Thuê nhạc, thuê phim đã là chuyện cũ - Apple sẽ cho thuê điện thoại?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Theo Bloomberg, trong khoảng cuối năm nay và đầu năm 2023 Apple sẽ cho ra mắt dịch vụ cho thuê iPhone theo hình thức trả phí hàng tháng. Có thể trước tiên là ở thị trường Mỹ. Điều này là tương tự với việc bạn trả phí cho các nền tảng streaming để nghe nhạc hay xem phim. Ngoài iPhone, các thiết bị khác có thể được cho thuê là iPad, MacBook và Apple Watch.
Tuy chưa được công bố chính thức bởi Apple, nhưng theo nguồn tin của Mark Gurman, dịch vụ này đã được phát triển trong một thời gian dài. Đây là một bước đi chiến lược của kẻ khổng lồ công nghệ trong việc tạo một nguồn thu định kỳ, thay vì chỉ phụ thuộc vào bán sản phẩm đơn lẻ.
Mức phí hàng tháng dự kiến đối với việc thuê iPhone 13 là 35 USD cho bản thường, 45 USD cho bản Pro, và 50 USD cho bản Pro Max.
Mức phí này sẽ có thay đổi tuỳ theo giá bán ra của từng dòng iPhone. Chẳng hạn với chiếc iPhone 13, 20 tháng thuê bao mới tương đương giá bán ra của dòng điện thoại này ở thời điểm hiện tại. Với chiếc iPhone 13 Pro và 13 Pro Max là khoảng 22 tháng.
2. Thuê điện thoại khác gì với chương trình nâng cấp điện thoại đã có?
Việc có cơ hội đổi điện thoại mới trong thời gian ngắn với chi phí phải chăng đã khiến nhiều người liên tưởng đến chính sách nâng cấp điện thoại (iPhone upgrade) mà Apple đã ra mắt vào năm 2015. Cả hai đều yêu cầu trả mức phí ban đầu là khoảng 35,5 USD/tháng.
Tuy nhiên có sự khác biệt nhất định giữa cho thuê và nâng cấp. Ở chương trình nâng cấp, sau 12 tháng trả phí, người tiêu dùng sẽ sở hữu chiếc điện thoại đời mới hơn so với chiếc họ đang dùng. Còn thuê là họ có thể se được cầm trong tay thiết bị ngay sau trả tiền và phải trả lại tuỳ thuộc vào thời hạn thuê.
Thời gian xoay vòng vốn như vậy sẽ nhanh hơn. Apple còn có thể tận dụng tốt hơn các thiết bị qua tân trang (refurbished). Theo tác giả Lisa Eadicicco của tờ CNET, nếu Apple thực sự triển khai kế hoạch cho thuê thiết bị, việc tái chế sẽ dần trở thành điều bình thường, không chỉ đối với Apple và với cả ngành công nghệ.
Theo phân tích của Bloomberg, một người dùng có thể chi trả trung bình 825 USD trong vòng 3 năm cho một chiếc iPhone. Nhưng với mức phí để thuê hàng tháng đối với iPhone 13 là từ 35 USD/tháng, thì số tiền Apple kiếm được từ một khách hàng thông thường (giả sử họ đổi thiết bị mỗi ba năm một lần) sẽ nhiều hơn từ 450 đến 800 USD. Đó là chưa kể một người dùng có thể sẽ được thuê nhiều thiết bị khác nhau.
Đây chỉ là một phép toán ước tính, nhưng có thể thấy Apple sẽ kiếm được nhiều tiền hơn đáng kể. Apple thậm chí có thể kiếm được nhiều hơn nữa nếu chương trình cho thuê này được đi kèm với các dịch vụ như Apple One hay AppleCare.
3. Đã từng có công ty nào cung cấp dịch vụ cho thuê phần cứng chưa?
Apple không phải là công ty đầu tiên ra mắt dịch vụ cho thuê thiết bị do chính mình sản xuất.
Gần đây, Peloton Interactive Inc., công ty truyền thông và thiết bị tập thể dục của Mỹ cũng bắt đầu thử nghiệm dịch vụ đăng ký cho phép người dùng thuê xe đạp và các bài tập hướng dẫn trên ứng dụng với giá từ 60 đến 100 đô la mỗi tháng.
Hay thậm chí từ năm 2012, Google đã áp dụng cách tiếp cận tương tự với dòng máy tính xách tay Chromebook của mình. Tuy nhiên, họ nhắm mục tiêu đến khách hàng doanh nghiệp và các trường học.
Nếu Apple chọn nhắm tới nhóm khách hàng riêng lẻ, họ sẽ phải giải quyết bài toán phức tạp hơn về bảo mật thông tin và bảo trì thiết bị. Đặc biệt khi thiết bị sẽ được “chuyền từ tay người kia” là điện thoại, thứ lâu nay vẫn được xem là một thiết bị có tính cá nhân cao, giống như một cuốn nhật ký mà chúng ta hiếm khi muốn người khác động vào.
4. Apple cho thuê điện thoại ở thời điểm sắp tới sẽ có ý nghĩa gì?
Dù dịch vụ cho thuê thiết bị (DaaS, Device as a Service) đã manh nha từ nhiều năm trước, nhưng chỉ đến năm 2020, nó mới bắt đầu được biết đến nhiều hơn ở Mỹ và các nước châu Âu.
Theo một báo cáo từ Accenture, 65% các nhà sản xuất PC đã cung cấp DaaS vào năm 2019, một con số vượt bậc so với năm 2015 (0%). Mô hình làm việc tại nhà được cho một động lực quan trọng trong việc thúc đẩy DaaS.
Nhất là sau đại dịch COVID-19, nhiều người đang bắt đầu chọn chuyển sang chọn lối sống digital nomad. Nhiều người khác bỏ việc và bắt đầu kinh doanh riêng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ngân sách hạn hẹp sẽ trở thành các khách hàng đầy tiềm năng của DaaS.
Như vậy, việc sắp tới Apple ra mắt dịch vụ cho thuê sẽ không còn gọi là sớm. Nhưng họ lại có đủ thời gian để quan sát sự phát triển của DaaS và hứa hẹn mang đến sự thay đổi lớn trong nền kinh tế chia sẻ. Khi Apple không chỉ cho thuê Mac, iPad mà còn là iPhone thì viễn cảnh bất kỳ vật chất nào con người sở hữu cũng có thể chia sẻ cho nhau có thể sẽ không còn xa lạ.
Vi mô hơn, xét về mặt kinh doanh đối với riêng Apple, việc cho thuê có thể sẽ giúp công ty này tối ưu dòng tiền tốt hơn. Nhất là khi việc bán được nhiều hơn các sản phẩm mới đang trở thành một áp lực do thiếu nguồn cung, vì đứt gãy chuỗi cung ứng sau đại dịch.
Apple đã cố gắng tăng tốc sản xuất bằng cách phân bổ linh kiện từ iPad và iPhone đời cũ sang iPhone đời mới. Dù vậy, theo báo cáo gần đây, công ty cũng phải thu hẹp mục tiêu sản xuất xuống còn 254 triệu iPhone cho năm 2022. Chuyên gia phân tích của Loop Capital cũng cho rằng sẽ có thêm những đợt cắt giảm nữa trong thời gian tới, để xuống chỉ còn khoảng 245 triệu chiếc.
Trong khi đó, kết quả một khảo sát mới đây trên 4.000 người dùng iPhone tại Mỹ cho thấy, tỷ lệ giữ chân người dùng của các dịch vụ Apple là rất cao. Số lượng thuê bao của các dịch vụ Apple Music, iCloud, Arcade và Fitness cũng tiếp tục gia tăng. Điều đặc biệt là tỷ lệ người dùng iPhone cao cấp, như iPhone 12 Pro hay iPhone 13 Pro, sử dụng các dịch vụ của Apple cao hơn.
Nếu như dịch vụ cho thuê iPhone và iPad thực sự được ra mắt, có lẽ Apple sẽ sớm trở thành một công ty có mũi nhọn nhắm vào dịch vụ, thay vì là một công ty tập trung bán thiết bị phần cứng.
5. Các bên liên quan sẽ bị ảnh hưởng thế nào?
Ngoài việc người tiêu dùng có thể sẽ phải chi trả nhiều hơn cho Apple, bên bị ảnh hưởng nhiều nhất trong thời gian tới có thể là các công ty tài chính đang cung cấp dịch vụ thanh toán cho Apple.
Theo Bloomberg, thông qua dự án cho thuê thiết bị, Apple có thể đang đẩy mạnh hơn kế hoạch “bí mật” phát triển một hệ thống tài chính của riêng mình.
Những năm qua, Apple cũng đã tăng cường phát triển tính năng liên quan đến phương thức thanh toán. Từ năm 2019, công ty ra mắt Apple Card tại Mỹ và triển khai các gói mua trả góp thiết bị thông qua thẻ tín dụng. Năm 2020, Apple đã trả khoảng 100 triệu USD để thâu tóm startup Canada có tên Mobeewave. Đây là công ty phát triển công nghệ biến smartphone thành thành thiết bị tương tự máy quẹt thẻ (POS).
Nhiều khả năng gã khổng lồ sẽ không cần thông qua một bên thứ ba để cung cấp cổng thanh toán như Square nữa.
Đây là một bước đi khá “điển hình” của Apple. Thời gian gần đây Apple cho thấy họ vẫn đang cần mẫn xây dựng một hệ sinh thái “tự cung tự cấp”. Chẳng hạn như tự sản xuất chip xử lý thay vì tìm nguồn cung từ Samsung hay Intel như trước đây, hay tìm cách loại bỏ Qualcomm Inc. cho modem di động.
Sức thâu tóm và thành công của Apple bắt nguồn lớn từ việc họ tạo được hệ sinh thái chặt chẽ giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Cuộc sống của chúng ta nhờ đó sẽ được nâng cấp hơn nữa về mặt tiện lợi, nhưng đi cùng với nó cũng là cái giá của tiền bạc.