Làm freelance khi đã có việc toàn thời gian?
Chuyện đi làm freelance trong khi vẫn có công việc chính vốn không phải chuyện xa lạ trong thị trường lao động. Theo báo cáo năm 2019 của Manpower, 87% người lao động Việt ưa chuộng các công việc bán thời gian như phụ trách dự án hoặc việc freelance. Trong nhiều trường hợp, họ tìm tới các dự án freelance để tăng thu nhập, hoặc tìm cơ hội phát triển chuyên môn.
Lựa chọn freelance trong khi đã có công việc toàn thời gian khá phổ biến ở các ngành sáng tạo như xuất bản, UX-UI, content writing hay sản xuất video. Dù mục đích là gì, đây vẫn là một chủ đề tế nhị, đặc biệt là khi nhân viên đã cam kết với một công ty.
Nhưng chủ đề nào khó nói thì lại càng phải nói. Nếu bạn là một trong số những người “tay đã nhúng chàm," dưới đây là những lưu ý trong việc “freelance của người đi làm.”
1. Nói với sếp: Nên hay không?
“Trước đây đã có trường hợp đồng nghiệp chị vì bận làm freelance mà xin nghỉ phép, nên sếp chị không mấy hứng thú khi nghe chuyện nhân viên làm thêm ở ngoài.
Người sếp nào cũng sẽ muốn nhân viên đảm bảo được hiệu suất và kết quả của công việc chính. Chị cũng khá thân với sếp, nhưng điều đó không có nghĩa là chị sẽ tận dụng điều này để tìm kiếm sự thông cảm từ cấp trên.” — Thái Hà, 27 tuổi
“Anh làm ngành sáng tạo nên cũng khá thoải mái, việc mọi người làm freelance cũng không phải chuyện mới. Có những công ty, sếp còn mang cả việc về cho nhân viên làm. Nhưng sếp anh luộn dặn "có làm thì nhớ né công ty A nha, mình 'không chơi' với bên đó."
Sau cùng thì làm freelance là việc tư; không ai muốn nó trở thành một thứ đánh giá mức độ trung thành của nhân viên với công ty. Quan trọng nhất là phải cho sếp thấy mình là người có kỷ luật tốt, biết quán xuyến trách nhiệm ở công ty, và có ranh giới rõ ràng.” — Huy Hoàng, 26 tuổi
Tóm lại là: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chắc chắn không phải sếp nào cũng có vấn đề với việc nhân viên làm freelance. Nhưng đừng nhận làm cho công ty đối thủ.
2. Một ngày 24 tiếng vẫn đủ, nếu...
"...Em biết cách đặt ra ưu tiên trong thời gian làm việc. Nhiều lần khách hàng nhắn cho chị trong giờ làm, chị lơ luôn. Chị đã nói từ đầu với họ là chị chỉ hoạt động freelance ngoài giờ hành chính thôi. Miễn là mình đảm bảo đúng hẹn thì không việc gì phải quýnh quáng cả.
Còn nếu mình cảm thấy việc freelance ảnh hưởng đến giờ làm chính thì thà từ đầu đừng nhận luôn. Phải hiểu ưu tiên của mình nằm đâu ở từng thời điểm." — Huỳnh Hoa, 26 tuổi
"Với anh thì bài toán ở đây không phải thời gian mà là năng lượng. Mình xác định thời gian làm rồi thì mình cũng phải xác định thời gian nghỉ nữa.
"Với anh thì đã làm thì phải có trách nhiệm hoàn thành. Dành hết năng lượng cho công việc rồi thì phải nghỉ ngơi để nạp năng lượng mới. Anh đi làm một tuần lúc nào cũng chừa ra Chủ Nhật để nghỉ." — Lâm, 27 tuổi
Tóm lại là: Chơi hết mình, làm hết sức. Nếu bạn biết điều phối năng lượng và sắp xếp ưu tiên thì thời gian sẽ không còn là vấn đề.
3. Tài nguyên của công ty: Nên "ké" hay không?
“Hồi trước nhiều người trong chỗ chị hay cầm máy công ty đi chụp freelance ở ngoài. Có lần một anh làm vỡ ống kính máy ảnh rồi bị phát hiện. Thế là anh ấy phải đền, rồi bị đuổi việc luôn.
Sau này mọi người tự động né mượn đồ công ty, không ai động vào nữa. Còn anh kia chuyển qua làm freelance toàn thời gian nên tự đầu tư máy móc luôn." — Minh Ngọc, 27 tuổi
Tóm lại là: Làm freelance cũng giống như làm cho một “công ty” khác vậy. Và không chung đụng với công ty khác là điều đương nhiên.
4. Tiền là chính nhưng sức khoẻ là mười
"Hồi mới đi làm, mình hay ôm thêm một lúc 2, 3 dự án freelance để kiếm thêm thu nhập. Vì nhiều việc nên mình thường xuyên ngồi máy, thức khuya và ăn uống rất qua loa.
Cứ vậy được 3 tháng thì mình bị đau dạ dày. Về sau mình chỉ nhận freelance khi nào thật sự có sức. Mình cũng không dám bỏ bữa nữa, luôn uống đủ nước và ăn thanh đạm hẳn. Rồi mỗi lần thấy ai làm ngoài giờ, mình cũng nhắc mọi người ăn đúng bữa. Những ngày mình ở lại thì mua đồ ăn tối cho cả team luôn." — Thuý Nga, designer
Tóm lại là: Ai cũng biết làm việc quá độ có hại đến cỡ nào. Tiền là chính nhưng sức khoẻ là mười!
5. "Solo" chưa chắc đã tốt
“Mình làm kiểm duyệt nội dung và lâu lâu hay nhận dịch sách. Sau cuốn đầu tiên thì bài học của mình là chắc chắn mình sẽ không dịch kịp. Vì vậy mình hay tìm đến bạn bè, cũng là freelancer, để dịch cùng rồi chia nhau thù lao.
Đúng là làm freelance thì hầu hết phải tập làm việc một mình. Nhưng với những dự án freelance lớn thế này thì cần đến đồng đội. Mình hay đùa là ngày nào cũng “tắm trong chữ" chán lắm, nên mình thích rủ người khác “tắm chung" cho vui." — Quỳnh An, 25 tuổi