Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế 2009 lên ngành thời trang và bài học cho tương lai gần
Bà Kristalina Georgieva – Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát biểu: “Rõ ràng chúng ta đã bước vào thời kỳ suy thoái”. Thế giới sẽ lại sắp đối mặt với một giai đoạn khó khăn cách đây hơn 10 năm, tạo ra nỗi lo chung cho mọi lĩnh vực kinh tế toàn cầu. Ngành công nghiệp thời trang cũng không phải là ngoại lệ. Song ta vẫn có những bài học từ cuộc suy thoái năm 2009 để không phạm phải những vết xe đổ của quá khứ.
Trong bài viết này, hãy cùng Vietcetera nhìn lại hành trình vực dậy của ngành thời trang sau cuộc khủng hoảng toàn cầu gần nhất, và chuẩn bị cho bức tranh kinh tế trong tương lai gần.
Doanh nghiệp thời trang sau khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2007 đến 2009 đã chứng kiến sự đổ vỡ hàng loạt của các ngân hàng, các cơn đói tín dụng, và tiền tệ mất giá. Năm 2008, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng 7.2%, khiến số người thất nghiệp đạt ngưỡng cao nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.
Báo cáo của Hiệp hội trung tâm mua sắm quốc tế vào tháng 11 năm 2008 cũng cho thấy doanh số của ngành bán lẻ ngành may mặc giảm mạnh 10,4%, sụt giảm tệ nhất trong 35 năm lúc bấy giờ. Tỷ lệ thất nghiệp tăng đồng nghĩa với sức mua giảm đối với những mặt hàng không thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng thời trang.
Theo nghiên cứu của Mintel tại Anh cho thấy gần 75% người tiêu dùng đã thay đổi thói quen mua sắm. Mọi người dè sẻn hơn trong chi tiêu và tìm đến những cửa hàng bán lẻ thời trang tầm trung và cửa hàng nhỏ.
Những điều này đã ướm màu lên một thị trường vốn đã ảm đạm. Nhiều nhà bán lẻ cố thu hút khách hàng bằng những chiến thuật giảm giá sâu lên đến 70-80% để cầm cự dù biết lợi nhuận có thể giảm đến 20-60%. Hàng loạt thương hiệu bán lẻ tại Mỹ phải từ bỏ cuộc chơi, bị xóa sổ khỏi thị trường.
Bức tranh tiêu dùng thời trang sau suy thoái
Sau khủng hoảng tài chính, hành vi tiêu dùng là thứ bị tác động đáng kể. Tiết kiệm chi tiêu và săn mua hàng giảm giá đã “ăn vào máu” người tiêu dùng nhiều năm sau đó. Một nghiên cứu của First Insight Report chỉ ra cho thấy 45% phụ nữ tại Mỹ chỉ bước vào cửa hàng khi thấy chương trình khuyến mãi trên 41%.
Song, khủng hoảng kinh tế 2009 lại trở thành tiền đề cho sự lên ngôi của mạng xã hội. Đơn cử là Instagram — nền tảng đánh vào thị hiếu — tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách chúng ta chia sẻ hình ảnh, đồng thời cho ra đời nhiều xu hướng “ăn liền” với vòng đời ngắn hơn. Khái niệm người ảnh hưởng trên mạng xã hội (social media influencers) cũng được phát triển mạnh mẽ từ năm 2010; và không thể phủ nhận một điều rằng họ đã góp phần tạo nên bức tranh thời trang của thập kỷ vừa qua.
Xu hướng được đẩy nhanh khiến ranh giới về phong cách giữa các thời đại bị phá vỡ. Hoà lẫn vào nền thời trang hiện đại vẫn xuất hiện phong cách Hippie hay những bộ trang phục của thập niên 80s, 90s. Mạng xã hội cũng góp phần khiến cho thẩm mỹ cá nhân được phát triển rõ rệt hơn, giúp người tiêu dùng định nghĩa được phong cách thời trang của riêng mình; từ đó bức tranh thời trang thế giới cũng từ đó trở nên muôn màu hơn.
Ảnh hưởng của đại dịch đến ngành công nghiệp thời trang hiện tại
Gần 3 tháng phong toả sẽ tạo ra khó khăn tài chính cho 80% doanh nghiệp thời trang tại Bắc Mỹ và châu Âu. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đầu của chuỗi cung ứng khi 4 triệu việc làm ngành may mặc đang trên đà phải kết thúc ngang hợp đồng. Không riêng gì thời trang, nhiều ngành nghề cũng bị liên đới khi nhiều thành phố phong tỏa, buộc các công ty phải cắt giảm nhân sự.
Việc làm của hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch dẫn đến thu nhập cá nhân sụt giảm, vô hình chung đưa mọi người vào chế độ “cách ly tiêu dùng” (quarantine of consumption). Điều này sẽ khiến con người điều chỉnh lại quan điểm tiêu dùng cá nhân, nhất là với ngành thời trang. Nhà dự đoán xu hướng của thời trang — Li Edelkoor — đã dự đoán sau đại dịch, người tiêu dùng sẽ thức tỉnh và nhận ra rằng sở hữu nhiều không làm họ hạnh phúc hơn.
Giờ đây, với đại dịch đang hoành hành, người tiêu dùng bắt đầu dành nhiều sự quan tâm hơn đến những thương hiệu thời trang có nỗ lực giảm thiểu rác thải và phát triển theo mô hình thời trang bền vững. Từ đây, cuộc cách mạng mới trong thời trang lại được khởi phát, thôi thúc các thương hiệu đẩy mạnh cuộc chơi của mình.
Kết
Có thể xem những cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng xã hội như những bước kiến tạo buộc con người và xã hội thay đổi để phù hợp với thời thế. Thời trang không nằm ngoại lệ. Hãy lạc quan vì được sống trong thời đại này, bởi ta đang cùng viết nên những trang sử mới. Và hãy cùng tư duy sức trẻ của bạn để cùng góp phần vào sự phát triển mới của ngành thời trang.
Bài viết được thực hiện bởi Đạt Hồ.
Xem thêm:
[Bài viết] Các thế hệ nhà thiết kế người Mỹ gốc Á thay đổi cục diện thời trang thế giới — Họ là ai?