Way In Way Out và chàng founder tự sáng tạo 800 món đồ thủ công
Cao Anh, chàng trai từ “Rainy City” Seattle (Mỹ) đang theo học ngành Kỹ sư điện và dự định làm việc tại hãng máy bay Boeing. Thế nhưng, trong một lần đi tìm kiếm quà tặng sinh nhật bố, Cao Anh tìm thấy cho mình một niềm đam mê mở sang hướng đi chưa từng nghĩ đến.
Cao Anh kể cậu tìm mua cho bố một chiếc ví da, nhưng lại có mức giá vô lý lên đến 300 USD. Về nhà, Cao Anh cùng một người bạn (với bộ đồ nghề làm da) đã quyết tâm tự làm quà. Thế nhưng càng làm càng say sưa, bắt đầu từ ví họ làm đến balo và nhiều sản phẩm khác. Cho đến một lần, khi đi vào trung tâm thương mại Nordstrom, chiếc balo Cao Anh tự làm được một người bán hàng khen có gu.
Từ đó, chàng trai trẻ nghĩ vì sao lại không thử làm một thương hiệu thời trang? Không marketing, không quảng cáo, Cao Anh thành lập thương hiệu đầu tiên mang tên Content Anomaly. Sau đó là sự xuất hiện của Way In Way Out (WIWO) - cái tên được nhiều nghệ sĩ yêu thích. Thậm chí ban nhạc Cigarettes After Sex đã mời Cao Anh đến show và diện những sản phẩm thủ công do chính tay anh làm.
Sử dụng giới hạn để vượt qua… giới hạn
WIWO sinh sau đẻ muộn nên có những cách tiếp cận khác biệt. Tại Việt Nam, nhiều thương hiệu hay tự định vị là “local brand”. Tuy nhiên, Cao Anh không gọi WIWO là thương hiệu nội địa vì cho rằng sẽ tự vướng vào những giới hạn về mặt sáng tạo và định giá sản phẩm.
Bản thân Cao Anh cho biết, cách tiếp cận ban đầu của WIWO hướng đến đến đa dạng đối tượng, không giới hạn mình trong khoảng cách địa lý. Thay vào đó là xây dựng một thương hiệu mang cảm giác lạ, tiếp cận những khách hàng thích những sản phẩm cầm vào chắc tay, có độ bền cao 5-10 năm, nặng tính thủ công.
Giới hạn thứ hai mà WIWO muốn vượt qua là về mặt giá cả. Từ trước đến nay, đồ da thủ công thường được bán với giá rất cao. Nhưng với WIWO, tất cả quy trình được đơn giản hóa để có thể giữ giá bán hợp lý nhưng đảm bảo về mặt kỹ thuật. Cao Anh cho biết mong muốn của anh là để người yêu thích đồ da có thể vượt qua rào cản và cảm nhận được chính cá tính của mình trong mỗi một món đồ thủ công. Sờ vào đồ da thật 100% được nhuộm thảo mộc mang đến một cảm giác “khoái lạc”, một thứ trải nghiệm giác quan vượt qua các giới hạn về túi tiền.
Và cuối cùng WIWO muốn tiếp cận những giới hạn của quan niệm xã hội. Và chính từ suy nghĩ này, Cao Anh thử để các người mẫu nam mặc bra, để họ tự cảm nhận màu sắc riêng trên cơ thể mình. Với đối tượng chính là khách nữ, WIWO cũng khuyến khích họ vượt qua giới hạn. Nhiều người nhìn vào bra của WIWO sẽ nghĩ rằng nó quá táo bạo và không biết mặc thế nào. Nhưng thật ra Cao Anh muốn hướng tới đối tượng nữ có sự sáng tạo khi diện một thứ gì đó lên người.
Họ có thể phối với sơ mi trắng, quần áo có cá tính riêng dựa trên nguồn cảm hứng mà mình tạo ra. Bản thân việc nam giới làm bra cho phụ nữ cũng là một thách thức với nhà sáng lập. Cao Anh cho biết đàn ông vẫn tâm huyết mang đến những trang phục tốt cho những người phụ nữ bên cạnh. Quá trình này cũng đòi hỏi sự tìm tòi và khảo sát, thấu hiểu cảm giác để sản phẩm phải thoải mái, phải đẹp và mặc được nhiều lần.
Sợ nhất là đánh mất khung thời gian để sáng tạo
WIWO hoạt động theo tiêu chí cái đẹp cần có thời gian. Cao Anh cho rằng mỗi thương hiệu thời trang đều cần thời gian trưởng thành, để biết mình đang làm gì, cộng đồng muốn gì. Cao Anh hiện không chạy quảng cáo cho WIWO, số tiền vận hành được lấy từ những công việc khác. Anh cho biết không muốn chạy theo các chiến dịch quảng bá, các con số mà đánh mất khung thời gian để mình sáng tạo. Điều này càng được chàng founder nhận ra rõ hơn khi có lần ghé một xưởng làm đồ da tại Việt Nam. Anh thấy mọi người có kĩ năng, có thiết bị nhưng lại rơi vào cái bẫy local brand, không muốn sáng tạo, chỉ muốn bán giá rẻ, dễ mua. Đa phần theo phong cách boho, giá bán cao nhất chỉ 1 triệu đồng.
Thay vào đó, Cao Anh thích mày mò trong xưởng và làm ra đến hơn 800 sản phẩm handmade. Anh cho biết vì cái đẹp cần thời gian nên khi ai đó nhận ra tác phẩm của mình thì sẽ rất vui, vui hơn cả việc mình được biết đến qua các chiến dịch rầm rộ. Anh kể có lần được một người bạn đi xem show ca nhạc sau đó chụp lại một đôi giày và hỏi có phải mình làm không. Khoảnh khắc đó, Cao Anh mới biết rằng thứ anh làm có “identity” (nhận diện).
Ngay cả logo của WIWO cũng được “vũ trụ” mang đến trong khung thời gian nghiền ngẫm. Đó là sự quan sát một miếng da động vật ở dạng thô sơ nhất cũng được mở ra theo bốn góc, nhưng nó cũng có thể là hình ảnh một người đang dang tay, chân. Cao Anh cho biết dù nó nhìn giống thứ gì đi nữa thì nó vẫn độc nhất và dễ dàng được nhớ đến.
Bài học “tự chế” và chữa lành khi may
Điều Cao Anh tâm đắc là khi về Việt Nam, có những thứ mà ở Mỹ sẽ không bao giờ tìm thấy được. Ở Mỹ, công cụ làm đồ da sẽ khác, hoặc nếu muốn làm một phần nào đó phải đặt hàng với số lượng lớn. Trong khi đó ở Việt Nam thì Cao Anh tìm thấy câu trả lời ở mọi nơi. Mọi thứ được tự chế và mày mò, muốn gì chế đó. Người ta có thể làm cái máy dập theo kiểu người Việt, độ lại con dao, cái khuôn bế với giá thấp. Cao Anh học được cách có thể làm mọi thứ một cách linh hoạt đúng chất thủ công, cái gì chưa có thì tay mình làm ra.
Anh chủ WIWO cho biết quy trình làm việc bắt đầu bằng cách thỏa mãn “cơn đói cảm hứng”. Cao Anh sẽ đi hỏi han mọi người có thích làm gì không. Nếu người đó gợi ý thì sẽ bắt tay vào sáng tạo nghiên cứu xem thứ gì phù hợp. Tuy cách tìm cảm hứng có vẻ khá bất chợt, nhưng các sản phẩm của Cao Anh làm lại có một mạch sắp xếp khá logic.
Nếu có cơ hội cầm các chiếc túi của WIWO, bạn sẽ thấy nó đa phần có các túi nhỏ bên trong. Các túi này được sắp xếp, lắp ráp và chia nhỏ ra để có thể “way in, way out”, chế biến cách dùng tùy mục đích sử dụng. Theo Cao Anh, một chiếc túi như thế khi dùng sẽ mang đến niềm vui và cảm giác thuộc về mình một cách chân thật.
Khách hàng thì hài lòng còn chủ nhân của WIWO cũng tìm thấy niềm vui cho tinh thần. Làm nghề thủ công, tâm trí được chủ động và tự do. Nghệ nhân có thể kiểm soát từng đường kim mũi chỉ. Cao Anh nói nếu may máy thì chỉ có thể may thẳng, còn may vòng không được. Trong khi may tay thì có 1000 ngàn cách để xử lý vấn đề.
Cao Anh chia sẻ ban đầu, may tay không tránh khỏi kim đâm nhưng dần dần nó lại tạo ra một thú vui đặc biệt. Nó như một kiểu rèn luyện mà bản thân thấy tiến bộ từng ngày. Bây giờ anh có thể vừa xem TV, nghe nhạc và may không cần nhìn nữa. Giờ đây, làm các thiết kế thủ công trở thành một phương pháp chữa lành tâm trí. Cao Anh cho biết mỗi khi phải suy nghĩ, hay cần tập trung hoặc cần thư giãn là sẽ ngồi ngay vào bàn may.
Xây dựng một cộng đồng thích… tò mò
Trên trang web của WIWO, bạn sẽ thấy có một đường dẫn đến một cộng đồng “bí mật”, nếu muốn vào cần mật khẩu. Thậm chí cửa tiệm WIWO nằm trong một chung cư cũng được ngụy trang dưới một cửa hàng bán đồ cũ. Cao Anh tâm đắc với quan niệm điều khiến chúng ta là con người nằm ở chính sự tò mò. WIWO tạo điều kiện cho tối đa cho bất kỳ ai muốn khám phá, nếu có duyên và đủ tò mò sẽ gặp. Không bảng hiệu, không có cửa chính, sâu bên trong lại còn có một quầy bar “ẩn” với những người bạn đồng hành thú vị.
Cao Anh mô tả đó là một thế giới dành riêng cho âm nhạc, thời trang và những người hay tìm tòi, tò mò. Cao Anh ví von tìm ra địa điểm của WIWO giống đi tìm kho báu. Nếu một người đủ tò mò sẽ bấm chuông, đi vào và muốn tìm hiểu chuyện gì đằng sau các cánh cửa. Khi đó thì Cao Anh chắc chắn biết mình tìm được một người đồng điệu về quan điểm để có thể tin tưởng và chia sẻ, cùng nhau xây dựng một thế giới rất riêng.
Ở đây chào đón sự tò mò nên bạn cứ thoải mái đi, Cao Anh hóm hỉnh “mời” những thành viên mới gia nhập WIWO. Và bài viết này cũng sẽ không tiết lộ địa chỉ của WIWO, độc giả đừng giận nhé.