Bạn ở đâu trong 4 cấp độ tự kỷ luật?

Dạng thức cao cấp của tự kỷ luật là tự yêu bản thân.
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Budgeron Bach/Pexels

Nguồn: Budgeron Bach/Pexels

Từ nhỏ, mình đã luôn là đứa hay muốn vượt ra khỏi những quy điều, phá luật, nên đã nghĩ bản thân sẽ không thể nào duy trì lâu dài tính kỷ luật. Thế nhưng, chuyện đã khác cho đến khi cuộc sống của mình có nhiều thứ tồi tệ xảy ra cùng một lúc và mình bắt đầu chạy bộ - chạy bộ một cách nghiêm túc.

Sau khi tham gia nhiều giải marathon, mình dần hiểu tự kỷ luật bản thân thực sự nghĩa là thế nào. Nói theo cách hiểu phổ biến thì tự kỷ luật là khả năng kìm lòng trước những khó chịu, hoặc sự tiện lợi, cám dỗ trong ngắn hạn để tập trung cho mục tiêu lớn hơn.

Nhưng với mình, tự kỷ luật còn là một dạng thức cao cấp của việc tự yêu bản thân, bởi khi đã rất muốn điều gì đó, bạn chấp nhận chịu đựng mọi thứ để cho bản thân đạt được điều đó.

Nói như vậy không có nghĩa tự kỷ luật là thứ khó nắm bắt, mà nó là thứ có thể đạt được ở nhiều cấp độ khác nhau. Bài viết này mình tổng hợp lại 4 cấp độ tự kỷ luật từ trải nghiệm cá nhân cũng như quan sát từ xung quanh.

Cấp độ 1: Dùng động lực và ý chí

Đây là cấp độ dễ tạo dựng, và cũng dễ biến mất nhất khi làm việc gì đó.

Chẳng hạn như khi nghe một người mà bạn hâm mộ chia sẻ về lợi ích của việc đọc sách, nhiều khả năng bạn sẽ thấy động lực đọc sách trong mình sôi sục và bạn muốn đi mua ngay vài cuốn. Hoặc khi lướt Facebook thấy hành trình giảm 30kg của một người nào đó, ngay hôm sau, bạn quyết định mua thẻ gym cả năm cùng 1 tá những bộ đồ thể thao thời trang.

Thế rồi, những cuốn sách mua về đọc vài trang bị xếp xó. Những buổi tập bỏ dỡ vì trời mưa, lỡ ăn no quá hay tuần này chạy deadline thật mệt.

Nếu không có mục tiêu rõ ràng, động lực đủ mạnh thì kỷ luật bản thân ở cấp độ này giống như một sợi chỉ, kéo căng một tí là sẽ đứt ngay.

Cấp độ 2: Kỷ luật, gò mình vào một lịch trình

Ở cấp độ này, bạn bắt đầu có được những mục tiêu rõ ràng hơn, và dùng ý chí cá nhân của mình để vượt qua những cám dỗ nhất thời để hoàn thành mục tiêu.

Bạn đặt mục tiêu 30 phút đọc sách mỗi ngày, luôn mang theo sách bên mình để tranh thủ đọc bất cứ khi nào có thời gian rảnh.

Bạn đặt mục tiêu 3 buổi tập hàng tuần, và dù có mệt mỏi thì chỉ cần tới phòng tập chạy bộ 15 phút cũng được.

Nhưng nếu chỉ dựa trên ý chí cá nhân, thì vẫn không thể tránh khỏi tác động của môi trường, hay cảm xúc nhất thời. Vì thế, các mục tiêu bạn đặt ra không nên giữ nguyên, mà cần được đổi mới và thông minh hơn theo thời gian. Ngoài ra kết hợp thêm vài hình thức thưởng phạt hợp lý để biến những mục tiêu này thành thói quen.

Cấp độ 3: Thói quen

Đây là cấp độ của sự nhất quán, giúp tiết kiệm nhiều năng lượng. Việc bạn "cần" làm trở nên đều đặn và dễ dàng như đánh răng.

Bạn đọc sách không phải vì cần đạt được bao nhiêu phút, hay bao nhiêu cuốn, mà là luôn có thêm những kiến thức mới mỗi ngày.

Bạn tập thể dục không phải để đánh dấu vào lịch mình đi được bao nhiêu buổi tập trong tuần, hay giảm được bao nhiêu kg, mà là để duy trì năng lượng và sức khỏe cho bản thân.

Bạn càng tự tạo ra nhiều thói quen tốt bao nhiêu, cuộc sống của bạn càng trở nên tốt đẹp hơn bấy nhiêu – theo thang giá trị của chính bạn.

Cấp độ 4: Nhân dạng

Đây là cấp độ cuối cùng của tự kỷ luật bản thân, khi một việc gì đó trở thành bản sắc của chính bạn.

Bạn đọc sách, vì bạn là một người thích đọc sách. Bạn tập thể dục, vì bạn là một người thích thể thao.

Ở cấp độ này, bạn chẳng cần động lực để làm việc gì đó. Bạn cũng chẳng cần các mục tiêu đo đếm để hoàn thành công việc của mình. Bạn làm, vì đó là bạn mà thôi. Cũng giống như lúc này mình viết, vì mình thích viết thôi.

Những suy nghĩ cuối

Bạn có thể không đồng ý với bài viết, khi cho rằng tự kỷ luật bản thân chỉ đơn giản là ở mức 2, các mức còn lại thuộc về khái niệm khác.

Không sao cả, với mình những khái niệm trừu tượng như thế này không cần phải có định nghĩa chung, chỉ cần tự bản thân hiểu được và dựa vào đó để xây dựng sự tự nhận thức ở mỗi người.

Bạn có thể thấy rằng đối với mỗi việc khác nhau, hình thái kỷ luật của bản thân lại ở các mức khác nhau. Nó như một kỹ năng, cần liên tục rèn luyện và điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp ở mỗi giai đoạn đời mình.

Nhưng nền tảng của kỹ năng này là sự tôn trọng bản thân. Khi đã bắt đầu tôn trọng được nhiều khía cạnh của bản thân như thời gian, công sức, tâm trí,… cho một việc gì đó, bạn sẽ không dễ dàng từ bỏ chỉ vì cám dỗ nhất thời. Và việc này cũng tương tự như cho phép bản thân hoàn toàn từ bỏ điều gì đó khi đã có suy nghĩ kỹ càng.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục