà họ quan tâm trăn trở.
Để bắt đầu, chúng ta hãy xem xét những điều mà thế hệ Z đòi hỏi từ một công việc, bởi việc thiết kế một công việc phù hợp với nhu cầu của họ sẽ là điểm khởi đầu tốt nhằm thu hút và giữ chân họ ở lại.
Sinh ra trong thời đại số và ‘hít thở' bầu không khí trên mạng truyền thông xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp lên quan điểm về việc làm của thế hệ Z. Khi được hỏi công việc trong mơ của họ là gì, đa số lựa chọn ngành Giải trí & Truyền thông và ngành Công nghiệp Sáng tạo (mỗi ngành nhận được 19% tổng số phiếu bầu). So với thế hệ Millennials, thế hệ Z ít quan tâm hơn đến các công việc trong những ngành như kỹ thuật, giáo dục, công nghệ, hay buôn bán nhỏ lẻ.
Xu hướng thiên về ngành giải trí và các công việc sáng tạo này lý giải tại sao thế hệ Z ở Việt Nam lại ‘cuồng' ứng dụng TikTok như vậy. Digiday, một tờ báo chuyên ngành về truyền thông trực tuyến đã nhận định: “TikTok có khả năng phát tán mạnh mẽ hơn bất kỳ một ứng dụng truyền thông xã hội nào hiện nay. Nó cũng ‘ăn rơ' hoàn toàn với mong ước khởi nghiệp và sáng tạo của thế hệ Z.”
TikTok cũng đang bùng nổ mạnh mẽ ở Việt Nam, dựa theo một nghiên cứu trên phạm vi quốc gia của Decision Lab đầu năm nay. Nghiên cứu này cho thấy có khoảng 30% người Việt sử dụng phần mềm chia sẻ video này trên điện thoại, con số này đã tăng từ 15% chỉ trong vòng sáu tháng trước khi thực hiện nghiên cứu.
Tiền không phải là tất cả
Cứ mười bạn trẻ thế hệ Z thì chỉ có hai người trả lời rằng tiền lương và phúc lợi là động lực chính để chấp nhận công việc mới. Họ ưu tiên việc học hỏi kỹ năng mới (44%) và mở mang kiến thức (21%) hơn là kiếm tiền (18%). Đây là điểm khác biệt rất lớn so với thế hệ Millennials, những người vẫn coi tiền lương (cao hơn) là điều kiện quan trọng nhất với một công việc mới.
Điều này không có gì quá ngạc nhiên, khi thế hệ Millennials đang ở độ tuổi phải lo toan cho gia đình cũng như tiết kiệm cho các khoản đầu tư quan trọng. Dù vậy, nhận biết những khác biệt về động lực giữa hai thế hệ này sẽ giúp các công ty nhạy bén hơn trong việc thiết kế và quảng bá các cơ hội việc làm đến với thế hệ Z.
Một khác biệt quan trọng nữa giữa hai thế hệ này là thế hệ Z luôn khao khát phát triển bản thân: 57% những người thuộc thế hệ Z đồng tình rằng việc “không còn đất phát triển" là lý do chủ chốt khiến họ cạn kiệt năng lượng.
Những người chủ thông thái cần lưu tâm đến khát khao học hỏi cũng như mở mang tâm trí này, không chỉ trong phương thức tuyển dụng mà còn cả cách đối đãi để giữ chân các tài năng trẻ. Nhu cầu phát triển cá nhân cần chiếm vị trí tiên phong trong mọi kế hoạch hay dự án của công ty.
Vậy thì thế hệ Z thực sự muốn học hỏi điều gì?
Để hỗ trợ các nhân viên thế hệ Z, hãy tập trung vào các kỹ năng trong công việc trước khi chuyển sang tìm hiểu về chuyên ngành. Khi được hỏi họ trông đợi điều gì từ công ty trong tháng đầu tiên thử việc, đa phần thế hệ Z đều rất rõ ràng về việc muốn học hỏi các kỹ năng cơ bản để phục vụ công việc.
Ở Việt Nam, nơi chỉ 8% các công ty cảm thấy những bạn trẻ vừa ra trường có những kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc, có lẽ đây không phải là điều quá ngạc nhiên. Tuy nhiên, trong năm đầu làm việc, các nhân viên ‘chân ướt chân ráo' này cũng cần mở mang kiến thức bên ngoài phạm vi kỹ năng đơn thuần và nhanh chóng tiếp thu các hiểu biết ‘trong nghề’, nhận thức về văn hóa nơi mình làm việc, và xây dựng các kỹ năng mềm.
Ở đây, thế hệ Z bình chọn Giao tiếp và Xây dựng mạng lưới quan hệ là kỹ năng không thể thiếu: 31% lựa chọn đây là điều mà họ muốn có được từ nơi làm việc.
Ngôn ngữ cũng chiếm vị trí quan trọng thứ hai với thế hệ Z, mặc dù phần trăm lựa chọn ít hơn so với thế hệ Millennials: 30.6% các Millenials xem ngôn ngữ như kỹ năng quan trọng nhất cần phải học.
Tầm quan trọng của Mục đích
Một báo cáo trước đó của Decision Lab cho thấy 93% thế hệ Z người Việt mong muốn thay đổi thế giới và 80% đều đang ủng hộ một phong trào vận động nào đó. Ở thời điểm 2020, thế hệ Z cũng vô cùng quan tâm đến thế giới và thời cuộc.
Việc tái chế và bảo vệ môi trường đứng đầu bảng trong các mối quan tâm của họ (66%), sau đó đến việc được an toàn trong đại dịch COVID-19 cũng như được bảo vệ khỏi các tệ nạn xã hội.
Và mặc dù thế hệ Z ở Việt Nam phần lớn có cùng những mối quan tâm với Millennials, nhưng mức độ quan tâm của họ lại cao hơn thế hệ trước rất nhiều: gấp 12 lần trên tổng số 15 chủ đề trong nghiên cứu.
Khi xem xét kỹ số liệu, ta có thể thấy rõ rằng thế hệ Z có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề liên quan đến quyền con người: LGBT, Bình đẳng Sắc tộc, Bình đẳng giới, và Quyền phụ nữ.
Phương thức thiết kế công việc cho thế hệ Z
Hãy bắt đầu bằng việc xem xét những cách biến sự sáng tạo (hay cụ thể hơn là việc sáng tạo nội dung hay thông điệp) thành phần cốt lõi của công việc. Điều gì có thể khiến các nhân viên trẻ khai mở khả năng cũng như kích hoạt niềm đam mê chia sẻ thông điệp trên mạng của họ?
Thứ hai, hãy chắc chắn rằng mức lương của công ty đủ hấp dẫn, nhưng vẫn sát sao với việc tạo cơ hội cho các nhân viên thế hệ Z học hỏi, phát triển, và khám phá bản thân. Tập trung vào kỹ năng công việc khi họ mới bắt đầu, sau đó đến kiến thức chuyên ngành, kèm theo việc phát triển khả năng giao tiếp và xây dựng mạng lưới quan hệ.
Hãy kiến tạo và duy trì giá trị dựa trên các mối quan tâm của thế hệ Z (và nhận thức rõ mức độ quan tâm của họ). Việc có thể tạo ra mục đích khiến cho công việc mỗi ngày có ý nghĩa hơn, sẽ trở thành điểm nhấn để các công ty thu hút thế hệ nhân viên mới này.