Bắt đầu từ Thường Châu
Ngày 27/1/2018, 6200 khán giả đã tới sân vận động ở Thường Châu để xem trận chung kết U23 châu Á giữa Uzbekistan và Việt Nam. Hàng triệu người Việt Nam theo dõi trận đấu qua TV.
Hôm đó chúng ta không thắng, cho dù trước đó đã vỡ òa trước siêu phẩm “cầu vồng trên tuyết” của Quang Hải. Chúng ta muốn kéo đối thủ vào loạt đá luân lưu, nơi Bùi Tiến Dũng là niềm hy vọng lớn sau những cú cản phá ấn tượng trong hai trận trước đó. Phút cuối cùng của hiệp phụ thứ 2, mọi thứ đột ngột kết thúc với pha dứt điểm của Sidorov.
Khác với trận bán kết trước đó, buổi tối diễn ra trận chung kết ở Hà Nội có mưa. Nhưng cơn mưa không ngăn cản mọi người đi bão. Dòng người và xe vẫn đổ ra đường, họ vẫn đập tay với nhau, vẫn hát, và vẫn cảm thấy quá đỗi tự hào vì những cầu thủ dù trẻ nhưng đã thi đấu bản lĩnh không hề sợ hãi trước những đối thủ lớn ở khu vực.
Buổi sáng ngày 28/1/2018, khi thông tin chuyến bay về của đội tuyển Việt Nam được công bố, hàng ngàn người đã ra đường chờ đón. Từ con đường lớn nối sân bay Nội Bài đến những tuyến phố trung tâm, dòng người ngày càng đông hơn bất chấp những cơn gió lạnh buốt của mùa đông Hà Nội.
Tôi đã đứng suốt từ 11h sáng cho tới 6h tối, háo hức đón chờ chiếc xe bus 2 tầng đưa họ trở về. Một cảnh tượng giống như lễ rước cúp ở những kinh đô bóng đá lớn nhất thế giới.
Cho đến bây giờ, kỳ tích Thường Châu vẫn được nhắc tới, không chỉ vì đó là thành tích lịch sử của đội tuyển U23 Việt Nam, mà kỳ tích ấy mở ra một chặng đường 5 năm đáng nhớ của bóng đá Việt Nam.
Từ một buổi chiều đầy tuyết ở Thường Châu, khi Duy Mạnh cắm lá cờ tổ quốc lên tuyết và cúi chào, chúng ta được chứng kiến sự trưởng thành của một thế hệ cầu thủ bản lĩnh hơn, tự tin hơn dưới sự dẫn dắt của một người đàn ông có dáng vẻ đáng yêu, thân thiện nhưng không kém phần "máu lửa”: Park Hang Seo.
Trước thời của thầy Park, chúng ta luôn coi Thái Lan là đối thủ lớn nhất, có lúc thở phào vì không phải gặp Thái quá sớm. Ở thời thầy Park, chúng ta bảo “Mang Thái Lan đến đây”.
Chúng ta có một đội tuyển đoàn kết hơn, dám đá tự tin và sòng phẳng trước những đối thủ mạnh hơn. Điều đó không được tạo nên bởi sự tự mãn nhất thời, mà là bản lĩnh đã được thử thách ở những sân chơi lớn hơn, trước những đối thủ mạnh hơn như Iraq, Qatar, Uzbekistan, hay sau này là Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mỗi khi đội tuyển này của thầy Park ra sân, chúng ta gần như không có nỗi sợ về những bóng ma tiêu cực đã ám ảnh bóng đá Việt Nam những năm trước: những bàn thắng đen hay những tiếng còi méo. Khán giả Việt vốn vẫn luôn yêu bóng đá, sau nhiều lần thất vọng, đã quay trở lại sân cỏ nhiều hơn.
Những sân vận động chật kín người trong những trận đấu ở V-League, ở AFF Cup, ở vòng loại World Cup. Bóng đá sạch đưa niềm tin của người hâm mộ trở lại, và cũng chính niềm tin đó tiếp sức cho đội tuyển đi xa hơn.
Chúng ta cũng thấy bóng đá không còn là môn mà chỉ những người am hiểu hay yêu thích mới xem, mà có một cộng đồng văn minh hơn được tạo nên từ những người yêu bóng đá Việt. Các cầu thủ gần gũi hơn với người hâm mộ thông qua những fandom hoạt động bài bản, hài hước nhưng văn minh và tích cực.
Những chiến công trong một môn thể thao tập thể như bóng đá luôn được tạo nên từ rất nhiều đóng góp thầm lặng: những lò đào tạo trẻ, chính sách phát triển, những người tâm huyết tìm về cho đội tuyển Việt Nam người thầy giỏi nhất, những bác sĩ tận tụy nhất…
Rất nhiều người trong số họ ít được nhắc tên, cũng chưa bao giờ lên sóng, nhưng đều là một minh chứng cho việc nếu chúng ta thực sự tâm huyết và đầu tư một cách chuyên nghiệp và bài bản, chúng ta có thể vươn xa hơn.
Vài tháng nữa thôi, chặng đường 5 năm của thầy Park với đội tuyển Việt Nam sẽ khép lại. Nhưng như mọi người hâm mộ khác của bóng đá Việt Nam, tôi vẫn mong 5 năm vừa qua sẽ giống như kỳ tích ở Thường Châu khi đó - không phải chiến công nhất thời, mà sẽ là viên gạch để bóng đá Việt Nam xây tiếp.