"Creator Economy" là gì? Startup nào đang khuấy đảo thị trường này?

"Creator Economy" là gì? Những startup nào đang khuấy đảo nền kinh tế sáng tạo?
Nguyễn Xuân Long
Nguồn: Getty Images

Nguồn: Getty Images

“Creator Economy” – hay nền kinh tế sáng tạo là nền kinh tế xoay quanh những người sáng tạo nội dung độc lập trên các nền tảng trực tuyến. Chính những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội này, cùng với các nền tảng dịch vụ giúp họ tăng trưởng và kiếm tiền, chính là các yếu tố hình thành nên “Creator Economy”.

Theo báo cáo từ quỹ đầu tư mạo hiểm SignalFire, tính đến cuối năm 2020, đã có tổng cộng 50 triệu người làm nghề sáng tạo nội dung trên mạng Internet.

Đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho “Creator Economy” phát triển mạnh mẽ. Trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, nhu cầu tương tác trực tuyến trở nên quan trọng. Đây cũng là khởi đầu cho làn sóng đầu tư vào các startup tận dụng cơ hội từ nền kinh tế sáng tạo này.

Vietcetera sẽ giới thiệu một số startup đang thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ công chúng và giới chuyên môn. Và đương nhiên, họ là một phần của “Creator Economy”.

1. Cameo

Cameo là một startup cho phép người dùng kết nối với người nổi tiếng mà họ hâm mộ. Tại đây, người dùng có thể trả phí để được người nổi tiếng mà họ chọn làm những video được cá nhân hóa cho riêng họ.

Tính đến tháng 05/2020, đã có 30 nghìn người nổi tiếng hợp tác với Cameo, trực tiếp phục vụ nhu cầu của hàng triệu người dùng toàn cầu.

Ngày 30/03 vừa qua, Cameo hoàn thành vòng gọi vốn Series C trị giá 100 triệu USD. Thương vụ đầu tư này đã chính thức biến Cameo trở thành một startup kì lân, khi giá trị doanh nghiệp của họ chạm mốc 1 tỉ USD. Vòng gọi vốn có sự tham gia của SoftBank, tập đoàn đứng sau quỹ đầu tư Vision Fund của vị tỉ phú nổi tiếng Masayoshi Son.

2. Substack

Ra đời năm 2017, Substack là một nền tảng trực tuyến cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc phân tích, thiết kế, xuất bản và thanh toán với mục đích hỗ trợ các tác giả làm newsletters trực tuyến. Nền tảng cho phép người viết gửi trực tiếp những newsletter điện tử đến độc giả của họ, đồng thời giúp tác giả kiếm tiền từ những lượt đăng kí đọc tin.

Tháng 08/2020, Substack ghi nhận người thứ 100 nghìn trả tiền để theo dõi ít nhất 1 newsletter trên hệ thống.

Sau khi gọi vốn thành công vòng Series A với giá trị 15,3 triệu USD vào năm 2019, Substack hiện đã sẵn sàng cho sự phát triển lớn hơn. Theo hãng thông tin Axios, Substack hiện đang huy động 65 triệu USD từ các công ty đầu tư mạo hiểm với mức định giá gần 650 triệu USD.

Vòng gọi vốn thu hút sự tranh giành từ cả các ông lớn công nghệ như Facebook và Twitter lẫn Medium – đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Substack.

3. Unsplash

Unsplash là một nền tảng chia sẻ ảnh trực tuyến ra đời năm 2013. Startup này cho phép người dùng tải xuống, sao chép, sửa đổi, phân phối và sử dụng miễn phí ảnh từ nền tảng, kể cả cho mục đích thương mại mà không cần sự cho phép của nhiếp ảnh gia hoặc Unsplash.

Theo đại diện của Unsplash, tính đến đầu năm 2021, trang web đã có hơn 207 nghìn nhiếp ảnh gia hợp tác. Unsplash cũng đồng thời ghi nhận hơn 17 tỷ lần hiển thị ảnh mỗi tháng trên thư viện có hơn 2 triệu bức ảnh của họ.

Ngày 30/03/2021, Unsplash thông báo họ đang đàm phán để được mua lại bởi Getty Images – đối thủ cạnh tranh lớn mạnh và nổi tiếng của họ. Thương vụ sáp nhập vào Getty Images hứa hẹn mở ra một kỉ nguyên mới cho Unsplash, khi giờ đây họ có thể bắt đầu kiếm tiền từ nguồn tài nguyên mà họ đã gây dựng.

4. Betty Labs

Betty Labs là nhà phát triển ứng dụng đố vui thể thao được thiết kế để cung cấp trải nghiệm cuộc sống. Sản phẩm đầu tiên của họ, Sideline, là một trò chơi trực tuyến trên thiết bị di động. Trò chơi cho phép người xem kiếm tiền trong khi xem thể thao bằng cách dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Bằng cách cung cấp các câu hỏi được tạo trong thời gian thực, được lấy cảm hứng từ tiến trình của trò chơi trên TV, Betty Labs cho người dùng cơ hội thú vị để leo lên bảng xếp hạng, cạnh tranh với bạn bè đồng thời kiếm được tiền.

Betty Labs trở nên nổi tiếng sau khi phát triển một kênh audio về thể thao tên là Locker Room trên ứng dụng trò chuyện âm thanh Clubhouse. Ngày 30/03 vừa qua, nền tảng chính thức được mua lại bởi Spotify – ông lớn trong ngành nghe nhạc bản quyền có trả phí.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã thêm phát triển nền tinh tế sáng tạo vào kế hoạch cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần tạo điều kiện khuyến khích đổi mới sáng tạo và tích lũy năng lực công nghệ đồng thời tạo đột phá ở một số lĩnh vực có tiềm năng như công nghệ số để hướng nền kinh tế đi vào quỹ đạo của nền kinh tế sáng tạo.

“Creator Economy” đang phát triển thành một môi trường tuyệt vời để mọi người thể hiện bản thân và tạo ra thu nhập. Giờ đây, mọi người có thể tiêu thụ những nội dung được tạo ra và phân phối mà không cần đến các công ty truyền thống. Kỷ nguyên của nền kinh tế sáng tạo đang tạo ra những sự khác biệt to lớn so với những gì đã diễn ra trước đây.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục