Trì hoãn có lợi cho công việc của bạn thế nào

Phong cách làm việc mang tên ‘trì hoãn’ vẫn được công nhận do những lợi ích đặc trưng. Nó không chỉ đảm bảo công việc của bạn đạt hiệu quả, mà còn giúp bạn duy trì trạng thái tâm lý thoải mái nhất.

Kỳ Thơ
Trì hoãn có lợi cho công việc của bạn thế nào

Nếu thuộc tuýp người ‘để mai tính’, chắc bạn từng nghĩ đó là một khuyết điểm mà bản thân cần khắc phục. Hoặc ít nhất thì những người xung quanh, bao gồm người thân, thầy cô, đồng nghiệp cũng không ít lần nhắc nhở rằng bạn cần phải sửa lại thói quen này, vì như vậy là lười biếng, vô tổ chức và thiếu trách nhiệm. Thật ra, ‘trì hoãn’ không nên bị đánh đồng với những điều trên, mà đó là một trạng thái tâm lý rất bình thường của con người.

Dù vẫn có nhiều quan điểm trái chiều, phong cách làm việc mang tên ‘trì hoãn’ vẫn được công nhận do những lợi ích đặc trưng. Nó không chỉ đảm bảo công việc của bạn đạt hiệu quả, mà còn giúp bạn duy trì trạng thái tâm lý thoải mái nhất.

Bạn nắm thế chủ động điều chỉnh tâm lý

Theo Fuschia Sirois, tiến sĩ tâm lý tại Đại học Sheffield, ‘trì hoãn’ là một trạng thái “phi lý một cách cần thiết”. Đó là một phản ứng phòng vệ tự nhiên của con người trước những vấn đề có khả năng khơi lên những luồng cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như chán nản, lo âu, bất an, và tự ti. Người trì hoãn biết họ đang né tránh, nhưng họ vẫn cần trì hoãn như một cách chữa trị tâm trạng ngắn hạn.

Khi trì hoãn là bạn đang cho phép bản thân được chậm lại để tìm hiểu nguồn cơn làm mình chùn bước. Thay vì vội vã lao ngay vào công việc cùng một tâm trạng rối bời, bất ổn, bạn cho mình thời gian để bóc tách, gỡ rối chúng. Qua đó bạn có thể tự tin đảm bảo chất lượng công việc mà không buộc bản thân phải chịu sức ép trong quá trình làm việc.

Trong giai đoạn ‘tạm dừng’ đó, để bản thân có thể bình tâm, ngoài những phương pháp thuần tính giải trí, bạn có thể bắt tay vào làm những phần việc hằng ngày đơn giản khác. Đó có thể là viết một bản báo cáo tuần, trả lời email,… Tưởng chừng không liên quan nhưng chúng có khả năng khơi dậy sự hứng thú và thiết lập lại nhịp làm việc cho bạn.

Ngoài ra, bạn có thể tự mình chia nhỏ công việc rồi hoàn thành nó theo một cách thoải mái nhất. Dù sao bạn vẫn phải hoàn tất công việc đó, vậy sao không chủ động đón nhận, chuẩn bị đầy đủ và giải quyết nó với một tâm lý thoải mái hơn.

Kích thích sáng tạo, thúc đẩy phát triển ý tưởng

Tuy nghe hơi trái ngược với quan điểm vốn đã in sâu vào nhận thức của phần đông, nhưng bạn vẫn có thể đáp ứng hiệu quả công việc nếu trì hoãn có kế hoạch. Lúc này, thời gian bạn dành cho ‘trì hoãn’ thật ra không trống, ngược lại nó là một phần trong dự tính. Đó là khoảng thời gian để bạn hoàn tất từng bước nhỏ cần thiết để củng cố, bổ trợ cho giai đoạn hoàn thành cuối cùng.

Con người có xu hướng không ngừng suy nghĩ về những điều chưa làm hơn là những điều đã hoàn thành. Trong lúc trì hoãn, não bộ sẽ không ngừng gợi nhắc ta về công việc đó, buộc ta phải liên tục suy nghĩ các phương án giải quyết. Chính vì thế, bạn sẽ luôn được thúc đẩy để nghĩ ra phương án hữu hiệu nhất.

Ngay lập tức bắt tay vào giải quyết công việc không hẳn đã là phương án tối ưu. Đôi khi tầm nhìn của bạn đang bị thu hẹp bởi những cảm giác tiêu cực bắt nguồn từ công việc đó. Nếu bạn cho mình một khoảng nghỉ để thả lỏng tâm trí, tầm nhìn thoáng hơn, bạn sẽ có những phương án sáng tạo và mới mẻ hơn.

“Khi trì hoãn, bạn cho phép lý trí của mình được đi ‘loanh quanh’. Nhờ đó nó có thể phát hiện và chỉ cho bạn những điều khác thường xoay quanh vấn đề cần giải quyết,” nhà tâm lý học công nghiệp, Adam Grants giải thích.

Ngoài ra khi phải hoàn thành cận hạn định (deadline), chính sức ép của thời gian sẽ kích hoạt khả năng tập trung cao độ, tách bạn khỏi những phiền nhiễu xung quanh, bao gồm tác động bên ngoài lẫn những mạch suy nghĩ rối rắm không cần thiết.

“Deadline càng ngắn, mọi người càng suy nghĩ đúng hướng hơn. Bởi họ chỉ có vừa đủ thời gian để xem xét lại những gì mình đang có, để từ đó cố gắng tạo ra thành phẩm tốt nhất,” nghệ sĩ thị giác Christoph Niemann chia sẻ.

Trách nhiệm công việc và thời gian riêng tư luôn được cân bằng

Đi làm là hoạt động kéo dài cả đời, vì thế đừng để bản thân trở thành “nô lệ” hay một “cỗ máy” cho công việc. Bạn không sinh ra chỉ để làm việc, mà còn rất nhiều thứ trong cuộc sống cần bạn để tâm đến. Tuy được nhắc đi nhắc lại đến nhàm chán nhưng quả thật, sức khỏe luôn cần được ưu tiên hơn bất kỳ điều gì. Nó là nền tảng cho phép bạn duy trì và phát triển cuộc sống.

Làm việc quá sức chưa bao giờ được khuyến khích vì nó không chỉ giúp bạn đạt được hiệu quả công việc, mà còn ‘huỷ hoại’ sức khoẻ con người nhanh chóng. Căng thẳng kéo dài, giờ sinh học của cơ thể bị đảo lộn sẽ dẫn đến nội tiết tố thay đổi liên tục và vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Bởi thế, đôi khi trì hoãn sẽ là cách giúp bạn có được khoảng nghỉ và thời gian để rèn luyện, tăng cường sức khỏe.

Ngoài ra, gia đình cũng là một yếu tố mà bạn nên sẵn sàng trì hoãn công việc khi cần. Gia đình là hậu phương, là một trong những lý do cơ bản để ta làm việc và phấn đấu. Thế nhưng, chính sự cơ bản, quen thuộc và hiển nhiên khiến chúng ta thường vô tình quên mất gia đình giữa bộn bề công việc. Tưởng tượng bạn đang ở đỉnh cao sự nghiệp, nhưng xung quanh bạn vắng bóng người thân, liệu bạn có cảm thấy cuộc sống của mình trọn vẹn?

Bên cạnh đó, bạn hãy cho mình cơ hội được trì hoãn công việc để có thể duy trì và mở rộng nhiều mối quan hệ xã hội. Gặp gỡ con người cũng là một cách để thư giãn. Biết đâu sau những buổi trò chuyện đó, bạn sẽ có cảm hứng mới, hoặc nảy ra ý tưởng cho vấn đề mà mình đang đối mặt thì sao?

Xem thêm:
[Bài viết] Lòng tự trắc ẩn là gì và vì sao bạn cần nó
[Bài viết] Linh Thai Labs: 4 hành động nhỏ ghi điểm lớn chốn công sở


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục