“Tôi chưa từng biết Fifi có từng yêu mình hay không trước khi con mất…”
Đây là bức ảnh cuối cùng tôi chụp Fifi, là đứa bé hơn trong hai đứa ngỗng sống chung với gia đình tôi. Tính đến thời điểm nhắm mắt do bệnh tật, cô ngỗng cái Fifi đã sống với gia đình tôi tròn 775 ngày.
Bác chữa khoá trước cửa nhà tôi, bạn thân của hai đứa ngỗng từ khi bà nội tôi dắt chúng dạo phố hàng ngày, chia buồn với Thiên Nga - chú ngỗng đực: “Chào thanh niên cô đơn, vậy là sắp tới con chỉ còn một mình…”
Mẹ tôi nói gia đình không nên có thêm vật nuôi sau này nữa, khi một cách mặc định, con người phải nhìn thấy sự ra đi của thú cưng khi chúng không sống lâu bằng ta. Khi ta yêu thứ gì đó, thế giới vĩnh viễn đổi thay khi cả hai chia lìa đôi ngả. Từ ngày mất Fifi, tôi không thể ngừng than khóc và thoát khỏi hình ảnh ngày cuối cùng con còn ở trên đời này.
Cô ngỗng đứng im lìm trong góc tường sâu nhất và nhìn vào khoảng đen. Người con lạnh dần, ngược lại với ký ức của tôi hơi ấm của loài ngỗng, vốn hơn rất nhiều so với nhiệt độ cơ thể người. Con được uống thuốc nên dường như cơn đau dịu đi, nhưng vẫn khó cử động, và ánh mắt Fifi như thể nói được hàng nghìn lời với chúng tôi rằng con không còn nhiều thời gian.
Nghĩ về ngày hôm đó, tôi không thể ngừng trách móc bản thân vì từ khi đi làm full-time tôi đã dành ít thời gian với hai con như thế nào. Khi tôi ra khỏi nhà buổi sáng, Thiên Nga và Fifi vẫn im lìm ở ổ của chúng, khi tôi về thì trời không còn sáng nữa. Tôi không rõ, trước khi ra đi, trí nhớ ngắn hạn của loài ngỗng có để Fifi nhận ra tôi là ai đối với con trong hơn hai năm vừa rồi hay không.
Tôi không chịu nổi cảnh Fifi đau đớn, nên tối đó đã phóng xe vô định ngoài đường như một người mất trí. Mới không lâu trước, cô ngỗng còn được lên newsletter của công ty tôi. Thế rồi tôi nóng ruột và trở về khi con đã nằm đó, với chiếc cổ dài đổ sang một bên còn mắt vẫn mở thao láo. Fifi đi rồi, còn tôi vẫn ở đây và không hề tin vào điều đó.
Tôi cố vuốt mắt con lại, nhưng rồi chúng lại mở ra. Thiên Nga thì đứng im không một lời, chắc đã dần nhận ra điều gì đã đến với bạn mình. Thế giới tôi có thể tri giác đã mãi mãi bị xô lệch, còn Thiên Nga mất đi một nửa thế giới.
Trong cơn ốm của Fifi và sau khi con đã chết, tôi có nhiều suy nghĩ lẫn lộn. Tôi thầm oán trách rằng tại sao trong một thế giới nơi nhiều người đấu tranh vì quyền của vật nuôi, thì hầu hết mọi người vẫn nhìn hai thành viên của gia đình tôi như một món đặc sản. Tôi không thể tìm được bất cứ dịch vụ thú y nào cho Fifi, chỉ thấy liên lạc của vài bác sĩ tiêm vaccine phòng bệnh cho cả trang trại gia cầm.
Sau khi Fifi chết, nhiều người hàng xóm còn chẹp miệng chia buồn - “Giá mổ thịt khi con ngỗng vẫn còn ngon, tiếc quá!” - sau khi tôi tốn công tìm chỗ đặt con an nghỉ.
Một thế giới nơi mình có thể ăn thịt loài này và chăm bẵm loài kia như người nhà, rất tiếc, vẫn và sẽ tiếp tục là thực tế không thể bị đổi dời. Có thể ngỗng không có trong thực đơn nhà tôi, nhưng bò, gà, lợn thì có. Để xã hội khoan dung hơn, không phải cứ chuyển sang ăn chay hết mà thành.
Rồi đến một lúc nào đó, khoa học cũng có thể chứng minh rằng mớ rau và cây nấm cũng cảm thấy đau. Điều quan trọng hơn là ta khoan dung và cảm thông với sự than khóc của người khác khi thứ mà họ yêu quý mất đi - có thể là một người thân, một vật nuôi, hay thậm chí, một bạn búp bê hay một chú gấu bông.
Vì khi ấy, con người có thể dành tình yêu vượt lên bản thân mình cho một thực thể khác xa cách tuyệt đối về cả mặt sinh học cho đến tình cảm đối với họ. Tôi chưa bao giờ biết Fifi đã từng yêu tôi, nhưng tôi biết tình yêu của tôi dành cho con là thật. Tôi hi vọng được gặp lại con trong một cuộc đời khác.