Xu hướng thời trang có còn quan trọng hay không?

Xu hướng thời trang có còn cần thiết hay không khi không ít người nhận ra họ đang "bội thực" xu hướng.
Minh Trang
Nguồn: Reuters

Nguồn: Reuters

Thập kỷ qua, ngành thời trang chứng kiến một sự thay đổi khi các xu hướng không chỉ đến từ các nhà mốt. Nhiều người dùng mạng xã hội thậm chí tự đẩy các xu hướng. Trong khi đó, thông điệp chú trọng vào việc phát triển phong cách cá nhân hơn là theo "trend" được các bạn trẻ hưởng ứng. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu xu hướng thời trang có đang quá nhiều và còn cần thiết hay không?

Bản chất của xu hướng thời trang là gì?

Trước đây, xu hướng thời trang không chỉ đơn giản là một phong cách hay món phụ kiện bỗng nổi lên nhất thời. Xu hướng thời trang là kết quả của một quá trình nghiên cứu và phát triển ý tưởng của các nhà mốt lớn. Khi ra mắt, các phong cách này được công chúng yêu thích trong khoảng thời gian nhất định. Đồng thời, đó cũng là cách thể hiện sự sáng tạo và DNA của nhà mốt.

Trong lịch sử, xu hướng thời trang là chiếc đầm nhỏ màu đen giải phóng phụ nữ những năm 1920 của Chanel, là phom dáng nữ tính sang trọng Dior New Look sau Thế chiến thứ 2, là phong cách menswear của YSL những năm 1960… Hiện đại hơn, cú bắt tay giữa thương hiệu thời trang xa xỉ Louis Vuitton và thương hiệu streetwear Supreme vào năm 2017 đã mang đến một cơn sốt mới, nơi ranh giới giữa thời trang xa hoa và đường phố được xoá mờ.

Điểm khởi nguồn của các xu hướng thời trang trước đây phần lớn là từ các sàn runway, đặc biệt là tại các Fashion Week (Tuần lễ Thời trang) - thánh địa nơi tập trung của những người có sức ảnh hưởng trong làng thời trang. Tại đây, các nhà mốt sẽ giới thiệu bộ sưu tập mới nhất và trình làng các màu sắc, hoa văn, hay chất liệu vải mà họ muốn lăng xê.

Vì xuất phát từ các nhà mốt danh tiếng, xu hướng thời trang lúc này thể hiện nhiều ở các mặt kỹ thuật may đo, màu sắc, tính thẩm mỹ và nghệ thuật. Nhìn chung, bản chất của xu hướng thời trang từ nhà mốt là những thiết kế có câu chuyện, có cảm hứng nghệ thuật phía sau.

Tiếp đến, xu hướng thời trang trước đây được đưa đến công chúng một cách bài bản và có độ uy tín cao. Mục đích của chuyện này là để một xu hướng có tuổi đời lâu hơn, và trở thành một mốc nhất định trong lịch sử nhà mốt.

Chính vì vậy, một xu hướng được các nhà mốt cao cấp chọn lăng-xê về bản chất là một sản phẩm truyền thông lấy sự giàu có, độ nổi tiếng của người mặc làm bệ đẩy. Bạn có thể thấy chiến lược này được thực thi qua các icon thời trang như Jennie Kim, Kendall Jenner, Gigi Hadid, Zendaya, Harry Styles…

Cuối cùng, xu hướng thời trang còn kéo dài sức sống qua tính phân tầng của nó nơi các thương hiệu thời trang nhanh (fast fashion) và thậm chí là thị trường hàng giả, hàng nhái. Khi người tiêu dùng có hứng thú với phong cách nào đó, các thương hiệu khác sẽ sản xuất những thiết kế tương tự, để người tiêu dùng có thể tiếp cận với xu hướng ở một phân khúc hợp lý với túi tiền hơn.

Bội thực xu hướng thời trang và những ảnh hưởng của nó

Sự bùng nổ của công nghệ đã dần thay đổi cục diện ngành thời trang cũng như cách mà các xu hướng thời trang được ra đời. Các nền tảng mạng xã hội ngày càng được nâng cấp và người dùng dần dành nhiều thời gian để lướt TikTok và Instagram hơn. Lúc này, bất cứ ai cũng có khả năng trở thành một nhà ảnh hưởng và tạo ra các xu hướng thời trang.

Thế nhưng, chúng ta cần làm rõ giữa hai khái niệm: mốt nhất thời (fads) và xu hướng thời trang lâu dài (trend). Trước đây khi nhắc đến xu hướng, ta hiểu nó mang tính đại diện cho một vấn đề đang phổ biến trong xã hội, thể hiện tính chuyển động của thời đại. Chẳng hạn như xu hướng Y2K hình thành từ cuối những năm 90 đến đầu những năm 2000, đã phản ánh một kỷ nguyên mới sắp mở ra, mang theo nhiều hy vọng về sự phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, các xu hướng hiện nay lại có tuổi đời khá ngắn.

Đa phần là mang thời trang của các subculture (tiểu văn hóa) ra ánh sáng để tạo sự tò mò. Chẳng hạn như Balletcore, Cottagecore, Clowncore… Chúng rất thú vị và là phong cách thời trang từ lâu của một cộng đồng. Thế nhưng khi được các nhà sáng tạo nội dung mang lên TikTok hay Instagram, các phong cách này lại trở thành xu hướng “nhanh đến nhanh đi”. Chưa kể guồng quay phải có cái mới liên tục trên các nền tảng này nên chúng ta dần cảm nhận được sự bội thực xu hướng.

Việc xuất hiện quá nhiều xu hướng nhất thời đã kéo theo cuộc chạy đua thời trang nhanh, khiến thời trang bền vững gặp nhiều thách thức hơn. Chủ nghĩa tiêu dùng tăng cao và rác thải thời trang vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng lên môi trường. Bên cạnh đó, việc chạy theo xu hướng có thể khiến người tiêu dùng đánh mất bản sắc cá nhân.

Nhà chiến lược nội dung Kristin Breakell cho biết giống như ngành công nghiệp làm đẹp lợi dụng sự bất an của phụ nữ, ngành công nghiệp thời trang cũng nhắm vào mong muốn được hòa nhập của con người. Thay vì chọn mua các sản phẩm thời trang phù hợp với kiểu dáng và sở thích, việc chạy theo xu hướng khiến nhiều người không còn là chính mình.

Điều gì xảy ra nếu không còn xu hướng thời trang?

Một thế giới không có xu hướng thời trang sẽ bắt đầu từ việc các tuần lễ thời trang đi vào dĩ vãng. Kế đến, nếu không lệ thuộc xu hướng thời trang, chúng ta sẽ lựa chọn trang phục dựa trên sở thích cá nhân, thay vì chạy theo những thứ phổ biến. Khi đó sẽ không có khái niệm hợp thời hay lỗi thời mà chỉ có người mặc nhận ra thứ gì hợp hay không hợp với cơ thể. Và chúng ta cũng không còn gặp áp lực ngoại hình do một số xu hướng thời trang mang lại.

Tiếp đến, không còn xu hướng đồng nghĩa với việc nhu cầu mua sắm theo mùa sẽ giảm xuống. Chúng ta sẽ có những trang phục dành cho mọi mùa với các chất liệu có khả năng thích nghi với môi trường. Thời trang nhanh chú trọng đến xu hướng, nhưng khi xu hướng mất đi quyền năng thì người tiêu dùng sẽ quan tâm hơn đến chất lượng, độ bền. Ngành công nghiệp thời trang phải thích nghi với thời kỳ mới này bằng cách tập trung vào chất lượng sản phẩm, bền vững thay vì phải thay đổi liên tục để theo kịp xu hướng.

Tuy vậy, không chỉ trong thời trang mà xu hướng trong bất kì ngành nghề nào cũng có tính hai mặt. Xu hướng thời trang vẫn có những đóng góp tích cực của nó. Nếu không có xu hướng nghĩa là không còn động lực tìm kiếm những điều mới mẻ, sáng tạo và thử nghiệm. Nhiều người sẽ cảm thấy nếu xu hướng mất đi thì mặt trái của nó chính là sự nhàm chán.

Sự tồn tại của xu hướng vốn không phải để chúng ta chạy theo miệt mài. Xu hướng là câu chuyện lựa chọn của số đông nhưng giúp chúng ta nhìn nhận lại chuyện của chính mình. Thay vì tìm hiểu một xu hướng đang “viral”, chúng ta có thể bắt đầu nhìn nhận lại bản thân và cách ta phản ứng trước những điều mới mẻ để tìm ra cách ứng dụng phù hợp.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục