#WhoMadeMyClothes và cuộc đấu tranh 7 năm của nền công nghiệp thời trang

Chiến dịch #WhoMadeMyClothes và lật mặt những mặt trái của ngành thời trang với sự trợ giúp của người tiêu dùng

Đạt Hồ
#WhoMadeMyClothes và cuộc đấu tranh 7 năm của nền công nghiệp thời trang

Các học viên thời trang tại SoFa Design Institute tham gia chiến dịch #Whomademyclothes năm 2019.

#WhoMadeMyClothes (#AiMayChoTaMặc)? Một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại nói lên những mặt trái của ngành thời trang mà các công nhân may mặc tại các nước đang phát triển phải chịu đựng. Thậm chí, nhiều nhãn hàng còn không thể trả lời câu hỏi giản đơn này. Vậy chiến dịch #WhoMadeMyClothes là gì mà ngày càng tạo được sự quan tâm toàn cầu như vậy? Thậm chí tạo được sức ảnh hưởng đến các thương hiệu thời trang?

Sự kiện Rana Plaza và sự ra đời của Fashion Revolution

Năm 2013, khu phức hợp công xưởng may mặc 8 tầng Rana Plaza tại Bangladesh bị sập đổ. Sự kiện tàn khốc này gây ra cái chết cho 1134 người với hơn 2500 người khác bị thương, đã vạch trần điều kiện làm việc thấp kém, đầy bất công mà những công nhân may mặc tại các quốc gia đang phát triển đã chịu đựng. Đây được xem là sự kiện thảm khốc nhất trong ngành thời trang.

Đây cũng chính là lý do Carry Somers và Orsola De Castro thành lập tổ chức Fashion Revolution (Cách mạng Thời trang). Với Tuần lễ Cách mạng Thời trang hàng năm (Fashion Revolution Week), sứ mệnh của Fashion Revolution là nâng cao ý thức cho nhân công ngành thời trang cũng như người tiêu dùng.

Đồng thời, tổ chức còn mong muốn xoá bỏ thực trạng công nhân ngành may mặc không được hưởng mức lương trung bình hay phải làm việc trong một môi trường thiếu an toàn, không có bảo hiểm.

Fashion Revolution tạo ra một mạng lưới giúp các nhà thiết kế, nhà bán lẻ, người tiêu dùng và nhà hoạt động kết nối và cùng đấu tranh cho sự minh bạch trong dây chuyền sản xuất thời trang. Cốt lõi của Fashion Revolution là sử dụng tiếng nói của người tiêu dùng, bởi họ tin đó là nguồn sức mạnh lớn nhất tạo ra thay đổi. Chỉ có nhận thức của người tiêu dùng mới có thể đòi lại quyền bình đẳng cho ngành thời trang.

Chiến dịch #WhoMadeMyClothes...

#WhoMadeMyClothes là chiến dịch thời trang của Fashion Revolution Week vào năm 2014, kêu gọi các thương hiệu thời trang chia sẻ công khai xưởng và nhân công sản xuất của mình. Ngay lập tức, hashtag được cộng đồng mạng hưởng ứng và nhanh chóng lọt vào top xu hướng toàn cầu trên mạng xã hội Twitter. Mục đích của chiến dịch là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề nhân đạo trong ngành công nghiệp thời trang nhanh.

Đáp lại hashtag #WhoMadeYourClothes là #IMadeYourClothes được chia sẻ bởi một số nhãn hàng và nhà sản xuất. Đến tháng 6 năm 2018, đã có 172 nhãn hàng trên 68 quốc gia sẵn sàng công khai thông tin về nhà cung cấp của họ.

...Và 7 năm đấu tranh cho ngành công nghiệp thời trang

Mỗi năm vào ngày 24 tháng 4, Fashion Revolution Week sẽ diễn ra nhằm tưởng nhớ sự kiện Rana Plaza, với sự tham gia của hơn 100 quốc gia. Tuần lễ này bao gồm những hoạt động xuyên suốt nhằm tuyên truyền, giáo dục, huy động, nghiên cứu và từ đó tìm ra phương án hành động cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp thời trang trong chuỗi cung ứng của ngành thời trang.

Fashion Revolution đã tổ chức các hoạt động bổ ích như dự án giáo dục nâng cao ý thức về các vấn đề hiện tại trong ngành công nghiệp thời trang, các buổi Fashion Question Time chia sẻ các giải pháp về vấn đề môi trường và chuỗi cung ứng, những workshop về kỹ thuật may đơn giản giúp tái chế lại quần áo cũ.

Tổ chức cũng tiếp cận và hỗ trợ hoạch định cho ngành thời trang tại các nước đang phát triển như Kenya và Lào, giúp các nước này phát triển thời trang một cách bền vững, đạo đức và minh bạch hơn.

Fashion Revolution còn khuyến khích các nhà bán lẻ và thương hiệu chia sẻ những câu chuyện của thợ may nhằm giúp cho ngành thời trang phát triển nhân văn hơn.

Chúng ta có thể làm gì?

Cuộc đấu tranh 7 năm qua đã cho ta thấy sự cải thiện lớn của ngành thời trang. Hiện tại, với dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới, Fashion Revolution mang đến những phương án để kêu gọi các thương hiệu hoặc nhà bán lẻ thời trang thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cuộc cách mạng thời trang chưa bao giờ dừng lại. Bất kể là doanh nghiệp hay tiêu dùng, tiếng nói của bạn đều có sức ảnh hưởng. Vì vậy, đừng ngại lên tiếng vì bạn sẽ góp phần cải thiện đời sống và môi trường làm việc cho các công nhân, tạo ra một bức tranh công nghiệp thời trang nhân văn hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục