10 Điều người trẻ cần biết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong những ngày buồn nhất của đất nước, điều mà những thế hệ đi sau có thể ghi nhớ nhiều nhất về vị lãnh đạo lớn của dân tộc là những sự kiện trong chính cuộc đời ông.
Việt Vân
Nguồn: Báo Chính Phủ

Nguồn: Báo Chính Phủ

"Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần.

Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng:

Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân."

Đó là câu nói của người Cộng sản trẻ tuổi Pavel Korchagin, nhân vật trong tiểu thuyết Thép Đã Tôi Thế Đấy của nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky, và cũng là lý tưởng sống cả đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong những ngày buồn nhất của đất nước, điều mà những thế hệ đi sau có thể ghi nhớ nhiều nhất về vị lãnh đạo lớn của dân tộc là những sự kiện trong chính cuộc đời ông. Những ngày tháng và cột mốc này cũng đồng thời là những chuyển mình lớn nhất của đất nước và xã hội Việt Nam trong những năm qua.

  1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong hai Tổng Bí thư có tuổi đời cao nhất khi đương chức trong các Tổng Bí thư của Đảng. Ông sinh ngày 14/4/1944, tại xã Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội). Ngày 14/4 năm nay, ông vừa tròn 80 tuổi.
  2. Trong ký ức của những bạn bè thời thơ ấu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người khiêm tốn, gần gũi và sống giàu tình cảm. Ông Tạ Sinh Kế - bạn học của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể rằng: "Ngay từ khi bé, anh (Trọng) là người được bạn bè yêu mến nhất. Rất điềm đạm, tình cảm, khiêm tốn, chúng tôi cứ học tập theo mãi."

    Một bạn học khác của Tổng Bí thư là ông Vương Khắc Côn chia sẻ rằng: "Anh Trọng ít nói, khiêm nhường, hay nhường nhịn các bạn."
  3. Ông cũng là một trong số ít người được kết nạp vào Đảng khi đang là sinh viên năm thứ 4 - Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là một trong những sinh viên xuất sắc của trường, Tổng Bí thư viết và bảo vệ Luận văn tốt nghiệp với chủ đề "Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu".
  4. Sau 24 năm công tác, từ một sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường về công tác ở Tạp chí Học tập - nay là Tạp chí Cộng sản (kể cả gần 5 năm đi học ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương và ở Liên Xô), ông đã trở thành người đứng đầu Tạp chí Cộng sản - Cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị của Đảng, tương đương Bộ trưởng.

    Đây là một kỷ lục về thời gian trưởng thành và phát triển của cán bộ mà ít người có được.
  5. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp cử nhân khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 8) năm 1967, được phân công về làm biên tập viên của Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản).

    Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị tại Tạp chí Cộng sản, nơi ông đã công tác trong một thời gian dài trước khi chuyển sang các vị trí khác trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
  6. Một điều khiến người dân nhớ mãi về ông chính là vẻ đẹp nhân phẩm của một con người ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, nhưng vẫn khiêm cung, giản dị và vô cùng liêm chính.

    Tháng 11/2020, dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư về thăm thầy cô và mái trường nơi mình từng học hành, chân tình và cung kính xin phép xưng em với thầy cô:

    "Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là Tổng bí thư, Chủ tịch nước (thời điểm năm 2020- PV) nhưng khi về trường em xin phép các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh của nhà trường. Trong buổi lễ, các thầy cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Em cũng xin phép được phát biểu cảm tưởng về những kỷ niệm của thời học sinh, về những kỷ niệm đẹp với các thầy, các cô và các bạn học."
  7. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người Việt Nam thứ ba (sau Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh) vừa là người đứng đầu Đảng, vừa là người đứng đầu Nhà nước. Trong thời gian giữ chức Tổng Bí thư khóa XII, ông có một nửa nhiệm kỳ vừa làm Tổng Bí thư, vừa làm Chủ tịch nước.
  8. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư của Đảng có học hàm, học vị cao nhất từ trước đến nay. Ông là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học, chuyên ngành Xây dựng Đảng.

    Năm 1992, ông được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư và năm 2002 được phong hàm Giáo sư. Ông từng có nhiều năm làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, trực tiếp chỉ đạo xây dựng Báo cáo chính trị và để lại nhiều dấu ấn trong các văn kiện của Đảng từ Đại hội IX của Đảng đến nay.

    Ông được bầu làm Tổng Bí thư lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2011, và tái đắc cử vào năm 2016 và 2021. Ông là người giữ vị trí này lâu nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
  9. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời là Tổng bí thư đầu tiên đi qua Mỹ để mở rộng và khẳng định quan hệ với Mỹ vào tháng Bảy năm 2015. Cuộc gặp gỡ với cựu Tổng thống Barack Obama được coi là một bước tiến quan trọng về ngoại giao và kinh tế giữa hai đất nước trong những năm tiếp theo.
  10. Trong mắt bạn bè quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn liền với đường lối “ngoại giao cây tre” - vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách dân tộc. Và trong bối cảnh phức tạp của địa chính trị thế giới hai năm qua, nghệ thuật “ngoại giao cây tre” với lập trường đa phương đối ngoại của Việt Nam đã phát huy tác dụng.

    Hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt dưới thời kỳ lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 7 quốc gia, quan hệ Đối tác chiến lược với 11 quốc gia và quan hệ Đối tác toàn diện với 13 quốc gia.

    Đây là dấu ấn không thể phai mờ trong chính sách đối ngoại đương đại của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người lãnh đạo giản dị, thanh bạch, sống trọn đời vì nước, vì dân đã mãi mãi ra đi. Nhưng sự nghiệp và những giá trị đạo đức, tư tưởng của Tổng Bí thư luôn còn mãi với chúng ta trên chặng đường phát triển của đất nước.

Là người trẻ, chúng ta cần học hỏi và tiếp nối những giá trị cao quý mà Tổng Bí thư đã để lại, không ngừng phấn đấu, rèn luyện để xây dựng một Việt Nam ngày càng phồn thịnh và vững mạnh.

(Bài viết tổng hợp từ báo Dân Trí, báo Chính Phủ và các nguồn thông tin khác.)


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục