Thời Chúng Tôi: Trưởng thành từ "Bỗng dưng muốn khóc"

Trưởng thành từ những bài học trong "Bỗng dưng muốn khóc".
Hoài
Nguồn: Phim "Bỗng dưng muốn khóc"

Nguồn: Phim "Bỗng dưng muốn khóc"

Mỗi lần xem đến cảnh Trúc và Nam ngồi trước hiên nhà ăn cơm, trong ánh nắng vàng ươm của buổi trưa hè, não tôi tự động đưa bản thân về những ngày mười tuổi, cũng ngồi trước hiên nhà chờ mẹ đi chợ trưa về. Lúc xem cảnh này lần đầu trên TV, tôi có cảm giác mình đang thực sự ở trong thế giới của Nam, của Trúc, trong một căn nhà dù đổ nát, vẫn lấp lánh những thương yêu. Khung cảnh đậm chất thơ, và vương mùi hoài niệm.

"Bỗng dưng muốn khóc" chính thức công chiếu tháng 8 năm 2008, trên kênh VTV3. Sau năm đó, tôi chính thức bước vào chặng đường học thêm tối mặt, đến 9-10 giờ tối mới xong, và cũng kết thúc kỷ nguyên xem phim mỗi tối của cả gia đình.

Giai đoạn từ 2000-2008, lũ trẻ chúng tôi chỉ có dịp làm quen với những màn anh hùng cứu mỹ nhân, với những chàng giàu cưu mang nàng nghèo. Nhưng "Bỗng dưng muốn khóc" đột nhiên xuất hiện, và làm đảo lộn mọi thứ. Hơn cả một bộ phim lạ đời về “mỹ nhân cứu anh hùng” (mà mỹ nhân còn nghèo rớt mồng tơi), "Bỗng dưng muốn khóc" còn dạy chúng tôi nhiều bài học đáng nhớ, về cuộc đời, và về con người.

"Chuyện gì cũng có thể xảy ra"

Một chàng công tử lắm tiền nhiều của đột nhiên bị ba mẹ đuổi ra khỏi nhà. Bị cướp, bị ngủ ngoài gió mưa, nghèo đến mức không có 10 ngàn trả tiền xe ôm, anh đành nhờ sự giúp đỡ của cô bán sách nghèo rớt mồng tơi - người mình từng ghét ra mặt.

Nam là chàng công tử từng không thèm nhặt tờ 100 ngàn khi làm rớt dưới đất, vì nghĩ đó là hành động hèn hạ. Nhưng lúc bè bạn dân chơi ngày cũ đến mua sách, thảy xuống đất những đồng xu lẻ rồi bắt anh nhặt, Nam cũng phải tự tay phá tan huyền thoại "công tử rớt 100 ngàn không thèm lượm" mà mình tạo ra.

Ngay từ khi chưa rõ cuộc đời là gì, "Bỗng dưng muốn khóc" đã cho tôi bài học đầu tiên về nó: “Chuyện gì cũng có thể xảy ra!”

Không phải khóc mới là buồn, nhưng đôi khi khóc được cũng tốt!

Từ người tiền đầy túi, Nam ‘xuống hạng’ đến mức uống chai bia cũng phải tính tới tính lui. Đến quy định ‘rớt tiền không được lượm’ chính mình đề ra, anh cũng phải phá vỡ.

Trong tất cả các cảnh buồn, Nam đều không khóc. Dù bị đuổi khỏi nhà, dù phải nhặt tiền, dù phải hấp tấp giấu mặt khi thấy người anh từng gọi là ba, là mẹ đi ngang chỗ mình bán sách.

Hồi còn nhỏ, vì cứ hay bị gọi là ‘đồ khóc nhè’ nên tôi rất muốn thành người lớn. Trong tâm trí tôi, người lớn không biết đau, vì họ chẳng bao giờ khóc. Tôi cứ tưởng người lớn là siêu nhân. Nhưng, không phải khóc mới là buồn.

Trúc luôn là người giữ bình tĩnh. Cả phim gần như không thấy cô khóc lần nào ngoại trừ nhiều lần ‘càm ràm’ chàng công tử vì anh không quét được nhà, không rửa được chén, hay làm mất đồ. Chỉ đến cảnh cuối, cô mới khóc thật to giữa căn nhà đổ nát, sau khi vừa mất số tiền mình dành dụm suốt chục năm, lại vừa chứng kiến người đồng hành duy nhất trong chặng đường cô đơn của mình, là Nam, bỏ đi.

Cái nghèo của Trúc không cho phép cô ấy làm gì cả. Khóc là cách duy nhất cô phản ứng với những điều đau đớn cuộc đời đổ xuống đầu.

Lớn lên, chúng ta luôn được dạy là phải biết giấu nước mắt vào trong. Phải không được thể hiện hỉ-nộ-ái-ố ra ngoài. Phải luôn xuất hiện với nụ cười trên môi. Quyền được khóc thành thứ xa xỉ với những người trưởng thành.

Nhưng đôi khi, khóc to cũng tốt.

Tử tế là điều duy nhất còn lại

Những người bạn từng thân như máu mủ ruột rà của chàng Nam khi nghe tin anh thất thế đã không chừa cơ hội hạ nhục anh. Người cứu Nam lại là cô gái anh từng cho là kẻ thù. Anh Hiều bán chong chóng rất đáng yêu với Trúc nhưng lại giang hồ khôn tả với tình địch là Nam.

Lòng người đổi trắng thay đen trong “Bỗng dưng muốn khóc" là thứ gây ra tổ hợp những bi kịch, nhưng đó cũng là điểm sáng của bộ phim.

Nam là anh công tử ngu ngốc, xài tiền như nước. Nhưng anh tốt bụng. Từ hồi còn giàu, dù ghét Trúc cay đắng, anh vẫn nhất quyết không cho bạn bè phá chuyện buôn bán của cô. Trúc bị bạn của Nam ném sơn, đốt sách, mà cô vẫn chấp nhận cưu mang người cô ghét cay ghét đắng.

Trong những bi kịch, sự tử tế của con người mới hóa hào quang. Dù khi tôi còn nhỏ xíu hay lúc đã lớn, người ta vẫn làm mọi cách để gìn giữ ánh hào quang ấy. Trong những khung hình đậm tính nghệ thuật, trong những bài viết lan truyền niềm tin về cuộc đời, trong cách đối xử đời thường của chúng ta.

Bài học tôi lớn nhất tôi mang theo từ những ngày còn nhỏ xíu ngồi xem "Bỗng dưng muốn khóc" đến khi lớn đùng và gõ những câu này, là dù có bị đời vùi dập bao nhiêu lần, vẫn hãy sống tử tế. Như cách cô Trúc không nề hà mà cứu anh Nam, lúc anh tay trắng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục