Vietcetera search icon

Lớn lên trong gia đình "độc hại"? Đây là 8 thuật ngữ bạn nên biết

8 Thuật ngữ liên quan đến toxic family là gì?
Đông Hà
Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Sống trong một gia đình “độc hại”, trẻ em sẽ lớn lên với nhiều lỗ hổng cảm xúc. Để xoa dịu vết thương tâm lý, những đứa trẻ này tìm đến các cộng đồng, nơi chúng được bộc lộ suy nghĩ và lắng nghe trải lòng từ người chung cảnh ngộ.

Đó đồng thời là câu chuyện đang diễn ra trên hội nhóm "Growing up in a toxic family" (Lớn lên trong một gia đình độc hại). Trong nhóm, rất nhiều người trẻ không ngần ngại chia sẻ góc tối của gia đình. Họ kể về những kiểu “ngược đãi tinh thần” diễn ra từ mức độ nhẹ như cha mẹ bỏ mặc, hắt hủi cho đến kiểm soát, thao túng hoặc bạo hành con.

Qua đây, ta nhận ra xung đột thế hệ vẫn đang diễn ra khắp nơi. Nhiều người trẻ không thể hình thành một mối quan hệ lành mạnh với cha mẹ. Họ chật vật để tìm tiếng nói chung.

Nếu bạn muốn biết mình có đang sống trong một gia đình “độc hại” hay không, có thể 8 thuật ngữ sau sẽ giúp ích cho bạn.

1. Authoritarian Parenting - Nuôi con độc đoán

Authoritarian parenting là thuật ngữ được nhà tâm lý học Diana Baumrind đặt ra sau khi nghiên cứu khoảng 100 trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo.

“Thương cho roi cho vọt” là phương châm giáo dục của những bậc cha mẹ nuôi con độc đoán. Họ có thể đặt ra yêu cầu khắt khe, bắt đứa con phải tuân theo và không mắc lỗi. Nhìn chung, cha mẹ nuôi con độc đoán thường đòi hỏi nhiều nhưng lại chưa thực sự lắng nghe nhu cầu của con.

4 Phong caacutech nuocirci con phổ biến

Phiên bản “tiến bộ” hơn của nuôi con độc đoán là nuôi con quyết đoán (authoritative style). Mặc dù cùng đặt ra nhiều nguyên tắc, nhưng cha mẹ quyết đoán biết lắng nghe trẻ và luôn cố gắng hỗ trợ kịp thời cho trẻ.

Mặt tốt là, khi nghiên cứu hơn 5.600 đứa trẻ từ khối 9 đến 11, các nhà khoa học nhận ra có đến một nửa các cặp cha mẹ là nuôi con quyết đoán và chỉ có 8% là nuôi con độc đoán mà thôi. Điều này cho thấy rất nhiều cặp phụ huynh đã học cách lắng nghe, thay đổi để con cái cảm thấy ấm áp, an toàn.

2. Uninvolved Parenting - Nuôi con không can thiệp

Dựa trên nghiên cứu của Diana Baumrind, hai nhà nghiên cứu tâm lý Maccoby and Martin gọi tên một kiểu nuôi con rất phổ biến khác trong xã hội: nuôi con không can thiệp - đến từ các cặp cha mẹ thờ ơ.

Cha mẹ thờ ơ vẫn cung cấp các nhu cầu cơ bản cho con như thức ăn, chỗ ở, nhưng lại bỏ bê nhu cầu tình cảm của chúng. Họ cũng hiếm khi đặt ra luật lệ hoặc mong đợi con phải hành xử đúng những gì mình muốn.

Đứa trẻ khi lớn lên sẽ gặp nhiều vấn đề với việc biểu lộ, bày tỏ cảm xúc, chúng sợ cảm giác ràng buộc hoặc lệ thuộc vào ai đó.

Cha mẹ nuôi con không can thiệp cũng có nỗi khổ riêng. Đôi lúc họ quá bận rộn với công việc và không có đủ thời gian để tâm sự với con. Ngoài ra, có thể chính họ đã được nuôi nấng bởi những cha mẹ thờ ơ. Khi lớn lên, họ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần và không thực sự thoải mái với cử chỉ thân mật (gắn bó né tránh).

3. Helicopter parent - Cha mẹ “trực thăng”

Helicopter parent là kiểu cha mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con, với hy vọng sẽ đảm bảo cho chúng một con đường thuận lợi nhất.

Cách so sánh tượng hình này xuất phát từ cuốn sách Between Parent & Teenager của tiến sĩ Haim Ginott.

Cha mẹ trực thăng rất ủng hộ con, nhưng khi yêu thương vượt quá giới hạn, đứa trẻ sẽ lớn lên mà thiếu đi khả năng suy nghĩ độc lập.

Đừng vội vàng đổ lỗi cho các bậc phụ huynh hay nuông chiều con. Cha mẹ trực thăng có thể là những người có tuổi thơ thiếu thốn hoặc gặp tổn thương tinh thần, vì vậy họ muốn bù đắp cho con cái của mình.

4. Gaslighting parent - Cha mẹ thao túng

Thuật ngữ tâm lý học gaslighting bắt nguồn từ vở kịch cùng tên được thực hiện vào năm 1938. Gaslighting là một dạng thao túng tâm lý. Cha mẹ thao túng có thể nói ra những điều khiến đứa trẻ nghi ngờ cảm xúc bản thân. Có lúc những lời nói xuất phát từ thiện ý, nhưng lại vô tình gây hại cho chúng.

Một đứa trẻ bị bạn bè trêu chọc có thể được cha mẹ động viên bằng câu “chuyện cỏn con ấy mà, không phải buồn đâu”. Sự động viên này dễ biến thành một dạng gaslighting nếu cha mẹ liên tục phớt lờ cảm xúc của đứa trẻ hoặc cho rằng chúng đang phản ứng thái quá.

Đôi khi, nguyên nhân khiến lời nói của ba mẹ mang tính thao túng là xuất phát từ con cái. Một đứa trẻ bước vào tuổi nổi loạn thường có cảm xúc khác lạ hoặc hành động thiếu suy nghĩ.

Khi đó, cha mẹ có thể nói ra những điều không hay nhằm kiểm soát sự bất thường của con. Đứa trẻ lúc này dễ tiếp nhận lời nói của ba mẹ như một dạng thao túng tinh thần. “Cha mẹ không bao giờ hiểu mình” là một lối suy nghĩ thường gặp.

Để tránh việc “vô tình” thao túng đứa trẻ, phụ huynh nên lắng nghe thật kỹ những cảm xúc rối ren của chúng. Đứa trẻ cũng cần hiểu rằng khóc khi cảm thấy buồn là chuyện hoàn toàn bình thường.

5. Role reversal - Đảo vai

Role reversal được nhắc đến nhiều lần trong các nghiên cứu năm 1990 của Janet R. Johnston, giáo sư trường Đại học San Jose State.

Khái niệm đảo vai được dùng cho hoàn cảnh khi đứa trẻ buộc phải trưởng thành quá nhanh vì bị cha mẹ bỏ mặc, cũng có lúc chúng sinh ra trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ.

Chúng trở thành người chăm sóc cho cha mẹ hoặc anh chị em, còn cha mẹ lại bằng vai phải lứa với con (peer-like). Những đứa trẻ này được gọi là parentified child (đứa con bị “phụ huynh hóa”).

Mặt tốt là, khi lớn lên, rất nhiều đứa trẻ trở thành người độc lập và biết cách quan tâm, săn sóc người khác.

6. The Caretaker - Người chăm sóc

Trong cuốn sách nghiên cứu về xung đột gia đình do Dwight Lee Wolter viết năm 1995, tác giả có nhắc đến thuật ngữ người chăm sóc (the caretaker) - người thấy được xung đột của các thành viên trong gia đình, ra sức để hàn gắn những vết nứt.

Người chăm sóc có thể là bất kỳ ai trong gia đình: đứa trẻ bị “phụ huynh hóa” đang giúp đỡ cha mẹ, người vợ cố gắng giải quyết sự bất hòa của hai cha con.

Vì phải hấp thu năng lượng tiêu cực từ các thành viên khác, người chăm sóc cũng gặp một số vấn đề về sức khỏe tinh thần.

7. The hero - Người hùng

Người hùng là phiên bản hoàn thiện hơn của người chăm sóc. Không chỉ quan tâm đến việc vun vén hạnh phúc gia đình, đứa trẻ đóng vai trò người hùng cũng rất hoàn hảo: học giỏi, năng động, lễ phép và thành công trong đa số lĩnh vực.

Đứa trẻ đóng vai người hùng hiểu về những kỳ vọng của gia đình. Chúng tin rằng chỉ khi bản thân trở nên độc lập, tự tin và tài năng thì mới giữ được hạnh phúc gia đình.

Do áp lực hoàn hảo quá lớn, the hero sẽ có lúc cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Hơn nữa, mối quan hệ của người hùng với các thành viên khác không phải lúc nào cũng hòa thuận. Đứa trẻ người hùng có thể gây chuyện với anh em vì cho rằng anh em mình kém cỏi, không chăm chỉ, hay gây chuyện và luôn để cha mẹ phải lo lắng.

8. Intergenerational trauma - Chấn thương liên thế hệ

Những nỗi đau về tinh thần cũng có thể được di truyền từ đời này sang đời khác. Hiện tượng này được giới tâm lý ghi nhận là “chấn thương liên thế hệ” - thuật ngữ ra đời dựa trên việc nghiên cứu con cháu của những nạn nhân sống sót sau nạn diệt chủng Holocaust.

Tất cả mọi người đều có thể bị ảnh hưởng bởi chấn thương liên thế hệ, bởi vì ta không thể kiểm soát được biến cố xảy ra từ thời ông bà, cha mẹ.

Nhóm người dễ trải qua hiện tượng này nhất có thể là con cháu của:

  • Nạn nhân của chiến tranh;
  • Nạn nhân của chế độ nô lệ;
  • Người bị bạo hành bởi thành viên trong gia đình;
  • Người trải qua dịch bệnh.

Rất nhiều cha mẹ bạo hành con cái chỉ vì họ từng bị bạo hành bởi chính cha mẹ mình. Con cái của họ lớn lên với một lỗ hổng cảm xúc, và rồi chúng tiếp tục đối xử tồi tệ với con của chúng, biến nỗi đau trở thành một vòng tròn không hồi kết.

Kết

Hiếm có gia đình nào mà sự hiểu lầm, cãi vã chưa bao giờ xảy ra. Nhìn về mặt tích cực, xung đột có thể là phương tiện để mọi người trong gia đình hiểu và gắn kết với nhau hơn.

Cha mẹ đôi khi cũng có những nỗi khổ riêng, họ bị sếp quát mắng ở chỗ làm, gặp vấn đề về sức khỏe, áp lực về tài chính… Họ giận dữ với bản thân, rồi vô tình trút cơn giận lên con cái. Xét cho cùng, không ai muốn biến tổ ấm thành một “nhà tù” lạnh lẽo mà mọi thành viên đều muốn thoát ra.

Trước khi trách móc gia đình, hãy bình tĩnh tìm hiểu kỹ điều gì nằm sau những hành vi đó của cha mẹ, sau đó tiến hành tháo gỡ khúc mắc. Có lẽ, một cuộc đối thoại tử tế với cha mẹ vẫn là điều cần thiết.

Tham khảo bài viết sau để tìm cách tự chữa lành: Cha mẹ độc hại: Tổn thương dưới danh nghĩa tình thương


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục