Birthday blues: Tại sao bạn cảm thấy “sợ” sinh nhật?
Sinh nhật thường được coi là một dịp đặc biệt trong đời đánh dấu một tuổi mới khi ta trưởng thành hơn. Có người lên kế hoạch tổ chức sinh nhật trước cả tuần, lập danh sách những món quà mình muốn được tặng, hí hửng khoe về bữa tiệc hoành tráng.
Nhưng đó không phải là bạn. Đối với bạn, sinh nhật dường như chỉ mang đến những nuối tiếc về quá khứ hoặc nỗi lo âu về tương lai sắp đến. Càng cận kề sinh nhật, bạn càng trở nên rầu rĩ hơn.
Và bạn không phải là người duy nhất.
Birthday blue: Khi sinh nhật lại đi cùng nỗi buồn
Trầm uất vào sinh nhật (birthday blues/birthday depression) là cảm giác buồn bã, chán nản và không hào hứng khi sinh nhật sắp tới.
Birthday blues không phải là một loại rối loạn tâm lý (mental disorder), tuy nhiên người trải qua hiện tượng này lại có triệu chứng tương đồng những với những bệnh rối loạn tâm lý khác. Theo nhà tâm lý học lâm sàng Lira de la Rosa, sau đây là những dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang sợ hãi ngày sinh của mình:
- Cảm xúc thay đổi thất thường: chán nản, mệt mỏi, không hào hứng, thậm chí lo lắng. Giai đoạn này kéo dài vài ngày khi sinh nhật gần kề
- Suy tư về quá khứ và những mục tiêu chưa đạt được (chưa lập gia đình, chưa có con hoặc chưa đạt được thành tựu trong công việc như mong muốn)
- Lo lắng về việc mình còn sống được bao lâu
- Cảm thấy buồn và không biết nguyên nhân vì sao, hay làm cách nào để rũ bỏ cảm giác đó
- Khó tập trung, không có động lực làm gì, không hứng thú với những sở thích thường ngày và không ngừng suy nghĩ về sinh nhật sắp tới
- Thay đổi về giấc ngủ, vị giác, có thể cảm thấy đau nhức cơ thể
- Né tránh tiếp xúc với mọi người, bao gồm cả gia đình và bạn bè
Vì sao sinh nhật lại đem đến nỗi buồn?
Ngày sinh dường như một tấm gương phản chiếu lại các thành tựu, sự kiện và những kỷ niệm xảy ra trong những năm vừa qua. Đôi khi nó cũng như một lời nhắc nhở định kỳ rằng đời người thực sự là hữu hạn.
Nhưng vì sao với một số người, sinh nhật lại trở nên “nặng nề” hơn những người khác?
Nỗi sợ trưởng thành và mất mát
Sinh nhật đối với trẻ em là thêm một tuổi mới, nhưng với người lớn thì lại là già đi một tuổi, đồng nghĩa với việc cơ thể yếu đi, cái chết gần kề hơn, cơ hội để làm những điều mình muốn dường như ít đi.
Ngoài ra, xã hội hiện nay liên tục đề cao giá trị tuyệt vời của tuổi trẻ và né tránh cái già cũng là một nguyên nhân khiến mọi người cảm thấy áp lực khi mình già đi. Bạn dường như có một nỗi sợ vô hình rằng mình sẽ mất đi những cơ hội tuyệt vời mà chỉ tuổi trẻ mới có.
Cảm giác bản thân “chưa đủ”
Cảm giác này đến từ sự cầu toàn với bản thân và nhận thức được rằng mọi người đang đặt kỳ vọng lên mình.
Đặc biệt ở những cột mốc như tuổi 30, áp lực đồng trang lứa khi bạn bè nhiều người đã kết hôn, sinh con, có sự nghiệp càng khiến cho bạn dễ dàng cảm thấy thất vọng. Bạn dễ rơi vào tình trạng “so sánh trên” (upward social comparison), tức so sánh với những người hơn mình về mặt xã hội, từ đó trở nên lo âu và bất an.
Khủng hoảng hiện sinh
Khi chưa tìm được mục đích sống, sinh nhật có thể khiến bạn càng cảm thấy tuyệt vọng hơn vì nó nhắc nhở rằng thời gian vẫn đang không ngừng trôi.
Bạn chợt cảm thấy lo lắng và không biết mình là ai, sứ mệnh là gì và không ngừng tự hỏi về những gì mà mình đã làm được trong năm vừa qua. Nạn “đói thời gian” (time famine) cũng khiến bạn cảm thấy bị thúc giục hơn vì nỗi sợ bị bỏ lại phía sau, khi ai ai cũng đang tận dụng triệt để năm tháng mà mình có trên đời.
Áp lực phải trở nên vui vẻ trong sinh nhật
Mọi người thường có xu hướng tập trung chia sẻ những bữa tiệc tùng xa hoa thay vì những khoảnh khắc đời thường, vì những gì “đời thường” hay bị cho là không hấp dẫn.
Một vòng lặp chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc mang tính thể hiện (performative happiness) cũng có thể khiến chúng ta dễ bị áp lực phải tỏ ra vui vẻ trong ngày này.
Hạnh phúc mang tính thể hiện là khi mọi người điều hướng cách mình được nhìn nhận trên mạng xã hội thông qua việc chỉ phơi bày những trải nghiệm đỉnh cao lẫn khoảnh khắc vui vẻ. Nỗi buồn, sự thất vọng dường như là điều bị cự tuyệt trong “văn hóa” này.
Vậy nên làm gì khi bản thân không hào hứng vào sinh nhật?
Không cố gắng tích cực và luyện tập nhận thức cảm xúc của bản thân
Không cần phải cố vui vẻ trong ngày mà đáng nhẽ ai cũng vui vẻ, bởi vì lạc quan độc hại không hề giúp ích một chút nào.
Khi bạn cảm thấy tiêu cực, việc đầu tiên là chấp nhận cảm xúc như nó vốn là chứ không phải cố gắng kìm nén chúng. Việc thừa nhận cảm xúc thực sự và không cố tích cực hóa nó sẽ giúp bạn tìm thấy cân bằng và nhìn nhận thực tế.
Bạn có thể viết, theo dõi tâm trạng những ngày cận kề sinh nhật hoặc chia sẻ với những người thân thiết về nỗi lo sinh nhật sắp tới.
Chuẩn bị sẵn trước sinh nhật
Với những người trải qua nỗi sợ sinh nhật, việc ồ ạt nhận được lời chúc mừng từ những người xa lạ không phải là một ý hay. “Đi tắt đón đầu” bằng cách ẩn đi ngày sinh trên mạng xã hội là điều bạn nên cân nhắc.
Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị một số hoạt động mình thích làm để giải tỏa tinh thần và thể chất, hoặc đơn giản là có một ngày nghỉ phép và tắt tất cả các thông báo trên điện thoại.
Đón sinh nhật theo cách bạn muốn, kể cả khi đó là chẳng-làm-gì-cả
Chúng ta thường có một áp lực vô hình rằng sinh nhật là một dịp thật sự đặc biệt và có ý nghĩa lớn lao, nên cần phải tổ chức linh đình hoặc cảm thấy vui vẻ như trên mạng xã hội.
Thực chất thì sinh nhật cũng chỉ là một ngày như bao ngày. Nếu bạn cảm thấy không muốn tổ chức tiệc tùng, hãy thẳng thắn chia sẻ với mọi người về dự định cho ngày hôm đó và cảm xúc của mình.