Tương lai nào cho Afghanistan khi Taliban tiếp quản?
1. Chuyện gì đang xảy ra?
Sau 20 năm xung đột, chiến tranh Afghanistan giữa Mỹ và Taliban đã kết thúc. Tối 15/08, lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul mà không gặp sự kháng cự nào từ quân đội chính phủ. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước.
Sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát, người dân Afghanistan đã ồ ạt di tản gây hỗn loạn, đặc biệt tại sân bay quốc tế Hamid Karzai. Các cơ quan của Liên hợp quốc đã cảnh báo nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo tại quốc gia này.
2. Xung đột đã làm thay đổi cuộc sống người dân ra sao?
Chiến tranh đã làm cuộc sống của người dân Afghanistan thay đổi hoàn toàn, với ước tính 72% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói. Tỷ lệ người biết chữ cũng thuộc hàng thấp nhất thế giới, với chỉ 43%. (theo interactive.aljazeera.com)
Cuộc chiến gây ra nhiều thiệt hại về nhân mạng. Tính từ khi xung đột nổ ra, khoảng 241 nghìn người đã thiệt mạng tại khu vực chiến sự Afghanistan và Pakistan.
Theo báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc, số người tị nạn đến từ đất nước này cũng thuộc hàng cao nhất thế giới với 2,6 triệu người.
Mới đây nhất, sau khi Taliban hoàn toàn kiểm soát Afghanistan, hàng nghìn người đã chen lấn để lên máy bay di tản tại sân bay Kabul.
Trước nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo tại Afghanistan, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triển khai công tác bảo hộ công dân. Theo Đại sứ quán Việt Nam, cho đến thời điểm này chưa ghi nhận còn công dân Việt Nam tại đây. (Theo tuoitre.vn)
3. Nguồn gốc của cuộc xung đột là gì?
Từ năm 1973, Afghanistan trở nên bất ổn sau một cuộc đảo chính. Điều này mở đường cho sự can thiệp chính trị của nhiều nước lớn.
Cùng với sự nổi dậy của các lãnh chúa và phong trào Hồi giáo, “miếng bánh” Afghanistan giờ đây bị tranh chấp quyền lực bởi rất nhiều bên khác nhau. Đến năm 1996, phong trào Hồi giáo Taliban giành quyền kiểm soát đất nước này.
Sau khi gây ra nhiều vụ khủng bố, mạng lưới Al-Qaeda, đứng đầu là Osama Bin Laden nổi lên như kẻ thù số 1 của nước Mỹ. Mạng lưới này giữ mối quan hệ thân thiết với Taliban. Taliban do vậy bị các nước phương Tây cáo buộc chứa chấp và đào tạo khủng bố.
Vụ khủng bố 11/09 do Al-Qaeda thực hiện là giọt nước tràn ly, khiến Mỹ kiên quyết tiêu diệt Bin Laden. Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã ra tối hậu thư yêu cầu Taliban giao nộp Bin Laden để tránh chiến tranh. Tuy nhiên Taliban đã từ chối.
Tháng 10/2001, Mỹ tiến hành xâm lược Afghanistan để lật đổ Taliban. Chỉ sau 2 tháng, Taliban sụp đổ, mở đường cho một chính phủ mới nắm quyền tại quốc gia này do Mỹ hậu thuẫn.
Tuy nhiên, các phong trào Hồi giáo chống Mỹ không thể bị tiêu diệt hẳn, khiến Mỹ và các đồng minh luôn phải hiện diện. Đất nước Afghanistan từ đây trải qua cuộc xung đột chính trị kéo dài đến tận bây giờ.
4. Giải pháp tháo gỡ khủng hoảng nào đã được đưa ra?
Sau nhiều cuộc đàm phán dai dẳng, Mỹ và Taliban đã đạt được thỏa thuận lịch sử vào ngày 29/02/2020. Theo thỏa thuận này, hai bên đồng ý ngừng bắn và trao trả tù binh, đồng thời khởi động các đối thoại tiếp theo. (Theo tapchicongsan.org.vn)
Về phía Mỹ, quốc gia này cam kết cắt giảm số lượng binh sĩ và hoạt động quân sự, đồng thời dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Về phía Taliban, tổ chức này cam kết cắt đứt quan hệ với các mạng lưới khủng bố, bao gồm Al-Qaeda. Taliban cũng phải ngừng hỗ trợ và huấn luyện khủng bố.
Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ mang đến tương lai hòa bình cho Afghanistan. Tuy vậy, viễn cảnh này không quá sáng sủa, khi hai bên vẫn liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.
5. Vì sao cuộc chiến này tốn nhiều giấy mực?
Tính đến thời điểm hiện tại, đây là cuộc chiến tốn kém nhất của Mỹ trong thế kỷ 21, cả về thời gian lẫn tiền bạc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết quốc gia này đã tiêu tốn hơn 1 nghìn tỉ USD vào cuộc chiến kéo dài 20 năm. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn nhiều hơn. (vov.vn)
Theo nghiên cứu của Đại học Harvard và Đại học Brown, Mỹ đã vay nợ để chi trả cho chiến tranh 2 nghìn tỉ USD, đồng thời phải trả lãi 925 tỉ USD cho khoản vay đó.
6. Thái độ của dư luận quốc tế như thế nào?
Trước những diễn biến căng thẳng của cuộc xung đột, các nước đã đưa ra những phản ứng và hành động khác nhau.
Dù hứng chịu chỉ trích trong nước vì rút quân quá nhanh chóng, Mỹ cho biết họ vẫn sẽ kiên quyết rút quân và chấm dứt hoạt động quân sự tại Afghanistan.
Nga kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định chưa công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp mới của Afghanistan.
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng phát triển quan hệ với Afghanistan sau khi Taliban kiểm soát.
Liên minh châu Âu sẽ họp khẩn vào ngày 17/08 về tình hình Afghanistan, bao gồm các vấn đề về di cư tị nạn và sơ tán công dân.
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có quốc gia nào công nhận Taliban.
7. Tương lai nào cho Afghanistan khi Taliban tiếp quản?
Trong giai đoạn cầm quyền trước đây, Taliban bị chỉ trích khi áp đặt các quy định hà khắc với phụ nữ, hạn chế giáo dục và dung túng cho các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Dưới thời Taliban, họ tiến hành các cuộc hành quyết nơi công cộng và đóng cửa các trường nữ sinh. Phụ nữ không được làm việc, không được bầu cử, phải che kín mặt và chỉ được ra khỏi nhà khi đi cùng người thân là nam giới.
Trong lần nắm quyền này, Taliban mong muốn có được sự ủng hộ. Họ tuyên bố "không phải là Taliban của thế kỷ trước", đồng thời cam kết hòa bình và trao quyền cho phụ nữ. Dù vậy, Taliban vẫn vấp phải sự hoài nghi lớn từ cộng đồng quốc tế.
Chiến tranh đã kết thúc nhưng tương lai của người dân Afghanistan vẫn là một dấu hỏi lớn. Dù đã chính thức nắm quyền, như mọi chính quyền mới khác, Taliban sẽ cần phải chứng tỏ năng lực quản lý của mình để nhận được sự ủng hộ từ người dân.