Tình yêu của người chưa bao giờ yêu có gì đặc biệt?

Khi có những rung động đầu đời, bạn có nghĩ đó là tình yêu?
Vũ Hoàng Long (Người Kể Chuyện)
Đạo đức của tình yêu nằm ở sự sẵn sàng phơi bày và chia sẻ gánh nặng sống. | Nguồn: Vũ Hoàng Long.

Đạo đức của tình yêu nằm ở sự sẵn sàng phơi bày và chia sẻ gánh nặng sống. | Nguồn: Vũ Hoàng Long.

Bạn có bao giờ nhớ về lần đầu tiên mình rung động tình cảm với người khác? Bạn có giải thích được cảm giác đó là gì, và tự hỏi liệu những người khác có cảm thấy giống mình hay không?

Trong bài nghiên cứu The Social Construction of Love, hai tác giả Anne E. Beall và Robert J. Sternberg cho rằng dù con người ở mọi nơi khi yêu đều trải qua một cảm giác rung động tương tự nhau, song họ định nghĩa tình yêu theo những cách khác nhau phụ thuộc vào văn hoá và hoàn cảnh lịch sử.

Nghiên cứu về kẻ si tình, đối với Beall và Sternberg, cần phải trả lời 4 câu hỏi:

(1) Họ yêu ai?

(2) Cảm giác của họ lúc đó là gì?

(3) Những suy tư gắn liền với tình yêu là gì?

(4) Hành động và những quan hệ một người có với người mình yêu là gì?

Để trả lời trọn vẹn 4 câu hỏi này, ta cần quay về quá khứ và xem con người đã được học về tình yêu trong môi trường gia đình thế nào, và thay đổi quan niệm ấy khi đối diện với xã hội ra sao?

Tình yêu được dạy trong môi trường gia đình

Đối với nhà triết học đạo đức Nel Noddings, trải nghiệm tình cảm đầu tiên giữa đứa trẻ và những người khác mình được xây dựng từ môi trường gia đình. Quan niệm về tình yêu trong nó được vun vén bởi sự chăm sóc đến từ mẹ cha - những người ruột thịt gần với mình nhất, giúp mình duy trì sự sống.

Nhưng quan hệ tình cảm giữa phụ huynh và con trẻ cụ thể là gì còn liên quan đến văn hoá và thời kỳ lịch sử của từng khu vực. Trong văn hoá Á Đông, tình yêu giống như một trọng trách đạo đức. Để được định nghĩa là người tốt trong xã hội, bạn buộc phải có hiếu với mẹ cha, bất kể tình trạng gia đình mình ra sao.

Như vậy, khi đối diện với một trạng thái tình cảm đối với người nằm ngoài gia đình, khái niệm về tình yêu thuở sơ khai của ta thay đổi và bị chất vấn. Tình yêu không còn là một giao thức xã hội mặc định, mà là thứ ta phải theo đuổi để có được. Từ đây, quan niệm về đường biên giới giữa người với người mở rộng ra.

Càng lớn, chúng ta càng biết nới thế giới thân quen của mình ra xa một chút, dần có nhiều hơn là bố mẹ và ông bà. Sự gỡ bỏ những đường biên yêu cầu con người liên tục bước ra khỏi những địa bàn quen thuộc, từ đó mở ra một thế giới xã hội rợn ngợp hơn trước mắt.

Tôi biết yêu lần đầu tiên vào hồi lớp 5. Trước đó tôi là một đứa trẻ nhút nhát và nhiều lần bố mẹ đã cho tôi đi khám vì khả năng giao tiếp tệ hại của mình. Tôi cũng từng tin rằng ngoài gia đình và các bạn học vốn đã gắn bó với tôi nhiều năm, không còn nơi nào đủ an toàn.

Ấy vậy, tôi phải lòng một cô nàng khác lớp. Ấn tượng lớn nhất về “mối tình” đầu tiên này là cô ấy cao hơn tôi một cái đầu, hay đùa bằng cách xốc nách nhấc bổng tôi khỏi mặt đất và thường nắm tay tôi mỗi lần đi dạo ở sân trường. Khi cảm giác thích một người đã từng hoàn toàn xa lạ bao trùm lấy tôi, tôi thấy thế giới của mình rộng lớn hơn và ít an toàn đi một chút.

Nhưng quan trọng hơn là nhờ có tình yêu, tôi đã hết sợ các mối quan hệ xã hội. Tôi mở lòng với kẻ lạ hơn, và dĩ nhiên, giữ nhiều bí mật bản thân khỏi gia đình hơn. Cho đến năm nhất đại học, tôi mới thổ lộ với bố mẹ chuyện mình biết yêu sớm. Họ sốc, dĩ nhiên, nhưng cũng an tâm về con mình hơn.

Những bài học lớn về đường biên giới giữa người với người

Tình cảm gia đình có tính lệ thuộc. Tình yêu đôi lứa tạo ra sự chủ động khi con người đi tìm điểm tựa tinh thần bên ngoài xã hội, thay vì dựa dẫm vào những đấng thân sinh. Đó là khi ta dám trực diện đối mặt với cuộc đời.

Tất nhiên không phải ai cũng sẵn sàng với sự chủ động này, vì đôi lúc tình yêu còn tạo ra cảm giác phải gánh vác thêm trọng trách giữ gìn điều riêng tư của người không phải ruột thịt.

Đạo đức của tình yêu, vì thế luôn nằm ở sự sẵn sàng phơi bày và chia sẻ gánh nặng sống. Ta đã phơi bày toàn bộ cơ thể mình ở khoảnh khắc ta được sinh ra, phô da thịt nếu phải hy sinh ở chiến trường, và để lộ cả làn da lẫn tâm hồn mình trong khoảnh khắc làm tình.

Sự phơi bày có thể được hiểu theo nghĩa đen: phơi da thịt mình trước sự phán xét của kẻ khác. Nó cũng có thể được hiểu theo nghĩa bóng: đặt số phận mình vào bàn tay của kẻ khác.

Khi con người để lộ xác thịt trần trụi trước kẻ khác mình, họ sẵn sàng phơi bày những gì riêng tư nhất và dễ bị tổn thương nhất trước kẻ không phải họ, trước kẻ từng xa lạ đối với họ.

Nhưng sự phô bày trước tình yêu còn đi xa hơn xác thịt. Một cơ thể trần trụi phô bày ra văn cảnh của cả mọi xã hội nơi ta sống: sở thích tình dục cá nhân của riêng ta là vô số sự dạy dỗ và ngăn cấm hành vi xác thịt đến từ gia đình, nền giáo dục và xã hội. Bên cạnh đó là những đánh giá mỹ học lên cơ thể, những nhãn dán nam tính - nữ tính…

Tình yêu trao cho ta sự sẵn sàng đánh mất

Trước tình yêu đầu đời, nỗi sợ mất người đó đè nặng lên ta. Nó là kim chỉ nam cho toàn bộ mối quan hệ đó, cũng giống như cái chết định hình cách ta sống vậy.

Nhiều người thường dự tính và lo toan về kịch bản mối quan hệ đó sẽ sụp đổ, từ đó họ không dám yêu vì sợ mất nửa kia của mình. Hoặc nếu đối phương không phải định mệnh thì họ cũng mất một tình bạn đẹp.

Ta cũng suy nghĩ đến chuyện không biết yêu bao nhiêu lần là đủ, và tận cùng của mỗi mối quan hệ là gì? Có phải một đám cưới, có phải những đứa trẻ, có phải những giao ước xã hội chắc chắn hơn là sự đồng thuận giữa hai cá nhân?

Tôi nghĩ điều kỳ diệu của tình yêu đấy là nó trao cho ta sự sẵn sàng đánh mất. Tôi đã nhiều lần đánh mất lý trí, sự an toàn, và cả cơ hội được ở cạnh ai đó. Tình yêu biến ta thành kẻ điên, ròng rã đi tìm hình bóng tình cờ đi lạc vào ám ảnh của chính mình. Tình yêu khiến ra sẵn sàng gạt bỏ mọi thứ để được ở bên một người trước đây từng chỉ là kẻ lạ.

Có lẽ giống như nhiều người, tôi từng có cảm giác không thể sống thiếu một ai đó. Tôi vồ vập với họ, nhưng cùng lúc, lo toan vì sợ mối tình không đi đến đâu, để rồi im lặng khi được nói về tình cảm với họ. Trong một số mối quan hệ, làm bạn thì tốt hơn là làm người yêu, vì bạn hữu ở bên ta đến cuối đời.

Tôi chấp nhận rằng khi yêu, mình sẽ luôn đánh mất điều gì đó. Bước vào một mối tình, tôi biết đối diện với sự thật rằng nếu đây không phải người cuối cùng thì tình cảm rồi sẽ phai nhạt và cả hai mất nhau. Còn không bước vào một mối tình, thì điều tôi phải trả giá là danh phận với người kia.

Có những lúc, tình yêu khiến ta im lặng về tình cảm của mình trước người mình yêu, dù dòng sông cảm giác đã sẵn sàng đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Có những lúc, ý nghĩa của tình yêu nằm ở con đường ngắn ngủi hai người ở bên nhau chứ không có đích đến.

Hai nỗi mất mát ấy buồn và đẹp như nhau, không thể so sánh nổi.

Kết

Tôi luôn có niềm tin ở tình yêu.

Đối với tôi, theo một nghĩa nào đó, tình yêu là sự loại bỏ cái Tôi, là sự chấp nhận sống chung với một con người khác mình và đối diện với sự tuyệt đối của cái vô thường, mất mát, dễ tổn thương.

Khi yêu, tôi không còn là bản thân mình nữa. Tôi không còn hướng cái tâm của mình vào lợi ích và những ranh giới cá nhân, mà mở lòng mình trước người khác, và hy vọng người ấy cũng làm điều tương tự với mình.

Một số phần trong bài viết là sản phẩm của dự án sách Kiếp Người - Vĩnh cửu và Vô thường, được thực hiện bởi tác giả Vũ Hoàng Long.

Cuốn sách là cuộc hành trình khám phá ký ức ấu thơ của tác giả, kiếm tìm những định nghĩa cơ bản nhất của cuộc sống và cách chúng được xã hội in hằn vào tâm trí đứa trẻ theo thời gian như thế nào. Những định nghĩa ấy bao gồm ngôn ngữ, ký ức, thân xác, thời gian, không gian, cái Tôi, cái chết, đạo đức, sự thật, v.v. Để kết thúc những câu hỏi miên man về kiếp người, tác giả hi vọng cùng độc giả mở ra góc nhìn về một cuộc sống màu mỡ và trọn vẹn hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục