Vì sao nên (và không nên) sống thử trước khi cưới?
Bạn mình sắp cưới vợ. Mình hỏi nó có run không. Nó bảo, “Sống cùng nhau hai năm rồi, cưới chỉ là ký tờ giấy thôi có gì mà sợ.”
Ở Mỹ, nơi mình sống, yêu nhau sống cùng nhau trước khi cưới là chuyện bình thường. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Xác suất Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NCHS), năm 2015, 67% các cặp vợ chồng hiện tại đã sống cùng nhau trước khi cưới. Nhiều phụ huynh khuyên con cái không nên cưới trước khi sống cùng nhau.
1. Lợi ích của việc sống thử
Lợi ích đầu tiên của việc sống thử là cho phép các cặp tìm hiểu sự hoà hợp lâu dài.
Ai cũng có những suy nghĩ, thói quen mà phải sống cùng họ mình mới có thể biết được. Có người bừa bộn, về nhà cởi tất vứt mỗi chỗ một cái. Có người gọn gàng, nhìn quần áo trên sàn thôi cũng đã ngứa mắt. Có người đi ngủ sớm. Có người đi ngủ muộn. Có người thích vừa ăn vừa xem TV. Có người coi bữa ăn là thời gian riêng tư của hai người.
Sống thử cho phép hai người phát hiện ra những điểm không tương đồng. Quan trọng hơn, là để hai người có yêu nhau đủ để có thể thoả hiệp, thay đổi cuộc sống cá nhân để có chỗ cho người kia không.
Thứ hai, sống thử cho phép các cặp yêu nhau thảo luận về cách phân bổ trách nhiệm. Nói xơi xơi “cưới xong anh sẽ giúp em làm việc nhà" thì dễ, nhưng phải ở cùng nhau cả năm trời thì mới biết được liệu người đó sẵn lòng giữ lời hứa hay không.
Và rồi trách nhiệm tài chính: một chủ đề các cặp yêu nhau ngại nói đến nhưng lại là một trong những lý do phổ biến nhất khiến các cặp vợ chồng bất hạnh. Mình thường xuyên nghe những lời than thở kiểu: “Lúc yêu nhau tưởng làm lắm tiền thế thì sẽ rộng rãi, ai ngờ cưới rồi mới phát hiện ra mua cái tăm thôi cũng chi li” hay chồng khó chịu với vợ vì lấy tiền của chung mang về biếu bố mẹ.
Bạn mình chia tay với người yêu sau khi hai đứa bàn chuyện thuê nhà và nó phát hiện ra người yêu nói dối về số tiền mà anh chàng có. Nó không sợ yêu trai nghèo, nó chỉ không chấp nhận trai không trung thực. Phải sống cùng nhau, đưa ra các quyết định tài chính cùng nhau thì mới biết được ai rộng lượng, ai keo kiệt, ai trung thực, ai chỉ có “cái mã".
Cho những người sống xa gia đình, sống với người mình yêu thương mang đến cho mình nhiều an ủi về mặt tinh thần. Đi làm căng thẳng đến đâu, tối về nhà có người ôm cho mình một cái, bao nhiêu muộn phiền dường như tan biến hết. Nếu ở một mình, có khi bạn ăn uống linh tinh, dở bữa, nhưng ở với ai đó, tự nhiên bạn ăn uống đúng giờ hơn và có động lực để ăn uống lành mạnh hơn. Những việc tẻ nhạt như đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo cũng sẽ trở nên dễ chịu hơn nhiều.
2. Sex
Sống thử hàm ý rằng quan hệ tình dục. Việt Nam, đáng buồn, là một trong những quốc gia đi sau cùng thế giới về giáo dục giới tính.
Ở nhà, các bậc phụ huynh cấm con cái quan hệ thay vì dạy chúng nó cách quan hệ an toàn. Ở trường, giáo viên đỏ mặt khi nói về chủ đề này, dạy qua loa cho có. Nhưng vì tình cảm không thể ngăn cấm được, Việt Nam đứng đầu châu Á và trong top 5 trên thế giới về tỷ lệ phá thai.
Yêu là một chuyện hết sức bình thường. Sex là một chuyện hết sức bình thường miễn là cả hai biết mình muốn gì, biết mình làm gì, biết nó sẽ để lại hậu quả gì, và có thể chấp nhận hậu quả đó.
Bạn chỉ nên quan hệ nếu đó là điều bạn muốn, chứ không phải vì nếu bạn không làm điều đó, người yêu sẽ bỏ bạn. Nếu người yêu bạn ép bạn hay dè bỉu bạn vì bạn không muốn, họ không phải là người tốt.
Nếu hai người quyết định quan hệ, mình chỉ hy vọng cả hai đặt câu hỏi: Hai người sẽ làm gì nếu chẳng may có thai? Cùng nhau phá thai, cùng nhau nuôi con, hay một người làm tất cả còn người lại tham gia ở mức độ họ muốn?
Dĩ nhiên, cả hai phải dùng biện pháp tránh thai, nhưng không biện pháp tránh thai nào là hiệu quả 100%.
Bao cao su, dù tối ưu, chỉ có tỉ lệ tránh thai là 98%. Nhưng trong đời sống thực, nhiều người không cẩn thận, nên tỉ lệ tránh thai chỉ là 85%. Điều đó có nghĩa là trong 100 người dùng bao cao su là biện pháp tránh thai duy nhất, 15 người sẽ có thai mỗi năm. Nếu bạn dùng cả thuốc tránh thai và bao cao su, tỷ lệ tránh thai lên tới 99.99%.
Đây là một câu hỏi khó, nhưng nếu bạn chưa sẵn sàng trả lời, bạn chưa sẵn sàng để quan hệ tình dục. Nếu hai người không thể đồng tình với nhau về câu trả lời, bạn không nên quan hệ tình dục. Và mình cũng nghĩ các bạn không nên quan hệ trước 18 tuổi, bởi 18 tuổi còn quá nhỏ để có thể trả lời câu hỏi này.
3. Sống thử có làm tăng tỷ lệ ly dị?
Tháng 10 năm 2018, Journal of Marriage and Family đưa ra kết luận dựa trên một nghiên cứu rằng tỷ lệ ly dị của các cặp vợ chồng sống cùng nhau trước khi cưới thấp hơn trong năm đầu tiên, nhưng cao hơn sau 5 năm. Nhiều báo chí truyền thống dựa vào nghiên cứu này để lên án việc sống thử. Nhưng chỉ hai tuần sau, Council on Contemporary Families, một tổ chức phi lợi nhuận University of Texas at Austin, cũng dùng nghiên cứu đó để đưa ra kết luận ngược lại: sống cùng nhau trước khi cưới giảm tỷ lệ ly dị. Lý do là nghiên cứu bao gồm con số thống kê từ 1950 đến hiện tại. Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1970, cả sống thử và ly dị vẫn còn chịu nhiều định kiến xã hội của Mỹ. Các cặp vợ chồng dám đi ngược định kiến xã hội để sống thử thì cũng sẽ dám đi ngược lại định kiến xã hội để ly dị, và vì vậy, tỷ lệ ly dị cho các cặp sống thử cao hơn trong thời gian này. Nhưng kể từ 2000, khi mà sống thử trở thành chuyện bình thường trong xã hội Mỹ, tỷ lệ ly dị cho các cặp đã sống thử trở nên thấp hơn. Vẫn có những cặp đã sống thử rồi vẫn tiến tới hôn nhân ngay cả khi họ không phù hợp với nhau. Lý do có thể là “sống cùng nhau vài năm, không biết làm gì tiếp theo nên cưới", “lỡ có con rồi nên cưới", “phụ thuộc vào nhau nhiều rồi nên cưới”, hay “sợ chia tay không gặp được ai khác nên cưới.”
Không phải cặp nào sống thử cũng sẽ tiến tới hôn nhân. Phần lớn các cặp sống thử sẽ nhận ra rằng họ không phù hợp với nhau, và chia tay là điều nên xảy ra. Khi hai người đến với nhau với ý định nghiêm túc và tôn trọng cuộc sống của nhau, nếu như hai người không sống được cùng nhau trước khi cưới, nhiều khả năng họ sẽ không thể sống cùng nhau sau khi cưới.Nếu không sống cùng nhau, chia tay ai về nhà người nấy. Sống cùng nhau, chia tay xong vẫn sẽ phải gặp nhau để chia chác đồ đạc, quyết định ai ở ai đi, và rồi đôi khi bởi đủ thứ phát sinh này, các cặp quay về với nhau vì lười, không cho họ cơ hội gặp người phù hợp với mình hơn.
4. Hậu quả tinh thần và xã hội của việc sống thử
Ở Việt Nam, các cặp sống thử vẫn phải chịu nhiều định kiến từ xã hội. Nhiều bạn giấu gia đình và bạn bè chuyện sống cùng người yêu, để khi gặp rắc rối trong chuyện sống thử - ví dụ như bị lạm dụng, bạo hành, hay có thai ngoài ý muốn - họ không thể chia sẻ hay tìm sự giúp đỡ từ ai.
Sống cùng nhau thổi phồng những vấn đề của một mối quan hệ không lành mạnh. Nếu bạn yêu một người hay ghen, độc đoán, ở cùng nhà với họ dễ dẫn đến việc mọi khía cạnh cuộc sống của bạn đều bị kiểm soát. Nếu bạn yêu một người nhiều chiêu trò, bạn có thể dần dần đánh mất bản thân mà không hay. Nếu bạn yêu một người gia trưởng, sống cùng họ rất có thể biến bạn thành người hầu hạ họ.
Sau khi chia tay, những người đã từng sống thử, nhất là phụ nữ, rất có thể sẽ bị người mới đánh giá là dễ dãi. Mình biết một số trường hợp gia đình phản đối chuyện kết hôn vì cô dâu đã từng sống thử với người khác.
5. Sống thử như thế nào?
Sống cùng nhau là một bước tiến tự nhiên trong một mối quan hệ nghiêm túc.
Ban đầu, hai người hẹn gặp nhau khoảng một, hai tuần một lần. Sau vài tuần, hai người muốn gặp nhau thường xuyên vào mỗi cuối tuần. Rồi gặp nhau hai, ba lần một tuần. Rồi hai người nhận ra họ dành phần lớn thời gian ở cùng nhau, nên họ chuyển vào sống cùng nhau. Thông thường, việc chuyển vào sống cùng nhau diễn ra sau khi yêu nhau ít nhất một năm.
Sống cùng nhau là cột mốc đánh dấu cam kết của hai người dành cho nhau. Mặc dù nó không đồng nghĩa với việc sẽ cưới, nó nên là bước đệm để hai người đánh giá sự hoà hợp lâu dài.
Nếu bạn biết chắc rằng bạn không muốn ở cùng ai đó lâu dài, bạn không nên sống thử với người đó. Đừng sống thử chỉ vì muốn quan hệ tình dục, để có người hầu hạ, hay để chia tiền phòng.
Bạn chỉ nên sống thử khi cả hai có thể tự lo cho cuộc sống của mình và có thể làm cho cuộc sống của người còn lại dễ dàng hơn. Bạn không nên sống cùng ai nếu như bạn sẽ phải phụ thuộc vào người đó, hay người đó phải phụ thuộc vào bạn.
Nếu chẳng may chia tay với ai, bạn không muốn để bản thân bị mắc kẹt ở cùng người đó.
Bạn mình ở cùng người yêu. Một lần nó về nhà bắt quả tang người yêu có người thứ ba. Hai người chia tay, nhưng nó vì không có tài chính ra ở riêng, đành tiếp tục ở chung nhà và phải thường xuyên đối mặt với bạn trai mới của người yêu cũ. Nó bảo mình rằng đó là thời gian kinh khủng nhất trong cuộc đời của nó.
Trong phần lớn trường hợp, các bạn sinh viên không nên sống thử, bởi họ chưa thể tự chủ cuộc sống của mình và cũng chưa đủ chín chắn để quyết định có muốn sống với ai lâu dài hay không. Theo mình, sinh viên là quãng thời gian để gặp gỡ nhiều người, yêu nhiều, trải nghiệm với nhiều mối quan hệ khác nhau để biết mình muốn một mối quan hệ như thế nào.
Khi sống cùng nhau, chi tiêu nhiều thứ cùng nhau, hai người cần có một cuộc hội thoại nghiêm túc về chia sẻ tài chính. Chi tiêu ở mức độ nào thì thoải mái cho cả hai? Ai trả tiền cho cái gì? Cái gì tiêu chung, cái gì tiêu riêng?
Có cặp muốn liệt kê tất cả mọi thứ rồi chia nhau trả tiền đến từng xu. Có cặp theo kiểu mỗi người chịu trách nhiệm về một khoản, như một người trả tiền nhà, người còn lại chịu tiền ăn uống điện nước.
Sống cùng nhau không đồng nghĩa với việc bạn phải làm mọi thứ cùng nhau. Bạn cần phải duy trì cuộc sống của chính mình để có thể phát triển bản thân và không trở thành gánh nặng cho người còn lại. Bạn vẫn nên có bạn bè của chính bạn, vẫn có thể ra ngoài mà không cần xin phép, vẫn tự lập tài chính, vẫn có thể chơi với người khác giới, vẫn có thể dành thời gian tập trung vào sự nghiệp.
Ai đó yêu bạn bởi vì bạn là bản thân bạn. Nếu bạn đánh mất bản thân bạn, người đó còn gì để yêu?
Bạn cũng không nên giấu bạn bè chuyện sống thử. Nếu bạn phải giấu bạn thân của bạn điều gì đó, thì hoặc là điều đó là sai, hoặc là bạn thân của bạn không thân như bạn nghĩ.
6. Có phải cặp đôi nào yêu nhau cũng nên sống thử?
Mặc dù sống thử có nhiều lợi ích, nó cũng nhiều điểm bất cập. Bản thân mình đã từng sống cùng bạn trai và mình không thích. Mình là đứa cần rất nhiều thời gian cho bản thân để suy nghĩ, để làm việc, để viết lách. Sống cùng người khác cho mình rất ít thời gian đó.
Một cách sống khá phổ biến với bạn bè mình là hai người tuy không ở cùng nhau chọn căn hộ gần nhau, thậm chí cùng khu chung cư, để có thể dành nhiều thời gian bên nhau, nhưng vẫn có thể về nơi của riêng mình mỗi khi cần không gian riêng.
Bài viết dài, mình tóm tắt lại mấy điểm:
- Sống thử có nhiều lợi ích nhưng cũng có nhiều điểm bất cập và vẫn còn chịu nhiều định kiến của xã hội.
- Sống thử không làm tăng tỷ lệ ly hôn.
- Sống thử không đồng nghĩa với việc cưới, nhưng nên là bước đệm để hai người đánh giá sự hoà hợp lâu dài.
- Chỉ nên sống thử khi bạn có thể tự chủ về cuộc sống của chính mình và có thể giúp cuộc sống của người còn lại trở nên dễ dàng hơn.
- Không phải cặp nào yêu nhau cũng nên sống thử.
- Sinh viên càng không nên sống thử.
- Sống cùng nhau nhưng vẫn phải duy trì cuộc sống riêng.
Hình ảnh trong bài được thực hiện bởi Trà Nhữ.