Xây dựng blog du lịch thành công: 5 yếu tố không thể thiếu
Trong hệ sinh thái travel blog đang ngày càng nở rộ, liệu có cách nào để một travel blogger trở nên nổi bật hơn những người còn lại? Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu 4 giá trị nội dung mà các travel blogger nên theo đuổi để giữ chân và xây dựng cộng đồng người theo dõi trung thành.
Theo báo cáo của Nielsen, du lịch chiếm vị trí thứ ba trong danh sách sở thích hàng đầu của người Việt. Cùng với làn sóng phát triển của mạng xã hội, không quá ngạc nhiên khi ngày càng nhiều bạn trẻ Việt chọn mảng du lịch để khám phá và xây dựng tầm ảnh hưởng riêng.
Trong hệ sinh thái “kinh doanh hình ảnh và trải nghiệm du lịch” đang ngày càng nở rộ, ai cũng chia sẻ kiến thức du lịch, ai cũng có những tấm hình như mơ, những video công phu về những nơi họ đặt chân đến. Liệu có cách nào để một travel blogger trở nên nổi bật hơn những người còn lại? Hãy cùng Vietcetera tìm hiểu 4 giá trị nội dung mà các travel blogger nên theo đuổi để giữ chân và xây dựng cộng đồng người theo dõi trung thành.
1. Xác định điểm độc đáo của nội dung
Giữa cộng đồng travel blogger đang ngày càng đông đảo, việc khiến người xem nhớ đến và tiếp tục quay lại kênh của mình là một yêu cầu ‘sống còn’. Để làm được điều đó, các travel blogger phải xác định được điểm độc đáo và giữ nó xuyên suốt nội dung của mình.
Dù cho đó là chủ đề gì, hãy nói về nó theo cách mà chưa ai từng làm. Nếu mọi người đang nói tông giọng cứng nhắc, bạn hãy thử thêm vào những yếu tố hài hước. Nếu mọi người thiết kế những đoạn phim phức tạp, bạn hãy thử làm đơn giản nhưng bắt mắt. Nếu mọi người viết những bài blog đơn lẻ, hãy thử liên kết một chuỗi bài bằng một câu chuyện.
Về mặt thông tin, sự khác biệt được đánh giá trên mức độ chi tiết bạn có thể đưa vào nội dung của mình mà không ai có. Cho dù đó là một địa điểm đã quen thuộc, nhưng nếu bạn có thể cung cấp thông tin chi tiết hơn, hoặc độc đáo hơn, kênh của bạn sẽ là nguồn thông tin mà nhiều người tìm đến.
2. Tối ưu hoá nội dung trên các kênh có chọn lọc
Mỗi kênh thông tin phù hợp với dạng nội dung và người xem riêng. Hiện nay YouTube vẫn là nền tảng hỗ trợ video phổ biến nhất tại Việt Nam. Nếu bạn chuyên về mặt hình ảnh, chỉ cần kèm theo vài dòng caption ngắn gọn, bạn có thể hoạt động tích cực hơn trên Instagram và Facebook. Nếu bạn cần không gian cho phần chia sẻ chi tiết hơn, WordPress sẽ là ‘sân chơi’ thích hợp cho bạn.
Bên cạnh đó, đừng quên lý do bạn chọn sử dụng mạng xã hội – đó là để tương tác với người xem. Đặc biệt là với du lịch, một chủ đề thường phát sinh rất nhiều thắc mắc. Việc ‘thích’ hoặc ‘trả lời bình luận’ của người hâm mộ không chỉ thể hiện thiện chí của bạn, mà còn giúp nội dung của bạn có lượt tương tác cao – đây cũng là một chỉ số đánh giá quan trọng đối với thương hiệu của một travel blogger. Ngoài ra, chức năng ‘live’ trên Facebook và Instagram cũng đang hỗ trợ rất tốt cho mảng này.
Hoạt động tích cực trên các trang mạng xã hội rất quan trọng, nhưng không có nghĩa là bạn phải dành cả ngày trên đó. Hãy chọn những khung giờ có lượt tương tác cao cho từng trang. Những thông tin này thường được cung cấp miễn phí trong phần ‘Insights’ hoặc ‘Analytics’ trên Facebook, hoặc bạn có thể sử dụng một công cụ hỗ trợ thứ ba.
3. Xây dựng nội dung tập trung
Từ năm 2019, ‘thị trường ngách’ đang là xu hướng. Xác định cho bản thân một hoặc một nhóm nội dung tập trung sẽ giúp bạn xác định đối tượng người đọc và xây dựng chiến lược cho blog của mình. Một khi bạn đã biết được đối tượng người đọc của mình là ai, họ quan tâm những gì, bạn sẽ thiết kế được nội dung đúng tâm lý và kiểm soát nội dung đi đúng định hướng.
Ngoài ra, việc thu hẹp và tập trung vào một hoặc một số chủ đề nhất định sẽ giúp bạn trở thành ‘chuyên gia’ về mảng đó. Điều đó có nghĩa là người xem sẽ ngay lập tức nhớ đến bạn khi cần tìm thông tin cho vấn đề liên quan.
Chẳng hạn, khi cần học hỏi kinh nghiệm về những chuyến du lịch thám hiểm, đa số những bạn trẻ yêu du lịch sẽ nhớ đến những chia sẻ bổ ích của anh Hoàng Lê Giang. Nếu tò mò về trải nghiệm văn hoá và những cảm xúc khi hoà mình vào cuộc sống của người dân bản địa, trang blog của travel blogger Lý Thành Cơ là một địa chỉ chắc chắn phải ghé thăm.
4. Đặt người xem làm trọng tâm của nội dung
Mặc dùng bạn đang chia sẻ về trải nghiệm cá nhân, nhưng hãy giới hạn số lần nhắc đến ‘tôi’. Nếu có, chỉ nên nhắc đến bản thân trên bức tranh toàn cảnh, không nên đi sâu vào những chi tiết nhỏ, như quần áo của bạn chẳng hạn. Người xem tìm đến bạn vì câu chuyện hay, vì tìm kiếm cảm nhận thực tế, nhờ đó họ có thể phần nào mường tượng ra hình ảnh bản thân tại địa điểm mà bạn nói đến.
Những chuyến đi được tài trợ từ các nhãn hàng tuy có thể giúp bạn đi du lịch và trải nghiệm dịch vụ cao cấp hiếm có, nhưng nó chỉ dừng lại ở mức độ ‘xem để biết’. Liệu có mấy người cảm thấy cần học hỏi kinh nghiệm cho một chuyến du lịch xa xỉ hàng chục triệu đồng? Người tiêu thụ nội dung về du lịch muốn những thông tin riêng biệt và áp dụng được cho trường hợp của họ, ở mức mà họ có thể thốt lên rằng: “Mình cũng có thể làm được!”
5. Kiên nhẫn
Sản xuất nội dung của travel blogger đòi hỏi cả một quá trình sáng tạo và kiên trì kéo dài nhiều năm, qua nhiều chuyến hành trình, chia sẻ nhiều bài viết review, quay nhiều video mới có thể dần được biết đến và xây dựng một cộng đồng người xem đông đảo.
Nếu bạn yêu thích công việc này có nghĩa là bạn đã thành công một nửa trong việc đem lại giá trị cho khán giả. Một nửa còn lại nằm ở sự kiên trì. Hãy đặt ra những mục tiêu thực tế, xây dựng những nội dung với giá trị lâu dài, rồi bạn sẽ gặt hái được thành quả xứng đáng.
Bài viết được thực hiện bởi Lan Phạm.
Xem thêm:
[Bài viết] Influencer-owned makeup line: Cuộc đua chỉ mới bắt đầu tại Việt Nam[Bài viết] Top 4 nữ YouTuber Việt đáng theo dõi trong các lĩnh vực khác nhau