Thống kê về dịch bệnh: Những bức tranh mâu thuẫn

Những con số không nói dối, chúng chỉ nói những sự thật khác nhau.
Sơn Hoàng
Hai năm sau khi đại dịch bùng phát, cuộc chiến chống Covid vẫn chưa có điểm dừng. | Nguồn: Getty

Hai năm sau khi đại dịch bùng phát, cuộc chiến chống Covid vẫn chưa có điểm dừng. | Nguồn: Getty

Chính sách bình thường mới khiến ta khó mà tin được rằng đỉnh dịch mới chỉ xảy ra cách đây vài tháng. Nhà hàng, khách sạn, quán cafe, và hầu hết mọi dịch vụ đã mở cửa trở lại, với tần suất hoạt động khiến ta tưởng như thảm kịch Covid-19 chưa từng xảy ra.

Nhưng khi ta cố sống với bình thường mới, thì những thống kê về dịch bệnh không để ta yên. Báo cáo của WHO đang kể một câu chuyện khác: Dịch bệnh có thể chưa hề kết thúc.

1. Chuyện gì đang diễn ra?

Ngày 10/03/2022, một nhóm các nhà nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo thống kê tổng số người chết vì đại dịch Covid trong hai năm 2020 và 2021. Theo đó, nhóm nghiên cứu cho rằng đã có khoảng 18.2 triệu người chết vì Covid và những hệ quả mà căn bệnh này mang lại trong khoảng thời gian này.

Kết quả mà báo cáo đưa ra có sự chênh lệch rất lớn so với dữ liệu về tổng số ca tử vong trên toàn thế giới lấy từ báo cáo của chính phủ các nước. Điều này đã dẫn tới một số nghi vấn của các quốc gia về tính chính xác của phương pháp thống kê mà WHO sử dụng.

Cụ thể, Bộ Y tế Ấn Độ đã dùng cụm từ như “không chính xác” (flawed), “vô căn cứ” (fallacious), “phỏng đoán” (speculative) để mô tả về báo cáo của WHO hay những con số mà nó đưa ra. Từ tháng 11/2021 tới tháng 3/2022, chính phủ Ấn Độ đã gửi sáu bức thư cho WHO để bày tỏ quan ngại về phương pháp thống kê mà báo cáo sử dụng.

Đồng thời, một số nước như Trung Quốc, Iran, Bangladesh, Syria, Ethiopia, và Ai Cập cũng có chung quan điểm với Ấn Độ.

2. Số liệu của WHO và của các quốc gia chênh lệch nhau như thế nào?

Tại thời điểm 31/12/2021, số liệu về ca tử vong lấy từ chính phủ các quốc gia dừng ở con số 5.94 triệu người, và tới thời điểm hiện tại là khoảng 6.2 triệu người - tức chưa bằng một nửa kết quả thống kê của WHO.

Ở mức độ quốc gia và khu vực, sai số giữa WHO và số liệu chính thức từ các nước còn lớn hơn. Trong khi chính phủ Ấn Độ chỉ ghi nhận 489.000 ca tử vong trong khoảng thời gian 2020-2021, thì WHO cho rằng con số thực tế là khoảng hơn 4 triệu người.

Sự chênh lệch với khoảng cách lớn như vậy cũng xảy ra trong trường hợp của Syria (2.900 so với 27.100), Trung Quốc (4.820 so với 17.900), Indonesia (144.000 so với 736.000), và nhiều quốc gia khác.

3. Tại sao lại có sự chênh lệch này?

Sự chênh lệch trước hết tới từ cách quan niệm khác nhau về “các ca tử vong do Covid” (Covid deaths). Thông thường, chính phủ các nước cho rằng chỉ những người trực tiếp nhiễm Covid mới được coi là tử vong do Covid.

Trong khi đó, báo cáo của WHO không chỉ tính những người chết do virus, mà còn cả những trường hợp qua đời gián tiếp do Covid (ví dụ như những người mắc các bệnh khác nhưng không thể chữa trị do dịch bệnh lan tràn).

Bên cạnh đó, sự chênh lệch còn đến từ những phương pháp thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu khác nhau. Các nhà nghiên cứu của WHO đã dựa vào số liệu thô từ chính phủ các nước, kết hợp với tỉ lệ tử của các nước để tạo ra mô hình tính toán số ca tử vong cho từng nước và khu vực.

Ngoài ra, bên cạnh số liệu chính thức từ chính phủ các nước, WHO còn kết hợp với các khảo sát từ những cơ sở y tế cấp địa phương. Chính việc áp dụng tỉ lệ tử và mô hình của WHO đã nhận chỉ trích từ nhiều quốc gia.

4. Các con số cho ta biết điều gì?

Số liệu về các ca bệnh và ca tử vong do Covid đã liên tục tăng trong suốt năm 2020 và 2021. Thế nhưng rất khó để chúng ta - những công dân bình thường - rút ra được một bài học mang tính dịch tễ từ những con số này.

Lý do không chỉ vì độ lớn tới không thể tưởng tượng và định hình của chúng, mà còn bởi sự lặp đi lặp lại những con số vô định đó của truyền thông trong suốt quãng thời gian vừa qua. Các số liệu và sự chênh lệch giữa chúng cho ta biết về quan điểm của các nước đối với dịch bệnh nhiều hơn là về tình hình chống dịch tại từng quốc gia.

Vấn đề thống kê số ca tử vong do Covid là một vấn đề rất nhạy cảm. Chênh lệch quá lớn giữa số liệu chính thống của chính phủ và số liệu từ các đơn vị nghiên cứu độc lập như WHO dường như ám chỉ khả năng nhiều quốc gia đã “đếm thiếu” số ca tử vong. Đồng thời, nhiều câu hỏi về sự minh bạch số liệu và các chính sách quản lý dân cư trong mùa dịch của chính phủ cũng nảy sinh từ sự chênh lệch này.

Sai số giữa các nghiên cứu cũng cho thấy nhược điểm của ngành thống kê và các số liệu trong nỗ lực mô phỏng lại thực tại. Khi chính phủ nhiều nước sử dụng thống kê làm tiền đề cho những chính sách chống dịch, tranh cãi giữa Ấn Độ và WHO cho thấy kẽ hở tiềm tàng trong việc hoạch định chiến lược Covid.

5. Liệu Covid đã thực sự kết thúc?

Chính sách bình thường mới của Việt Nam, vốn tập trung vào việc mở cửa biên giới và mở lại các hoạt động xã hội như thời điểm trước dịch, vô tình tạo ra một trạng thái lấp lửng về tình hình dịch bệnh.

Trong khi Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 10000 ca bệnh mới mỗi ngày, chúng ta vẫn đi làm, đi chơi, vẫn sống như bình thường. Ngược lại, trong khi ta vẫn cố sống như bình thường, thì mỗi ngày tại Việt Nam, dịch bệnh vẫn lây nhiễm và đe dọa cuộc sống của rất nhiều người.

Những mâu thuẫn vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính chính trị giữa WHO với Ấn Độ (và các quốc gia khác) khiến cho niềm tin của chúng ta trở nên bấp bênh hơn. Những con số vốn giúp ta hình dung về độ khủng khiếp của dịch bệnh không còn có sức nặng như chúng từng có ở thời điểm đầu đại dịch.

Trong bối cảnh ấy, ta chợt thấy đằng sau những câu đùa theo kiểu “ai rồi cũng Covid thôi” ẩn chứa sự bất an của ta khi phải sống lấp lửng giữa bình thường mới và căn bệnh (tới nay đã) cũ.

Những con số không nói dối, nhưng bằng cách nào đó thì những sự thật mà chúng đặt ra đã và đang mâu thuẫn nhau. Có lẽ bài học tổng quan và thiết thực nhất mà ta có thể rút ra từ vụ việc này là một nhận thức rõ ràng hơn về những ảnh hưởng của Covid. Những ảnh hưởng ấy không chỉ gói gọn trong số ca tử vong trực tiếp hay số ca nhiễm bệnh, mà còn là những hệ lụy gián tiếp và lâu dài mà đại dịch Covid-19 đã gây ra.

Vì thế, việc đặt đánh giá mức độ dịch không nên chỉ dựa vào những con số, mà cần bao quát cả những đứt gãy mà Covid đã gây nên trong xã hội các xã hội khác nhau, các nền văn hóa khác nhau, và các cộng đồng người khác nhau.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục