Tôi học được gì khi từ chối một công việc tốt?
Năm 2016 khi còn đang học Tiến sĩ, tôi nhận được hai lời đề nghị công việc. Một là tiếp tục làm trợ lý cho một trung tâm nghiên cứu về trường học, tạm gọi tắt là SCHOOL. Hai là làm chuyên viên phân tích dữ liệu cho một trung tâm khảo sát về học sinh, sinh viên tạm gọi tắt là SURVEY. Cả hai đều là công việc tốt với chế độ đãi ngộ tương tự như nhau.
Khi nhận được hai lời đề nghị của một lúc, tôi biết ngay đây sẽ là một trong những quy định khó khăn nhất tôi từng phải đưa ra, nhưng ở thời điểm đó, tôi không biết được nó chính là bước ngoặt làm thay đổi tư duy của mình mãi mãi.
Nhưng trước khi nói cho bạn biết quyết định của tôi và những gì tôi học được từ trải nghiệm này, tôi muốn cho bạn đọc tìm hiểu thêm một chút về hành trình của tôi và hàng trăm nghiên cứu sinh ngành xã hội khác để tìm “funding”, hay còn gọi là nguồn tài trợ cho việc học hay nghiên cứu trong 4-5 năm làm Tiến sĩ.
Sự thật về cái gọi là “học bổng toàn phần”
Nếu bạn thường xuyên theo dõi các bài tôi viết về chủ đề du học, chắc hẳn bạn cũng biết rằng tìm được một suất “học bổng toàn phần” cho bậc Tiến sĩ không phải dễ dàng. Nếu có, nó cũng không hẳn là “học bổng” theo nghĩa không phải làm gì mà vẫn có tiền ăn học.
Tất nhiên, có những trường hợp ngoại lệ. Nhưng đa số các bạn làm Tiến sĩ ở Mỹ mà tôi biết đều có hợp đồng làm việc tối đa 20 giờ/tuần cho trường, cho phòng thí nghiệm, hoặc cho giáo sư để đổi lấy miễn giảm học phí, tiền tiêu hàng tháng, và bảo hiểm sức khỏe.
Có rất nhiều loại hình công việc cho nghiên cứu sinh, nhưng ở trường tôi, những công việc này được gọi chung là Graduate Assistantship (G.A.). Đối với các ngành Khoa học xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục mà tôi đang theo học, nguồn tiền tài trợ cho nghiên cứu sinh rất ít ỏi. Thế nên sinh viên Khoa tôi theo học thường phải xin làm G.A. để có “học bổng”. Tức là cứ vào khoảng tháng 12 hàng năm, tất cả các nghiên cứu sinh nhận được thông báo nộp đơn “xin việc” cho năm tới. Rồi từ tháng 12 năm trước đến cuối tháng 4 năm sau, tất cả những ai đã nộp đơn đều nín thở hồi hộp đợi kết quả.
Tiêu chí lựa chọn có nhiều, nhưng đa phần các sinh viên xuất sắc sẽ được chọn trước (vì giáo sư nào cũng muốn làm với những người này) và các sinh viên năm thứ nhất và thứ hai sẽ được ưu tiên (vì học phí cho 2 năm đầu bao giờ cũng cao nhất, những năm sau, nếu không còn yêu cầu lấy lớp, học phí sẽ giảm rõ rệt). Khỏi phải nói nhiều, chắc bạn cũng hiểu quá trình “xin việc/học bổng” hàng năm này căng thẳng đến thế nào. Nó cũng như kiểu vừa đi học vừa chạy ăn từng bữa vậy.
Tôi làm G.A.
Làm ở SCHOOL
Năm đầu tiên của chương trình Tiến sĩ, tôi làm G.A. cho một giáo sư trong Khoa. Công việc chính là trợ giúp thầy trong các dự án nghiên cứu. Đến năm thứ hai, tôi được Khoa phân làm G.A. cho một trung tâm nghiên cứu về trường học (“SCHOOL”) có trụ sở ngay trong Khoa. Nhưng lần này việc của tôi thiên về các vấn đề hành chính.
So với năm nhất, công việc ở SCHOOL nhẹ nhàng hơn, độc lập hơn, và không liên quan nhiều đến đề tài nghiên cứu của tôi. Tôi có thể làm bất cứ giờ nào và làm ở đâu cũng được, miễn là xong việc. Vì thế, tôi hầu như không bao giờ đến văn phòng, cứ làm một việc gì xong rồi thì email cho Giám đốc của SCHOOL (mà tôi hay gọi thân mật là sếp). Nghĩ lại, tôi nhận ra mình từng làm việc rất hời hợt, nhưng khi ấy, tôi nghĩ “mình chỉ làm đúng phần việc được giao, thế thôi”.
Đến gần hết học kỳ I năm thứ hai, tôi mới nhận ra một tin sét đánh là năm thứ 3 tôi sẽ phải học 5 lớp nữa, nhưng đây lại là năm không thuộc nhóm ưu tiên cho G.A. “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình không tiếp tục có funding cho năm sau?” – ngày nào tôi cũng lo lắng tự hỏi. Nhìn hoá đơn hàng chục ngàn đô cho 5 môn học, chưa kể tiền sinh hoạt phí và tiền bảo hiểm, tôi nôn nao kinh khủng.
Tôi bắt đầu liên lạc với sếp nhiều hơn, hầu như tuần nào cũng email hỏi: “SCHOOL có việc gì cần tôi trợ giúp nữa không? Sếp cứ nhắn tôi nhé!” nhưng sếp thường nói, hiện cũng không có việc gì hoặc sếp đang phải xử lý công việc với chị thư ký trước.
Điều này càng làm cho tôi thấy lo lắng hơn: “Có phải sếp không tin tưởng tôi nên mới không giao thêm việc? Có phải sếp coi trọng chị thư ký hơn tôi?” – trong đầu tôi cứ nhảy múa những suy nghĩ tiêu cực như vậy.
Mỗi lần đến văn phòng tôi lại thấy sếp và chị thư ký lúc nào cũng loạn lên giấy tờ, in ấn, đi đi lại lại bàn bạc với nhau, trong khi tôi cứ lủi thủi một xó muốn giúp cũng không biết giúp gì. Tôi cảm thấy mình như một người thừa trong văn phòng và lại càng lo lắng hơn về tương lai của mình trong năm tới.
Cơ hội mới với SURVEY
Năm đó quyết định về G.A. đến rất muộn, tới tận tháng 4 vẫn chưa có kết quả gì. Ngày càng cảm thấy tiêu cực về khả năng có G.A. trong Khoa, tôi bắt đầu tìm kiếm cơ hội đi làm ở những nơi khác trong trường.
Sau một thời gian miệt mài tìm kiếm trên trang “Việc làm” của trường, tôi đọc được thông báo tuyển G.A. cho trung tâm khảo sát về học sinh, sinh viên (“SURVEY”) cho năm tới. Tất cả mọi quyền lợi của SURVEY đều tương tự SCHOOL. Chỉ khác là SURVEY có lịch làm việc nghiêm khắc hơn (phải đến cơ quan làm đủ 20 giờ/tuần). Nhưng bù lại, vị trí này được đảm bảo trong ít nhất 2 năm, tức là tôi không phải trải qua giai đoạn nộp hồ sơ căng thẳng hàng năm nữa.
Nếu có điều gì bạn nên biết về tôi thì đó là một khi đã xác định được mục tiêu, tôi có khả năng làm việc vô cùng chăm chỉ và cẩn thận để đạt được mục tiêu đó.
Tôi dành hẳn 2 ngày để nghiên cứu kỹ về SURVEY, đọc đến thuộc lòng bản thông tin tuyển dụng rồi mới bắt đầu viết hồ sơ xin việc. Trước khi nộp hồ sơ, tôi nhờ ít nhất 2 người bạn đọc hộ, sau đó đến Trung tâm tư vấn việc làm (Career Service) ở trường để nhờ họ đọc lại lần cuối. Trước khi vào vòng phỏng vấn, tôi tiếp tục nghiên cứu thông tin để chuẩn bị trả lời các câu hỏi về kiến thức/kỹ thuật. Tôi cũng đến Career Service hai lần nữa để luyện tập phỏng vấn (mock interview).
Rồi ngày đó cũng đến. Tôi nhận được điện thoại từ Giám đốc SURVEY nói tôi trúng tuyển, tôi cảm thấy tảng đá hàng ngàn cân đè lên ngực đã được trút xuống. Tôi vui vẻ đồng ý ngay.
Thế nhưng, giữa lúc chỉ còn chờ ký tên vào hợp đồng là đi làm với SURVEY, tôi nhận được tin từ Khoa tiếp tục có funding cho tôi làm G.A. ở SCHOOL một năm nữa.
Cuộc đời thi thoảng trớ trêu là thế!
Quyết định của tôi
Có thể đối với nhiều người, chọn làm việc này hay việc khác là điều rất dễ dàng, nhưng đối với tôi, đây không phải là một quyết định đơn giản.
Vốn là một người có trách nhiệm, tôi rất ngại nếu phải rút lời hứa làm việc với SURVEY. Ông giám đốc và 3 người cộng sự đã tin tưởng tôi, và họ có thể cũng đã từ chối những ứng viên khác để nhận tôi. Suy nghĩ phải làm phiền người khác, làm người khác thất vọng khiến tôi cảm thấy không yên.
Nếu làm việc ở SURVEY, tôi sẽ yên tâm có funding đủ đến lúc tốt nghiệp, không phải đôn đáo tìm việc thêm nữa. Tôi cũng có thể rèn luyện kỹ năng xử lý dữ liệu lấy từ khảo sát — phương pháp nghiên cứu tôi cũng sử dụng cho đề tài tốt nghiệp.
Nhưng làm việc ở SCHOOL cho tôi quỹ thời gian thoải mái, không gian làm việc cơ động — điều tôi rất cần vì năm sau đó, tôi học đến 5 môn/kỳ và còn có ý định về Việt Nam lấy dữ liệu cho đề tài tốt nghiệp. Mặt khác, tôi cảm thấy vẫn chưa nắm rõ được công việc thực sự của mình ở SCHOOL, và SCHOOL cũng không bảo đảm việc làm cho tôi đến khi ra trường.
Tiến thoái lưỡng nan! Tôi cảm thấy rất bế tắc.
Tôi nhớ mình chỉ có 2 ngày để đưa ra quyết định. Trong 2 ngày đó tôi cố gắng làm tất cả những điều mình có thể. Tôi viết rất nhiều, về suy nghĩ của tôi về công việc, điểm mạnh và yếu của từng nơi. Tôi thảo luận với chồng tôi, gọi điện nói chuyện với mẹ tôi rất lâu, thậm chí đến văn phòng SURVEY để nói chuyện với mọi người và cảm nhận thêm không khí làm việc. Nhưng tôi vẫn chưa đưa ra được quyết định rõ ràng.
Đến ngày cuối cùng, tôi nghĩ mình cần phải đến Career Service một lần nữa để gặp một người tư vấn chuyên nghiệp, khách quan!
Trong quá trình trao đổi, bạn tư vấn viên có hỏi một câu (có vẻ rất hiển nhiên) mà cả tôi, chồng tôi, mẹ tôi, và tất cả những người tôi từng nói chuyện chưa bao giờ nghĩ đến: “Dự định sự nghiệp lớn nhất, lâu dài của Chi là gì? Giữa SCHOOL và SURVEY, công việc nào giúp Chi tiến gần hơn với dự định đó nhất?”
Ngay khi nghe câu hỏi này, tôi đột nhiên cảm thấy đầu óc mình thông suốt rõ ràng, như có một luồng năng lượng bất ngờ xẹt qua não tôi — đó là khoảnh khắc mà Oprah gọi là “aha moment”.
Dự định sự nghiệp lớn nhất của tôi là làm nghiên cứu. Nếu nhìn qua, rất dễ dàng nhận thấy là SURVEY sẽ phục vụ tốt hơn dự định này vì SURVEY là vị trí nghiên cứu, còn SCHOOL chỉ là vị trí hành chính.
Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại!
Tôi chợt nhận ra là nhờ 1 năm làm ở SCHOOL không bị áp lực về thời gian, tôi đã hoàn thành được rất nhiều dự định nghiên cứu riêng của mình, xuất bản không chỉ một, mà hai bài báo trên tạp chí khoa học nhờ có thời gian trống ở SCHOOL. Tôi chợt nhận ra là sếp thực sự rất tốt với tôi và mong tôi có thời gian tập trung vào công việc học tập/nghiên cứu riêng của mình (chứ không phải vì sếp không tin tưởng tôi để giao thêm việc như tôi từng nghĩ).
Sếp vẫn luôn ủng hộ tôi mang bài vở đến văn phòng để học trong giờ. Sếp còn thương tôi “sinh viên nghèo vượt khó” nên thường xuyên cho tôi tài liệu học tập, giấy in, và mực in miễn phí. Sếp cũng hay tặng quà cho tôi mỗi dịp lễ tết (tức là sếp khẳng định sự có mặt của tôi trong văn phòng chứ không phải coi tôi là người thừa như tôi từng tưởng tượng).
Thế nhưng, vì thường xuyên lo lắng, tự tạo áp lực cho bản thân mình, thường xuyên so sánh bản thân với người khác, tôi đã không thấy được mặt tốt đẹp của công việc mình đang làm và những con người mình đang ngày ngày tiếp xúc.
Bước ra khỏi Career Service, tôi cảm thấy trời đất sáng tỏ, đầu óc minh mẫn, tâm hồn bình yên. Tôi nhắn tin cho chồng tôi, nội dung chỉ vỏn vẹn một câu nói khuyết danh nổi tiếng: “I was blind but now I see” (Tôi từng đui mù nhưng giờ đã nhìn sáng tỏ). Và anh ấy biết, tôi đã đưa ra được quyết định cuối cùng của mình: SCHOOL.
“Now I See”
Sau sự việc này, thế giới quan của tôi hoàn toàn thay đổi. Tôi nhận ra có rất nhiều điều mình muốn làm và có thể làm cho SCHOOL mà trước đây, vì khư khư tư duy lao động hời hợt, kiểu “không phải việc của mình thì mình không phải làm”, tôi đã không nhìn ra được những điểm này.
Vì vậy, việc đầu tiên tôi làm sau khi từ chối SURVEY và nhận làm với SCHOOL là đến gặp trực tiếp sếp và nói với sếp tôi rất biết ơn 1 năm qua sếp đã tạo điều kiện cho tôi làm việc với giờ giấc thoải mái, nhờ đó mà tôi đã có được một số thành quả nhất định.
Tôi cũng nói với sếp là mình sẽ có chính thức “office hours” (giờ hành chính) ổn định vào hai buổi sáng trong tuần. Trong hai buổi này, tôi sẽ có mặt ở văn phòng, sếp không cần việc gì thì thôi, còn cần gì cứ gặp trực tiếp tôi vào hai buổi đó. Tôi cũng đề xuất một số ý tưởng để các công việc hành chính của SCHOOL được tối ưu hơn, chuyên nghiệp hơn. Sếp rất vui.
Từ sự việc này, tôi đã rút ra một số điều quan trọng về công việc mà tôi muốn chia sẻ với bạn:
1. Đừng nên quá để tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình
Khi tôi nói với người bạn ở Career Service rằng mình rất ngại nếu phải từ chối SURVEY khi đã đồng ý làm với họ, bạn ấy bảo: “Đừng nên suy nghĩ như vậy, có rất nhiều người mong muốn làm công việc này. Nếu cậu từ chối sớm, người khác sẽ có được công việc sớm. SURVEY là văn phòng chuyên nghiệp, họ sẽ có cách sắp xếp dễ dàng.”
Bạn ấy nói đúng. Khi tôi gọi điện cho Giám đốc SURVEY để từ chối công việc, ông ấy cũng nói là rất tiếc để tôi đi nhưng vui vì tôi tìm được công việc phù hợp hơn – rất lịch sự, nhẹ nhàng, và chuyên nghiệp. Cũng như vậy, vì tôi từng quá để tâm đến xem sếp nghĩ gì về tôi, chị thư ký nghĩ gì về tôi… tôi tự vẽ ra trong đầu những điều không phải là sự thật.
2. Đừng để lo lắng, stress làm đầu óc trở nên u tối
Lo lắng và stress có thể khiến con người trở nên rất tiêu cực, và tiêu cực có thể tự “sinh sôi nảy nở” rất nhanh. Do vậy, cố gắng nhìn vào sự việc khách quan, thường xuyên luyện tập tư duy tích cực, và sống có ý nghĩa cho bản thân và mọi người.
3. Luôn chủ động trong công việc
Không ai thích một nhân viên bị động, giao việc gì thì làm việc nấy, có gì thêm thì chối đây đẩy “Không phải việc của tôi!”. Hãy luôn chủ động tìm kiếm công việc, làm tốt hơn những gì mình đang làm, và giúp đỡ mọi người mỗi khi có thể.
4. Thường xuyên đánh giá lại giá trị thật của công việc
Sau khi làm một việc trong thời gian dài, chúng ta thường lẫn lộn các giá trị thật và giả của công việc. Trong câu chuyện này, tôi chỉ nhận ra giá trị tốt đẹp của SCHOOL sau khi gần như mất nó. Nhờ sự ủng hộ của sếp, tôi đã có thể về Việt Nam 3 tháng trong giữa năm học để làm đề tài tốt nghiệp — một sự tự do mà chưa từng G.A. nào trong Khoa có được — đây là giá trị thật của SCHOOL.
5. Tự tin vào bản thân mình
Quá trình tìm việc và phỏng vấn với SURVEY không phải là hoàn toàn vô nghĩa. Nó đã khiến tôi tự tin thêm rất nhiều về bản thân. Tôi nghĩ nếu mình đã từng xin được việc bên ngoài một lần, chắc chắn mình sẽ làm được lần tiếp theo. Tư duy này khiến tôi thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.
Cuối kỳ học năm đó, tôi có nộp tiếp đơn xin G.A. cho năm học cuối cùng. Đây là lần đầu tiên tôi không stress, không sốt ruột, cũng không thúc ép ai phải trả lời sớm cho mình. Nhưng ngay từ trước khi Khoa có thông báo chính thức, giáo sư chủ nhiệm chương trình (Professor in Charge) đã nói riêng với tôi là ông ấy ký nhận tôi làm cùng cho năm tới.
Tại sao? Bởi vì tôi có kết quả học tập/nghiên cứu tốt, vì tôi thường xuyên xuất hiện ở văn phòng, và vì những người từng làm với tôi đều nói tốt về tôi — tất cả những điều này không thể có nếu tôi không tin vào bản thân mình và tin vào những điều tôi có thể làm cho công việc tốt lên.
Kết
Bài viết này không phải để huênh hoang những gì tôi đã làm được (vì thực sự tôi vẫn chưa làm được gì nhiều) mà để nói cho bạn đọc hiểu được hành trình tìm funding gian nan của những người học Tiến sĩ ngành Xã hội, và để bạn biết được những gì tôi học được trong cuộc hành trình này. Hy vọng bài viết truyền cảm hứng cho bạn tin tưởng vào cuộc sống và làm việc hiệu quả hơn.