Thời khắc chuyển giao năm mới luôn mang một không khí đặc biệt. Với một số người, một năm mới đến mang theo nhiều khởi đầu và cơ hội; với số khác, năm mới là lúc để họ làm lại từ đầu. Nếu đang nung nấu trong mình nhiều quyết tâm để thay đổi và cải thiện, bạn có thể bắt đầu bằng việc thay đổi cách nhìn nhận và đối xử với bản thân.
Với những triết lý Phật Pháp và nhân sinh quan gần gũi, bốn tựa sách dưới đây sẽ là người bạn đồng hành tuyệt vời cho những chương mới của bạn, dù là ở thời điểm nào trong năm.
1. Khi Mọi Thứ Sụp Đổ - Pema Chödrön
Năm mới thường là lúc nhiều người cảm thấy tràn trề, và hào hứng chào đón một bắt đầu mới. Tuy nhiên, với những ai đang phải đứng giữa những ngõ cụt, hay đang trải qua những mất mát, năm mới lại là lúc họ cảm thấy nỗi sợ bủa vây.
Khi Mọi Thứ Sụp Đổ được viết bởi Pema Chödrön, nữ thiền sư người Mỹ có nhiều cống hiến trong việc truyền đạt Phật giáo Tây Tạng đến các nước phương Tây. Bà bắt đầu tìm hiểu về Phật giáo vào đầu thập niên 70, sau khi kết thúc cuộc hôn nhân đầu tiên.
Thay vì cố gắng xoa dịu nỗi buồn của độc giả bằng những lời an ủi, Chödrön dùng lối viết trung thực để đưa ra những góc nhìn mới của vấn đề. Theo bà, chúng ta thường nghĩ khổ đau là điều tồi tệ. Bản năng thường mách bảo rằng ta cần tránh xa nó.
Nhưng khi quan sát cặn kẽ, ta sẽ thấy rằng chính những nỗi buồn, nỗi bất an, nỗi xấu hổ mới là chiếc la bàn chỉ ra những điều mà ta vẫn còn chấp niệm. Khi bị khó khăn đẩy đến giới hạn, ta mới hiểu giới hạn nằm ở đâu, và phía bên kia là vùng trời ta chưa biết. Từ đó, nỗi sợ mới có thể vơi dần, và ta mới can đảm đứng dậy, thoát ra vùng trũng và tiếp tục bước đi.
Nỗi đau là một điều không thể tránh khỏi, bởi cuộc đời là một chuỗi dài những mất mát lớn nhỏ. Cách duy nhất để vượt qua đau buồn là để trái tim thật sự cảm nhận chấn thương và rạn nứt, để tâm trí đi tìm những lời giải cho cảm xúc buồn. Và khi đã đi qua được nỗi đau, ta mới hiểu nó đã dạy chúng ta điều gì.
2. Giận - Thích Nhất Hạnh
Trong số những đầu sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, Giận trở thành tựa sách nổi bật nhờ cách tiếp cận thú vị: học chánh niệm từ việc hiểu về cơn giận - một cảm xúc mà ai cũng biết và từng trải qua.
Giận là một trong những cảm xúc mãnh liệt nhất của con người và có thể phá huỷ cuộc sống trong tích tắc. Một cơn giận cũng như hạt mầm gieo trong lòng nỗi thù oán và sân hận. Nhiều người hiểu giận là nguy hiểm, song lại không biết cách kiểm soát.
Dùng nhiều câu chuyện ngắn, những ví dụ đời thường và dễ liên hệ, sách nêu lên bản chất của cơn giận và những hệ luỵ của nó mang lại cho tâm trí. Đồng thời, sách cũng ví von cơn giận với một đứa trẻ khóc nhè, nó cần sự vỗ về bằng tình thương ấm áp tựa lòng mẹ. Khi đã biết cách chăm sóc cơn giận, ta mới có thể tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn giàu trắc ẩn và từ bi.
Hơn hết, Giận cũng giúp người đọc chấp nhận rằng giận là một cảm xúc không ai tránh được. Hiểu được bản chất của cơn giận mới là cách giúp bạn không còn dễ cáu gắt, không thù hằn, và dành tâm trí cho những điều ý nghĩa hơn.
Một điểm nổi bật khác của Giận là bạn đọc có thể nhận ra một số nội dung được lặp lại giữa các chương. Dù là vô tình hay hữu ý thì giọng văn mềm mại của Thầy cũng giống như những lời niệm chú, để mỗi khi lặp lại, người đọc sẽ học cách tự nhắc nhớ mình. Vì vậy, nhiều độc giả cho rằng một cách hay để đọc sách của Thầy là mỗi ngày một ít, và chỉ cần đọc một vài trang.
3. Hạnh Phúc Không Mọc Trên Cây - Trần Hữu Đức
Ngày xưa, người ta tin rằng ở một hòn đảo xa có mọc một “cây hạnh phúc.” Nếu ai chịu vượt khó để đến hòn đảo và hái quả của cây, người đó sẽ được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không mọc trên cây, và nếu xem hạnh phúc là một thứ “quả,” ta sẽ không bao giờ thật sự hạnh phúc.
Đó là tiền đề cho Hạnh Phúc Không Mọc Trên Cây của tác giả Trần Hữu Đức. Là tiến sĩ, chuyên viên tâm lý có kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp, ông cho rằng người trẻ là đối tượng cần chăm sóc sức khoẻ tinh thần nhiều nhất, bởi nó liên hệ mật thiết đến năng suất lao động và xa hơn là sự nghiệp của họ. Hạnh Phúc Không Mọc Trên Cây được viết cho những bạn trẻ đang gặp bế tắc và loay hoay đi tìm lại nguồn vui vốn có trong mình.
Sách kể câu chuyện về một người đàn ông bất hạnh với mong cầu hạnh phúc. Trên đường đi, ông ghé lại một thiền tự nhỏ trên ngọn đồi, và có những cuộc đàm đạo với vị thiền sư. Thông qua những lời đối đáp giữa vị thiền sư và người đàn ông, truyện mở ra cho người đọc những suy ngẫm và ý niệm sâu sắc về sầu bi và bất hạnh. Đồng thời, tác giả cũng lồng ghép những kiến thức về thần kinh học để phân tích sự việc ở nhiều góc độ, giúp nội dung hài hoà giữa tính hư cấu và khoa học.
Với câu từ dõng dạc, những lời kể của sách vừa đưa độc giả vào khung cảnh an lạc, thiền tĩnh, vừa dẫn dắt qua từng vấn đề cụ thể. Sách cũng bao gồm những bài trắc nghiệm để độc giả tự chiêm nghiệm và đúc kết những khúc mắc của mình. Sau cùng, bạn sẽ hiểu ra hạnh phúc thực sự bắt đầu từ bản thân, và mỗi người hoàn toàn có thể tự trồng “hạnh phúc” trong tâm.
4. Wabi Sabi: Thương Những Điều Không Hoàn Hảo - Beth Kempton
Tốt nghiệp thạc sĩ ngành tiếng Nhật, Beth Kempton dành phần lớn sự nghiệp để nghiên cứu và giới thiệu về những triết lý phương Đông. Wabi Sabi là tựa sách bán chạy nhất của Kempton, đến nay đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng.
Theo Kempton, khái niệm wabi sabi hiện nay thường bị nhầm lẫn với một phong cách thẩm mỹ. Thực chất, wabi sabi chỉ hiện hữu trong thế giới quan - nó tồn tại thông qua những trải nghiệm và tương tác với cuộc sống. Wabi sabi chỉ ra những vẻ đẹp mà bình thường ta không để ý: cách ai đó sắp xếp đồ dùng trong nhà, nét hao mòn của món đồ cũ, sự mềm mại của đất, sự tĩnh của một cốc nước trên bàn.
Nửa đầu của sách đưa ra các bối cảnh và diễn giải về định nghĩa của wabi sabi, và nửa sau tập trung nhiều hơn vào việc phát triển bản thân từ việc áp dụng triết lý này vào đời sống.
Sách cũng gợi ý một số cách để bạn bày trí lại không gian sống, hay dọn dẹp tâm trí bằng cách hoà nhịp với thiên nhiên, những bước để rút ra bài học từ thất bại. Với lối kể của một nhà nghiên cứu phương Tây tò mò, độc giả có thể nhìn thấy vẻ đẹp trong những điều không hoàn hảo, thậm chí trong cả những điều thiếu sót và vấp ngã của bản thân.
Cuối năm có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để nhìn lại những điều ta đã qua và chuẩn bị sẵn sàng cho năm mới. Qua lăng kính của wabi sabi, bạn sẽ thấy những thăng trầm sắp tới, dù tốt hay xấu, sẽ đều là những khoảnh khắc nhẹ như làn gió - chóng đến và cũng sẽ chóng qua đi.