Alectruha — Uốn lượn cọ vẽ để hướng đến sự tích cực

Với Alec, việc quay về bên trong để nhìn lại mình là một việc rất quan trọng, bởi nó là chốn riêng tư mà không phải ai cũng sẵn sàng để đối mặt hoặc chia sẻ.
Tài Thy
NPYL Alectruha Featured Image

Tác phẩm tiêu biểu:

Alectruha — tên thật là Minh Trụ — là nghệ sĩ thị giác tự do, lớn lên và hiện đang làm việc tại Sài Gòn. Tựa như nghệ danh được anh tự đặt một cách ngẫu hứng, các tác phẩm của Alec cũng là những đường nét ngẫu hứng và nhiều sức gợi.

Tự nhận thấy bản thân còn chưa đủ trình độ và kiến thức nghệ thuật, Alec không tự gán cho mình một phong cách nghệ thuật bất kì. Anh chỉ liên tục phác thảo và vẽ doodle, đồng thời học hỏi, thử nghiệm với các kỹ thuật từ những họa sĩ đi trước. Trên hết, anh quan trọng việc hướng đến những giá trị tinh thần tích cực cho người xem.

 

Không chỉ vẽ trên giấy, tác phẩm của Alec còn len lỏi lên chiếc túi, đôi giày, những tấm kính và cả những mảng tường graffiti tại Sài Gòn. Với những nét doodle linh hoạt và mượt mà cùng những mảng màu bắt mắt, dường như các tác phẩm của anh có thể sống dậy và nhảy múa mặc sự đời.

1. Điều gì trong nghệ thuật khiến bạn cảm thấy nổi da gà?

Về mặt tích cực, điều làm mình ngưỡng mộ hay nổi da gà là những điều mình chưa hoặc không làm được.

Đó là khi các họa sĩ vẽ những đường thẳng, đường cong dứt khoát và chỉ bằng một lần đi nét. Mình cũng thích các tác phẩm đánh mạnh vào người nhìn về mặt tâm lý, cảm xúc, hoặc bóc tách trần trụi về các bệnh tinh thần.

Còn về mặt tiêu cực thì sẽ là các phẩm mang chủ đề bạo lực, rất dễ làm mình cảm thấy nổi gai ốc.

 

2. Ngay lúc này trước mặt bạn là gì?

Về hữu hình, trước mặt mình là cái laptop. Còn về vô hình (tinh thần) thì mình thấy xung quanh mình toàn là sương mù, thấy phía trước là ngọn hải đăng đang chiếu đèn sáng trưng. Mình đang đi về phía đó nhưng đường thì sương mù dày đặc, rất từ tốn và thận trọng để không lỡ vấp chân té đau.

 

3. Con đường yêu thích trong thành phố bạn sống?

Mình thích đường Huyền Trân Công Chúa, một người đặc biệt với mình gọi đường này là đường nhiều cây.

Mình từng có thói quen đi qua con đường này vào 7 giờ sáng, mua ly súp cua rồi tấp vô lề đường ngồi ăn để tận hưởng cảm giác mát mẻ mà hai hàng cây mang lại. Đường cũng ít xe nên dường như không có tiếng ồn.

Mỗi khi chạy xe qua con đường này, mình luôn chạy chậm lại để nhớ về những kỉ niệm đẹp mà mình đã từng có.

4. Có chủ đề nào bạn sợ sáng tác không?

Mình gặp khó khăn khi đối diện với những chủ đề liên quan tới việc soi rọi lại bản thân, như vẽ những nỗi sợ, sai lầm hoặc cảm xúc khó chịu. Theo mình, việc quay về bên trong để nhìn lại mình là một việc rất quan trọng, nó là chốn riêng tư mà mình không sẵn sàng để chia sẻ.

Tuy nhiên, mình đã từng vẽ 1 series liên quan đến sức khỏe tinh thần vào năm 2019 - lúc đó mình đối diện với cảm xúc của mình nhiều nhất để có chất liệu vẽ. Thời điểm đó với mình là một cột mốc chuyển mình về mặt tinh thần trong cuộc sống.

 

5. Vậy bạn sẽ gửi tác phẩm nào đến một người đang có vấn đề về sức khoẻ tinh thần?

Đặt trường hợp ai đó tặng mình một tác phẩm do họ chọn, mình sẽ rất biết ơn. Nhưng nếu là người gửi thì khó quá, vì bản thân mình cũng có những khó khăn về tâm lý.  Liệu những tác phẩm có phù hợp với người nhận hay có gợi cảm xúc tiêu cực nào cho họ không?

Mình sẽ không chọn tác phẩm theo ý mình để tặng người khác, nhất là với các bạn đang bất ổn về tâm lý. Bạn có thể chọn bất kì tác phẩm nào bạn thấy kết nối, thể hiện đúng cảm xúc của bạn, hoặc đơn giản là khi nhìn vào bạn thấy được thấu hiểu, sẻ chia.

6. Khi sáng tác, bút vẽ sẽ điều khiển bạn hay bạn điều khiển nó?

Khi sáng tác bút sẽ điều khiển mình vì mình là một người có chỉ số ngẫu hứng cao ngút trời. Nhưng sau khi để bút điều khiển, mình sẽ điều khiển lại nó để chỉnh sửa những đoạn chưa vừa ý.
Tùy thuộc vào cảm xúc hoặc mong cầu của mình, tác phẩm sẽ mềm mại với nhiều đường cong hoặc nhọn hoắt với đầy mũi nhọn.

 

7. Nếu phải chọn một, bạn sẽ vẽ tay hay vẽ máy?

Mình chắc rằng số đông ai làm nghệ thuật sẽ trả lời là vẽ tay, mình cũng vậy. Vẽ máy có cái tiện của vẽ máy, vẽ tay có cái hay của vẽ tay. Cái cảm giác tay mình nhúng vô màu rồi quẹt lên giấy nó đã lắm, giống như mình đang chơi vậy. Khi đó xúc giác của mình được kích thích, giúp mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái, như đứa trẻ con đang quậy vậy.

 

8. Những kiến thức về thiết kế có giúp gì cho bạn trong việc sáng tác?

Thú nhận là mình cũng từng thử vô lò luyện vẽ lẫn học về thiết kế đồ họa, nhưng cả hai đều không thành công đối với mình. Tuy nhiên, các kiến thức về thiết kế lẫn những quy luật trong mỹ thuật đã và đang giúp được mình rất nhiều khi sáng tác, chẳng hạn như lý thuyết về màu sắc, luật xa gần và nguyên lý thiết kế. Mình áp dụng vừa đủ và phù hợp để bản thân thấy thoải mái và hài lòng với mỗi tác phẩm.

9. Bạn hay mơ thấy gì khi ngủ?

Mình thường không nhớ mình đã mơ gì khi ngủ. Lúc học cấp 1, mình hay gặp ác mộng, bị ăn thịt, bị đuổi hoặc nhốt. Nhưng đến khoảng cấp 2 thì mỗi khi dậy, mình không có ký ức gì về những giấc mơ trong đêm nữa. Đôi khi mình không nhận thức được mình có nói mớ hay mơ khi ngủ không vì cứ tỉnh dậy là đầu mình trống trơn.

 

10. Ngoài vẽ tranh, bạn còn có thực hành chánh niệm nào không?

Mình tin vào nhân quả và những triết lý của Phật giáo, vì thế mình hướng bản thân phát triển về mặt tâm linh và tinh thần.

Mình thường thực hành thiền tỉnh thức (mindfulness) theo sách “Search Inside Yourself” của Chade Meng Tan và thực hành Ho’oponopono của người Hawaii cổ — chữa lành để hướng tới sự tha thứ.

Thiền tỉnh thức giúp mình chèo lái con thuyền cảm xúc một cách tốt hơn, bản thân cũng có những thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Về Ho’oponopono, mình học được cách chịu trách nhiệm hoàn toàn những gì xảy ra với mình, không than vãn, oán trách.

Instagram | Facebook


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục