Được chuyển ngữ từ "How to Get Motivated and Take Action", đăng trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Động lực không hoạt động như đa phần chúng ta thường nghĩ. Sau đây là vài cách thúc giục bản thân mà không cần phải “chờ thời”.
Mối liên hệ giữa hành động và động lực
Gửi bạn một góc nhìn mới: “Hành động không chỉ là kết quả của động lực, mà còn khơi nguồn cho nó”. Nhưng đa phần chúng ta chỉ hành động khi được thúc giục, và nó chỉ đến khi ta có một nguồn cảm hứng tràn trề.
Chúng ta nỗ lực học tập vì sợ nhận điểm kém. Chúng ta chọn học nhạc cụ khi muốn ai đó lắng nghe giai điệu của mình. Nhưng sau đó ta lại nản dần, đặc biệt là trong những thời điểm không nên nhất.
Đôi lúc ta cũng bỏ quên những mục tiêu đã tự đề ra chỉ vì thiếu động lực, và ta thiếu động lực chỉ vì cảm thấy không muốn làm cho xong việc. Vậy nên ta thường nghĩ động lực diễn ra như thế này:
Cảm hứng tràn trề => Động lực => Mong muốn hành động
Nhưng thực hiện theo mô hình này lại có vấn đề, bởi: những thay đổi ta cần trong cuộc sống thường đến từ cảm xúc tiêu cực, nhưng đồng thời nó cũng cản trở ta bắt tay vào hành động.
Như khi ai đó muốn hàn gắn mối quan hệ với mẹ mình, những cảm xúc trong hoàn cảnh đó (như tổn thương, hận thù, né tránh) hoàn toàn đối lập với hành động cần thực hiện để sửa chữa vấn đề này (như đối mặt, trò chuyện chân thành).
Hay nếu một người muốn giảm cân nhưng lại cảm thấy quá xấu hổ về cơ thể mình, thế thì việc đến phòng tập gym cũng sẽ khơi dậy cảm xúc tương tự như lúc họ nằm dài trên giường.
Các ví dụ trên cho thấy những tổn thương trong quá khứ, kỳ vọng tiêu cực, cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và sợ hãi thường thúc giục chúng ta hành động để vượt qua chúng.
Nạp thêm động lực bằng nguyên tắc: “Làm gì đi”
Nguyên tắc này giống như một chuỗi mắt xích, nhưng không chỉ tách thành 3 mắt xích riêng biệt mà nối lại với nhau thành một vòng lặp không hồi kết.
Hành động của bạn tạo ra những phản ứng cảm xúc và cảm hứng cho các bước tiếp theo, từ đó tiếp tục thúc giục hành động trong tương lai. Biết được điều này, chúng ta có thể sắp xếp lại mô hình về động lực như sau:
Hành động => Cảm hứng => Động lực
Từ đó suy ra, nếu bạn đang thiếu động lực để thay đổi thì hãy bắt tay làm việc gì đi, bất cứ gì. Sau đó gói ghém cảm hứng từ việc làm đó như một cách để tự cổ vũ chính mình.
Tôi gọi nó là nguyên tắc “Làm gì đi”. Tôi vô tình tạo ra nó khi còn là một chuyên viên tư vấn, công việc của tôi là giúp đỡ những người không thể hành động vì bị chấn trụ bởi nỗi sợ, suy diễn và chán nản. Đơn giản thôi: bạn trả tiền để tôi ngồi đây thúc giục bạn làm gì đó. Mặc kệ là gì, cứ làm đi!
Nhờ vậy mà tôi nhận ra một khi họ bắt tay vào hành động, dù là nhỏ nhất, nó sẽ cho họ nguồn cảm hứng và động lực cho những thứ tiếp theo. Có vẻ họ đã tự gửi tín hiệu cho bản thân rằng, “OK, tôi làm được việc này rồi, thêm một việc khác chắc cũng không vấn đề”. Và cứ thế tiếp tục dần dần.
Tôi cũng áp dụng nguyên tắc đó trong cuộc sống của mình những năm về sau.
Điển hình là lúc tôi mở một website và bắt đầu kinh doanh online. Tôi tự làm chủ nên chẳng có cấp trên nào bảo tôi phải làm gì. Nhưng đồng thời tôi cũng phải chấp nhận nhiều rủi ro khi tự đầu tư cá nhân, cả về mặt tài chính và cảm xúc.
Đó là khoảng thời gian căng thẳng chỉ toàn nghi ngờ và mơ hồ. Khi không có ai xung quanh đốc thúc, bạn sẽ thấy việc ngồi ì ra và dán mắt vào tivi hấp dẫn hơn công việc nhiều.
Trong những năm đầu làm việc độc lập, nhiều tuần cứ thế trôi qua mà tôi chẳng hoàn thành được gì mấy bởi đang mải lo lắng và tạo áp lực về những thứ mình cần làm. Lúc đó tôi đã tiến rất gần đến bờ vực buông bỏ.
Sau đó tôi nhanh chóng nhận ra nếu ép bản thân làm gì đó, dù chỉ là một việc nhỏ nhặt, những việc to lớn cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Nếu tôi phải thiết kế lại toàn bộ website, tôi sẽ ép bản thân ngồi xuống và tự nhủ, “Rồi, chỉ cần thiết kế lại tiêu đề thôi”. Nhưng khi làm xong, tôi vẫn tiếp tục những phần khác. Trước khi kịp nhận ra thì tôi đã tràn đầy năng lượng cho các công việc tiếp theo.
Khi phải xử lý một dự án lớn mà tôi không tài nào dứt được lo lắng, hay khi chuyển đến một thành phố mới và cần phải ra ngoài để giao lưu, tôi cũng áp dụng nguyên tắc “Làm gì đi”. Thay vì nhắm vào một mục tiêu vĩ đại, tôi chỉ quyết định, “Được rồi, bắt đầu với dàn ý nhé” hoặc “Mình cứ đi uống vài lon bia và chuyện gì tới sẽ tới”. Những hành động đơn thuần dường như luôn thúc đẩy tôi hơn.
Tại một vài thời điểm nhất định sẽ cần một vài hành động tương ứng. Khi động lực diễn ra một cách tự nhiên, cảm hứng sẽ trở nên chân thực. Điều đó khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn trên con đường đạt được mục tiêu của mình.
Có lẽ bạn cũng nhận thấy khái niệm này trong nhiều bài viết khác rồi. Nhưng dù dưới hình thức nào, đây vẫn là một suy nghĩ và thói quen cực kỳ hữu ích. Nó khiến tôi nhận ra thành công ít khi phụ thuộc vào kiến thức hay tài năng, mà phần nhiều là hành động được bổ trợ bởi kiến thức và tài năng.
Bạn có thể thành công mà không biết mình đang làm gì. Bạn có thể thành công mà không hề có tài năng nào liên quan. Nhưng bạn sẽ không bao giờ thành công nếu không bắt tay vào hành động. Không bao giờ.
Còn tiếp...
Chuyển ngữ bởi Kim Nguyễn.