5 Phim thể thao cho một mùa Olympic lịch sử

Từ Olympic đến phim ảnh, thể thao luôn có cách để kể những câu chuyện không tưởng về con người.
An Bảo
Nguồn: Getty Images, FIFA, Clubhouse Pictures

Nguồn: Getty Images, FIFA, Clubhouse Pictures

Những ngày này, đằng sau những cánh cửa đóng, chúng ta vẫn đang hòa vào bầu không khí rạo rực của một mùa Olympic khác lạ nhất từ trước đến nay. Olympics Tokyo 2020 nhưng được tổ chức vào năm 2021, những khán đài vắng bóng cổ động viên, các tuyển thủ mang khẩu trang gần như mọi lúc...

Ấy vậy mà khi nhìn thấy ngọn lửa thiêng được thắp sáng lên vào đêm khai mạc, có lẽ ai nấy đều vẹn nguyên một cảm giác bồi hồi khó tả, như bao kỳ Thế Vận Hội đã qua. 

Thế mới thấy, bất chấp những đổi thay của thời cuộc, thể thao vẫn có sức lay chuyển và truyền cảm hứng mạnh mẽ đến con người. Với 5 tựa phim dưới đây, Vietcetera mong sẽ góp phần làm cho “đại tiệc thể thao” lúc này của bạn thêm trọn vẹn.

1. Naomi Osaka (2021)

Vừa lên sóng Netflix trong tháng 7, series phim tài liệu 3 tập này là những thước hình về cuộc sống của nữ vận động viên quần vợt nổi tiếng Naomi Osaka. Ở tuổi 23, Naomi đang làm nên lịch sử khi là tay vợt châu Á đầu tiên từng đứng thứ 1 trên bảng xếp hạng các tay vợt nữ thế giới.

Qua bộ phim, khán giả có dịp chứng kiến hành trình vươn lên đỉnh cao của Naomi từ năm 2018 đến nay. Nổi bật là khoảng khắc cô đánh bại thần tượng của mình là Serena Williams để giành giải Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, hay khi đối diện với nhiều sức ép tâm lý khác nhau.

Trước việc Naomi rút khỏi giải Pháp Mở rộng vào đầu tháng 6 vừa rồi, người hâm mộ hẳn sẽ có được một câu trả lời rõ ràng hơn về quyết định của nữ vận động viên sau khi theo dõi bộ phim.

2. Pelé (2021)

Nếu ‘Naomi Osaka’ là chuyện của hiện tại, thì ‘Pelé’ đưa người xem về quá khứ, để khám phá cuộc đời và sự nghiệp của người được mệnh danh là ‘vua’ của môn thể thao vua.

Bộ phim tài liệu được dẫn dắt bởi chính Pelé, nay đã 80 tuổi, từ khi ông còn là một cậu bé nghèo có tình yêu với túc cầu, đến khi trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại nhất thế giới. Bằng tài năng và cái duyên với trái bóng, ông đã 3 lần đưa quê hương mình vô địch World Cup.

Trong phim, chuyện về Pelé cũng là chuyện về Brazil. Vì cùng với những pha làm bàn kỳ diệu của ông, là một giai đoạn lịch sử đầy biến động suốt thập niên 60 của quốc gia vùng Nam Mỹ. Để từ đó, ta nhận ra rằng, bóng đá hay thể thao nói chung, có sức ảnh hưởng lớn thế nào đến vận mệnh của cả một dân tộc.

3. Icarus (2017)

Bạn có biết vì sao Olympic năm nay Nga không thể giương cao quốc kỳ, cũng như phải thi đấu dưới danh nghĩa “Ủy ban Olympic Nga” (ROC) thay vì quốc hiệu?

Đó là do hình phạt từ Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) cho Nga. Năm 2016, nước này vướng vào một vụ bê bối doping cho thấy chính phủ đã viện trợ cho việc sử dụng chất cấm của các vận động viên quốc gia trong nhiều kỳ Olympic qua.

Điều đặc biệt là, chính bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar ‘Icarus’ của nhà làm phim Bryan Fogel, đã là “cú hích” đưa toàn bộ scandal này ra ánh sáng. 

Ở phần đầu, nội dung phim đơn giản là cuộc khám phá cơ chế gian lận doping của giới đua xe đạp. Nhưng sau đó, câu chuyện đã hoàn toàn chuyển hướng. Vì tình cờ thay, vị bác sĩ Grigory Rodchenkov trong phim, lại chính là một mắc xích trong hệ thống gian lận doping của chính phủ. Và việc ông tiết lộ bí mật này, nghiễm nhiên, biến ông trở thành “kẻ thù số 1” của Putin.

4. I, Tonya (2017)

Dựa trên một câu chuyện có thật, ‘I, Tonya’ là bộ phim thuộc thể loại black-comedy (hài châm biếm) về Tonya Harding, một cựu tuyển thủ trượt băng người Mỹ. Tuy từng góp mặt trong 2 kỳ Olympic, Tonya đã vô tình vướng phải một lùm xùm mà hậu quả để lại là cô bị cấm thi đấu trọn đời.

Qua bộ phim, khán giả có dịp nhìn thấy nhiều khía cạnh hơn của một câu chuyện tưởng chừng đã cũ. Nhất là, có dịp đồng cảm hơn Tonya - người từng bị cả nước Mỹ quay lưng vì tai tiếng.

Đặt trượt băng, một bộ môn được mệnh danh là “tôn vinh cái đẹp” vào bối cảnh của bạo lực, tham lam và đố kỵ, tác phẩm cũng là phép ẩn dụ cho những “vùng xám” trong cuộc sống. Đó là nơi mà không phải lúc nào người giỏi nhất cũng thắng, hay sự thật luôn được phơi bày.

Điểm sáng của ‘I, Tonya’ còn đến từ sự sáng tạo trong cách dựng phim, ứng dụng kỹ xảo, và nhất là diễn xuất của nữ chính kiêm nhà sản xuất Margot Robbie. Cống hiến hết mình cho vai diễn, Margot đã mang về cho mình một đề cử Oscar cho màn hóa thân đầy thuyết phục này.

5. Raging Bull (1980)

Thể thao có thể là đề tài hấp dẫn với nhiều người, nhưng không hẳn với Martin Scorsese, vị đạo diễn lừng danh của ‘Taxi Driver’. Vì nếu không trải qua cơn nghiện thuốc thập tử nhất sinh, để rồi “bị” người bạn thân Robert De Niro thuyết phục, thì có lẽ ông đã không bao giờ đụng tay đến kịch bản của ‘Raging Bull’.

Được chuyển thể từ hồi ký của cựu võ sĩ boxing người Mỹ Giacobbe “Jake” LaMotta, ‘Raging Bull’ (Bò Đực Nổi Điên) đúng như cái tên của nó, là những thước phim đầy bạo lực về một người đàn ông luôn bị giằng xé giữa rất nhiều bản ngã. Vì trên sàn đấu, Jake là một tay đấm quyết liệt bao nhiêu, thì khi về với gia đình, anh nghi hoặc, ghen tuông, thiếu niềm tin bấy nhiêu.

Không có cao trào trong cốt truyện, sự kịch tính của ‘Raging Bull’ phần lớn đến từ diễn xuất hình thể lẫn nội tâm tuyệt vời của Robert De Niro, cũng như những dụng ý nghệ thuật của Martin Scorsese trong việc lựa chọn màu phim, bố trí máy quay, dàn cảnh. 

Có thể nói, tuy xoay quanh cuộc đời của một đấu sĩ quyền anh, ‘Raging Bull’ gần như đã mượn thể thao như một cái cớ, nhằm diễn tả đời sống tâm lý vô cùng phức tạp của mỗi con người. Cho đến nay, đây vẫn được xem là một kiệt tác của điện ảnh thế giới, cũng như một mẫu mực về cách xây dựng nhân vật.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục