Tiêu cực trong Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam: Còn gì cho eSports Việt?
1. Chuyện gì đã xảy ra?
Ngày 18/3, ban tổ chức của Vietnam Championship Series Mùa xuân 2024 (VCS) - giải đấu Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) chuyên nghiệp tại Việt Nam - ra thông báo tạm hoãn giải vô thời hạn để tiến hành điều tra bán độ.
Sau đó vài ngày, ban tổ chức tiếp tục thông báo hủy bỏ toàn bộ các trận đấu còn lại của vòng bảng. Đơn vị chủ quản của trò chơi là công ty Riot Games đã cử đại diện tới Việt Nam để điều tra toàn diện toàn bộ 8 đội tuyển đang thi đấu.
Cho tới thời điểm này, chưa có bất cứ thông báo chính thức nào về kết quả điều tra. Đây là một tin tức gây chấn động không chỉ trong giới eSports Việt Nam, mà trong làng thể thao nói chung.
Vụ việc vừa gây thiệt hại lớn tới phong trào eSports trong nước, vừa ảnh hưởng tới thành tích thi đấu trong những giải thể thao nói chung, khi mà thể thao điện tử đã trở thành bộ môn thi đấu chính thức tại ASIAD và SEA Games.
2. Quá trình điều tra diễn ra thế nào?
Riot Games tiến hành gặp mặt các đội tuyển để lấy thông tin vào hai ngày 15 và 16/3. Mỗi ngày, 4 đội sẽ gặp mặt đại diện của Riot trong phòng riêng. Tất cả các thành viên đã vào phòng điều tra đều phải nộp lại điện thoại, và Riot Games cũng có máy dò kim loại để phát hiện thiết bị ghi âm.
Không chỉ những tuyển thủ đang trực tiếp thi đấu bị điều tra, mà cả những người có liên đới trong đội như chủ sở hữu, huấn luyện viên, quản lý đội, phân tích viên. Việc điều tra được thực hiện riêng với từng người, mỗi người được phát một tờ giấy ghi tên huấn luyện viên và tuyển thủ của cả 8 đội.
Cá nhân lấy lời khai sẽ khoanh tròn những người mà họ nghi ngờ, và Riot sẽ yêu cầu họ cung cấp bằng chứng hoặc tiếp tục đặt câu hỏi để khai thác thông tin. Tất cả các cuộc thẩm vấn đều được ghi âm, không chỉ để lưu trữ, mà còn dùng để kiểm tra chéo và đối chất với những cá nhân khác.
Nếu muốn rời phòng chờ để đi vệ sinh, cá nhân sẽ phải đi cùng đại diện Riot. Để tránh việc lợi dụng trao đổi thông tin, các phòng vệ sinh chỉ cho phép một người vào.
3. Chuyện gì sẽ xảy ra với tuyển thủ và đội tuyển "nhúng chàm?"
Với những cá nhân có hành vi tiêu cực, họ gần như chắc chắn sẽ không được tham gia bất cứ giải đấu chuyên nghiệp hay đội tuyển LMHT nào trong một khoảng thời gian dài, thậm chí là vĩnh viễn.
Ở quy mô đội tuyển, toàn bộ đội sẽ phải giải thể, và chủ sở hữu của đội sẽ không được phép tham gia tổ chức hoạt động thể thao điện tử.
Đây là điều đã xảy ra với SBTC Esports - đội tuyển dính án "nhúng chàm" trong mùa giải trước của VCS. Từ một đội tuyển tiềm năng, đội đã phải giải thể và nhiều thành viên bị cấm thi đấu trên toàn bộ hệ thống giải đấu của Riot trong vòng 36 tháng.
Một ví dụ khác nghiêm trọng hơn: trong năm 2022, giải đấu LDL tại Trung Quốc chứng kiến một cuộc thanh trừng khổng lồ. Từ nghi ngờ trong một trận đấu, một chuỗi các hành vi tiêu cực đã được phát hiện, kéo theo đó là án cấm thi đấu và tham gia hoạt động thể thao điện tử cho 28 cá tuyển thủ và huấn luyện viên, trong đó có 20 án cấm vĩnh viễn.
4. Điều gì đang chờ đợi VCS và phong trào eSports tại Việt Nam?
Trong trường hợp tệ nhất, Riot Games có thể xóa sổ giải đấu VCS. Đây chính là điều đã xảy ra với giải đấu LDL tại Trung Quốc: bị hủy bỏ trong sự lặng im của tất cả các bên tham gia.
Nếu điều này xảy ra, các đội Việt Nam sẽ mất suất dự những giải đấu LMHT quốc tế. Mặt khác, khi không còn môi trường thi đấu, có lẽ các đội tuyển cũng sẽ phải giải thể.
Vụ việc tiêu cực này gây ảnh hưởng lớn tới phong trào eSports tại Việt Nam nói chung. Một trong những ảnh hưởng đó là việc các nhà tài trợ, nhà đầu tư trở trở nên dè dặt với các dự án thể thao điện tử.
5. LMHT Việt Nam đã cố gắng biết bao để phát triển như hiện nay?
Sở dĩ giới eSports trong nước coi LMHT là lá cờ đầu của phong trào thể thao điện tử ở Việt Nam bởi bộ môn này vừa kế thừa được những thành tựu thi đấu và tổ chức của các bộ môn cũ như DotA 1 (Warcraft III), vừa phát triển xa hơn và đạt những thành tựu xuất sắc.
Xuyên suốt 14 mùa giải LMHT trên thế giới, các đại diện Việt Nam đã nhiều lần góp mặt trên đấu trường quốc tế, trong đó sớm nhất là giải Chung kết Thế giới mùa 2 vào năm 2012. Sự xuất hiện của các đội tuyển từ Việt Nam luôn được coi là nhân tố bất ngờ trong mọi giải đấu.
Mặt khác, những người chơi LMHT trong nước còn tự hào vì truyền thống thi đấu của Việt Nam đã khiến Riot Games công nhận VCS là một khu vực riêng, có server riêng, và có hệ thống giải đấu riêng vào năm 2018. Trước đó, các đội Việt phải thi đấu trong hệ thống giải đấu Đông Nam Á và Đài Loan.
Có thể nói một cách chắc chắn rằng, chưa có bộ môn thể thao điện tử nào tại Việt Nam đạt được cả thành tựu thi đấu lẫn thành tựu tổ chức như LMHT. Do đó, vụ việc này sẽ là một cú ngã đau đớn với nền thể thao điện tử của nước nhà.