Vì sao trần nhà cao khiến bạn suy nghĩ “thoáng” hơn?

Trần nhà thờ cao không chỉ vì lý do tâm linh, mà còn có yếu tố tâm lý.
Hiền Lê
Nguồn: Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera

Nguồn: Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera

Nếu để ý, bạn sẽ thấy trần của các nhà thờ (đặc biệt nhà thờ Công giáo) luôn được xây rất cao. Chúng cũng thường được trang trí lộng lẫy, khiến bạn phải ngước nhìn mãi không thôi. Đặc điểm này không chỉ xuất hiện ở nhà thờ Công giáo, mà còn xuất hiện ở nhiều kiến trúc khác trong Phật giáo, Hồi giáo và Ấn giáo.

Về mặt tâm linh, trần nhà ở những nơi thờ tự được xây cao để tăng cảm giác rộng lớn, linh thiêng, từ đó hình thành sự kết nối với các đấng tối cao phía trên. Nhưng về mặt tâm lý, độ cao trần nhà có thể tạo nên sự khác biệt rất lớn trong tư duy con người.

Cathedral effect là gì?

Cathedral effect (hiệu ứng nhà thờ) là thuật ngữ chỉ mối quan hệ giữa chiều cao trần nhà với cách con người tư duy và giải quyết vấn đề. Theo đó, trần nhà cao thúc đẩy tư duy trừu tượng, sáng tạo và tự do, còn trần nhà thấp khiến bạn suy nghĩ có phần nguyên tắc và chi tiết hơn.

Hiệu ứng này được nhà nhân chủng học Edward T. Hall phát hiện lần đầu năm 1960. Ông để ý thấy mọi người thường có suy nghĩ bó buộc trong các nhà nguyện (chapel) nhỏ hơn là các thánh đường rộng lớn với trần nhà cao.

Để kiểm chứng hiệu ứng này, hai nhà nghiên cứu Joan-Meyers Levy và Rui Zhu đã thực hiện một thí nghiệm. Theo đó, người tham gia được chia làm 2 nhóm vào 2 căn phòng có trần cao lần lượt là 2.5m và 3m. Tại đây họ phải chơi trò đảo chữ (anagram) với các từ liên quan đến chủ đề tự do như unlimited (không giới hạn) hay liberated (giải phóng).

Kết quả những người ở căn phòng cao hoàn thành trò chơi nhanh hơn hẳn. Nhưng khi chơi đảo chữ với các từ như bound (sự ràng buộc) hay restricted (sự hạn chế), thì những người ở phòng thấp lại xong nhanh hơn.

Ở bài tập thứ hai là tìm ra mối liên hệ giữa 10 môn thể thao khác nhau, nhóm người ở phòng 3m cũng đưa ra nhiều ý tưởng trừu tượng với tầm nhìn bao quát hơn.

Nguyên nhân dẫn đến cathedral effect

Trần nhà cao kích thích hứng thú về không gian

Chúng ta có xu hướng thích khám phá không gian xung quanh hơn nếu được ở trong căn nhà trần cao. Điều này đã được nhà tâm lý học Oshin Vartanian chứng minh trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Environmental Psychology.

Trong thí nghiệm, người tham gia được cho xem 200 bức ảnh chụp các căn phòng có trần cao thấp khác nhau, rồi đánh giá xem nó đẹp hay không. Họ được chụp cộng hưởng não xuyên suốt quá trình này.

Kết quả đa số họ cho rằng, phòng có trần càng cao thì càng đẹp. Phim chụp não cũng cho thấy, hoạt động tăng cường mạnh mẽ ở thùy trước bên trái (left precuneus) và hồi trán não (left middle frontal gyrus) - hai khu vực liên quan đến khám phá thị giác và không gian. Phần vỏ não ở khu vực thùy trước trái thậm chí còn tăng độ dày.

“Những căn phòng trần cao thúc đẩy chúng ta khám phá không gian bằng thị giác, đồng thời khuyến khích tư duy tự do hơn. Sự kết hợp này có thể kích thích các suy nghĩ tích cực”, bà Vartanian chia sẻ.

Trần nhà cao mang đến nhiều ánh sáng

Một căn phòng có trần nhà cao và cửa sổ sẽ mang lại nhiều không gian cho ánh nắng chiếu rọi. Điều này giúp sản sinh nhiều serotonin - hormone đóng vai trò điều hòa tâm trạng, giấc ngủ và hệ tiêu hóa của chúng ta.

Khi tâm trạng được điều hòa, bạn sẽ vô thức tư duy một cách thoải mái hơn, ít cảm thấy áp lực. Đây là điều kiện lý tưởng để kích thích tư duy trừu tượng, sáng tạo và tự do. Bên cạnh đó, trần nhà cao cũng giúp lưu thông không khí tốt hơn - yếu tố giúp bạn tránh bị mệt mỏi, uể oải.

Các ứng dụng của cathedral effect

Ngoài các địa điểm thờ tự, cathedral effect còn được ứng dụng rộng rãi ở nhiều công trình khác. Chẳng hạn các trung tâm thương mại, cửa hàng quần áo và nội thất thường có trần khá cao để giúp khách hàng dễ hình dung về sản phẩm.

Trong khi đó, siêu thị thường để trần thấp giúp bạn tập trung nhìn các mặt hàng, nhanh chóng quyết định đặt vào giỏ. Phòng phẫu thuật cũng có trần rất thấp, giúp bác sĩ tăng khả năng tập trung cho một nhiệm vụ quan trọng.

Sự khác biệt này cũng xuất hiện ở văn phòng làm việc. Các công ty làm truyền thông và sáng tạo thường thuê mặt bằng ở nơi có trần cao, nhiều ánh sáng giúp nhân viên có thêm nhiều ý tưởng. Còn các ngành nghề đòi hỏi sự tập trung chi tiết, kỷ luật và chính xác cao độ như kiểm toán, ngân hàng hay luật đều có văn phòng trần thấp, không gian nhỏ vừa đủ.

Người bình thường cũng có thể áp dụng cathedral effect

Không cần phải là kiến trúc sư, bạn cũng có thể áp dụng hiệu ứng này để tăng hiệu quả cho công việc thường ngày.

Chẳng hạn khi cần tìm ý tưởng mới, bạn có thể tìm quán cafe hoặc thư viện có kiến trúc cao rộng, thoáng đãng. Nhiều nơi còn có phòng riêng cho nhóm đông người, bạn có thể tận dụng để rủ team mình ra họp cho thay đổi không khí, kích thích trí sáng tạo cho đồng đội.

Ngược lại khi cần tập trung vào xử lý dữ liệu, bạn nên vào các buồng gọi điện (phone booth) mà hầu hết văn phòng đều có. Chúng có không gian nhỏ hẹp và trần thấp - điều kiện lý tưởng giúp bạn không xao nhãng mà tập trung hoàn thành công việc.

Nếu đang sống ở nơi có không gian nhỏ hẹp, bạn vẫn có nhiều cách để tạo “ảo giác” trần cao. Bạn có thể treo đồ trang trí trên cao (như đèn chùm, đèn lồng), dán tường bằng giấy họa tiết dọc để kích thích bản thân nhìn lên cao nhiều hơn. Nếu có thể, bạn nên tối giản các đồ đạc trong nhà, không chồng chất quá nhiều tạo cảm giác ngột ngạt, bí bách.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục