A Quiet Place và công thức tạo nên một phim kinh dị nhất-định-phải-xem!
Mùa lễ hội không chỉ là mùa ăn chơi, mà còn là mùa thưởng phim. Ngoài Spider-Man đang "làm mưa làm gió", bạn cũng có thể chọn cho mình một bộ phim kinh dị để "tranh thủ" ôm người thương. Một trong số những phim kinh dị cần-phải-xem trước khi hết năm là A Quiet Place.
A Quiet Place là một trong các thương hiệu phim kinh dị hiếm hoi chiếm được tình cảm của cả khán giả lẫn giới phê bình ở phần hậu truyện (sequel). Lời khen chủ yếu xoay quanh ý tưởng phim mới mẻ, cách kể chuyện bằng âm thanh thông minh, sự giao thoa thể loại độc đáo tạo cảm giác đột phá so với dòng phim kinh dị với nhiều motif đã có phần cũ kỹ.
Có 2 công thức mà tôi cho là trọng yếu nhất để làm nên sự thành công của hai phần phim A Quiet Place: cách “pha trộn thể loại” và việc “tạo nên những nhân vật dễ đồng điệu”.
Thước phim kinh dị giác quan hiếm có
Một trong những thể loại phim “sinh con đẻ cái” nhiều nhất có lẽ là kinh dị (horror), bởi danh sách các tiểu thể loại nhiều vô số kể. Nó cho phép các nhà làm phim “mix and match”, chơi đùa với các “cliché” và tạo nên phong cách horror của riêng mình.
Có một tiểu thể loại khá nổi bật trong những năm gần đây là “sensory horror”, kinh dị giác quan. Đây là thể loại mà nhân vật chính sẽ gặp bất lợi về một hoặc nhiều giác quan của mình trước những thử thách kinh hoàng, có thể do con người hoặc thế lực siêu nhiên gây nên.
Một trong những tác phẩm sensory horror được biết đến rộng rãi là Don’t Breathe của Fede Álvarez. Tác phẩm kinh dị đậm màu thriller này kể chuyện một nhóm thiếu niên đột nhập vào nhà của ông già mù neo đơn, nhưng không hề biết lão là cựu chiến binh man rợ với các giác quan được rèn luyện đến mức thượng thừa.
Từ kẻ đi săn trở thành kẻ bị săn, từ một bộ phim với đề tài “đột nhập” (home invasion) lại trở thành một bộ phim có đề tài “con quái trong căn nhà” (monster in the house) khi nhân vật chính tự chui đầu vào hang cọp.
Sự biến chuyển này mang đến cảm giác vừa căng thẳng, vừa thỏa mãn. Đặc biệt, nó khiến khán giả “nín thở” theo dõi cách các nhân vật làm sao để sống sót.
Sau đó 2 năm, Hush của đạo diễn Mike Flanagan cũng thành công tương tự. Lần này, nạn nhân là một nữ nhà văn câm điếc sống một mình trong rừng.
Dù chỉ là một người bình thường, nhưng việc hiểu rõ con mồi cũng như lợi thế của bản thân khiến tên sát nhân trở nên cực kỳ nguy hiểm. Xuyên suốt bộ phim, những màn “mèo vờn chuột” cùng cách thiết kế âm thanh, cho khán giả đứng từ điểm nghe (auditory perspective) của nhân vật câm điếc càng khiến cho thước phim trở nên đáng sợ bội phần.
Năm 2018, A Quiet Place ra đời và trở thành cột mốc đáng chú ý cho thể loại sensory horror. Ngoài một kịch bản chắc tay cùng cách kể chuyện gần như hoàn toàn bằng hình ảnh, âm thanh và thủ ngữ (sign language), A Quiet Place cho thể loại này một linh hồn: yếu tố tâm lý gia đình (family) mạnh mẽ.
Cả bộ phim xoay quanh hành trình sống còn của 4 thành viên trong một gia đình, làm toát lên vẻ đẹp của tình phụ tử, mẫu tử giữa bối cảnh tàn lụi của nhân loại.
Bối cảnh hậu tận thế (post-apocalytic) không những gợi nên nhiều câu hỏi mà còn thể hiện sự dẻo dai của các nhân vật chính, tạo nên một thế tương quan về sức mạnh giữa con mồi và kẻ săn mồi. Mối dây liên kết về cảm xúc giữa người xem và nhân vật được thiết lập chắc chắn. Khán giả hiểu rằng đây là những người rất giỏi, hiểu luật chơi và không bị ngớ ngẩn như các nhân vật trong nhiều phim kinh dị khác.
Bối cảnh hậu tận thế tiếp tục xuất hiện với Bird Box và The Silence. Cả 2 bộ phim đều không được khen ngợi như A Quiet Place, thậm chí The Silence còn gây tranh cãi khi được xem là phiên bản nhái (mockbuster) của A Quiet Place.
Đó cũng là lúc nhiều người nghĩ rằng, sensory horror đã thoái trào. Phần 2 của A Quiet Place không được mong đợi, một phần do ai cũng biết một luật bất thành văn là “hậu truyện luôn có xu hướng thất bại”.
Tuy nhiên, sự thành công bất chấp đại dịch đã chứng minh tiềm năng to lớn của thương hiệu này. Phần 2 mở rộng không gian và thời gian của phim, khai thác những luật chơi cũ và cả những luật chơi mới để kể câu chuyện sinh tồn đầy căng thẳng, nhưng cũng vô cùng xúc động.
Một kịch bản lớp lang về cảm xúc đằng sau vỏ bọc kinh dị
Nếu phần 1 của phim chủ yếu xoay quanh nhân vật bố và mẹ cùng nỗ lực để cứu lấy gia đình, phần 2 kể về sự trưởng thành cần thiết của những đứa trẻ. Chúng phải bước ra thế giới đầy hiểm nguy, khi người lớn đã mỏi mệt.
Phần 2 buộc các nhân vật của chúng ta phải rời khỏi căn nhà để bước ra thế giới đầy nguy hiểm. Sự hy sinh của người cha Lee ở phần 1 để lại 4 nhân vật dễ gặp nguy hiểm nhất: một người phụ nữ, 2 đứa trẻ và 1 đứa bé sơ sinh.
Căng thẳng được thiết lập ngay từ đầu phim khi máy quay bắt cận đôi chân của các nhân vật bước ra khỏi đường biên của ngôi nhà, biểu tượng của việc “vượt ra khỏi vùng an toàn”.
Phần 2 đưa khán giả trở về “Day 1” của sự kiện, khi lũ sinh vật bắt đầu tấn công loài người. Không những tạo cảm giác mới mẻ, phim còn cho thấy mối liên kết của các thành viên trong gia đình Abbott từ trước khi thảm họa xảy ra. Xuất phát điểm của một vài nhân vật và mối quan hệ của họ được đào sâu hơn.
Đồng thời, phim giới thiệu nhân vật mới, cụ thể là nhân vật cậu con trai Marcus và Emmett - người bạn thân của nhà Abbott.
Nếu trong các bộ phim về hậu tận thế, đề tài về nhân tính của con người luôn được đào sâu thì A Quiet Place lại phải chờ tới phần 2 để khắc họa điều này.
Là một người đàn ông mất vợ lẫn con, Emmett tuyệt vọng trước cuộc sống, dẫn đến những suy nghĩ và hành vi ích kỷ.
Anh là kiểu “người lớn mỏi mệt” trước quá nhiều thương tổn. Anh đặt bẫy để không ai có thể bước vào lãnh thổ của mình, từ chối để gia đình Abbott tá túc quá lâu và dù biết có rất nhiều người còn sống sót, anh từ chối tìm đến họ.
Những tưởng Emmett sẽ là một phản diện ngầm, nhưng anh lại có sự phát triển thuyết phục và đầy xúc cảm cùng Regan, cô bé khiếm thính kiên cường dẫu đang cố vượt qua việc mất cha.
Sự dũng cảm, nghĩa hiệp và luôn tin vào tương lai của loài người nơi Regan thách thức tư tưởng bi quan của Emmett, tạo nên một chất xúc tác thú vị giữa một người đàn ông mất con và một người con mất bố.
Yếu tố tâm lý gia đình dịch chuyển trọng tâm từ việc bố mẹ bảo vệ con cái sang hành trình trưởng thành của con cái để bảo vệ bố mẹ. Cuối phim, khán giả sẽ thấy Marcus và Regan trở thành hai đứa trẻ cực kỳ khác phiên bản bị động, yếu ớt của chúng ở phần 1.
Trong quá khứ, Marcus vốn là một cậu bé nhút nhát, có phần thiếu nổi trội so với Regan. Cậu có mối gắn kết đặc biệt với mẹ mình là Evelyn, bởi cậu luôn lấy lại sự bình tĩnh khi mỗi khi mẹ nói “breathe!” (hít thở nào con!).
Ở cuối phim, khán giả sẽ thấy sự trưởng thành rõ rệt ở Marcus khi cậu lột bỏ vẻ ngoài bị động để cầm súng và bảo vệ mẹ mình trong sự hân hoan vui mừng của khán giả.
Với Regan, phần 2 này, cô bé đơn thân độc mã đi tìm những người còn sống sót. Không phải để xin hỗ trợ từ họ, mà để giúp đỡ.
Mang bên mình ốc tai điện tử (cochlear implant) mà bố Lee nghiên cứu, Regan xem nó như vũ khí tối thượng để chống lại những sinh vật nhạy cảm với âm thanh. Sự không hoàn hảo của ốc tai chợt trở thành một di vật lợi hại. Nó ra những âm thanh có tần số lớn, bảo vệ cô bé trên con đường nối gót hy vọng vào nhân loại của bố mình.
Cách làm phim tài tình của John Krasinski để sự phát triển của Marcus và Regan song hành với nhau qua những thủ pháp về cú máy, góc quay, dẫn đến cảnh cao trào chốt hạ của phim: hai người lớn mỏi mệt sững sờ trước lòng quả cảm, kiên định của hai đứa trẻ trưởng thành.
Kết
Như một thước phim coming-of-age đầy xúc cảm, A Quiet Place Part II kết thúc như cách phần 1 đã kết thúc: thêm những “luật chơi” mới, thêm những bối cảnh mới. Bộ phim tiếp tục gieo hy vọng cho nhân loại một cách tinh tế, nhưng không quên cảnh báo những nguy hiểm vẫn đang tồn tại.
Lối làm phim vừa vặn khiến A Quiet Place như một thương hiệu không gây nhàm chán. Dẫu chưa có gì được giải quyết hoàn toàn, bộ phim vẫn mang lại những sự thỏa mãn từng bước một trong cách đắp thêm những lớp tính cách mới cho nhân vật, mở rộng thế giới và khai thác bản năng sinh tồn của con người giữa những lúc hiểm nghèo nhất.