Ấn Độ trở thành nước đầu tiên hạ cánh tại vùng tối của mặt trăng
1. Chuyện gì đang xảy ra?
Ngày 23/8, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã đổ bộ thành công xuống gần cực nam của Mặt Trăng - một khu vực chưa được khám phá, được mệnh danh là “vùng tối của Mặt Trăng.” Thành tích này đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư thành công trong việc đưa tàu vũ trụ lên vệ tinh của Trái đất, sau Mỹ, Liên Xô, và Trung Quốc.
Sự kiện này cho thấy mối quan tâm của không chỉ Ấn Độ, mà của nhiều quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ, khám phá không gian. Cuộc đổ bộ của Chandrayaan-3 đặc biệt có ý nghĩa bởi trước Ấn Độ, chưa có quốc gia nào thành công trong việc hạ cánh tàu vũ trụ ở cực nam của Mặt Trăng.
2. Ấn Độ và Chandrayaan-3 đã tới với “chị Hằng” thế nào?
Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 khởi hành từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan vào ngày 14/07, mang theo trạm đổ bộ Vikram và robot tự hành Pragyan. Tới ngày 5/8, tàu đi vào quỹ đạo của Mặt Trăng, tiếp tục áp sát vệ tinh của Trái đất trước khi thực hiện thao tác giảm tốc để điều chỉnh vị trí trên quỹ đạo cuối cùng vào ngày 20/8.
Sau khi xác định được vị trí hạ cánh và chụp một loạt ảnh bề mặt của Mặt Trăng, chế độ hạ cánh tự động đã kích hoạt để tàu vũ trụ bắt đầu đổ bộ. Dù không hạ cánh chính xác ở cực nam, cuộc đổ bộ của Ấn Độ có vị trí xa hơn về phía nam so với những nhiệm vụ Mặt Trăng của các quốc gia khác trong quá khứ. Đây cũng là một thách thức, bởi thông thường hạ cánh gần xích đạo Mặt Trăng sẽ dễ dàng hơn về mặt kỹ thuật và địa hình.
Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ cố gắng thực hiện sứ mệnh Mặt Trăng. Nỗ lực đầu tiên của nước này diễn ra từ năm 2008 với chương trình Chandrayaan-1. Trong lần thử đầu tiên, Ấn Độ không đặt mục tiêu đổ bộ mà dừng ở việc bay quanh Mặt Trăng để lập bản đồ địa chất, khoáng vật và hóa học của Mặt Trăng.
Tới năm 2019, Ấn Độ bắt đầu chương trình Chandrayaan-2 với mục tiêu đưa tàu đáp xuống Mặt Trăng. Nhiệm vụ này thất bại, trạm đổ bộ và robot tự hành bị phá hủy khi chúng đâm xuống bề mặt của Mặt Trăng trong quá trình hạ cánh.
3. Đáp xuống rồi, giờ làm gì?
Sau khi hạ cánh thành công, công việc của trạm đổ bộ Vikram và tàu tự hành Pragyan là thăm dò địa chất và địa hình Mặt Trăng, thực hiện hàng loạt thí nghiệm khác nhau như phân tích quang phổ về thành phần khoáng chất trên bề mặt vệ tinh tự nhiên của Trái đất.
Vikram mang theo một số thiết bị khoa học, trong đó có một đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu xuống bề mặt của Mặt Trăng để ghi nhận nhiệt độ. Pragyan thì mang Máy quang phổ phát xạ laser và Máy quang phổ tia X hạt Alpha để nghiên cứu đất đá Mặt Trăng, phân tích các thành tố hóa học trong đó.
Vikram và Pragyan chạy bằng năng lượng mặt trời và sẽ hoạt động trong 14 ngày, trước khi màn đêm bao phủ Mặt Trăng trong 14 ngày tiếp theo khiến hai thiết bị này hết năng lượng. Sẽ không có hành trình trở về cho Vikram và Pragyan. Với hai thiết bị này, đây là một nhiệm vụ “cảm tử,” và chúng sẽ đi vào lịch sử như minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của người Ấn Độ để vượt lên trên bầu trời.
Đây là bước đệm cần thiết cho những nhiệm vụ Mặt Trăng tiếp theo của Ấn Độ, trong đó có cả tham vọng đưa phi hành đoàn lên vệ tinh tự nhiên của Trái đất trong tương lai gần. Để thực hiện điều này, Ấn Độ sẽ phóng trước hai tàu không chở người lên không gian nhằm kiểm tra năng lực của tên lửa. Tiếp theo đó sẽ là nhiệm vụ đưa ba phi hành gia vào vũ trụ, lên quỹ đạo Trái Đất để thực hiện sứ mệnh kéo dài ba ngày.
4. Có gì ở cực nam của Mặt Trăng?
Gần như cùng thời điểm với dự án Chandrayaan-3 của Ấn Độ là dự án Luna-25 của Nga với mục tiêu tương tự: hạ cánh xuống Mặt Trăng ở vị trí gần cực nam nhất có thể. Tuy nhiên, giống như Chandrayaan-2, tàu Luna-25 đã gặp vấn đề khi hạ cánh và đâm mạnh vào Mặt Trăng.
Cuộc đua lên Mặt Trăng tưởng như đã kết thúc, và đã lâu lắm rồi cũng chẳng ai nhắc tới Apollo 11 năm nào. Vậy tại sao trong những năm gần đây, các quốc gia lại quay về với vệ tinh tự nhiên của Trái đất? Cụ thể hơn, tại sao lại là khu vực cực nam của Mặt Trăng?
Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ: do nguồn tài nguyên băng nước trên Mặt Trăng. Phải, bạn không đọc nhầm đâu, trên Mặt Trăng có nước, hay chính xác hơn là băng nước ở những miệng hố tại vùng cực của Mặt Trăng. Kể từ khi các nhà khoa học phát hiện ra điều này vào năm 2018, một số quốc gia đã nhận ra tiềm năng của nguồn tài nguyên này.
Theo đó, băng nước sẽ giúp ích rất nhiều cho việc thiết lập trạm vũ trụ trong tương lai, đồng thời khiến cho những kế hoạch đổ bộ có phi hành đoàn trở nên dễ dàng hơn bởi họ có thể sử dụng luôn nguồn nước này. Bên cạnh đó, việc phân tích băng nước sẽ hé lộ nhiều bí mật về lịch sử của Mặt Trăng, cũng như trạng thái hiện tại của nó.
5. Giới hạn nào cho cuộc chạy đua quyền lực bên ngoài bầu khí quyển?
Từ xa xưa, con người đã ngước nhìn lên bầu trời bao la với sự tò mò đầy phấn khích. Ban đầu, ta muốn biết ngoài kia có gì để xác minh những niềm tin cổ xưa về những vị thần, những hành tinh là hiện thân của những sự vật và con người trên Trái đất.
Tới khi con người thực sự có khả năng bước chân ra khỏi Trái đất, thì mục đích khai phá vũ trụ không còn vẹn nguyên như xưa. Xen lẫn trong đó là những toan tính về chính trị và sự phô trương về vị thế khoa học kỹ thuật.
Một ví dụ điển hình cho việc này là nguồn cơn chính trị của nhiệm vụ Apollo 11: Mỹ sợ rằng Liên Xô - nước đầu tiên cho người lên vũ trụ - có thể có tham vọng bành trướng không gian và xây căn cứ quân sự tại Mặt Trăng.
Những tham vọng chính trị và quyền lực vẫn tiếp diễn ở hiện tại, dù trong một bối cảnh khác và hiện thân dưới những hình thức khác. Khai phá vũ trụ giờ đây là cuộc cạnh tranh về tài nguyên, về những tiềm năng khai mở dịch vụ khám phá vũ trụ, về sự kiểm soát, và thậm chí là ý thức về lãnh thổ bên ngoài Trái đất.
Là những con người bình thường, ta trầm trồ trước những nhiệm vụ vũ trụ, và chúc mừng Ấn Độ đã đạt được bước tiến mới. Nhưng song song với hành trình vượt qua giới hạn chính là quá trình cạnh tranh quyền lực - điều mà ta không cảm thấy, nhưng vẫn đang diễn ra ở bên ngoài bầu khí quyển của ta.