"Các bậc phụ huynh rất thích nói cháu nhà tôi ngoan lắm, không biết gì về tiền đâu"

Với anh Tuấn - CEO của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam và AFA Capital, tích lũy các tài sản vô hình là cực kỳ cần thiết trong những năm tuổi trẻ.
Nguyễn Xuân Long
the money date

Nguồn: Nguyễn Minh Tuấn.

#TheMoneyDate là nơi những nhân vật chia sẻ góc nhìn của họ về tài chính cá nhân, sự nghiệp và cuộc sống.

Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn là Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), CEO của AFA Capital. Anh có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc về lĩnh vực ngân hàng và quản lý tài chính.

Là một người đam mê môn thể thao vua, anh Tuấn thường ra sân đá bóng cùng bạn bè mỗi khi có thời gian rảnh. Anh cũng là một fan hâm mộ lâu năm của câu lạc bộ Manchester United, dù hiện tại anh không ủng hộ huấn luyện viên Solskjaer cho lắm.

Ngồi cùng Vietcetera dịp này, anh chia sẻ góc nhìn của bản thân về tiền bạc, sự nghiệp và cuộc sống. Với anh, kỹ năng về tài chính cá nhân là đặc biệt quan trọng, vì trước khi trở nên thành công, ta cần kỹ năng này trong cuộc sống thường ngày để trở thành một công dân tốt.

1. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì anh sẽ làm nghề gì?

Được làm việc trong một thư viện luôn là công việc mơ ước của tôi, nên tôi rất muốn làm thủ thư trong Thư viện Quốc gia.

Ở đó có tất cả các loại sách trên thế giới tự cổ chí kim, được sắp xếp gọn gàng và ngăn nắp. Tôi cũng có thời gian đọc trong không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng mở sách sột soạt, được tham gia giao lưu với các tác giả nổi tiếng để nghe họ chia sẻ về tác phẩm hay thảo luận với những người cùng sở thích.

Nếu mọi công việc đều trả lương như nhau, và các yêu cầu chuyên môn của thủ thư có thể chấp nhận kinh nghiệm và học vấn của tôi thì đây chắc chắn là công việc tôi sẽ lựa chọn.

2. Nếu như được quay về 23 tuổi, anh sẽ cho bản thân lời khuyên về tiền như thế nào?

Tiền phải được dùng để xây Tháp tài sản. Tháp tài sản phải có chân đế càng rộng càng tốt. Phần này gồm các tài sản vô hình, như dùng tiền để mở rộng thế giới quan qua du lịch, học hỏi, trải nghiệm.

Tháp tài sản cần được xây từ dưới lên, với các tài sản hữu hình có độ rủi ro tăng dần. Đó có thể là từ các tài sản mang tính phòng vệ như nhà ở, cho đến tài sản tăng trưởng như cổ phiếu.

Không được biết điều này nên thời trẻ, nhiều tài sản ở chân tháp chưa được tôi xây dựng vững chắc, trong khi những tài sản ở đỉnh tháp lại quá nhiều.

3. Nếu như có 1 lời khuyên về tiền mà anh chắc chắn phải nói cho con cháu của mình, đó là gì?

Tiền chỉ là công cụ. Câu này hơi nhàm chán vì ai cũng nói, tuy nhiên tôi sẽ dặn thêm là các con phải học để biết cách sử dụng công cụ một cách thành thục.

Cũng như một vũ khí, nếu tiền rơi vào tay người biết sử dụng thì sẽ đạt được nhiều mục đích tốt đẹp, bảo vệ và nhân văn, mang lại hạnh phúc cho mình và người khác. Tuy nhiên nếu vũ khí không biết sử dụng thì sẽ biến thành công cụ để lạm dụng người khác, gây ra tội lỗi và mang lại khổ đau đôi khi cho cả chính mình.

4. Trong một thế giới hoàn hảo, anh sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?

Trong một thế giới hoàn hảo, cuộc đời đi đúng hướng như bạn mô tả thì dường như chúng ta ai cũng chỉ làm việc vì một mục tiêu nào đó.

Mục tiêu đó có thể là có một số tiền đủ lớn, một vị trí đủ cao để đảm bảo phúc lợi cho chúng ta hưởng thụ cuộc sống mãi về sau mà không cần làm việc thêm. Mục tiêu hoàn thành càng sớm sẽ càng là thước đo cho sự thành công.

Với tôi thì tôi làm việc mà không có một mục tiêu cụ thể như vậy. Tôi làm việc vì tôi cảm thấy sự tồn tại của mình được khẳng định trong công việc. Với tôi, một thế giới hoàn hảo có nghĩa tôi sẽ không bao giờ phải nghỉ hưu.

5. Anh muốn 1 tuần làm bao nhiêu giờ?

Thời gian đúng là một khái niệm tương đối, không phải cao siêu như trong lý thuyết vật lý của Einstein mà là tâm lý. Khi có một ý tưởng mới xuất hiện, tôi chỉ mong thức dậy thật nhanh, mong ngày có hơn 24h, tuần có hơn 7 ngày để thực hiện ý tưởng của mình.

Chính vì vậy tôi không đo công việc theo giờ, mà đo theo mức độ hứng thú của công việc. Tôi không có một con số cụ thể số giờ làm việc cho một tuần mà tôi luôn mong có đủ công việc hứng thú đủ để lấp đầy một tuần.

6. Nghề nghiệp yêu thích hồi nhỏ của anh là gì?

Một nhà khảo cổ học lang thang khắp các vùng đất kì bí, săn tìm kho báu như Indiana Jones. Tôi là một fan của Spielberg nên rất thích hình ảnh một người khám phá các bí ẩn và kho báu, đối diện rất nhiều hiểm nguy nhưng cuối cùng đều vượt qua.

Khi còn nhỏ tôi mong muốn mình trở thành một nhà khảo cổ hoặc một sử gia, người có thể đọc được các thông điệp từ quá khứ bí ẩn. Điều đó vẫn luôn thôi thúc tôi trong hiện tại.

7. Theo anh, có gì mà tiền không mua được?

Niềm tin. Từ cấp độ đơn giản nhất là bạn tin vào chính mình, cao hơn là có sự an tâm tin cậy của gia đình bạn bè, cho đến sự tôn trọng của đồng nghiệp và xã hội. Tôi đều nghĩ chúng không thể mua được bằng tiền.

Đơn giản vì niềm tin bền vững phải được xây dựng từ những hành động đúng đắn và lặp đi lặp lại qua thời gian. Và như bạn biết đấy, chúng ta có thể khác nhau về mọi thứ, nhưng có một điểm chúng ta đều như nhau, đó là chỉ có một quỹ thời gian hữu hạn.

8. Một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống mà trường học không dạy?

Tôi nghĩ các trường học hiện đại tập trung nhiều vào các kĩ năng để trở thành một người thành công. Ví dụ, họ dạy ngoại ngữ để trở thành công dân toàn cầu, tin học để lập trình ra phần mềm, hoặc quản trị kinh doanh để điều hành công ty đa quốc gia.

Những điều đó rất tốt và rất cần. Tuy nhiên, ngoài trở thành một người thành công thì các em cũng cần trang bị các kỹ năng trong cuộc sống bình thường, và là một công dân tốt.

Trong các kĩ năng đó tôi thấy thiếu kỹ năng về tài chính cá nhân. Thực tế thì “Cháu nhà tôi ngoan lắm, không biết gì về tiền đâu“ vẫn là câu mà các bậc phụ huynh thích nói về con mình (cười).

9. Kỹ năng nào giá trị nhất với sự nghiệp của anh?

Lắng nghe và đánh giá ý kiến người khác trên nhiều góc độ độc lập. Kỹ năng này được hình thành qua rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống.

Tôi nhận ra luôn có một khoảng cách lớn giữa điều mọi người nói ra và điều mọi người thực sự muốn, do kỹ năng diễn đạt của mỗi người là khác nhau. Sau khi thực sự hiểu thông điệp từ người khác, tôi sẽ cố gắng phân tích trên nhiều góc độ để tìm những điểm tích cực cũng như hiểu nguyên nhân để có phương án thực hiện công việc nhanh và hiệu quả nhất.

10. Kiến thức mới nhất mà anh học được?

Gần đây công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực tôi đang tập trung. Một phần do công việc thành lập một công ty Fintech, một phần do tôi nhận thấy tính ứng dụng rất cao của các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và blockchain vào lĩnh vực tài chính nói chung và tài chính cá nhân nói riêng.

Công nghệ đã giúp việc xây dựng những mô hình tài chính hành vi dựa trên số liệu lớn và thời gian thực có dự báo chính xác, và hữu ích rất nhiều cho người tiêu dùng.

11. Tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi, anh có đồng ý với quan điểm này không?

Tôi luôn cho rằng tiền là công cụ để mỗi cá nhân trao đổi giá trị. Nếu tôi làm tốt việc A, bạn làm tốt việc B, thì trong một thế giới không dùng tiền tôi sẽ làm hộ bạn việc A và đổi lại bạn làm thêm việc B cho tôi.

Tiền chỉ là công cụ giúp chúng ta có thể trao đổi giá trị giữa nhiều người hơn, và ở các thời điểm khác nhau. Chính vì vậy, cần phải hiểu nguồn gốc của giàu có và thịnh vượng phải là từ việc chúng ta có tạo giá trị hữu ích cho nhiều người hay không.

Nếu chúng ta có giá trị đó, mọi người sẽ đổi lại giá trị của họ với công cụ là tiền. Vậy nên theo tôi, để nói một cách đầy đủ, ham muốn có tiền bằng mọi giá, không tập trung vào xây dựng các giá trị thì đó mới là nguồn gốc của các tội lỗi, chứ không phải tiền.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục