Ăn mừng chức vô địch của đối thủ
Trong bóng đá, thất bại trước kỳ phùng địch thủ luôn là thứ khó nuốt trôi nhất. Real Madrid có thể thua ai cũng được, miễn không phải Barcelona. MU không vô địch cũng được, nhưng sẽ khó chịu gấp ngàn lần nếu Manchester City lên ngôi… Thái Lan thắng ai cũng được, nhưng kể cả vô địch mà không thắng Việt Nam thì… vẫn không đã.
Những món nợ chồng chất từ năm này sang năm khác, thậm chí từ thế kỷ này sang thế kỷ khác… là điều tạo nên sự hấp dẫn đặc thù của bóng đá.
Bạn sẽ sung sướng gấp bội nếu thắng đối thủ mình ghét nhất, nhưng nỗi đau thất bại cũng sẽ được nhân lên ngàn lần ở chiều ngược lại. Hoặc éo le hơn là, bạn lọt thỏm giữa cả triệu CĐV đối thủ ăn mừng chức vô địch.
Lúc đấy thì làm gì nhỉ? “Cố tỏ ra là mình ổn nhưng sâu bên trong nước mắt là biển rộng”?
Tháng 5/2010, đội bóng của mình không còn cơ hội cạnh tranh chức vô địch giải Ý nữa, nhưng cuộc đua giữa hai đội đầu bảng là Inter Milan và AS Roma vẫn rất căng thẳng: cách nhau 2 điểm trong khi giải chỉ còn một vòng đấu.
Để chuẩn bị cho kịch bản đội bóng nào cũng có thể vô địch, ban tổ chức sẽ luôn chuẩn bị hai phiên bản của chiếc cúp ở hai sân vận động nơi diễn ra trận đấu cuối cùng.
Mình có hai lựa chọn: đi tàu xuống Rome hoặc chạy ngược lên Milan. Hai thành phố cách nhau hơn 570km và mất 6 tiếng tàu chạy. Dù là một Milanista, mình tin rằng năm đó chức vô địch sẽ thuộc về Inter của Mourinho.
Một quyết định được ăn cả, ngã về không: ở Milan nhưng có thể phải chứng kiến đối thủ đăng quang, hoặc ở Rome nhưng sẽ không có lễ hội nào cả. Nếu đội bóng ở nơi mình đến không vô địch, gần như không thể bắt ngay tàu đi đến thành phố kia để chứng kiến cảnh tượng đăng quang đó.
Trái tim mình nói rằng chứng kiến Inter lên ngôi là điều đáng ghét nhất trên đời. Nhưng cơ hội để được sống trong một lễ hội bóng đá thực sự vốn trước giờ chỉ thấy trên TV, có lẽ chỉ đến duy nhất lần này thôi. Mình đánh liều chọn Milan.
Hai tiếng trước khi trận đấu bắt đầu, dưới cái nắng gắt của buổi trưa đầu hè, các CĐV Inter đã tập trung rất đông tại quảng trường Duomo trung tâm thành phố. Họ trông đợi xem trận đấu quan trọng qua màn hình lớn, và mở tiệc ngay tại Duomo suốt đêm.
Điều thú vị nhất khi xem bóng đá cùng những CĐV ruột trên chính thành phố của họ là nghe họ hát và nghe họ… chửi thề. Không phải ngẫu nhiên người ta bảo rằng, nếu muốn học những câu chửi thề ngầu nhất thì hãy ngồi xem bóng đá cùng các CĐV.
Một bữa tiệc lớn ngập tràn màu xanh đen đã được bắt đầu ngay sau khi Inter có bàn thắng duy nhất. Chỉ cần chiến thắng tối thiểu, đội bóng sọc xanh-đen sẽ vô địch cho dù Rome có thắng đậm bao nhiêu đi chăng nữa. Tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên cũng là lúc bữa tiệc chính thức bắt đầu.
Từ mọi ngõ ngách của thành phố, những CĐV Inter đổ ra quảng trường lớn và nhuộm cả Duomo trong sắc xanh-đen và những âm thanh vang dội, tiếng hát, tiếng kèn. Bữa tiệc kéo dài đến nửa đêm, khi những người hùng trở về trên chiếc xe bus hai tầng, trong tiếng hô vang, trong pháo hoa và những bài ca không dứt.
Bất kể bạn từ đâu đến, thậm chí không cần biết bạn có hiểu chút gì về bóng đá hay không, chỉ cần bạn ở đó, giữa các cổ động viên, họ đều sẵn sàng chụp ảnh, ôm lấy bạn và ca hát.
Từ những người tóc bạc đã yêu đội bóng suốt cuộc đời mình cho tới những chú nhóc mới bắt đầu những bài học bóng đá đầu tiên, tất cả đều nói về một điều duy nhất: đội bóng mà họ yêu.
Mình đã ở Milan suốt một ngày dài cho đến đêm khuya, chụp hết sạch pin và thẻ nhớ trong máy ảnh, ngồi ở quảng trường Duomo chờ đón chiếc xe màu xanh đen diễu hành quanh thành phố, nghe cả thành phố hát bài “Pazza Inter” (Bài hát truyền thống của Inter).
Khung cảnh này mình đã được xem rất nhiều lần, ở Rome, ở Madrid, ở Manchester, ở Munich... Nhưng đi cùng các CĐV, nghe họ hát, cùng họ chờ đợi 90 phút quyết định, cảm nhận cái vỡ òa hạnh phúc khi trở thành nhà vô địch rồi phủ kín quảng trường Duomo bằng màu xanh đen – đó là cảm giác thật đặc biệt mà mình không chắc mình có thể trải qua thêm một lần nữa trong đời hay không.
Đó là thời khắc bạn chứng kiến sức mạnh, sự nỗ lực, cống hiến của cả một tập thể trong suốt nhiều ngày tháng, sự quyết tâm cho đến giờ phút cuối cùng không bỏ cuộc, sự cổ vũ nhiệt tình và tình yêu chung thủy của cả triệu người.
Bất kể bạn là fan của đội bóng nào, đã có vô số danh hiệu, hay vừa mới giành chức vô địch lần đầu tiên, mình tin rằng cảm giác sung sướng ấy luôn vô cùng đặc biệt. Lúc đó mình nghĩ “Làm CĐV bóng đá chắc chỉ sướng đến thế này là cùng”.
Và để có khoảnh khắc đó, chờ đợi 11 năm như Milan ngày hôm qua, hay như các CĐV Liverpool chờ đợi 30 năm cho chức vô địch gần nhất ở Premier League, cũng vô cùng xứng đáng.