Aaron Toronto, Nhã Uyên: Đêm Tối Rực Rỡ! là quá trình chữa lành

“Chỉ khi mà những chấn thương được nhận diện, những tội lỗi đã được công nhận, xin lỗi và tha thứ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đi tiếp, vượt qua quá khứ và bắt đầu chữa lành.”
Zack Lê
Nguồn: Đêm Tối Rực Rỡ!

Nguồn: Đêm Tối Rực Rỡ!

Công chiếu vào ngày 8/4, bộ phim độc lập Đêm Tối Rực Rỡ! đã ngay lập tức thu hút được rất nhiều sự chú ý đến từ giới phê bình và khán giả.

Kể về một đám tang nơi những bí mật đen tối nhất của một gia đình được hé lộ, Đêm Tối Rực Rỡ! có nội dung xoay quanh vấn nạn bạo hành gia đình và những hệ quả mà chúng để lại. Vietcetera đã có dịp gặp gỡ đạo diễn Aaron Toronto và biên kịch, diễn viên chính Nhã Uyên để bàn luận về những chủ đề xoay quanh bộ phim.

Nơi đâu có tương phản, nơi đó có câu chuyện

Nói về việc chọn chủ đề cho Đêm Tối Rực Rỡ!, Aaron Toronto ví quá trình này như cách yêu một người. Để có thể đi tới câu chuyện của bộ phim, anh đã tiếp xúc với nhiều ý tưởng và dần dần nảy sinh tình cảm với câu chuyện mà anh có “duyên” nhất.

Lấy hạt giống ý tưởng từ Long Day’s Journey Into Night, vở kịch kinh điển kể về một gia đình nghiện ngập với bối cảnh diễn ra trong một ngày đêm, Aaron đã tự hỏi, “Bối cảnh nào là phù hợp nhất để anh có thể kể câu chuyện của gia đình Đêm Tối Rực Rỡ!?”

Dần dà, ý tưởng về một đám tang nảy nở trong quá trình sáng tạo của Aaron. Với tính chất là một sự kiện đoàn tụ gia đình, đám tang đối với Aaron là một khoảnh khắc nơi anh có thể khám phá sâu hơn vào tâm lí của con người khi họ phải đối mặt với cái chết.

Nhìn vào những đám tang tại miền Nam dưới con mắt của nhà làm phim, Aaron thấy được một sự tương phản rất thú vị mà anh muốn đào sâu. Dù cho đây là một sự kiện buồn, những đám tang tại miền Nam lại chứa những hoạt động rất vui vẻ. Anh nói, “Lúc nào có tương phản, lúc đó sẽ có những câu chuyện tốt.”

Nói về bối cảnh và việc làm phim Việt Nam, Aaron Toronto mong khán giả không quá tập trung vào khía cạnh: “Người nước ngoài làm phim Việt Nam còn hay hơn cả người Việt Nam.”

Anh nói rằng với một người đã sống và làm phim tại Việt Nam hơn 20 năm, cùng với sự trợ giúp và lắng nghe đến từ Nhã Uyên và ekip người Việt, việc đưa văn hóa Việt Nam lên màn ảnh thật sự không phải là một chuyện khó.

“Khả năng để thông cảm, để thấu hiểu về con người, về văn hóa, xã hội không được quyết định bởi màu da của mình. Đó là vai trò của người nghệ sĩ, dù là họ ở bất cứ đâu, họ cũng có thể làm được điều đó,” Aaron Toronto mong rằng sau Đêm Tối Rực Rỡ!, khán giả sẽ không còn quá ngạc nhiên khi một người làm phim tại Việt Nam như anh, phản ánh về xã hội Việt Nam.

Sự thật của những nỗi đau tâm hồn

“Con người chúng ta được thiết kế để bị thu hút bởi sự thật,” Aaron nói về tôn chỉ quan trọng nhất của anh trong quá trình sáng tạo Đêm Tối Rực Rỡ!. Với mong muốn đem tới cho những người đã và đang bị bạo hành một lối thoát và một sự lắng nghe, anh và Nhã Uyên đã làm hết sức để đảm bảo cho tính chân thực của bộ phim.

Đứng từ góc nhìn là một người bị ảnh hưởng gián tiếp bởi nạn bạo hành gia đình mà Nhã Uyên phải trải qua, Aaron Toronto nói rằng sự chân thật của Đêm Tối Rực Rỡ! đến từ những buổi nói chuyện, lắng nghe và thấu hiểu đến từng chi tiết nhỏ nhất về các căn bệnh tâm lí.

Aaron kể lại rằng trong kịch bản gốc, khi Kim Bảo nhìn thấy Xuân Thanh khóc trên sân thượng, cô đã chạy đến ôm Xuân Thanh. Tuy nhiên, là một người đã từng tự hại, Nhã Uyên hiểu rõ hơn ai hết rằng trong hoàn cảnh đó một người tự hại sẽ không bao giờ muốn người khác chạm vào mình. Vì thế, kịch bản đã được sửa thành “Xuân Thanh trùm kín mềm và tránh né Kim Bảo.”

Ngoài những trải nghiệm của chính Xuân Thanh, sự chân thật Đêm Tối Rực Rỡ! còn có thêm sự hỗ trợ từ Tiến Sĩ Lê Nguyên Phương. Aaron và Nhã Uyên muốn đảm bảo rằng tất cả những gì xuất hiện trên phim đều phải chính xác với những gì mà người mắc bệnh tâm lí phải trải qua.

Đi từ kịch bản lên màn ảnh, Aaron đã sử dụng những kĩ thuật điện ảnh để truyền tải các trải nghiệm đau thương này. Bộ phim từ từ thu nhỏ tỉ lệ khung hình để truyền tải cảm giác bế tắc, không lối thoát mà những người mắc bệnh tâm lí thường cảm thấy. Sau đó, khung hình chỉ mở rộng lại vào buổi sáng, đón nhận những ánh sáng tự nhiên đầu tiên của cả phim khi mà những nhân vật đã tìm ra được lối thoát.

Kết thúc phim là bước đầu tiên của quá trình chữa lành

“Chỉ khi mà những chấn thương được nhận diện, những tội lỗi đã được công nhận, xin lỗi và tha thứ. Chỉ khi đó những nhân vật mới có thể đi tiếp, vượt qua quá khứ và bắt đầu quá trình chữa lành.”

Nhận định của Aaron không chỉ nói về cái kết của bộ phim, chúng còn chính là những gì mà Nhã Uyên đã trải nghiệm trong quá trình thực hiện Đêm Tối Rực Rỡ!.

Nhã Uyên chia sẻ rằng cô đã cực kì phân vân về việc có nên công khai mình là một nạn nhân của nạn bạo hành gia đình hay không. Đứng trước nguy cơ bị chỉ trích vì đã nói xấu về gia đình và nguy cơ gia đình cô bị tấn công bởi cư dân mạng, cô vẫn lựa chọn nói ra.

“Nếu mà mình không can đảm để nói ra thì làm sao mà mình khuyến khích những người khác nói ra được. Giống như mình phải trải qua đêm tối rồi thì mình mới có thể quay lại và nắm tay người khác đi qua cái đêm tối đó,” Nhã Uyên nói.

Là một người đã tự hại, Nhã Uyên nói rằng điều khó nhất chính là cô phải cho người khác biết những gì cô đã từng làm đằng sau căn phòng kín, bộc lộ những điều sâu thẳm nhất trước mặt người khác. Nhã Uyên nói đây chính là quá trình chữa lành của cô.

Ví những người mắc bệnh tâm lí như những đứa trẻ không thể kiểm soát bất cứ điều gì trong cuộc sống, Nhã Uyên xem việc diễn lại những phân cảnh này là một cách để cô có thể tìm lại được sự tự chủ. Aaron nói thêm đây cũng chính là một trường phái điều trị bệnh tâm lí mới - Drama Therapy - nơi người bệnh sử dụng kịch nghệ như một phương pháp chữa lành.

Nhã Uyên chia sẻ rằng trong quá trình viết kịch bản, mặc dù quyết định tha thứ cho ba của Xuân Thanh là hoàn toàn hợp lí, cô vẫn không thật sự tin vào hành động này của nhân vật:

“Tới lúc mà mình quyết định tha thứ, đặt tay lên nhân vật mà chú Kiến An đóng, trong khoảnh khắc đó mình thấy mình lớn rồi. Mình không còn là đứa trẻ đó nữa và người đàn ông kế bên mình trở thành một đứa trẻ. Mình nhìn thấy được đứa trẻ tổn thương ở trong người đàn ông đó và mình thương đứa trẻ đó vì đứa trẻ đó cũng giống như mình thôi. Đó là phép màu trong lòng mình.

…Mình đã có thể công khai nói với gia đình là “Con bị bệnh tâm lí trong nhiều năm. Con biết ba mẹ không cố ý bạo hành vì ba mẹ không biết đó là bạo hành. Nhưng mà con vẫn yêu thương mọi người và con muốn hàn gắn.” Giờ thì gia đình mình đang trên bước đường chữa lành cho nhau.”

Gửi gắm đến những người đã và đang đi qua những chấn thương tâm lí, Nhã Uyên và Aaron Toronto nói:

“Thật sự có thứ gọi là ánh sáng ở cuối đường hầm, đó là tình yêu thương… Hãy cho những người tổn thương mình một cơ hội để họ biết. Hãy tin tưởng vào tình yêu thương của họ. Nếu họ không chấp nhận được rằng họ có lỗi thì hãy nhớ rằng ba mẹ, anh chị em, gia đình cũng chỉ là những danh xưng. Nếu chúng không đi kèm với tình yêu thương thì hãy từ bỏ nó đi và tìm kiếm những người thật lòng yêu thương mình.”


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục