"Anh vẫn đang học cách tận hưởng số tiền mình làm ra"
Trước khi cuộc trò chuyện này diễn ra, Tạ Quốc Kỳ Nam có nói với tôi rằng anh không giỏi nói về tiền. Anh không có lời khuyên trong đầu tư, cũng không biết cách hướng dẫn mọi người kiếm tiền. Tiền hiện hữu như một thứ vững vàng, nhưng Kỳ Nam thì không. Anh vẫn hay cảm thấy bất an.
Vậy nên, bài viết này sẽ không có tips tài chính nào cho bạn cả.
Bài viết này chỉ có một người đã và đang (dù đỡ hơn) âu lo trong công cuộc kiếm tiền và dùng tiền. Dù xã hội nhìn anh như một người thành công đến mức không hiểu tại sao lại có sự âu lo đó.
Không phải tất cả chúng ta đều là người hùng trong tài chính. Có những người vẫn đang đối diện với những ám ảnh đến từ tiền dù có thể đã kiếm đủ sống thoải mái. Nên việc trăn trở để cố gắng vượt qua nó mỗi ngày, cũng là một kỹ năng cần phải học.
1. Mức lương đầu tiên bạn nhận được là bao nhiêu?
1 triệu tiền trợ cấp xăng xe. Lúc đó anh là sinh viên năm Nhất. Công việc chính là đi xin giấy phép để tổ chức sự kiện, công việc phụ là chạy chương trình, viết copy, bưng bê bốc vác, nói chung sai gì làm nấy. Làm được mấy năm thì anh được nhận vào với lương 2,5 triệu một tháng.
Thời ấy chưa có Internet, anh cũng không giỏi nhớ đường. Mỗi lần di chuyển, anh đều phải ghi ra giấy phải quẹo ở đường nào, dừng tại đâu.
Lương tháng của anh còn không đủ để trả tiền xăng. Nhưng năm đó còn trẻ, anh bất chấp tất cả để lấy kinh nghiệm và vẫn thấy vui vì điều đó.
2. Một thứ rất đắt bạn đã mua và thấy nó xứng đáng?
Vé xem vở diễn Les Misérables hạng VIP, tại Singapore, trị giá hơn 4 triệu đồng. Số tiền bằng nửa tháng lương của anh lúc đó.
Vở diễn mở ra một thế giới bao la về sáng tạo trong anh. Về việc các diễn viên có thể làm gì, sân khấu có thể làm gì, và người sáng tạo có thể đi đến tận cùng thế nào để mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho người xem.
Về sau khi nhìn lại, anh chỉ thường hối hận vì những trải nghiệm mà vì tiếc tiền anh đã không làm, hơn là những thứ anh đã chi. Chiếc vé đi show ca nhạc của một ca sĩ năm xưa mà giờ họ không còn diễn nữa, chuyến du lịch với bạn bè rất vui mà đáng lẽ anh nên đi, hay là chầu hò hẹn với người anh thích.
Anh đã tiếc nuối vì những việc ấy rất nhiều.
3. Khoản nợ lớn nhất trong đời?
Nợ mẹ.
Hồi trước muốn một cái máy tính trị giá 35 triệu, mượn mẹ 15 triệu để mua ngay phục vụ công việc. Tất nhiên là đã trả hết và trả rất nhanh dù mẹ không đòi. Vì từ nhỏ, anh nhận thức được nhà không khá giả và luôn rất ngại xin tiền (xin cũng ít khi được cho nếu không có lý do chính đáng, kèm vài lời răn đe dặn dò).
Nhưng giờ lại nợ mẹ một lời hứa, là phải để dành tiền mua căn nhà thứ hai.
4. Bạn đã mua căn nhà đầu tiên như thế nào?
Năm anh 30 tuổi, ba mẹ muốn anh có một căn nhà cho an tâm. Lúc đó dù có đủ tiền, nhưng vì chưa cảm thấy sẵn sàng (cho căn nhà anh thật sự muốn) nên anh từ chối. Ba mẹ vẫn lén đi coi và đặt cọc một căn nhà theo ý phụ huynh. Anh chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để gom đủ tiền mua luôn không trả góp, áp lực vô cùng.
Nhưng chỉ trong cuối tháng đó, anh đưa đủ 1.2 tỉ bằng tiền mặt. Đến bây giờ, anh vẫn thấy có sự tự hào trong việc đó dù đi kèm là… PTSD.
Căn nhà đó giờ đang cho thuê, là một khoản thu nhập thụ động tốt và còn tăng dần đều. Nhưng giờ anh vẫn đang ở nhà thuê. Anh không nhớ đường tới căn nhà đó, cũng chỉ mới tới một lần. Vì anh vẫn muốn tiếp tục làm việc, để có một ngôi nhà trong mơ của mình hơn.
Có một điều anh hơi tiếc lúc mua nhà là vì tháng đó đã bán đi 10 cây vàng - một tài sản vẫn còn nhiều khả năng sinh lời trong tương lai. Nếu có khả năng xem xét và quản lý tài chính tốt hơn mà không bị cảm xúc chi phối, hẳn anh đã có cách phân bổ các khối tài sản hiệu quả.
5. Bài học về tài chính bạn hối hận vì đã không được học?
Không hẳn là hối hận, nhưng anh rút kinh nghiệm được từ câu chuyện 10 cây vàng vừa nói trên vì thực tế tiền mặt anh có đủ mà không cần phải bán. Anh chưa có tinh thần vững khi đưa ra những quyết định tài chính.
Ba mẹ anh từng đi lên từ con số 0 như rất nhiều phụ huynh thế hệ trước. Họ rất vất vả để cất được căn nhà (sau đó 1 lần cháy rụi, 2 lần bị trộm sạch), có nhà rồi vẫn không thực sự sống thoải mái mà tiếp tục cần kiệm để lo tương lai xa gần.
Vậy nên bài học duy nhất về tiền mà anh biết, đó là phải sống tiết kiệm, và chăm chỉ để tiết kiệm. Anh có những món đồ bên mình rất lâu, như chiếc ba lô xài 6 năm trời, hay là đôi giày anh mang đi khắp nơi cũng vì sự bền bỉ, quen thuộc, và nhất là đáng tin cậy.
Dù anh vẫn ước mình biết cách đầu tư để sinh được thật nhiều lợi nhuận cao. Nhưng những thứ anh có cũng dạy anh rất nhiều, như việc anh yêu quý và có cảm tình với từng gì mình mua, trân trọng những khoảng thu nhập có được.
Anh cũng đôi khi có sự bình tâm xem xét liệu mình có phải kiểu người muốn đánh đổi sự ổn định trong cuộc sống để tham gia rủi ro tài chính đổi lấy lợi nhuận cao hay không.
“Có chí làm quan, có gan làm giàu”, anh thấy mình thiên về có chí, nhưng không có gan.
6. Điều gì trong đời bạn luôn muốn nhưng vẫn chưa thể làm?
Có một điều anh vẫn luôn cố gắng để làm, là vượt qua được cái nghèo trong tâm tưởng.
Hồi anh học Tiểu học, có đứa bạn từng nói đùa “Đừng mơ lấy được đồng nào từ Nam, kêu nó bao ly trà đá 500 đồng còn không bao!” Anh nghe cũng buồn, nhưng lúc đó trong túi thực sự chỉ có mấy ngàn, bản thân còn không dám xài, bao bạn ly trà đá là chuyện khó khăn.
Lớn lên, anh thích tip, vì chỉ mấy chục ngàn nhưng mình thực sự có thể làm một ngày của ai đó hạnh phúc hơn rất nhiều. Anh nhận ra trong quá trình trưởng thành, bản thân mình là kiểu người hào phóng có tính toán.
Hào phóng vì bây giờ có nhiều cái để cho, tính toán vì một tuổi trẻ không dư giả nên luôn phải cân nhắc, và thành thói quen khó bỏ.
Mỗi số tiền anh chi ra, anh hay tìm một lý do lợi ích thu lại.
Để mua bộ đồ mấy triệu đi event, thì event đó anh phải kiếm được 1000 đô. Còn mua quần áo, ăn uống sang trọng chỉ vì thích thôi, thì vẫn hay cân nhắc nhiều, cũng vì thói quen cũ chưa kịp điều chỉnh so với nhịp thu nhập mới.
Dù anh luôn tự nhủ “Nam ơi, giờ mày có đủ tiền để làm những gì mày muốn.” Tuy vậy, có lẽ thằng Nam hồi Tiểu học vẫn chưa biến mất.
Gia đình cùng những thử thách trong quá khứ dạy anh về sự cần kiệm và chăm chỉ, nhưng bài học về tận hưởng thành quả lao động là thứ anh chưa được dạy. Và anh vẫn đang dần tự học.
7. Một châm ngôn về công việc mà bạn luôn ghi nhớ?
“Nếu có việc gì không khiến mình cười thì phải khiến mình giàu”, do một người anh rất giỏi trong ngành chia sẻ. Anh cũng để ý thấy những công việc khiến mình không hạnh phúc thì đa phần là do mình không được trả đủ tiền để đền bù phí tinh thần.
Vậy nên những công việc mà anh không thích, đa phần anh sẽ báo giá thiệt cao. Xui cái là… đều trúng! Nhưng thôi, bị hành, chán nản hay ghét bỏ, thì ít nhất mình có tiền để chi cho những khoản khác khiến mình vui.
8. Nếu mọi công việc đều được trả tiền như nhau, bạn sẽ làm gì?
Ước được trả tiền để… tập thể dục, để quan tâm cho sức khỏe của mình.
Lúc gặp vấn đề về sức khỏe, anh mới hiểu giá trị đồng tiền - rất cao. Có đợt cứ 1 tháng anh phải trả hóa đơn 1 triệu 2, gần như liên tục suốt 3 năm. Chồng hóa đơn đó đến giờ anh vẫn còn giữ.
Mỗi lần nhìn nó, anh biết mình đã may mắn thế nào vì có đủ sức kiếm tiền chi trả cho bệnh tật. Nhưng cũng chính vì sự bán sống bán chết vì công việc, vì tiền, mà anh mới lâm vào hoàn cảnh đó.
9. Bài học nào về tiền mà anh nhớ nhất?
Hồi nhỏ anh thích lắm một bộ bút chì màu 36 cây. Thích tới mức trước lễ Giáng Sinh khấn ông già Noel hoài, còn mẹ anh ngồi may ở kế bên. Hôm Noel, quà anh nhận được là một cái túi đựng bánh kẹo.
Lớn lên, anh hiểu là không có ông già Noel nào cả. Vì không đủ tiền cho những thứ xa xỉ thời đó, mẹ đành mua và làm một thứ khác với giá trị thấp hơn.
Anh vẫn rất vui với món quà của mẹ, dù không phải thứ mình muốn. Nó cũng giúp anh biết trân trọng mọi thứ tốt đẹp đến với đời mình, dù không “đúng brief”. Cái nghèo khó về vật chất của tuổi thơ thật ra được lọc đi và êm dịu hóa rất nhiều bởi tình yêu thương và “khéo co vừa ấm” của mẹ.
Những câu chuyện từ hồi nhỏ theo anh tới giờ, khiến anh dễ đồng cảm với những người đồng cảnh ngộ. Anh vẫn ngại khi có người hỏi giá những món đồ anh mua, nếu anh biết với họ số tiền đó kiếm không dễ dàng.
Tới giờ, anh vẫn tự hào về khả năng kiếm tiền từ nhiều nguồn. Anh làm thiết kế, viết lách, làm phim, đóng phim, làm KOL… tất cả những thứ mình có khả năng kiếm nhiều tiền, để có thể giữ được một số công việc thu nhập thấp nhưng mang lại nhiều niềm vui cho bản thân.
Tuy vậy, anh vẫn hay lạnh tay lạnh chân mỗi khi quyết định lớn về tài chính và mong mình sẽ dần thoát khỏi những âu lo cũ, để tận hưởng nhiều hơn cuộc sống do chính mình xây nên.