Beauty Tech: Công nghệ có làm mất đi niềm vui của làm đẹp?
Con người lệ thuộc vào công nghệ là chủ đề không mới. Thậm chí nó còn trở nên nóng hơn khi AI tham gia nhiều hơn vào cuộc sống của nhân loại. Với riêng ngành làm đẹp, sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị làm đẹp đang cho thấy những xu hướng mới trong cách chúng ta chăm sóc nhan sắc. Từ một chiếc máy rửa mặt, cho đến các loại máy sử dụng ánh sáng để điều trị vấn đề về da… Chúng ta dần dần tin rằng công nghệ có thể làm tốt hơn và hỗ trợ con người trong việc làm đẹp.
Vì sao các công ty làm đẹp tham gia CES?
CES là hội chợ Điện tử Tiêu dùng lớn nhất thế giới được tổ chức hằng năm. Tại đây, những cái tên đầu sỏ lừng lẫy nhất của làng công nghệ như Google, Amazon, Samsung, LG… trình làng những phát minh mới nhất. Những tưởng CES chỉ là nơi mà dân công nghệ hội tụ, nhưng các công ty làm đẹp cũng đã đặt chân đến thánh địa này. CES những năm gần đây có sự xuất hiện của một số tên tuổi lâu năm trong ngành làm đẹp là Amorepacific (Hàn Quốc), Neutrogena (Mỹ) và L’Oréal (Pháp).
Có nhiều lý do để một công ty làm đẹp tham gia CES. Guive Balooch, Phó Chủ tịch Toàn cầu của Connected Beauty Incubator L'Oréal cho biết “Chúng tôi bắt đầu đến với CES vào năm 2015 - khi không có công ty làm đẹp nào trong triển lãm điện tử tiêu dùng cả. Trước tiên, chúng tôi muốn hiểu chuyện gì đang diễn ra và sau đó tìm ra cách thực hiện điều đó trong làm đẹp.”
Khi công nghệ len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống, không có gì ngạc nhiên khi các thương hiệu lớn tìm kiếm những cách thức có yếu tố công nghệ để thu hút khách hàng và thúc đẩy doanh số. Nghiên cứu sâu rộng kéo dài 3 năm do trường Harvard Business thực hiện cho thấy các công ty áp dụng chuyển đổi kỹ thuật số có tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn 18% so với các công ty tụt hậu về kỹ thuật số.
Dấn thân CES còn là cách các công ty làm đẹp đưa mình gần hơn với khách hàng tiềm năng, những người muốn nhờ công nghệ để cá nhân hóa các trải nghiệm trong cuộc sống. Có mặt ở CES đồng nghĩa các công ty làm đẹp tuyên bố rằng người dùng của họ được trao quyền tùy chỉnh mọi thứ theo ý thích. Máy móc, với trí tuệ nhân tạo còn đo lường và đưa ra những phác đồ cụ thể cho làn da mỗi người. Trước đây, ứng dụng công nghệ đã chứng minh vai trò của nó trong việc tạo ra các lớp trang điểm ảo để chọn son, màu mắt. Hiện nay, nó thậm chí còn trở thành một chuyên gia làm đẹp ảo để người dùng cảm thấy an tâm làm đẹp.
CES 2023 có công nghệ làm đẹp gì?
Dụng cụ trang điểm tự động
Năm nay, L’Oréal đã giới thiệu hai công nghệ mới bao gồm: HAPTA và Brow Magic. HAPTA là dụng cụ trang điểm cầm tay được vi tính hóa đầu tiên trên thế giới và được tạo ra cho những người dùng bị hạn chế về khả năng vận động của tay hoặc cánh tay. 50 triệu người trên toàn cầu gặp phải tình trạng di chuyển hạn chế, điều này có thể ảnh hưởng đến thói quen hàng ngày hoặc việc tự trang điểm.
Máy in chân mày
Brow Magic là dụng cụ trang điểm lông mày tùy chỉnh đầu tiên có thể cung cấp cho người dùng cặp lông mày phù hợp nhất với hình dạng khuôn mặt của họ trong vài giây, cho dù họ hiện có lông mày hay không. Bạn chỉ cần quét gương mặt với camera, sau đó chọn dáng lông mày, màu sắc mình yêu thích. Kế đến là đặt máy lên và lông mày sẽ được in ra. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều clip review về trải nghiệm thực tế vì nếu chẳng may đặt máy sai vị trí, rất có thể chúng ta sẽ có hàng lông mày lệch.
Máy tự trộn sản phẩm dưỡng da
Được gọi là “bespoke skincare”, Cosmechip - thiết bị mới từ Amorepacific cho phép người dùng pha chế mỹ phẩm để cá nhân hóa việc điều trị. Tất cả những gì bạn phải làm là lắp con chip chứa các thành phần hoạt tính vào thiết bị và chúng sẽ được trộn với nước để tạo thành một sản phẩm điều trị sẵn sàng thoa lên da.
Nhà máy màu sắc tại gia
Tonework ắt hẳn sẽ là chiếc máy mà các chuyên gia trang điểm hay nail spa yêu thích. Bởi nó cho phép người dùng tự pha trộn màu sắc theo ý mình với cấp độ cao nhất. Máy có thể pha trộn đến hàng trăm nghìn màu sắc cho từng yêu cầu cụ thể. Từ đây, mỗi cửa hàng hay người dùng hoàn toàn có thể chủ động tạo ra những màu sắc đặc trưng, tùy biến mà không cần đợi các thương hiệu ra bảng màu mới theo mùa nữa.
Kẹo dẻo dinh dưỡng 3D
Neutrogena mang đến một ý tưởng thú vị liên quan đến việc nạp dinh dưỡng. Thông qua việc đánh giá tình trạng làn da, cơ thể, hãng sẽ tạo ra một viên kẹo dẻo được thiết kế riêng cho từng nhu cầu. Những viên kẹo này được in 3D bởi hãng Nourished (một công ty chuyên in các dưỡng chất được cá nhân hóa). Các lớp kẹo sẽ chứa vitamin, kẽm, selen và các chất dinh dưỡng khác được thiết kế để cải thiện làn da.
Công nghệ có làm có mất đi niềm vui khi làm đẹp?
Trong báo cáo Xu hướng người tiêu dùng toàn cầu năm 2023 của Euromonitor có đề cập đến việc không được đánh giá thấp các kết nối cảm xúc để tạo ra trải nghiệm liền mạch. Sự thật, làm đẹp mang đến niềm vui. Trong đó vui nhất phải kể đến tính ngẫu hứng, sáng tạo và trải nghiệm đa giác quan.
Chúng ta vẫn thường đề cập việc yêu lấy những điều không hoàn hảo. Nhưng công nghệ lại khi ứng dụng vào làm đẹp đôi khi mang lại cảm giác lặp đi lặp lại, thiếu tính ngẫu hứng. Và nếu công nghệ có thể tạo ra những cặp chân mày đẹp một cách hoàn hảo thì niềm vui trong việc khám phá các kiểu vẽ mới, cân chỉnh tùy ý, đôi khi "thảm họa" có thể sẽ biến mất. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận với các thiết bị công nghệ, ta vẫn có niềm vui cùng những tính năng mới mẻ.
Việc làm đẹp đã có từ hàng nghìn năm trước. Khi ấy, con người làm đẹp bằng cách hòa hợp thiên nhiên, cảm nhận cơ thể, mọi thứ đều thủ công. Dần dần, chúng ta có mỹ phẩm công nghiệp và vẫn dùng đôi bàn tay để sử dụng chúng. Cho đến nay, công nghệ đã biến ngay cả việc rửa mặt, tô son cũng đã có máy làm giúp.
Theo đà này, tương lai không xa, rất có thể con người và việc làm đẹp sẽ hoàn toàn phụ thuộc máy móc. Khi chúng ta cho máy “học” những kỹ năng này liệu có khiến những tính năng sinh học vốn biệt riêng cho con người bị mai một?
Con người có lẽ đã tiến đến giai đoạn không thể sống thiếu công nghệ. Thậm chí đến viết luận văn và trả lời các câu hỏi hóc búa cũng đã có ChatGPT gánh giúp. Nhưng khi công nghệ càng mô phỏng giống con người, thì những trải nghiệm giác quan thật sẽ là thứ quý giá và được trân trọng. Mặc dù công nghệ phát triển là thế nhưng những điều mắt thấy tai nghe, tự tay sờ chạm vẫn đem lại cảm giác khác biệt và chúng ta vẫn nên tận hưởng nó.
Ngành thời trang cũng từng có lúc háo hức với metaverse, với trình diễn thời trang ảo. Nhưng khi những buổi trình diễn thật được tổ chức lại, con người mới nhận thấy mình có đặc quyền và may mắn ra sao khi xem ở ngoài đời. Những tín đồ làm đẹp có lẽ cũng nên tìm cách cân bằng giữa công nghệ và tự trải nghiệm để duy trì niềm vui mỗi khi muốn hoàn thiện bản thân.