Wounded healer - Biến nỗi đau của bản thân thành sức mạnh chữa lành

Ai cũng có nỗi đau và thương tổn của riêng mình. Đó có thể là công cụ để ta giúp đỡ người khác, cũng là giúp đỡ chính bản thân ta.
Sơn Hoàng
Nguồn: Japan House London

Nguồn: Japan House London

1. Wounded healer là gì?

Thuật ngữ wounded healer chỉ những người sử dụng những tổn thương tâm lý hay những nỗi đau của chính mình để giúp đỡ những người có nỗi đau tương tự. Khái niệm này xuất hiện nhiều trong các văn bản về phân tâm học và tham vấn, trị liệu tâm lý.

Dù vậy, wounded healer không nhất thiết phải là một chuyên gia tâm lý, mà có thể đơn thuần chỉ những người có khả năng giúp đỡ người khác bằng những trải nghiệm cá nhân của mình. Trải nghiệm chữa lành vết thương cho người khác có thể giúp họ giải quyết các vấn đề của bản thân, từ đó tiến tới “khép miệng” chính vết thương của mình.

2. Nguồn gốc của wounded healer?

Nhiều nguồn tài liệu chỉ ra rằng nhà tâm thần học và phân tâm học Carl Jung là người đã khai sinh ra khái niệm này trong văn bản Fundamental Questions of Psychotherapy vào năm 1951. Tuy nhiên, trong văn bản này, khái niệm chính xác mà Jung sử dụng là “wounded physician” với hàm ý tương tự wounded healer, nhưng gói gọn trong phạm vi của công việc trị liệu và những nhà tham vấn.

Ý của Jung, về cơ bản, khi nhắc tới wounded physician là để minh họa rằng công việc trị liệu là một nỗ lực có tính đối thoại của người trị liệu với người được trị liệu và với chính bản thân mình. Theo Jung, chính nỗi đau của nhà tham vấn là công cụ và sức mạnh để họ chữa trị cho những bệnh nhân của mình.

Để minh họa cho khái niệm này, Jung nhắc tới một huyền thoại trong huyền thoại Hy Lạp về nhân vật Chiron - một nhân mã với khả năng trị thương học từ thần Apollo và thần Artemis. Sau khi bị thương và phải chịu đau đớn từ vết thương do cung tên của Heracles gây ra, Chiron đã biến chính nỗi đau trong người mình thành động lực chữa trị cho những người khác.

3. Tại sao wounded healer lại phổ biến?

Sự phổ biến của thuật ngữ đi kèm với sự phát triển của ngành tham vấn tâm lý hiện đại. Ngày nay, ta biết tới wounded healer một phần nhờ sự xuất hiện của các dòng sách chữa lành.

Bản thân sự tồn tại của một khái niệm như wounded healer có nhiều ý nghĩa quan trọng ở nhiều mặt. Đối với ngành trị liệu tâm lý và các nhà tham vấn, wounded healer là sự công nhận rằng tất cả mọi người đều có những tổn thương - kể cả những người đi chữa trị cho người khác. Do đó, các nhà tham vấn không nên sợ hãi, xấu hổ, hay che đậy những vết thương của mình, mà nên coi đó là thứ gắn kết mình với bệnh nhân.

Đối với chúng ta - những người không làm công việc tham vấn - thì wounded healer cho thấy rằng ta có thể giúp đỡ người khác và giúp đỡ chính mình, bất kể bản thân có vụn vỡ tới đâu. Ở đây, có một khái niệm tương tự trong văn hóa Nhật Bản là kintsugi - chỉ việc chữa lại những chiếc bình, chiếc bát, hay chiếc cốc bằng gốm sứ đã vỡ bằng cách sử dụng hỗn hợp bột bằng vàng, bạc, và những kim loại khác để gắn liền những mảnh vỡ.

Từ góc nhìn này, những vết thương thực ra là những trải nghiệm quý báu, là thứ để ta học hỏi. Từ chỗ rạn nứt, những tổn thương hoàn toàn có thể trở thành chất kéo giúp ta hoàn thiện bản thân, giúp người khác trưởng thành và chữa lành.

4. Cách dùng wounded healer

Tiếng Anh:

A: Everytime I listen to her break-up stories, I always feel like I’m suffering my own break-up traumas again. That enables me to sympathize with her on another level.

B: I’m very sad to hear that, but at the same time I am very proud of you. You are becoming a wounded healer.

Tiếng Việt:

A: Mỗi lần nghe cô ấy kể chuyện chia tay, tôi tưởng mình đang đau lại nỗi buồn chia ly của chính mình. Nhờ thế nên tôi đồng cảm với cô hơn hẳn.

B: Chia buồn với bồ tèo, nhưng tôi cũng tự hào về bồ lắm. Sắp trở thành người chữa lành từ vết thương của mình rồi đó.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục